Nàng mơ mơ màng màng thiếp đi, chẳng rõ là vì hoảng sợ đến ngất lịm, hay chỉ vì quá mỏi mệt mà ngủ quên mất. Khi tỉnh dậy, ánh sáng ngoài trời đã lên cao.
Vi Huấn cùng Thập Tam Lang đang ngồi dưới mái hiên thì thầm trò chuyện. Con lừa thong dong dạo bước trong sân, hết thảy đều yên ổn, cứ như đêm qua mọi sự kỳ quái chỉ là cơn mộng dữ của riêng nàng.
Thập Tam Lang vừa nhăn nhó vừa càu nhàu: “Dao này dính mùi cá, cắt lê mà như cắt sắt vậy..”
Vi Huấn không buồn ngẩng đầu, hờ hững đáp: “Đệ cứ cầm mà gặm là được cần gì phải cắt thành miếng.”
Thập Tam Lang lại lèm bèm: “Còn không phải do đại sư huynh sao, làm cá kỹ như chuẩn bị cho Cửu Nương dùng, ta ăn chay mà cũng bị vạ lây.”
Bảo Châu lúc ấy hãy còn ngái ngủ, nhưng nghe đến tên mình thì bừng tỉnh một nửa. Nàng cúi đầu đếm số mũi tên trong túi da, quả nhiên thiếu mất sáu chiếc. Tức thì không nói không rằng, cúi người nhặt một mảnh ngói vỡ từ góc tường, nhắm thẳng lưng Vi Huấn mà ném.
Tên đạo mộ kia đầu không ngoái, tay không rời cá, chỉ hơi nghiêng người xoay cổ tay một cái, đã bắt gọn mảnh ngói như tiện tay hứng quả. Hắn thản nhiên vứt ra ngoài viện.
“Cửu Nương tỉnh rồi.”
Thập Tam Lang vẫy tay gọi: “Cá nấu xong rồi, mau lại ăn sáng đi, lạnh là tanh lắm đó!”
Bảo Châu uể oải gom lại tóc, phủi bụi rơm dính trên người, rồi chậm rãi bước ra chính đường, đi đến hiên nhà trên hành lang. Không rõ hắn dùng dao thế nào, chỉ thấy từng lát cá trắng như tuyết bay ra, trong vắt như ngọc, mỏng hơn cả giấy, nhẹ tới mức gió khẽ cũng khiến lay động.
“Ngươi đêm qua là ngủ chết rồi sao? Động tĩnh lớn như vậy, chẳng buồn hé môi. Là cố ý không chịu giúp, hay thực sự muốn dọa ta chết?”
Vi Huấn cắt hết nửa con cá, mới lau tay rồi từ dưới hành lang kéo ra một tấm ván gỗ, trên đó cắm ba mũi tên gãy.
“Trên xà nhà là ta. Ta không cố ý dọa ngươi, chỉ muốn xem thử rốt cuộc là ai đang quấy phá thôi.”
Bảo Châu chấn động, nhớ lại mọi chuyện đêm qua, giọng run run: “Ngươi ở trên xà nhà… Vậy… trong quan tài, là ai đang nằm?”
“Cửu Nương có thể tự mình kiểm chứng.”
Không đợi hắn nói thêm, nàng bước vội vào chính sảnh, đến phía đông cẩn thận nhìn vào trong quan tài. Chỉ thấy bên trong lót một bọc tiền và túi hành lý, ngoài cùng là chiếc áo xanh của Vi Huấn. Hóa ra nhà lớn ánh sáng mờ nhạt, nến không chiếu tới góc xa, lại thêm màu đen phủ bên ngoài, nên thoạt nhìn dễ lầm tưởng. Một thủ thuật dối mắt đơn giản vậy mà qua được mắt nàng.
Nhưng hắn lặng lẽ thế nào lại có thể từ dưới đất leo lên được xà nhà cao gần hai trượng?
Chuyện này dù nghĩ thế nào cũng không thông, Bảo Châu giận đến trừng mắt, cao giọng hỏi: “Ngươi rốt cuộc ngồi xổm trên xà nhà làm gì?!”
Vi Huấn thản nhiên đáp, như đã sớm chờ câu hỏi này: “Trên cao dễ nhìn. Từ trên ấy có thể trông rõ động tĩnh trong viện lẫn trong phòng. Nếu đối phương dám manh động, ta sẽ dọa hắn một trận. Nào ngờ Cửu Nương can đảm hơn người, chưa cần Vi mỗ ra tay đã bình an vô sự.”
Hắn chỉ tay về phía tấm ván gỗ nơi có ba mũi tên ghim sâu, giọng như đùa mà không phải đùa: “Cũng may có nó chắn một phen, nếu không lưng ta giờ e đã thủng ba lỗ, mùi vị ấy thật chẳng dễ chịu gì.”
Bảo Châu nghe thế lại càng giận, quay sang trừng Thập Tam Lang : “Xà nhà là hắn, vậy trong viện đêm qua giả thần giả quỷ chẳng lẽ là trò của đệ?!”
Thập Tam Lang luống cuống xua tay: “Đệ vừa mới trở về, tuyệt đối không liên quan đến việc này!”
Bảo Châu chau mày: “Vậy… là ai? Chẳng lẽ thực sự là… có quỷ làm loạn?”
Vi Huấn không đáp, chỉ đưa tay chỉ vào cá: “Không vội, ăn đi.”
Bảo Châu tạm thời gác lại thắc mắc, bụng cũng đói cồn cào, đành theo lời ngồi xuống bên hành lang.
Cá cắt thành từng lát mỏng, gọi là “lát”, vốn chỉ là món ăn nguội lót lòng trong yến tiệc, chẳng mấy ai đoái hoài. Nhưng đặt vào hoàn cảnh lúc này, qua đêm hoảng loạn, đói mỏi rã rời, lại trở thành mỹ vị nhân gian. Tuy không có quất ngâm, tương mai, hay rượu hoa cúc để dùng cùng, song Vi Huấn lại hái lấy một nắm cỏ dại chẳng rõ tên, có hương thanh đạm, làm gia vị phá tanh, khiến cá sống thêm phần thanh ngọt.
Bảo Châu vừa ăn vừa hỏi: “Ngươi sáng sớm đã ra chợ mua cá sao?”
Thập Tam Lang cướp lời: “Đệ vừa trở về, thì sư huynh đã xuống sông bắt cá. Thời tiết oi nóng, cá phải ăn lúc còn mới bắt mới giữ được vị tươi, nếu không dễ bị tiêu chảy.”
Vi Huấn bỗng nhớ ra gì đó, đùa cợt: “Đừng nói là ta không nhắc trước… Đây là cá mang quốc họ đấy.”
Bảo Châu đang ăn ngon, chẳng buồn để tâm, nhai cá gật đầu nói: “Lẽ nào hai người chưa từng nghe điển cố Lâu Ngự Sử ăn cá?”
“Năm xưa Võ hậu tại vị, sùng tín Phật môn, từng hạ lệnh cấm dân gian ăn mặn. Lâu Sư Đức lúc ấy đi làm công vụ ở Quan Trung, bữa cơm có món thịt dê. Ông hỏi người hầu: ‘Thánh thượng nghiêm cấm đồ mặn, sao lại có thịt dê?’ Người hầu đáp: ‘Con dê ấy bị chó sói cắn chết.’ Lâu Sư Đức tán thưởng: ‘Con sói này thật hiểu chuyện.’ Nói đoạn liền ăn. Kế đến người hầu bưng cá lên, Lâu Sư Đức lại hỏi, người hầu nhất thời lỡ lời, đáp rằng: ‘Cá cũng bị sói cắn chết.’ Lâu Sư Đức giận, mắng rằng: ‘Ngươi ngốc lắm, sói nào cắn được cá? Phải nói là rái cá mới đúng!’”
Nàng kể đến đây thì dừng, ý vị hài hước đọng lại nơi khóe môi. Rồi lại tiếp: “Nếu có ai tra hỏi, hôm nay con cá này chính là do mèo bắt là được. Thật là một con mèo hiểu chuyện!”
Vừa nói ra, Vi Huấn sắc mặt khựng lại, còn Thập Tam Lang thì ngửa cổ cười như điên, cười đến co giật, lăn long lóc từ bậc hiên xuống bậc thềm mà vẫn không dừng được.
Bảo Châu sửng sốt: “Chuyện xưa ấy tuy buồn cười, nhưng cũng không đến nỗi đệ phải cười đến như vậy mà?” Nàng quay sang nhìn Vi Huấn, thấy hắn quay đầu né tránh, khó được một lần mặt lộ vẻ ngượng ngập.
Chờ Thập Tam Lang cười đã đời, nước mắt chảy dọc hai má, mới th* d*c bò lên, nói: “Không phải điển cố buồn cười, mà là… lời Cửu Nương buồn cười. Đại sư huynh nhũ danh chính là mèo’, tỷ lại nói ‘mèo bắt được cá’, không phải ứng vào người huynh ấy là gì?!”
Bảo Châu thoắt cái đỏ bừng má, cúi gằm mặt không dám nói thêm câu nào. Lại nghĩ đến hắn thân hình nhẹ như lá, động tác nhanh như chớp, đêm qua vòng mái hiên mà không phát ra một tiếng, gọi là ‘mèo’ quả thật chẳng oan.
Trong đầu lại hiện ra cảnh xưa thuở ở trong cung, Thổ Phiên từng dâng lên một giống mèo quý tên là xali. Nàng được chia một con, tai nhọn mắt sáng, hai tai mọc một túm lông đen dựng đứng, dáng oai vệ mà ngoan ngoãn, cực kỳ khôn khéo. Khi đi săn, thường đặt nó lên yên ngựa trải thảm mềm, tùy thân theo sau, phóng qua phóng lại, bắt mồi còn nhanh hơn cả chó săn. Nàng yêu quý vô cùng, đi đâu cũng mang theo, âu yếm gọi là ‘mèo’. Không ngờ hôm nay… trùng hợp như vậy.
Không khí thoắt chùng xuống, hai người vì chuyện “mèo” mà nhất thời đều trở nên ngượng ngập, ăn cũng mất tự nhiên. Bảo Châu thấy hắn cắt cá điêu luyện như nước chảy mây trôi, nàng cảm thấy cảnh tượng ấy vừa mỹ cảm vừa đáng để mở lời, bèn cố kéo lại câu chuyện, khẽ hỏi: “Thanh dao găm của ngươi có tên không?”
Vi Huấn vẫn cúi đầu cắt cá, đầu cũng chẳng ngẩng, giọng nhàn nhạt đáp: “Thì gọi là… dao găm.”
“Thoạt nhìn là món đồ cổ”
Thập Tam Lang lúc này chen vào, không quên khoe khoang: “Đúng là vậy. Dao găm đó được lấy từ một tòa cổ mộ thời Xuân Thu Chiến Quốc mà sư phụ đào được. Sau lại truyền cho đại sư huynh, nói là huynh ấy có võ nghệ cao thâm”
Bảo Châu càng thêm thán phục: “Lưỡi dao này không dài, nhưng khí thế sắc sảo, lại khắc văn cổ, chắc chắn từng là binh khí đeo bên người bậc quyền quý thời cổ. Chỉ tiếc giờ rơi vào tay ngươi, lại thành dao bếp!”
Vi Huấn không chút tự đắc, cười nhạt nói: “Ta không thông cổ văn, sư phụ cũng chẳng nói gì nhiều, chỉ bảo giữ lấy mà dùng.”
Nàng ngẫm lại, không khỏi thở dài: “Nếu là một thanh trường kiếm, chắc hẳn đã được các thế gia vọng tộc tranh nhau. Tiếc thay chỉ là thanh dao găm, mới bị bỏ qua như vậy.”
Vi Huấn nói: “Lúc mới đào được cũng chỉ là một cây rỉ sắt, vừa ngắn vừa cùn, sư phụ chê rằng không đủ làm lễ kiếm, giấu thì không tiện, dùng thì không hợp. Đã không văn, cũng chẳng võ nên ông mài cho còn ba tấc, thuận tay dùng là đủ.”
Bảo Châu nghe đến đây, trong lòng không khỏi có chút tiếc nuối. Một món binh khí cổ, từng là vật tùy thân của bậc hào kiệt thời loạn, giờ lại trở thành vật dùng cắt cá, đúng là phung phí của trời? Nhưng lại nghĩ đến khí chất của Vi Huấn, bề ngoài bỡn cợt mà tâm tư thâm trầm, cư xử phóng khoáng, giống hệt người nàng từng nghe qua.
Nàng thử suy đoán, mắt sáng lên: “Ta đoán cây đao này tên là ‘Ngư’… chẳng lẽ chính là—”
Vi Huấn cười khẽ, ngắt lời nàng: “Vậy dùng để cắt cá là quá hợp sao?”
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.