Tôi vốn đã đặt bàn ở một nhà hàng Tây vào buổi tối rồi, nhưng cuối cùng lại bị A Việt kéo về trường cũ.
Đây là nơi hai đứa tôi gặp nhau, quen biết nhau và cũng là nơi bọn tôi hiểu rõ về nhau, giờ đây lại trở thành chứng nhân cho tình yêu của chúng tôi.
Sau khi đăng ký ở cổng, hai đứa bước vào trường. Chú bảo vệ thì đã thay mấy đời rồi, chỉ có tuổi tác là vẫn luôn lớn như thế.
Thấy bọn tôi là cựu sinh viên quay về, chú còn khen là có tâm, biết nhớ về nguồn cội.
Nghe vậy, tôi và A Việt chỉ biết cười trừ, thực ra tốt nghiệp đã năm năm rồi mà số lần về trường thì đếm trên đầu ngón tay, dù chỗ này cách nhà chúng tôi chỉ hơn một tiếng đi xe.
Trường đã thay đổi rất nhiều, bãi đất trống ngày nào giờ đã thành ký túc xá mới, các tòa nhà giảng đường cũng được tu sửa lại toàn bộ, còn có thêm vài học viện mới nữa.
Nhà ăn thì xây thêm hai cái, cái cũ cũng đã đổi chủ, bị một công ty thực phẩm khác tiếp quản, chắc mùi vị cũng chẳng còn như xưa nữa.
Cảnh vật chẳng như xưa, mà người nay cũng khác. Thời gian bào mòn đi sự non nớt và ngây thơ của chúng tôi, để lại sự trưởng thành và kiên cường, cũng giúp chúng tôi hiểu rõ hơn điều mình mong muốn và người mình yêu thương.
Tôi và A Việt nắm tay nhau dạo bước bên hồ tình yêu trong đêm tối, thỉnh thoảng lại bắt gặp ánh mắt tò mò của mấy sinh viên đi ngang qua.
A Việt muốn rút tay ra nhưng bị tôi giữ chặt, còn cố tình đan tay mười ngón với em ấy.
"Sợ gì chứ? Ở đây đâu ai quen mình."
"Hừ, biết đâu tối nay lên confession thì có mặt hai đứa mình đấy."
"Thế thì càng tốt, tiện thể khoe ân ái miễn phí luôn! Còn làm gương cho đàn em để tụi nó đừng có ngu ngốc như anh, suýt nữa để vợ chạy mất."
"Trần Khải Thành, mặt anh dày thật đấy." Tôi thích cái kiểu A Việt mắng tôi thế này, chẳng có chút sát thương nào, lại đáng yêu muốn chết.
"Thế em thích không?"
"Không thích." Miệng nói không mà tai đỏ hết cả lên, đúng là đáng bị bắt nạt mà.
Tôi đưa tay véo má em ấy: "Không thích á? Anh thấy em thích anh muốn chết còn không kịp, làm gì có chuyện không thích?"
A Việt nở nụ cười đầy tính uy hiếp: "Nếu không phải anh kéo em thì em đã đứng cách anh hai mét rồi."
"Vậy à?" Tôi siết chặt tay em ấy rồi bắt đầu chạy, "Giờ thì xa hai mét rồi đó!"
Phía sau tôi là tiếng A Việt gào lên mắng chửi, nhưng tôi chạy không nhanh bằng em ấy, chưa được mấy bước đã bị em ấy đuổi kịp, còn bị cốc cho một cái lên đầu.
Chắc do lớn tuổi rồi, vận động cũng ít, nên mới chạy chưa được hai trăm mét mà tôi đã thở hồng hộc.
A Việt đứng bên cạnh, cười nhạo tôi: "Vận động viên điền kinh già rồi hả?"
"Vận động viên điền kinh" là một danh hiệu đáng xấu hổ của tôi hồi đại học.
Khi còn là sinh viên năm hai, tôi cá cược thua nên bị ép đăng ký chạy 10.000 mét trong đại hội thể thao. Tôi còn tỏ vẻ nghiêm túc tập luyện hai tháng, để rồi cuối cùng chạy nửa đường thì bỏ cuộc.
Kết quả là biệt danh "vận động viên điền kinh" lan truyền khắp lớp, nghĩ lại vẫn thấy quê.
Có lẽ hồi đó chỉ có A Việt là không chế nhạo tôi thôi.
Em ấy còn an ủi tôi rằng, nếu là em ấy thì chắc đến 2.000 mét cũng không chạy nổi. Nhưng tôi chẳng thấy được an ủi gì cả, vì em ấy chính là quán quân chạy 1.000 mét trong kỳ kiểm tra thể chất của lớp tôi.
Năm nào cũng chạy, năm nào cũng vô địch.
Bất giác hai đứa tôi đã đi đến khu ký túc xá ngày xưa từng ở. Bề ngoài trông cũ hơn trước, nhưng nghe nói cách đây hai năm đã lắp điều hòa mới, làm bọn tôi cũng có chút ghen tị.
Còn thứ vẫn không hề thay đổi chính là tiệm tạp hóa nhỏ sơn hồng bên dưới ký túc. Không ngờ bao năm rồi mà nó vẫn kiên trì với màu sắc từng bị cả thế hệ sinh viên chê bai.
A Việt kéo tôi vào trong, hàng hóa bày la liệt, nhiều món mới xuất hiện trông phong phú hơn hẳn hồi trước.
Tôi mua cho A Việt một lốc sữa AD canxi: "Mời em uống nguyên lốc! Anh trai em có hào phóng không?!"
A Việt lườm tôi một cái trắng mắt.
Cuối cùng, chúng tôi cắm ống hút vào cả bốn chai, tôi cầm lên, mỗi đứa hai chai.
Điểm dừng chân cuối cùng của chuyến hành trình hoài niệm này là phố ăn vặt đối diện trường. Ban ngày chỉ là một con phố bình thường chẳng có gì đặc biệt, nhưng khi màn đêm buông xuống, nó lột xác thành thiên đường ẩm thực nhộn nhịp, tấp nập người qua lại.
Nơi đây tập hợp đủ các món ăn đặc trưng từ khắp Đông, Tây, Nam, Bắc Trung Quốc, đúng nghĩa muốn gì có nấy, xứng đáng là thiên đường ẩm thực về đêm cho sinh viên quanh đây.
Hồi đó bốn đứa trong ký túc xá tối nào cũng càn quét phố ăn vặt. A Việt ít khi mua gì, nên thường xuyên bị tôi lôi đi làm chân xách đồ.
Tôi mua nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng ăn hết, vậy là tiện thể kéo A Việt cùng ăn, vừa có người chia sẻ vừa giúp em ấy bớt áp lực.
Phố ăn vặt đã thay đổi khá nhiều, các quầy hàng cũng thêm nhiều món mới. Đi một lúc, tôi mới tình cờ bắt gặp một gương mặt quen thuộc.
Là chú Trương, người bán súp thịt viên Phúc Đỉnh.
Ở chỗ chúng tôi, quầy hàng và tiệm bán thịt viên có rất nhiều, nhưng ăn thử hết một vòng rồi vẫn thấy bình thường, thậm chí có chỗ còn dở tệ.
Bạn học gốc Phúc Đỉnh của tôi còn phải lắc đầu chê: Không chuẩn, không đúng vị chút nào.
Chỉ có quầy của chú Trương là được chính chủ chứng nhận là chuẩn vị, cũng nhờ hương vị đặc biệt mà lúc nào cũng đông khách, tạo nên sự khác biệt rõ rệt so với mấy quán bên cạnh.
Thịt viên ở đây thì dai giòn sần sật, nước dùng thanh mà đậm đà, rong biển mềm mịn, nguyên liệu tươi ngon, còn có đủ loại gia vị như giấm, ớt ngâm, rau mùi, hành lá... Tất cả đều được nêm nếm rất vừa vặn. Đặc biệt là giấm, nhìn thì chẳng khác gì mấy loại khác, ngửi cũng không có gì đặc biệt, nhưng khi ăn vào thì hương vị lại ngon đến lạ kỳ, làm dậy lên độ tươi ngon của thịt viên. Lần nào tôi cũng phải cho một muỗng mới thấy tròn vị.
Không ngờ chú Trương vẫn nhớ chúng tôi, thậm chí còn ưu ái cho một suất chen ngang hàng.
"Hai đứa hồi đó gần như ngày nào cũng ghé, sao mà quên được? Nhất là nhóc này, miệng lanh như quỷ, chắc trên đời cũng chỉ có cậu bé này chịu nổi thôi."
A Việt cười ngại ngùng.
Còn tôi? Còn lâu mới khiêm tốn như thế: "Đúng rồi, đúng rồi, ngoài em ấy ra thì còn ai chịu nổi con nữa đâu!"
Chú Trương nghe xong cũng bật cười.
A Việt là người nghiện rau mùi, lần nào ăn cũng cho cả nắm. Em ấy còn nghiêm túc tuyên bố, rằng rau mùi chính là thiên thần của gia vị, là cứu tinh của những món ăn dở. Bất cứ món nào hỏng chỉ cần thêm rau mùi là sống lại ngay.
Lúc đầu tôi khinh thường lắm, nhưng sau này bị A Việt ảnh hưởng nên cũng mê luôn.
Dù vậy tôi cũng không cuồng như em ấy, chỉ thỉnh thoảng cho một ít vào thôi.
Tôi cố tình trêu: "A Việt này, em xem, ở cùng ký túc xá chưa tới hai năm mà anh đã được em dạy cho ăn rau mùi rồi. Nhiều khi thời gian không quan trọng, cái gì thuộc về mình thì sẽ là của mình, cái gì không phải của mình thì có đợi bao lâu cũng chẳng tới. Chẳng hạn như em không học nổi ăn cay, nhưng anh thì học được ăn rau mùi, vậy nên em cũng nên tin rằng anh có thể học cách yêu em."
"Anh còn để bụng chuyện đó hả?" A Việt cúi đầu cắn một miếng thịt.
"Tại ai không chịu tin anh trước?"
A Việt không nói gì mà luồn tay xuống bàn nhéo đùi tôi một cái. Ý đại khái chắc là: "Xin lỗi nha, từ giờ sẽ tin anh."
Đừng hỏi sao tôi biết, bạn thân tám năm đấy! (Vợ của tôi, tôi hiểu!)
Tôi nhìn em ấy, hỏi: "Mà sao hôm nay lại dẫn anh đến đây?"
"Vì đây là nơi giấc mơ của em bắt đầu. Giờ giấc mơ thành sự thật rồi, nên em muốn báo tin đầu tiên cho nó."
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.