Hậu truyện: Liệu có thể gọi là kết thúc viên mãn?
Chuyện đã qua lâu rồi, nhưng từ đó đến giờ ta uể oải không có tinh thần, chẳng còn cảm giác thèm ăn, chỉ biết ngẩn ngơ nhìn ra ngoài cửa sổ.
Hồ Cảnh Viêm nói hồn phách ta đã bay mất, rồi còn la hét đòi gọi hồn cho ta. Mọi người lại khinh thường hắn ta thêm một lần nữa.
Ta kể với hắn ta rằng, Tống Tuyết Ngọc từng nói, triều đại Tiền Ngụy cực kỳ trọng nam khinh nữ là vì có một đời vua nghe theo lời phương sĩ tiên đoán rằng triều Đại Ngụy sẽ diệt vong bởi tai họa từ phụ nhân. Kết quả họ càng đàn áp phụ nhân thì càng đẩy mình vào trong tai họa đó. Những chuyện mê tín dị đoan này đều chỉ hại người, chẳng có bất kỳ tác dụng nào cả.
Hồ Cảnh Viêm cười hì hì nói: "Chẳng qua ta thấy người buồn nên trêu cho vui thôi mà."
Đoàn sứ giả Hoắc La sắp về nước, về chuyện hòa thân, đã có người thay ta đi rồi.
Khi nghe tin người được chọn đi hòa thân đã định nhưng không phải là ta, ta như nổi điên chạy đến trước mặt Phụ hoàng để hỏi là ai. Phụ hoàng không nói gì, ta biết đó là người ta quen biết, ta lo lắng đến mức khóc lên, hỏi có phải là Mạnh Du Du không.
Phụ hoàng nói: "Mạnh Du Du sẽ được ban hôn cho Nhị ca con, nàng là người mà Mẫu hậu chọn làm con dâu, là Thái tử phi và Hoàng hậu tương lai."
Ta kinh ngạc, Phụ hoàng kể cho ta nghe, trong thời gian qua bọn ta gây ra nhiều chuyện như vậy, làm sao người và Mẫu hậu có thể không biết, cả hai người vừa âm thầm giúp đỡ vừa nhân cơ hội quan sát. Họ thấy Nhị ca ta điềm đạm nhân hậu, là người có tố chất làm quân vương, nhưng còn thiếu khí phách và sự tinh tường, Mạnh Du Du vừa hay có thể bổ sung những điều đó cho Nhị ca. Tuy nhiên, cũng không phải mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ như vậy, Đại ca ta một lòng một dạ muốn làm Thái tử, Phụ hoàng và Mẫu hậu cần phải tính toán thêm.
Ta nghẹn ngào hỏi, nhưng họ có yêu nhau không?
Phụ hoàng nói, Mạnh Du Du có yêu Nhị ca hay không thì người không biết, nhưng Nhị ca đã sớm say mê Mạnh Du Du rồi, ngày nào cũng "Mạnh Du Du của Mạnh gia có kiến thức cao, Mạnh Du Du nói hay quá, Mạnh Du Du thật thông minh". Phụ hoàng cảm thán, nhi tử ngày xưa đánh ba gậy cũng không thể ép ra được một câu của mình, giờ đến lúc khen ngợi nữ nhi nhà người ta thì lại có một bụng lời hay.
Ta tiếp tục hỏi, rốt cuộc ai là người thay ta đi Hoắc La.
Phụ hoàng nói là Nguyệt Lang. Trong mấy ngày ta không để ý, Nguyệt Lang đã đề xuất với Phụ hoàng việc mình có thể đến Hoắc La hòa thân. Phụ hoàng hỏi Nguyệt Lang, nàng ấy chỉ là một cung nữ, làm sao có thể khiến người Hoắc La chấp nhận. Nàng ấy bắt đầu dẫn kinh chứng điển, nói rất có lý lẽ. Phụ hoàng cảm thán, bên cạnh nữ nhi mình đúng là toàn long đong hổ lạc, tri thức của cung nữ thiếp thân ta có thể ngang với Lễ bộ Thị lang.
Cuối cùng Nguyệt Lang đề nghị, để nàng ấy tự mình đàm phán với Vương tử Hoắc La. Kết quả đàm phán là Vương tử Hoắc La đã đồng ý. Phụ hoàng cảm thấy kinh ngạc, phái người âm thầm dò la thái độ của Vương tử Hoắc La. Người được phái đi về báo với Phụ hoàng rằng, Sa Ma Ước đã nói - Nữ tử bên cạnh Công chúa khiến hắn ta vô cùng tức giận, tức giận đến mức nhất định phải cưới về, để xem ai có thể đấu võ mồm thắng được ai.
Ta chạy đi tìm Nguyệt Lang, nắm tay nàng ấy mà khóc, ta nói với nàng ấy sẽ không để nàng ấy đi Hoắc La đâu.
Nguyệt Lang cho ta xem một vật, nói đó là thứ nàng ấy dùng để thuyết phục Phụ hoàng ban cho, đó là một cây tiết trượng. Nguyệt Lang nói với ta, nàng ấy không những sẽ được phong làm Công chúa Đại Ngu với thân phận là dưỡng nữ, mà nàng ấy còn là nữ sứ giả đầu tiên của Đại Ngu, có thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ ngoại giao ở Hoắc La thay vì bị giam hãm trong hậu cung.
Nguyệt Lang nói: "Từ nhỏ ta đã theo phụ thân khổ học, nhưng phụ thân thi cử nhiều lần đều không đỗ đạt. Người thường lấy Phùng Đường để tự khích lệ mình, nói rằng một ngày nào đó bản thân cũng có thể cầm tiết trượng đến Vân Trung. Đáng tiếc phụ thân chí lớn chưa thành thì đã mắc bệnh nặng, dưới gối không có nam nhi để kế thừa chí hướng. Nhưng giờ đây, ta cũng có thể cầm tiết trượng vào Hoắc La, phát huy tài trí, kế thừa di chí của tiên phụ, thực hiện hoài bão của bản thân."
Ta bỗng cảm thấy xấu hổ, ta chỉ biết Nguyệt Lang là cung nữ mà ta yêu thích nhất, nhưng không ngờ trong lòng nàng ấy lại có một thế giới rộng lớn đến vậy.
Ta khóc và nói: "Cuối cùng trong tất cả mọi người, chỉ có mình ta là kẻ phí phạm mồ hôi nước mắt của dân, ta chẳng biết làm gì cả."
Hồ Cảnh Viêm an ủi ta, nói hắn ta và ta nửa cân cũng chẳng hơn tám lạng, hắn ta cũng là kẻ vô dụng, chỉ biết nói suông thôi.
Phụ hoàng hỏi ta, giữa Tiểu Lỗ tướng quân và Hồ Cảnh Viêm, ta muốn gả cho ai.
Ta không cần suy nghĩ đã chọn Hồ Cảnh Viêm, Phụ hoàng hỏi tại sao, ta trả lời: "Nếu gả cho Hồ Cảnh Viêm, nếu nhi thần vô tình ăn nhiều mà đánh rắm, nhi thần có thể không cần để tâm. Còn gả cho Tiểu Lỗ tướng quân, nhi thần không dám đánh rắm trước mặt huynh ấy."
Phụ hoàng cười lớn.
Sau khi đoàn sứ giả Hoắc La về nước, có lẽ Đại Ngu sẽ có chiến tranh với Bắc Kỳ.
Tiểu Lỗ tướng quân nói không lâu nữa sẽ phải về biên ải, lần này về kinh là để phối hợp chuẩn bị một số việc trước đại chiến, giờ đã chuẩn bị chu toàn mọi mặt, chàng phải về biên ải để rèn quân luyện ngựa.
Ta rất buồn bã, Tiểu Lỗ tướng quân là hình mẫu điển hình của đối tượng thầm thương trộm nhớ trong lòng thiếu nữ, chàng đã giúp ta rất nhiều, còn nhờ tiểu cô của mình cứu mạng ta nữa.
Tiểu Lỗ tướng quân an ủi ta, nói sinh mệnh của chàng đã định sẵn là sẽ dâng cho nước chứ không thể dâng cho người.
Phu nhân của chàng nhất định phải chịu đựng được những lúc phu thê xa cách lâu dài, phải tự mình lo liệu mọi việc trong cuộc sống, còn phải luôn chuẩn bị tinh thần đón nhận tin dữ tướng công mình chiến tử nơi sa trường.
Tiểu Lỗ tướng quân nói: "Gả cho ta không có ý nghĩa bằng gả cho Hồ Cảnh Viêm đâu, Công chúa hãy để hắn làm người vui vẻ mỗi ngày trong quãng đời còn lại đi."
Ta sắp khóc rồi, mắt đã đỏ hoe, Hồ Cảnh Viêm đứng bên cạnh nói: "Nhìn kìa, Công chúa vừa nghe nói phải gả cho ta đã vui đến nỗi khóc luôn rồi."
Ồn ào quá đi!
Ta nói với Tiểu Lỗ tướng quân, sau này ta có con, bất kể nam hay nữ đều sẽ gửi đến dưới trướng chàng để rèn luyện.
Hồ Cảnh Viêm lại chen ngang: "Làm cái gì như tướng quân tiên phong ấy, đừng cho làm trinh sát."
Tiểu Lỗ tướng quân cười lớn, hàm răng trắng lại lộ ra.
Hồ Cảnh Viêm trở thành phò mã khiến cả Hồ gia đều rất hài lòng, tuy nói hắn ta là thư đồng của nhị Hoàng tử, nhưng người Hồ gia vẫn luôn không yên tâm, cứ nghĩ với cái tính của tên này, không biết có dẫn Hoàng tử đi vào con đường lệch lạc không!
Nhưng Hồ Cảnh Viêm cũng không rảnh rỗi, việc buôn bán đường biển lại sắp được khởi động.
Sau khi Đại Ngu khai quốc, để phục hồi nông nghiệp, ổn định kinh tế, tạm thời Đại Ngu đã dừng việc hàng hải, giờ quốc lực hùng mạnh, đường biển sắp được mở lại lần nữa.
Nhưng các gia đình thế gia và tân quý tộc đã quen với cuộc sống an nhàn đều không muốn con cháu đi mạo hiểm, Hồ Cảnh Viêm tự nguyện xung phong coi như mở đường cho Phụ hoàng.
Ta cũng muốn đi theo, nhưng Phụ hoàng Mẫu hậu không cho.
Ta chỉ cần dùng một lý do đã thuyết phục được họ, ta nói, nếu Hồ Cảnh Viêm kiếm về một phu nhân ngoại quốc thì phải làm sao?
Thực ra ta hiểu, Phụ hoàng Mẫu hậu biết ta sống dưới lời nguyền suốt mười mấy năm tưởng chừng như vô tâm vô phổi, thực ra trong lòng ta cũng có nhiều điều bị đè nén.
Lần này thứ ta muốn ngắm là trời cao chim bay, biển rộng cá nhảy.
Ngày lên tàu, Nhị ca và Mạnh Du Du đã cố tình đến cảng Đông Quận tiễn ta, Mạnh Du Du bảo ta ghi lại hết những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi.
Trong đám đông, ta nhìn thấy Đồ Đồ, trông nàng ấy rạng rỡ tươi tắn, như một đóa hoa nở rộ dưới ánh mặt trời.
Ta tưởng mình đã nhìn thấy Tống Tuyết Ngọc, đương nhiên điều đó là không thể.
Ta biết câu chuyện của mình đã có một kết thúc viên mãn.
Nhưng trong sự viên mãn ấy, điều duy nhất còn thiếu chính là Tống Tuyết Ngọc...
(Hết)
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.