Edit: Ry
Thông báo được tất cả các cơ quan đăng lên, nội dung rất kì lạ, nói là có chuyên gia dự báo trong 24 giờ tới sẽ xảy ra một loại thiên tai cực đoan, tất cả người dân trong thành phố đều có khả năng bị thương, khuyến khích họ tới những công trình đặc biệt để tị nạn... Nói là trong công trình có một loại kĩ thuật hàng đầu giúp bảo vệ người dân khỏi thảm họa.
Không giải thích thêm gì khác, cũng không nói rõ tình trạng.
Rất nhiều người, phản ứng đầu tiên không phải là sợ hãi, mà là khó hiểu... Thiên tai gì cơ? Trốn trong nhà không được mà phải tới nơi lánh nạn đặc biệt? Chẳng lẽ là hầm trú ẩn?
Cũng có người không tin, nhất là người già tương đối cố chấp, thà ở nhà chứ không chịu đi.
Nhưng lần này lệnh từ bên trên quá cương quyết, dù là cơ quan hay trường học đều báo nghỉ. Họ dành ra một ngày để thống kê danh sách, thông báo là mỗi người dân có 500 tệ tiền phụ cấp, ai cũng được nhận, không có hạn chế, tương đương với phúc lợi cho không. Khiến cho những người đa nghi nhất, nể tình tiền trợ cấp, cũng chịu nhả ra.
Những địa điểm được công bố cũng không cách nhà họ quá xa, còn có cả xe buýt chuyên chở, ngồi xe không lâu lắm. Không mệt, bấm điện thoại một lúc là tới, còn có 500 tệ tiền trợ cấp.
Thế là hầu hết mọi người đều bằng lòng.
Tất nhiên vẫn có những vị chướng mắt 500 tệ tiền trợ cấp đó, nhất là các gia tộc bề thế ở thành phố A. Có thảm họa thật thì họ cũng có thể tự chuẩn bị nơi trú ẩn cho mình, từ hệ số an toàn cho tới vật tư đều có thể sung túc đầy đủ hơn là những công trình công cộng này.
Nhưng không biết là người lớn trong nhà trúng gió gì, mấy ông bà đức cao vọng trọng, có địa vị đặc biệt, hoặc là chủ gia tộc nắm quyền to, tất cả đều cố chấp bắt con cháu thi hành theo lệnh chính phủ, phải nghe theo thông báo. Thậm chí họ còn nói thẳng ai có vấn đề, không muốn phục tùng thì sẽ bị gạch tên khỏi gia phả.
Đám thanh niên trai tráng không hiểu gì, oán than vang trời cũng phải ngoan ngoãn bước ra cửa. Đâu thể vì chút lười biếng nhất thời mà bị thiệt được, cuộc sống sau này tính sao.
Thành phố A có nền kinh tế rất phát đạt, tổng số dân lại không nhiều lắm. Nhưng dù có phân chia ra vô số địa điểm thì cả một thành phố đồng loạt ra cửa vẫn khiến ngựa xe như nước, tắc nghẽn giao thông.
Cũng may thời gian còn nhiều, họ có thể chầm chậm tiến vào nơi trú ẩn.
Giao thông tắc nghẽn nặng nề, chính quyền buộc phải chặn đường tạo thêm tuyến đường riêng cho xe buýt chạy, áp lực di chuyển mới giảm bớt đôi phần. Quá nhiều phiền phức dồn lại, người nhận tiền trợ cấp, người lo cho an toàn của bản thân nên chủ động tới nơi trú ẩn, tất cả sự phối hợp này cũng không giúp họ bớt oán trách.
Tốn thời gian quá.
Đông người như vậy, chen nhau chật ních, hết cả chỗ để thở... Giống như ngày lễ 1/5 ở những khu thắng cảnh du lịch vậy, cảnh đâu chẳng thấy, toàn người là người, xếp hàng cũng tốn cả buổi.
Cuối cùng cũng tới nơi. Sau đó người dân phát hiện, đây chẳng phải là những nơi trước đó đóng cửa để trang hoàng sao?
Hay thật, phá tan hoang thế này ---
Những nơi này đã hoàn toàn mất đi tính mỹ quan và vui chơi của nó, chỉ còn là một vùng đất trống. Diện tích thì rộng, nhưng nó như một mảnh sân dừng chân, một cái ghế cũng không có.
Có những nơi là cao tầng, có thể chứa rất nhiều người... Nhưng mà có nhìn thế nào thì mấy chỗ này đều không được vững chãi cho lắm, phòng thiên tai kiểu gì?
Tất cả trợn tròn mắt.
"..."
Có một nơi trú ẩn còn là công viên trò chơi.
Một vài vị phụ huynh để dỗ con đã hứa hẹn sẽ mang lũ trẻ tới công viên chơi, trong đầu còn nghĩ không biết lúc đó có phải xếp hàng không, chưa chắc là đã mở đâu, mà có mở thì đông người như vậy cũng chưa chắc tới lượt mình, nhưng thôi thì kiếm việc cho mấy đứa nhỏ làm.
Không ngờ trong công viên không còn một thiết bị nào, thuần túy là vẽ bánh, bánh đẹp nhưng không có ngon.
Lũ trẻ cũng sốc, sau đó òa lên khóc: "Hu hu hu, công viên của con, xe lửa cầu vồng hu hu---"
Quá đau lòng, không phải vì bây giờ không được chơi, mà vì không biết sau này có còn được chơi không!
Người lớn cũng cạn lời: Chuyện gì đây!
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.