🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau

Trở lại Hầu phủ, những người còn lại trong gia đình vẫn chưa trở về, chỉ có hai bà cháu dùng cơm cùng nhau.

Xung quanh không có ai, Hồ lão phu nhân kể lại tình hình hiện giờ của Hoàng hậu.

“Gầy đi rất nhiều, hai mắt vô hồn, trông có vẻ đần độn…”

Bà nhịn không được, suýt chút nữa đã rơi lệ.

Mặc dù về sau bà có hơi bất mãn với cách làm của Hoàng hậu, nhưng dù sao thì đó cũng là khuê nữ của bà mà… sống trong vinh quang bao nhiêu năm nay, bỗng chốc suy tàn như thế, sao mà nó có thể chịu đựng được?

Khúc Ngưng Hề có phần thổn thức, nhưng nàng không hề đồng cảm.

Tất cả đều do chính bà ta tự lựa chọn, chỉ là bây giờ những lựa chọn ấy không đưa bà ta tới thành công, nên nhìn bà ta có vẻ đáng thương là phải.

Nếu Bùi Tĩnh Lễ thành công bức vua thoái vị thì sao? Đến lúc đó, ai mới là người khóc, ai mới là người đáng thương đây?

Nàng hỏi: “Vì sao cô mẫu không đi?”

Nếu bà ta ở lại trong cung, dù không chết thì cũng sẽ bị tống vào lãnh cung.

Dù bà ta có không bị đối xử hà khắc ở lãnh cung đi chăng nữa… thì đối với một người làm mẹ mà nói, việc phải sống một cuộc sống mà con cái không thể ở bên cạnh mình, sẽ vô cùng khó khăn.

“Nó không chịu đi, muốn ở lại xin bệ hạ rủ lòng thương xót.”

Đáng thương thay cho tấm lòng cha mẹ trong thiên hạ, cuối cùng thì bấy giờ Hồ lão phu nhân cũng không thể nhịn thêm được nữa, bà lấy cầm khăn tay lên mà lau khóe mắt.

Mấy năm qua, lúc nào bên cạnh Thiên Khánh Đế cũng có những gương mặt mới mẻ cả, nhưng công bằng mà nói, Khúc Hoàng hậu quả không phải là một sự tồn tại tầm thường.

Năm đó, Lục Hoàng hậu được tiên đế và bá quan lựa chọn, mà chính tay Thiên Khánh Đế lại lựa chọn Khúc thị.

Bất kỳ ai cũng thế, nếu bị ép phải làm việc gì đó… thì người ta đều có thể tìm ra được rất nhiều khuyết điểm từ việc ấy.

Không chừng Khúc Hoàng hậu có thể thuyết phục được ông ta, cuối cùng còn thành công khiến cho ông ta phải tha thứ cho Nhị Hoàng tử thì sao? Có khi đến khi đó hắn ta chỉ bị giáng xuống làm thường dân thôi thì sao?

Khúc Ngưng Hề khuyên lão phu nhân vài câu, chuyện đã đến nước này rồi, nàng có nói nhiều thêm thì cũng vô ích, nàng chỉ đành đổi chủ đề, nói đến chuyện cha mẹ nàng sắp về kinh.

Còn nhắc tới chuyện Tam lang đi học.

Thái tử chủ động lên tiếng đề cập tới Ngụy Tung tiên sinh, đây là cơ hội hiếm có, không thể bỏ lỡ.

Tuy nói thư viện Kỳ Bắc phải sang năm sau mới khai giảng, nhưng phải đưa ra quyết định càng sớm càng tốt. Vì trước tiên họ phải gửi thư cho Ngụy Tung tiên sinh, sau đó lại chuẩn bị một phần lễ vật để chúc mừng năm mới, sau đó nữa, Khúc Viên Thành mới đưa nhi tử đến tận nhà thăm hỏi người ta.

Những quy tắc lễ nghĩa này không thể làm qua loa được.

Nương theo lời của Khúc Ngưng Hề, quả nhiên sự chú ý của lão phu nhân đã chuyển hướng sang chuyện này.

Hiện giờ, điều đáng lo lắng nhất trong nhà chính là việc học của Khúc Doãn Thiệu.

Nam đinh Khúc gia ít ỏi, đây chính là độc đinh của bà.

Bà cũng giống như Chu thị, cũng hy vọng Tam lang sẽ chăm chỉ học hành, sau này sẽ tham gia vào khoa cử, không nên giống như cha cậu ta, chỉ mong chờ và núp bóng dưới sự che chở của tỷ muội trong nhà.

Đương nhiên là, nếu Khúc Ngưng Hề thuận lợi trở thành Thái tử phi, nàng sẽ phải “quan tâm” đến Khúc Doãn Thiệu nhiều hơn, thế thì họ càng phải nắm chắc cơ hội “khảo thủ công danh” này!

Bằng không, đến cả tú tài mà cậu ta cũng không thi đậu nổi, thì sao sau này có thể làm quan được chứ?

Khúc Ngưng Hề nói mẫu thân không vừa ý cho lắm, nàng vừa mở miệng nói thế, Hồ lão phu nhân đã biết ngay: “Chắc chắn là mẫu thân cháu lại lo lắng vì Tam lang phải đi học quá xa nhà đây mà, nó thật là hồ đồ!”

“Chuyện liên quan đến tiểu đệ, dù lớn dù nhỏ, mẫu thân đều muốn tự làm cả, nên tất nhiên là bà ấy không thể bỏ qua chuyện này được rồi ạ.” Khúc Ngưng Hề đã biết điều này từ lâu.

“Có gì đâu mà phải do dự?” Lão phu nhân cau mày, nói: “Trước kia bọn nó có thể vì năng lực của một Ngạn Đàn mà đòi gả cháu đi, bây giờ đến phiên nó phải hy sinh bản thân mình thì nó lại không muốn à?”

Bà không muốn quản việc vặt của Hầu phủ, Chu thị không có ở đây, chẳng phải là họ vẫn còn có Diệp di nương sao?

Nhưng mà Chu thị lại không nỡ, nếu Hầu phu nhân là bà ta mà rời phủ, rồi giao “đại bản doanh” này lại cho thiếp thất xử lý, bà ta sẽ không thể chịu nổi.

Nếu khi đó Ngạn Đàn đồng ý thu nhận Khúc Doãn Thiệu, vậy thì cả nhà đều vui, người này xuất sắc cả về thi thư lẫn hội họa, chắc chắn là qua vài năm nữa thôi, y sẽ là đại nho đương thời.

Bây giờ, y tuy vẫn còn trẻ, nhưng thanh danh đã vang xa, người đến xin làm học trò của y nhiều đến nỗi đếm không xuể.

Hồ lão phu nhân chỉ than thở rằng hài tử nhà mình không được như mong đợi, tuy bà thừa nhận năng lực của Ngạn Đàn, nhưng không tán thành việc gả cháu gái đi để trao đổi.

Nếu năng lực của Tam lang cao hơn một chút, thì người trong nhà còn cần phải bận rộn ngược xuôi như vậy sao?

Cũng không thử nhìn ra mấy hài tử ngoài kia mà xem, chúng mà được các tiên sinh tư thục dạy dỗ là đã tốt lắm rồi, chuyện này cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc thi cử của chúng cả.

Lão phu nhân vừa lẩm bẩm, vừa gõ gõ gậy lên nền đất mà đưa ra quyết định: “Nhất định phải đến Kỳ Bắc, Tam lang không thông minh, cần có danh sư chỉ điểm. Mẫu thân cháu thì cứ ở lại đi, đích thân bà già này sẽ đi.”

“Cái gì cơ ạ?” Khúc Ngưng Hề kinh ngạc: “Tổ mẫu muốn đến Kỳ Bắc sao?”

Chuyện này… có phần đột ngột quá.

Hồ lão phu nhân lại nói: “Ta rời kinh một thời gian cũng tốt, nhân lúc thân thể còn khỏe, ta tranh thủ đi đến nhiều nơi một chút.”

Nếu bà đoán không sai, chắc chắn là Hoàng hậu sẽ bị tống vào lãnh cung.

Đến lúc đó, người ngoài sẽ không thể đến thăm, bà có ở lại Thượng Kinh thì cũng sẽ khó mà tránh khỏi việc lo bóng sợ gió: “Việc quan trọng nhất trong nhà bây giờ là đốc thúc Tam lang học hành, cha mẹ cháu hồ đồ, ta không yên tâm để bọn nó đi theo.”

Khúc Ngưng Hề do dự: “Nhưng đi đường rất mệt, thật sự là…”

“Ta đã đi núi Bạch Dân rồi, đi chậm một chút cũng không sao cả…” Lão phu nhân dừng một chút, sau đó lại thở dài một tiếng và nói: “Vừa hay… nếu ta đi rồi, đỡ cho cô mẫu của cháu lại thuyết phục ta tìm tới cháu để xin cháu giúp đỡ.”

“Cô mẫu còn muốn cháu làm gì nữa ạ? Cô mẫu vẫn nên từ bỏ ý định này đi thôi.”

Chẳng lẽ còn muốn nàng thám thính Đông Cung, đối phó Thái tử nữa à?

Tuy nhiên, dù không phải là để đối phó, dù chỉ đơn giản là để tìm lối thoát… có lẽ, Hoàng hậu sẽ không dễ dàng buông tha cháu gái bà ta như vậy.

Lão phu nhân đang lo lắng điều này, quả nhiên bà là người có tầm nhìn xa trông rộng.

Ngày hôm sau, trong cung truyền ra tin tức bệ hạ đã tỉnh, bá quan đều vô cùng vui mừng.

Ông ta hôn mê tận hai, ba ngày, nhưng chuyện triều chính lại không hề hỗn loạn.

Có Thái tử giám quốc, Thừa tướng tả hữu hai bên phò chính, cùng với sự hỗ trợ của Thái sư và các trọng thần… Họ đã không chỉ xử lý tin cấp báo tới từ các nơi vào cuối năm, mà còn giải quyết vấn đề thành Phủ Dương một cách ổn thỏa.

Ban đầu, Hộ bộ đã chi ra một khoản tiền cứu trợ thiên tai, sau đó, số vàng mà Thái tử tìm được ở hang sói đã bổ sung thêm được một khoản tiền cho dân tị nạn ở địa phương, phần nào đỡ đần cho họ chút chi phí sinh hoạt vào mùa đông và Tết.

Và vào trước đêm giao thừa, những ngôi nhà do triều đình xây dựng đã được hoàn thiện, lưu dân đã có thể chuyển vào ở, không cần phải di dời đi đâu, và không đến mức không có mái ngói che thân ngay dịp Tết.

Kể từ đó, tất cả mọi người đều vô cùng vui mừng, chẳng những thành Phủ Dương không rơi vào tình cảnh hỗn loạn vì tai họa, mà họ còn vô cùng biết ơn triều đình.

Thậm chí là, khi người dân ở những nơi khác nghe tin, họ đều có phần “đỏ mắt ghen tị” với việc dân chúng nơi đây ai cũng có một căn nhà mới miễn phí để ở.

Hiện giờ, mọi vấn đề đều đã được xử lý ổn thoả, thế nên, chuyện quan trọng nhất đã trở thành chuyện Nhị Hoàng tử hợp tác với Nghị Viễn Hầu bức vua thoái vị.

Sau khi Thiên Khánh Đế tỉnh lại, nữ hầu rót một chén canh thuốc cho ông ta, rồi khi ông ta thấy Thái tử cùng với những tiểu nhi nữ khác canh giữ ở bên giường rồng, lòng ông ta ấm áp, như được an ủi ít nhiều.

Sắc mặt ông ta đã cải thiện được phần nào, ông ta lập tức ra ý chỉ xử lý, xóa tên Bùi Tĩnh Lễ khỏi gia phả hoàng thất, giáng xuống làm thường dân, ra lệnh các nơi truy nã lùng bắt.

Giờ đây, Đại Hoàn không còn Nhị Hoàng tử, Bùi Tĩnh Lễ đã trở thành tội phạm truy nã trên toàn quốc.

Sự trừng phạt dành cho Mông Thiên Thạch kua còn nghiêm khắc hơn nữa. Có lẽ, không chỉ có mỗi mình Hàm Thái, mà hẳn là phía Tây Bắc bên kia… đã cấu kết lại và tạo phản từ sớm rồi.

Sầm Bỉnh Quận đã phái mấy đội kỵ binh chặn lại, nhưng cuối cùng, bọn chúng vẫn may mắn chạy thoát được.

Vương Thừa tướng chất vấn Định Tuyên Đại Tướng quân, tuy nói là ông có công hộ giá, nhưng vì sao lại về kinh sớm.

Sầm Bỉnh Quận giải thích là vì ông nhận được mật thư, ông sợ rằng nếu mình “rút dây động rừng” thì Mông Thiên Thạch sẽ lấy tính mạng bệ hạ ra uy hiếp chư vị, cho nên ông mới âm thầm hành quân.

Lý do này đã đủ để thuyết phục tất cả mọi người. Vì nếu ông không chặt đứt binh mã từ Hàm Thái tới viện trợ, làm kế hoạch của Mông Thiên Thạch rối loạn, thì có lẽ bệ hạ đã bị chúng bắt rồi.

Mông Thiên Thạch là tướng soái có tài, biết rõ tầm quan trọng của việc bắt giữ đế vương, nên ngay lúc lão ta quyết định bỏ Thượng Kinh chạy trốn, lão ta cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể đưa Thiên Khánh Đế đi.

Nhưng Thiên Khánh Đế đã được một đám cao thủ bảo vệ, vì không có người tiếp ứng, nên lão ta không dám ở lại quá lâu, cuối cùng, không còn cách nào khác nên chỉ đành mang thánh chỉ theo.

Theo như kế hoạch, sau khi trở lại Tây Bắc, lão ta sẽ tuyên bố rằng Bùi Tĩnh Lễ đã lên làm Thái tử, buộc tội đám người Thái tử và Thái sư mưu hại quân chủ, hiện giờ Thiên Khánh Đế ở trong Hoàng thành không phải “bản gốc”, mà chỉ là một “con rối”.

Lời nói của lão ta chỉ có thể đánh lừa thiên hạ, sẽ không có quá nhiều người tin tưởng.

Thiên Khánh Đế cực kỳ tức giận, lập tức lệnh cho Định Tuyên Đại Tướng quân thảo phạt Tây Bắc.

Ông xuất binh đối chiến, cần phải chiếm lại mấy thành trấn kia, rồi xử tử cha con Mông thị.

Vương Thừa tướng hơi lo lắng, lúc Nghị Viễn Hầu về kinh, ông ta nói là muốn chọn vài con ngựa cho mấy tiểu bối trong nhà, nên lúc ấy ông ta đã dâng lên cho bên hạ vài con ngựa quý có dòng dõi danh giá.

Chẳng lẽ lão ta đã có ý tạo phản ở Tây Bắc từ lâu rồi sao? Biết đâu lão ta đã âm thầm nuôi dưỡng lũ ngựa này với số lượng lớn thù sao?

Về vấn đề chăn nuôi ngựa chiến, Tây Bắc có lợi thế về địa lý, nơi ấy có thảo nguyên rộng lớn, dân du mục nhiều, chủng loại ngựa cũng đa dạng, lại càng không thiếu người chăn nuôi ngựa giỏi.

Còn Mông Thiên Thạch thì chỉ cần cung cấp đủ tài chính hỗ trợ, qua chừng mười mấy năm như vậy thôi, thì nơi đó sẽ có những bước tiến nhất định.

Bên cạnh dã tâm, con người ta cần phải có thêm những sự hỗ trợ khác nữa, như là sự hỗ trợ về vật tư, vũ khí, ngựa chiến, lương thực, và cả binh lính nữa… Tất cả đều quan trọng, không thể thiếu được.

Mà, ngoài biên giới Tây Bắc lại chính là Phổ Lạc Cam.

Một tiểu quốc nhỏ bé, sức uy hiếp không lớn, nhưng tiểu quốc này đã từng nổ ra xung đột với Đại Hoàn, không thể không đề phòng được.

Định Tuyên Đại Tướng quân không nói năng gì, chỉ lĩnh mệnh mà đi, nhanh chóng kiểm kê tướng sĩ rồi lên đường rời kinh.

Thảo phạt Tây Bắc là việc bắt buộc phải làm, ông lại là người thích hợp nhất, và ông cũng đã sớm đoán trước được điều này. Ngày đó, khi ông đến Đông Cung bái kiến Thái tử, hai người đã bàn bạc chuyện này với nhau.

Bởi vì Hoàng đế đã tỉnh lại, trên dưới triều đình cũng đã trở lại bình thường. Trước đó, Thái tử đã mời thần y về hỗ trợ Thái y viện bắt mạch, khám và chữa bệnh, nên tình hình của bệ hạ bây giờ không còn đáng lo ngại nữa, chỉ cần loại bỏ chứng phát ban trong cơ thể ông ta nữa thôi.

Hiển nhiên là việc hắn mời thần y về này đã khiến cho hàng trăm bá quan phải lên tiếng tán dương đạo hiếu nghĩa của hắn.

Cái gọi là bệnh phát ban này… chính là di chứng để lại sau khi Thiên Khánh Đế dùng số đan dược kia, mỗi tháng ngự y đều xin ghi chép mạch, nhưng không ai được giữ lại bản mạch án đó.

Ở một mức độ nào đó, Thiên Khánh Đế là một người rất xem trọng bản thân mình, người ta có thể thấy rõ điều này qua niên hiệu của ông ta.

Thiên tử là thiên tử, ai dám tuỳ tiện dùng chữ “Thiên” này đâu?

Ông ta cực kỳ coi trọng thanh danh của mình, bao gồm việc sử sách ghi chép như thế nào, đây cũng chính là nguyên nhân vì sao Bùi Ứng Tiêu lại phải dùng “trăm phương ngàn kế” để “dây dưa” với Mộc Thương Hạnh như thế kia.

Chỉ kéo người xuống thôi thì có ích lợi gì? Hắn sẽ đánh tan thứ mà ông ta quan tâm nhất, sau đó lại giáng cho ông ta một đòn trí mạng.

Trước mắt, bệnh phát ban này không thể che giấu được nữa, mà bản thân Thiên Khánh Đế cũng rất quý trọng mạng sống của mình, thế nên, ông ta đã tiết lộ sự thật và tiếp nhận điều trị.

Nhưng ông ta không nói ban đêm mình gặp quỷ nên mới sợ hãi, chỉ nói là thỉnh thoảng gặp ác mộng, ngủ không yên giấc.

Chút nguyên nhân bệnh nho nhỏ này sẽ không bị Sử quan ghi chép lại quá nhiều.

Khi bắt mạch cho ông ta, thái ý đã xác nhận là do chứng rối loạn hoảng sợ.

Bấy giờ Bùi Ứng Tiêu cũng không có ý định khiến ông ta hoảng sợ và lo lắng thêm nữa, hắn đã “dọn dẹp” hết những “thứ” đáng sợ ấy từ trước rồi.

Thiên Khánh Đế tiếp nhận trị liệu, chăm chỉ uống thuốc, khí sắc cải thiện rất nhanh chóng.

Khi không nhìn thấy những bóng hình quỷ dị kia nữa, gần như ông ta đã nghi ngờ rằng… có khi là do cơ thể mình suy nhược nên mới sinh ra ảo giác như thế, chứ trên đời này làm gì có ma quỷ đâu?

Tuy nhiên, chắc chắn là ông ta không thể thoát khỏi được thứ “tâm bệnh” này.

Qua thêm một thời gian nữa, triều đình đã yêu cầu ban thưởng thật hậu hĩnh cho thuộc hạ cũ của Lục gia, hóa ra những người này đều là tướng sĩ cũ đã xuất ngũ.

Bọn họ ghi nhớ sâu sắc ân nghĩa của Lục gia năm ấy, sau đó, nhờ có Lục Diễm Hoa kêu gọi, nên một lần nữa, bọn họ đã quyết định cầm vũ khí lên mà liều mạng chém giết, quyết mở cổng thành Thượng Kinh.

Nhờ họ hợp tác mở ra một con đường, nên kỵ binh của Định Tuyên Đại Tướng quân mới có thể thuận lợi cứu giá.

Thiên Khánh Đế nghe xong thì trầm mặc, đôi mắt đục ngầu không sao có thể bình tĩnh được. Lục gia, lại là Lục, dòng họ này còn “âm hồn bất tán” hơn cả oán quỷ, xem ra là hai chữ “Lục gia” này sẽ ám ông ta cả đời mất thôi!

Vì có chư vị đại nhân đứng ở ngự tiền, cuối cùng thì ông ta vẫn đành phải kìm nén cảm xúc của mình lại.

Ông ta trầm giọng ra lệnh ban thưởng kim ngân tơ lụa cho hơn trăm người này.

Về phần Lục Diễm Hoa, hắn ta cũng được ban thưởng không ít, người ta tán dương sự trung dũng của gia đình hắn ta, cảm thán quả đúng là “hổ phụ không sinh khuyển nữ”.

Sau đó, dưới sự nhắc nhở của Thái hậu, Thiên Khánh Đế đã xử lý Khúc Hoàng hậu, không nằm ngoài dự đoán, bà ta đã bị tống vào lãnh cung, không một ai được phép đến thăm hỏi.

Trong số các vị phi tần, Cung Thục phi là người lớn tuổi nhất, bà ấy đã ở trong cung nhiều năm, mặc dù chưa sinh được hài tử nào nhưng vẫn luôn an phận dịu dàng, nên tạm thời phượng ấn được giao phó cho bà ấy, bệ hạ lệnh cho bà ấy xử lý mọi việc trong hậu cung.

Kể từ đó, mấy kẻ chủ mưu trong vụ bức vua thoái vị đều phải nhận về những hậu quả mà họ đáng phải nhận. Sau nhiều cuộc tranh luận, sự việc mới dần dần lắng xuống.

Nào có ai ngờ được rằng… từ hậu cung ra đến tiền triều lại có thể phát sinh ra nhiều biến động lớn đến vậy chỉ sau có một tháng ngắn ngủi như đâu?

Nếu Bùi Tĩnh Lễ thành công, chỉ e là cả Đại Hoàn này sẽ bị đảo lộn lên mất thôi.

Sau khi Khúc Hoàng hậu bị tống vào lãnh cung, vừa hay mấy người phủ An Vĩnh Hầu cũng trở lại Thượng Kinh.

Bọn họ ở thành Phủ Dương, nghe nói là Thượng Kinh đã được giải vây mới vội vàng trở về.

Nhưng vì hai nơi cách nhau không gần, cộng thêm thời gian truyền tin qua lại, rồi lại công thêm cả thời gian đi lại, nên vẫn phải mất thêm mấy ngày họ mới về được.

Thánh chỉ đã ban, Khúc Viên Thành không thể gặp Hoàng hậu nữa, nên ông ta không nhịn được mà than ngắn thở dài.

Chu thị khuyên ông ta, dù có gặp được thì cũng không thể giúp được gì, lão phu nhân đến thăm như thế là đủ rồi.

Đích thân bệ hạ nói là không ai được phép tiếp xúc với Hoàng hậu, thế thì có ai dám làm trái thánh ý đâu?

Giờ đây, Hầu phủ bị chịu ảnh hưởng không ít, phải “cụp đuôi” khiêm tốn một thời gian mới được.

Hơn nữa, vì trong phủ còn có một vị Thái tử phi tương lai, nên tình hình phức tạp hơn dự đoán một chút.

Người ngoài lén lút bàn luận với nhau rằng, phủ An Vĩnh Hầu rất giỏi “luồn cúi”, Nhị Hoàng tử tạo phản mà bọn họ chẳng hay biết gì cả, đúng lúc đó còn vội vàng rời kinh để chịu tang nữa chứ.

Trên đời này, nào có chuyện gì trùng hợp được như thế đâu?!

Rõ ràng là họ đang cố ý lấy lòng, đánh cược xem bên nào thành công đó! Mà đây lại là hành vi khiến người ta thấy khinh thường nhất!

Những suy đoán ác ý này liên tục vang vọng bên tai, ngoại trừ một số người vốn đã không thích một nhà Khúc thị ra, thì còn có một số kẻ “đục nước béo cò” [*] trà trộn vào.

[*] Đục nước bèo cò: mô tả hành vi lợi dụng sự hỗn loạn hoặc khó khăn của người khác để trục lợi cho bản thân.

Họ nói ra mấy lời cay độc như thế chỉ để ngăn cản hôn ước của Thái tử.

Rất nhiều người đang theo dõi người được chọn làm Thái tử phi hết sức sát sao.

Chu thị cùng mọi người trong nhà bàn bạc với nhau rằng, hiện giờ họ không còn chỗ dựa nữa, phải giữ lại vị trí Thái tử phi này bằng mọi giá.

Bà ta cản Khúc Viên Thành lại, bảo ông ta đừng cố gắng hỏi thăm Khúc Hoàng hậu nữa.

Vị trí Hoàng hậu này vẫn chưa bị xóa bỏ, chỉ bị đày vào lãnh cung thôi, bà ta vẫn còn ngồi trên chiếc ghế Hoàng hậu này đó, còn có thể xảy ra chuyện gì to tát nữa đâu?

Chẳng thà dành thời gian để suy nghĩ về nhà mình nhiều hơn, suy nghĩ xem sau này phải làm sao.

Khúc Viên Thành nhanh chóng nghe lọt tai, vốn dĩ tình cảm tỷ đệ giữa ông ta và Khúc Hoàng hậu cũng chẳng sâu đậm gì, tất cả chỉ vì lợi ích xen lẫn trong ấy mà thôi.

Người ngoài chỉ nói đúng một phần thôi. Vì An Vĩnh Hầu mới chính là “cây cỏ đầu tường”, mới là kẻ do dự giữa hai phe, nhờ có sự kiên trì của Khúc Ngưng Hề nên ông ta mới miễn cưỡng đặt cược vào đúng phe thôi.

Bấy giờ Khúc Viên Thành còn đang mừng thầm, may mà trước đó ông ta không vội vã chạy về kinh lôi kéo quan hệ với Bùi Tĩnh Lễ, bởi vì không có mặt ở đây, nên ông ta mới tránh được một kiếp nạn.

Khúc Ngưng Hề cũng lười nhìn cái cảnh cha mẹ nàng thay đổi sắc mặt, nàng chỉ phối hợp với lão phu nhân, quyết định con đường học vấn của Khúc Doãn Thiệu.

Con người không thể lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng có thể quyết định phương hướng mà mình muốn đi trong tương lai.

Nếu họ vẫn còn tiếp tục giữ tiểu đệ lại để nuôi dưỡng theo cách thức ấy, thì chẳng khác nào họ đang khoang tay ngồi nhìn cậu ta ngày một trở nên vô dụng.

Cơ hội đi Kỳ Bắc này tới vô cùng đúng lúc, để cậu ta đi học xa một chút, ngoài tầm với của đôi phu thê này, để tránh cho hai người họ lại gây chuyện.

Nếu chỉ có một mình Khúc Ngưng Hề lên tiếng nói về việc này, khả năng cao là sẽ không thành, vì cha mẹ nàng chưa bao giờ nghe theo đề nghị của nàng.

Nhiều lúc còn khiến nàng không muốn mở miệng nữa, vì nói với họ chỉ thêm phần “uổng phí lời ăn tiếng nói” của bản thân thôi.

Nhưng may mà bấy giờ đã có Hồ lão phu nhân ra mặt, là người có bối phận cao nhất trong Hầu phủ, bà lập tức đưa ra quyết định, năm sau Khúc Doãn Thiệu phải đi học.

Nhờ Thái tử đứng giữa giúp “giật dây”, Khúc Ngưng Hề đã viết một phong thư gửi cho hắn trước.

Sau khi nhận được hồi âm từ Bùi Ứng Tiêu và một lá thư tiến cử viết tay, Khúc Viên Thành không đổi ý nữa.

Chỉ có kẻ không biết điều mới phụ lại ý tốt của Thái tử thôi!

Ông ta lập tức liên lạc với bên Kỳ Bắc, chào hỏi Ngụy Tung tiên sinh, nhanh chóng thông báo việc này với ông ấy để lỡ chẳng may năm sau không còn chỗ cho Tam lang.

Chu thị đã “đấu tranh” một phen rồi sau đó mới bình tĩnh tiếp nhận, bà ta nhanh chóng chuẩn bị một phần lễ vật và lễ bái sư cho năm sau.

Vì tương lai của nhi tử, bà ta cắn răng, quyết định bỏ lại cả Hầu phủ này mà theo cậu ta đến Kỳ Bắc.

Chút quyền lực chủ mẫu chưởng quản nội trợ này… sao có thể sánh với Tam lang của bà ta được? Tốt hơn hết là cứ giao cho Diệp di nương quản lý đi.

Bà ta vô cùng quyết tâm, nhưng Khúc Ngưng Hề đã nói cho bà ta biết một chuyện…

Nội quy trong thư viện ở Kỳ Bắc rất nghiêm ngặt, học trò đã vào đó học rồi thì không được tự tiện ngủ ngoài, hơn nữa, một tháng được ra ngoài bao nhiêu lần thì đều có quy định cả, phải xin phép tiên sinh.

Kể từ đó, việc “cai sữa” đã có hiệu quả, thành công ngăn chặn hành vi “đi đâu theo đó”, cưng chiều con cái quá mức của một số bậc phụ huynh.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Chu thị khó mà tiếp nhận được việc “bảo bối” Tam lang nhà mình phải đơn độc xa nhà ở độ tuổi non trẻ như vậy.

Điều này… sao có thể?!

Vì chuyện này mà Chu thị lo lắng mất mấy ngày, nhưng đây là chuyện mà cả nhà đã nhất trí đồng ý, Thái tử cũng đã viết thư rồi, dù bà ta có nói gì đi chăng nữa… thì cũng vẫn không có ai chấp nhận cả.

Chương trước
Chương sau
Trang web đọc truyện online hàng đầu Việt Nam, cung cấp kho truyện phong phú với các thể loại như tiên hiệp, kiếm hiệp, ngôn tình, truyện teen và truyện đô thị. Tất cả các tác phẩm đều được chọn lọc kỹ lưỡng bởi các tác giả và dịch giả uy tín, mang đến trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời nhất cho bạn!
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.