Ong một tiếng, dây cung rung lên. Bảo Châu bất ngờ giương cung, nhắm về phía cánh đồng bạt ngàn cây cối, b*n r* một mũi tên.
Thập Tam Lang đảo mắt nhìn quanh, không rõ nàng nhắm vào đâu. Vi Huấn liền reo lên: “Mắt thật tinh!”
Bảo Châu ưỡn ngực ngẩng đầu, dáng dấp đắc ý như thể cái mũi cũng muốn chạm trời. Mũi tên nàng bắn trúng một con thỏ đang lẩn trong bụi cây rậm rạp. Con vật màu lông lốm đốm, nhỏ nhắn lại lẩn kỹ. Mục tiêu như vậy rất khó thấy, càng khó bắn trúng, nhất là trong ánh nắng loang lổ, cây cối đan xen. Vậy mà nàng chỉ liếc mắt đã nhìn ra, lại bắn trúng không lệch nửa tấc. Được Vi Huấn khen đúng chỗ, lòng nàng lại càng phơi phới.
Vi Huấn không nói thêm lời, tung người như cánh én, phóng vút qua bụi cây. Chưa tới nửa khắc, đã nhặt xác con thỏ mang về. Bảo Châu ngắm bóng dáng nhẹ nhàng như gió ấy, thầm nghĩ: hắn tuy không mang ngoại hình như mèo, nhưng động tác sau khi buông tên rồi phóng đi nhặt con mồi, lại chẳng khác gì nàng năm xưa từng dạy cho mèo, không khỏi thấy buồn cười.
Thế nhưng khi thấy rõ con thỏ gầy đét đến khô xác, nàng lập tức kêu lên: “Sao lại gầy thế!”
Vi Huấn cười đáp: “Ngươi quen săn trong Cấm Uyển, nơi đó vốn cấm người ngoài vào, thú rừng sống yên ổn, ăn ngủ không lo nên mới béo tốt. Còn ngoài này dân còn ăn chẳng đủ no, thỏ rừng làm gì có thức ăn mà béo?”
Bảo Châu vốn định hôm nay khai tiệc bằng món thịt nướng, giờ nhìn con thỏ chưa lột da đã nhẹ tênh, trong lòng thật chẳng vui. Liếc nhìn Vi Huấn, lại cúi đầu ngắm con thỏ gầy quắt, nàng thầm nghĩ: từ ngày rời khỏi cung, người cũng gầy, thỏ cũng gầy, ngay cả ngựa cũng gầy, đến khi ta chạy tới U Châu, chỉ e cũng gầy trơ như con thỏ này.
Nàng chán nản ném xác thỏ cho Vi Huấn: “Vứt đi, chẳng có tí thịt nào ăn nổi.”
Vi Huấn chép miệng: “Vẫn ăn được chứ, vứt thì uổng quá.”
Rồi rút dao găm, buộc xác thỏ vào thắt lưng. Khi đến quán ăn phía trước, hắn tự tay lột da, bỏ ruột bỏ đầu, xin chủ quán băm nhỏ cả thịt lẫn xương, nhồi vào bánh bột rồi đem vào lò nướng. Da thỏ còn nguyên vẹn, chủ quán liền cẩn thận phơi khô, chắc sẽ đem dùng lại.
Một lúc sau, bánh nướng nhân thịt thỏ ra lò, vàng giòn thơm ngát. Tuy xương còn lẫn chút, phải nhai kỹ, nhưng hương vị lại ngọt đậm đà. Bảo Châu bụng đói cồn cào, tay cầm bánh ăn lấy ăn để, tuy động tác vẫn giữ vẻ đoan trang, nhưng ánh mắt lại chẳng khác gì dân chạy loạn được bữa cơm đầu tiên.
Vi Huấn và Thập Tam Lang chẳng ai giành phần, chỉ khoanh tay đứng bên nhìn. Cả hai đều dấy lên lòng thương cảm. Nàng vốn là ngọc ngà chốn cung đình, nay lưu lạc đầu đường xó chợ, vì một miếng thịt mà nghĩ trăm phương ngàn kế, có đáng thương cũng là lẽ thường. Bảo sao nàng cứ hơi một chút là nước mắt rưng rưng như giọt châu rơi.
Thập Tam Lang thì thào: “Dù sao thân thể cũng tốt, mới hơn hai mươi ngày sau khi đào lên, ăn uống đã thế này rồi.”
Vi Huấn gật đầu, không đáp. Ánh mắt hắn sắc như dao, theo thói quen liếc một vòng lữ khách qua lại quanh quán. Bất chợt có một làn sáng trắng lóe lên trong mắt, một cơn gió lạnh quét sau lưng, tay chân như đông cứng. Hắn chăm chú nhìn về phía đó, hai nắm tay siết chặt, quai hàm nghiến chặt.
Rời khỏi Tân Phong, đoàn người tiến vào địa giới Hoa Châu. Phía trước là huyện Hạ Khuê, đi tiếp nữa là đến Đồng Quan.
Đồng Quan xưa nay vốn là cửa ải trọng yếu phía tây, binh gia tranh giành từng thước đất. Là một trong bốn thành hiểm yếu của Quan Trung, nơi này thủ nghiêm phòng kín, quan quân khám xét vô cùng gắt gao, khó thể dùng bạc mà vượt qua được.
Đoàn người dừng chân ở lữ quán, ngồi tính kế vượt quan, nghĩ đi nghĩ lại vẫn chưa ra mối. Kế sách dễ nhất là giả làm nô tì, trà trộn vào đoàn thương nhân đông đúc mà lẻn qua, nhưng Bảo Châu lại cực kỳ phản cảm với việc ấy.
Vi Huấn ngồi bên cửa sổ, tay gối lên cánh tay, mắt dõi theo dòng người trên phố, dáng vẻ lười nhác như hồn ở đâu đâu.
Thập Tam Lang cùng Bảo Châu bàn bạc nửa buổi không có kết quả, bèn quay lại hỏi: “Sư huynh có cao kiến gì không?”
Vi Huấn chẳng buồn quay đầu, lẩm bẩm: “Qua không được thì thôi. Về Trường An, rồi men theo đường bắc mà đi Duyên Châu, Thái Nguyên, cũng có thể tới U Châu.”
Bảo Châu chau mày: “Nói chuyện như vậy là gở. Tên đã rời, cung đã giương, không có chuyện quay đầu lại. Ta đã đi được mấy ngày, sao có thể vòng về?”
Vi Huấn xoay người lại, ngáp dài: “Cưỡi lừa thì cũng qua được mà. Không thì ta cõng ngươi, nửa đêm lẻn qua cũng xong.”
Bảo Châu đập bàn: “Đừng nói bậy! Ngươi từng qua Đồng Quan chưa? Hai bên đều là vách đá dựng đứng, giữa chỉ có một lối mòn hẹp đủ cho xe bò. Chỉ cần có người gác, chim bay còn khó qua. Huống hồ quan binh nơi đó đóng giữ hơn mấy ngàn, đến lúc vạn mũi tên cùng bắn, cho dù ngươi có là mèo hay diều hâu cũng hóa thành nhím!”
Vi Huấn chỉ đáp: “Vậy thì ở lại Hạ Khuê ít hôm, xem tình hình sao đã.”
“Ở lại vài hôm nữa?!”
Dù nàng có nói thế nào về hiểm trở, Vi Huấn vẫn xem như gió thoảng qua tai, để lại một câu mơ hồ rồi lại quay nhìn ra phố. Từ khi rời khỏi huyện Lại Phong, không rõ vì sao, hắn dường như chẳng còn sốt sắng lên đường. Gặp nơi ở được thì ở, không thúc giục ai.
Người vốn tinh anh, mắt sáng như sao, dường như chưa từng biết mệt. Vậy mà hai ngày nay lại khác lạ, sáng không dậy sớm, tối về phòng từ lúc trời chưa tối hẳn. Bảo Châu muốn tìm hắn bàn chuyện, nhiều lần đến gõ cửa cũng chỉ gặp Thập Tam Lang ra tiếp chuyện.
Bảo Châu thoáng ngơ ngác, theo ánh mắt hắn nhìn ra đường. Người qua kẻ lại đông đúc, nhưng cũng chẳng thấy gì lạ thường.
Thập Tam Lang đứng dậy, nói: “Vậy để đệ ra cổng huyện Hạ Khuê trước, dò hỏi thử tình hình. Phải vượt được Hạ Khuê rồi mới tính đến chuyện vượt Đồng Quan. Hơn nữa, giấy thông hành của đệ chỉ ghi rõ kinh thành và vùng lân cận, những chỗ khác, sau này đi tới đâu, đệ sẽ đến nha môn xin thêm dòng chữ cho hợp lệ.”
Bảo Châu không khỏi sinh lòng hâm mộ: “Thân phận tăng nhân thật là thảnh thơi tự tại. Nếu tỷ có thể lấy danh nghĩa xuất gia mà làm giấy, chẳng phải cũng bớt đi bao phiền phức?”
Thập Tam Lang nghe xong kinh ngạc: “Chẳng lẽ Cửu Nương định xuống tóc vào chùa?”
Bảo Châu khẽ hất mái tóc dài đen óng, cười nói: “Ta thì chẳng muốn cắt tóc, chỉ định làm nữ đạo sĩ thôi.”
Thập Tam Lang thở dài: “Người ta có câu ‘con vua chẳng sợ ế chồng’, không biết bao nhiêu công tử thế gia ngóng trông cưới được người, mà Cửu Nương lại muốn bỏ nhà ra đi làm đạo sĩ.”
Nào đâu biết, trong hoàng thất nhà Lý, chuyện gả chồng vốn chẳng dễ dàng gì.
Nữ nhi nhà Lý xưa nay nổi tiếng cao ngạo cứng cỏi, dù ở nhà hay đã gả đi, địa vị đều cao hơn người thường. Công chúa gả thấp thì có thể ở riêng, dựng phủ công chúa, chẳng phải chịu cảnh làm dâu, càng không cần tuân theo lễ nghi của một nàng dâu nhà thường dân.
Công chúa mà có quyền thế, càng dễ được ân sủng từ đế vương, không ít người còn có tri kỷ bên cạnh, khi chết đi thì đến cả phò mã cũng phải để tang đủ ba năm. Có thể nói, cưới một nàng công chúa, chẳng khác gì rước về một vị tổ tông. Thành thử các gia tộc quyền quý đều lấy làm dè chừng. Trong triều thậm chí còn lưu truyền một câu: “Cưới phải công chúa, đất bằng cũng dựng lên phủ quan”. Nhà đang yên, bỗng dưng phải gánh thêm ràng buộc, ai dám rước?
Huống chi, Vạn Thọ Công Chúa không những được hoàng thượng yêu chiều, lại còn nổi danh thiện xạ cưỡi ngựa, lấy Bình Dương công chúa năm xưa làm gương, từng có chiến tích bắn một mũi tên xuyên trúng hai con hoàng dương cách trăm bước. Một người tài sắc như thế, các nam tử trong thiên hạ, dù ham phú quý, cũng phải tự hỏi mình có chịu nổi một mũi tên của nàng hay không.
Xưa có lần, hoàng đế nghe đồn con trai Hộ bộ thượng thư Hàn Nhận Hàn Quý là thiếu niên phong nhã, liền ngỏ ý hỏi dò xem có muốn kết làm thông gia. Hàn đại nhân chẳng nói được lời nào, chỉ biết quỳ xuống đất ôm chân hoàng đế mà khóc ròng, râu tóc ướt đẫm vì nước mắt nước mũi, thật chẳng còn chút thể diện nào. Việc ấy vì thế mà bỏ lửng từ đó.
Chính vì chuyện cưới gả khó khăn như thế, hoàng thượng và Quý phi mới chuẩn bị cho nàng một món hồi môn lớn, mong lấy của cải đổi lấy phúc phần hôn nhân. Thậm chí từng nghĩ tới chuyện “dán giấy chọn rể” một việc xưa nay hiếm thấy.
Những chuyện trong cung ấy, người ngoài sao hiểu được. Mỗi cô gái đều có tâm tư riêng, mà tâm sự này, Bảo Châu không tiện kể ra. Nàng chỉ dúi một nắm tiền vào tay Thập Tam Lang , giục: “Trẻ con không hiểu chuyện thì đừng nói bừa. Chúng ta chết đi sống lại, còn bàn chuyện lấy chồng làm gì! Mau ra ngoài tìm hiểu đi, xem có cách nào vượt quan cho yên.”
Thập Tam Lang nhận tiền, cười nói: “Nói trước cho rõ, giấy đệ không mua được đâu.”
Người đời chuộng đạo, chẳng phải không có lý. Người xuất gia tránh được sưu thuế, miễn cả việc quân, lại chẳng cần nộp hoa màu. Nếu dưới danh nghĩa chùa chiền có đất đai tài sản, thì tiền bạc cũng tiết kiệm không ít, cho nên đạo sĩ ngày một nhiều. Nhưng quan phủ e ngại dân gian trốn tránh bổn phận, bèn đặt ra quy củ: chỉ người có giấy do triều đình phê chuẩn mới được xem là xuất gia. Vì thế, một mảnh giấy độ thân không chỉ quý giá, mà còn phải xếp hàng dài chờ đợi, có khi cả năm cũng không tới lượt không phải cứ có tiền là mua được.
Thập Tam Lang cặn kẽ giải thích một hồi, để Bảo Châu đừng ôm hy vọng hão. Nói rồi, cầm tiền ra phố, định đến cửa huyện dò hỏi lối thông quan. Còn Vi Huấn, vẫn đứng yên bên cửa sổ, ánh mắt trầm ngâm, cứ nhìn dòng người phía dưới mà không chớp.
Người đi lại tấp nập dưới phố: kẻ thì vào nam ra bắc buôn bán, người thì là thợ thủ công lang bạt kiếm ăn, có cả dân đói từ xa kéo về Trường An cầu sinh. Ai ai cũng mang trong lòng một giấc mơ no ấm, đều đang mải miết rong ruổi trên con đường mưu sinh của riêng mình…
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.