Đến giờ hoàng hôn, mọi việc thay đổi ngoài dự liệu mọi người.
Bảo Châu vốn khỏe mạnh chỉ cần thay y phục rồi chợp mắt một lát trong xe bò liền tỉnh táo như thường; ba người tham gia chơi nước hôm ấy, ai nấy đều không việc gì. Chỉ riêng Dương Hành Giả lại bắt đầu lạnh từng cơn, toàn thân run rẩy, đầu óc mụ mị, chẳng còn vững vàng.
Cực nhọc lắm mới tới được huyện thành Linh Bảo, bệnh sốt của lão đã bùng phát. Cả nhóm vừa mới dừng lại ở khách đ**m, còn đang định thuê phòng, thì lão đã từ trên xe bò ngã nhào xuống đất, mê man, hơi thở thoi thóp, bò mãi không đứng dậy nổi.
Vi Huấn chẳng còn cách nào khác, đành vòng tay bế ngang thân thể gầy yếu ấy, lạnh mặt đưa vào phòng, đặt nằm ngay ngắn trên giường.
Dương Hành Giản thiêu đến mức mắt mờ tai ù, tưởng như đại nạn trước mặt. Thấy Bảo Châu nước mắt lã chã, lão liền rưng rưng cáo lỗi:
“Lão thần vốn tự xưng là phụ thân của công chúa, vậy mà dám buông lời vô lễ, vượt giới hạn, lỗi đã đến cùng cực, chỉ còn biết lấy cái chết mà chuộc. Chỉ là… chưa kịp hoàn thành di ngôn của Thiều Vương, đoạn đường ngàn dặm về U Châu, công chúa chỉ còn một thân đơn độc, thần chết cũng chẳng yên lòng…”
Bảo Châu thấy lão giữa cơn bệnh mà lòng vẫn nhớ tới bổn phận, bèn ngồi bên giường, nắm lấy tay lão dịu dàng an ủi:
“Chủ bộ, hà tất nói những lời ấy? Chỉ là cảm phong hàn bình thường, uống thuốc nghỉ ngơi đôi ba hôm là khỏe lại. Lão chớ nên nghĩ ngợi nhiều.”
Dương Hành Giản nghẹn ngào nức nở:
“Công chúa không cần dỗ dành lão thần. Lòng thần đã hiểu rõ, phúc thọ đã mòn, vô phương vãn hồi. Nay chỉ cầu được lưu lại một bài tuyệt mệnh thi, mong công chúa chép lại giúp, chuyển về cho gia quyến của thần…”
Thi hứng nổi lên, lão bắt đầu ngâm vần thơ đứt quãng:
“Dặm dài về U Châu ngàn trùng thẳm, vinh nhục chẳng mong, phó mặc người cân…”
Bảo Châu vội ngắt lời, nhẹ nhàng đáp:
“Chữ ‘cân’ còn nên cân nhắc, về sau sửa lại cho tốt hơn. Đường dài vẫn còn ở phía trước, chủ bộ chớ nóng vội, từ từ gọt giũa, rồi sẽ có thêm linh cảm hay ho hơn nữa.”
Nàng duỗi tay đặt lên trán lão, nóng hầm hập, biết là bệnh đã làm mê man đầu óc.
Hai huynh đệ Vi Huấn đứng ngoài cửa lặng lẽ dõi nhìn cuộc đối thoại ấy. Thập Tam Lang thấy công chúa đối với Dương Hành Giản ôn nhu săn sóc, trong lòng nảy sinh niềm ao ước khó nói, khẽ ghé tai Vi Huấn thì thào:
“Nếu không phải đại sư huynh lúc trước ra tay đả thương người, có lẽ khi huynh bị bệnh, tỷ ấy cũng sẽ nắm tay huynh, vuốt đầu huynh, nói những lời dịu dàng như vậy…”
Lời chưa dứt đã mang mùi chua chát.
Vi Huấn bị nhắc tới chuyện cũ, lòng càng tức tối, ghen tuông lại trào lên. Hắn hậm hực nghĩ, chỉ mong lúc lão Dương còn ốm thế này sẽ cạo sạch râu dê của lão, rồi dán thẳng lên tượng đất Thành Hoàng ở miếu bên đường.
Ngoảnh đầu, hắn gằn giọng nói với sư đệ:
“Hay là huynh đánh gãy vài cái xương của đệ, để đệ nằm thử một lần xem công chúa có nắm tay sờ đầu không?”
Sau khi thu xếp xong cho Dương Hành Giản, Bảo Châu lập tức sai người mời đại phu giỏi nhất huyện thành đến bắt mạch kê toa. Đại phu bắt mạch hồi lâu rồi kết luận: chỉ là cảm lạnh thường thôi. Nhưng lão Dương đi đường suốt hai tháng nay, lúc thì bị kẻ ác hành hạ, khi thì cùng nhóm đi trộm ngọc trong lo sợ, lại dốc hết sức lực, thân thể vốn đã yếu ớt, nay đổ bệnh thì phát sốt nặng hơn người thường.
Sau khi có phương thuốc, Bảo Châu sai chủ quán đi bốc thuốc sắc sẵn. Nàng còn thuê một ông lão hiền lành chăm việc cơm nước hằng ngày cho lão Dương, lo toan mọi sự đâu ra đấy.
Huynh đệ Vi Huấn trong lòng đều thầm nghĩ: công chúa như vậy, từ nhỏ sống giữa cung vàng điện ngọc, ngỡ đâu phải kiểu ngang ngược kiêu căng, không ngờ lại vừa biết sai khiến người, vừa biết chăm sóc người. Tâm tính kín đáo, cư xử khéo léo, thật khác hẳn với những gì thường nghe đồn.
Hôm sau, mưa thu rả rích rơi, tuy không lớn nhưng cũng đủ làm đường sá lầy lội nhão nhoẹt. Dương Hành Giản cần tĩnh dưỡng vài ngày, cả nhóm đành ở lại khách đ**m tạm nghỉ, chờ bệnh lui rồi mới tính đường đi tiếp.
Bảo Châu rảnh rỗi chẳng có gì làm, liền gọi Thập Tam Lang vào phòng nhờ giúp chải đầu. Chú tiểu nghe vậy thì hoảng hốt, ra sức từ chối:
“Tiểu tăng tuy còn nhỏ, nhưng cũng là nam nhi, lại là người xuất gia, không tiện đụng vào da tóc của Cửu Nương.”
Bảo Châu hừ khẽ, giọng khinh khỉnh:
“Đệ chưa qua lễ đội mũ, lấy gì gọi là nam nhi? Lại chẳng đủ giới, cũng không ra dáng hòa thượng, đợi đến khi ngươi cao lớn bằng tỷ hãy bàn đến chuyện kiêng kỵ nam nữ!”
Thập Tam Lang đành phải buông tay đầu hàng, xắn tay áo lau khô tay, miễn cưỡng đứng sau giúp nàng búi tóc.
Tay chạm vào mái tóc dài đen nhánh như lụa, tiểu sa di không khỏi trầm trồ:
“Tóc Cửu Nương thật tốt quá, nặng đến mức tay mỏi rã. Nếu cắt đem bán, cũng đổi được mười mấy quan tiền rồi!”
Bảo Châu nghe vậy, giật mình:
“Sao? Các ngươi còn có thể đem tóc người đem bán?”
Thập Tam Lang cười khẽ:
“Không chỉ bán tóc, răng cũng bán được. Da đẹp, da xăm cũng bán. Có kẻ còn đồn rằng đầu người mới chặt, máu nóng tươi đỏ dùng để chưng bánh ăn, trị được ho khan. Những đao phủ đói khát ngoài pháp trường thường nhờ vào chén cơm ấy mà sống.”
Bảo Châu nghe đến đây, rùng mình, tay vuốt lên cổ thon dài, thầm nghĩ: “Dù có rơi vào cảnh túng quẫn thế nào, đời này ta cũng quyết không bán đi mái tóc quý giá từ nhỏ nâng niu tới giờ.”
Có chú tiểu giúp, nàng cũng chải lên được búi tóc đơn giản, chỉ là cả hai vốn không quen tay nghề nên búi tóc lệch bên, chẳng có chút dáng vẻ thanh nhã, vừa nhìn đã thấy vụng về.
Thập Tam Lang an ủi:
“Đệ nghe có kiểu gọi là búi tóc ‘ngã ngựa’, có khi là cố tình sơ cho nghiêng để tạo hình khác biệt.”
Bảo Châu cau mày nói:
“Tỷ luyện cưỡi ngựa bắn cung bao năm, chưa từng ngã ngựa, há đâu lại chịu mang búi tóc ngã ngựa? Quá xui xẻo.”
Thập Tam Lang khuyên thế nào nàng cũng không hài lòng. Cuối cùng đành thở dài:
“Nếu không phải vì kiêng kỵ, thật ra nên nhờ đại sư huynh giúp tỷ búi tóc. Trong sư môn, chẳng ai tay nhanh mắt lẹ bằng huynh ấy. Dù việc chưa từng làm, chỉ cần liếc qua một lần là học được, làm còn khéo hơn cả người dạy.”
Bảo Châu giận dữ ngắt lời:
“Chuyện đó không thể nào! Tỷ chưa từng nghe có nam nhân búi tóc cả!”
Thập Tam Lang thấy nàng không tin, cũng chẳng buồn nói nữa.
Bảo Châu vẫn ôm gương soi, càng nhìn càng không hài lòng. Nàng bực tức nghĩ: “Chắc là mặt gương dơ quá nên soi không rõ.” Nghĩ rồi, nàng lập tức rời phòng, đi về phía huynh đệ Vi Huấn, định nhờ họ đem gương đi tìm thợ mài lại cho sạch sẽ.
Vi Huấn ngoài miệng thì vui vẻ nhận lời, nhưng lại không đứng dậy tới ngay. Bảo Châu thấy hắn đang cầm kim chỉ, cúi đầu chăm chú vá đường chỉ rách, lấy làm lạ bèn bước lại gần. Vừa nhìn xuống, nàng giật mình kinh hãi, vì thứ hắn đang vá chính là chiếc áo có hoa văn quen thuộc: nền lụa trắng ngà, cổ áo thêu hoa tròn óng ánh kim là bộ đồ nàng từng mặc khi vượt tường trốn ra khỏi Hạ Khuê huyện đó sao?
Nàng kinh hãi hai lần. Một là, chiếc áo mình từng mặc sát thân lại đang nằm trong tay hắn bị lật qua lật lại, thật là xấu hổ. Hai là, hắn khâu vô cùng điêu luyện, mũi kim đều đặn, đường chỉ mịn màng, tay nghề còn khéo léo hơn cả nàng người từ nhỏ đã học nữ công gia chánh khiến nàng vừa thẹn vừa khó chịu.
Tuy thân là công chúa cao quý nhất thiên hạ, từ nhỏ nàng vẫn bị ép học nữ công, nhưng bản tính hoạt bát, không chịu ngồi yên, thà cưỡi ngựa bắn cung ngoài sân hơn là ngồi may vá. Bởi thế, kim chỉ học mãi vẫn vụng, hễ có việc cần đến thì liền giao hết cho nữ quan thân cận làm giúp, trong lòng chẳng khỏi thấy hổ thẹn. Nay thấy Vi Huấn khéo tay vá áo, nàng lại càng thêm chua chát bực bội.
Bảo Châu giận dỗi buông lời:
“Cho dù ngươi có vá xong, ta cũng sẽ không mặc lại cái áo đó đâu.”
Vi Huấn mặt chẳng biểu lộ cảm xúc, vẫn cúi đầu may, thong thả nói:
“Phải phải phải, dĩ nhiên không thể để công chúa chịu thiệt. Chiếc áo này vá lại để Thập Tam Lang mặc chống lạnh mùa đông thôi.”
Bảo Châu nghe xong, mắt mở to kinh ngạc, tưởng mình nghe nhầm:
“Cái gì?! Ngươi… ngươi dám đem áo ta từng mặc đưa cho một tiểu hòa thượng?!”
Vi Huấn ngẩng đầu, giọng điềm đạm:
“Không cho hắn mặc, thì cũng chỉ đem bán cho hàng áo cũ. Đến khi rơi vào tay ai, bị người lạ khoác lên người, e là cả đời ngươi cũng không biết nữa đâu.”
Lời nói tuy bình thản, nhưng lại mang hàm ý khiến người rùng mình. Bảo Châu nghẹn họng, chẳng biết nói gì phản bác, chỉ thấy hắn đã khâu xong, tay thoăn thoắt thắt nút chỉ, khéo léo dứt sợi chỉ thừa.
Vừa xấu hổ lại vừa nghi ngại, Bảo Châu cúi đầu nghĩ thầm: sư phụ bọn họ tính tình cổ quái, e là trong môn phái chẳng có ai chăm sóc, phải tự lực cánh sinh, nên từ nhỏ đã học cả may vá cũng chẳng có gì lạ.
Nàng buông gương đồng trong tay, xoay người định rời đi, vừa khéo chạm mặt chủ quán đang định đưa tay gõ cửa. Chủ quán sững người, kính cẩn hỏi:
“Trong này có phải là thiếu gia họ Vi tên Huấn không ạ? Có người tìm tới.”
Nghe vậy, Vi Huấn thoáng ngạc nhiên đứng dậy. Từ đầu tới giờ hắn vẫn lấy danh nghĩa người hầu mà đi theo, chưa từng công khai xưng tên, bởi vậy lúc ở Hạ Khuê huyện cũng chỉ bị truy nã với cái tên “gã áo xanh”. Từ lúc vượt Đồng Quan tới Linh Bảo, hắn càng kín đáo, không để lại dấu vết nào, ngay cả vách đá cũng chẳng còn bài thơ nào lưu bút. Nay có người chỉ đích danh tìm hắn, chẳng lẽ là kẻ thù tìm tới?
Hắn trầm giọng bảo Bảo Châu:
“Ngươi về phòng trước đi…”
Lời chưa dứt, nàng đã “thịch thịch thịch” chạy một mạch về phòng, buộc dây cung lên lưng, vẻ mặt hừng hực khí thế trở lại, theo sau là Thập Tam Lang ôm túi tên, vẻ mặt ngơ ngác.
Nhìn thần sắc nàng đầy vẻ sẵn sàng xung trận, Vi Huấn không nhịn được bật cười, chắp tay nói:
“Vậy hôm nay xin mời Cửu Nương ra trận, bảo vệ Vi mỗ một phen.”
Ba người cùng đi ra tiền sảnh. Ngoài trời mưa lất phất, khách đ**m vắng người. Chỉ thấy tám kẻ mặc y phục thống nhất, xếp thành hai hàng trước cửa, tay khoanh trước ngực. Bên ngoài có cỗ kiệu hoa dừng lại, một quản gia trung niên đội dù, đón từ trong kiệu xuống một công tử trẻ tuổi mặc gấm vóc rực rỡ.
Người kia chừng hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi, thân hình cao dong dỏng, dung mạo đoan chính, nhưng khí thế lại ngạo mạn, ánh mắt như muốn mọc trên đỉnh đầu, rõ là hạng công tử con nhà giàu quen ăn chơi, ngông nghênh lấc cấc.
Y bước xuống kiệu, dáng đi có phần kỳ lạ, nhấc chân từng bước nặng nề, giống như chân có tật mà không chịu dùng gậy hay để ai đỡ.
Vừa thấy Vi Huấn, nét mặt hắn liền rạng rỡ, vòng tay chào lớn:
“Vi huynh! Lâu quá không gặp! Huynh… huynh hình như cao lên không ít!”
Vi Huấn trừng mắt nhìn hắn, mặt không chút biểu cảm, trong lòng thầm hối hận vì từng quen người này. Nhớ lại gã vốn là người Ngọc Thành, quê quán gần Linh Bảo, giờ gặp ở đây cũng chẳng lạ.
Hắn nhíu mày đáp:
“Bàng Lương Ký, lâu ngày không gặp, ngươi vẫn nhiều lời như xưa.”
Người tên Lương Ký bật cười ha hả, sai chủ quán dọn ra rượu ngon thức ăn quý, định cùng Vi Huấn ôn chuyện cũ.
Bảo Châu thấy Vi Huấn không có vẻ địch ý, quay sang Thập Tam Lang hỏi nhỏ:
“Đại sư huynh, người kia là ai vậy?”
Vi Huấn thấy cố nhân, trong lòng vừa bất lực vừa phiền, đáp cho có lệ:
“Lão lục… à, từng là lão lục. Hắn bị đuổi khỏi sư môn lúc ngươi còn chưa nhập môn.”
Thập Tam Lang bừng tỉnh, nhớ đến lời đồn xưa trong môn phái: từng có một vị sư huynh xuất thân nhà giàu, vì tính ngay thẳng đụng chạm với Trần Sư Cổ, bị đánh gãy hai chân, đuổi khỏi sư môn. Nay xem ra chính là công tử ăn mặc diêm dúa, bước chân khập khiễng.
Thập Tam Lang chắp tay chào:
“Thì ra là Lục sư huynh, tiểu tăng là đệ tử thứ mười ba, kính lễ sư huynh.”
Bàng Lương Ký hình như không thể đứng lâu, trò chuyện dăm câu rồi vịn bàn ngồi xuống. Quản gia liền sai người hầu mang bộ đồ rượu ra, chuẩn bị hâm rượu cho chủ.
Bàng Lương Ký cười nói:
“Đệ nghe tin, nói trong đoàn có một gã thấp lùn, đầu trọc lóc, cứ tưởng đâu là đại sư huynh… nghĩ mãi, huynh làm gì mà mấy năm vẫn chưa cao thêm chút nào.”
Vi Huấn ngửa đầu nhìn trần, hít sâu một hơi nhẫn nại, nghĩ bụng: làm sao đẩy tên này ra ngoài bùn mà không khiến hắn bị thương nặng?
Bàng Lương Ký lại hỏi:
“Tiểu hòa thượng có ngoại hiệu gì trên giang hồ chưa?”
Thập Tam Lang ngượng ngùng lắc đầu:
“Sư phụ mất khi đệ chưa kịp xuất sư.”
Bàng Lương Ký mỉm cười nhẹ giọng:
“Không có cũng tốt. Ta hồi trẻ từng có biệt hiệu ‘Tật Phong Thái Bảo’, nay bị gãy chân, không sửa tên được, ai gọi lên cũng như châm chọc kẻ tàn phế.”
Thấy Bảo Châu mang cung bên mình, tưởng nàng là người trong giang hồ, Bàng Lương Ký hỏi:
“Ngươi là tiểu cô nương bắt sống Thanh Sam Khách trong truyền thuyết đấy sao?”
Bảo Châu thấy y ăn nói xấc xược, chẳng buồn đáp lời, quay mặt làm ngơ.
Vi Huấn cũng chẳng để tâm, nói thẳng:
“Đúng vậy. Nhưng ngươi tới đây là để báo thù cho y hay làm gì khác? Có chuyện gì thì nói nhanh đi.”
Bàng Lương Ký thoáng sững người, rồi chợt nhớ Vi Huấn từ nhỏ đã là kẻ ăn nói ngông cuồng, chẳng giống kẻ giang hồ trọng sĩ diện, chuyện nói đùa cũng thành thật, chuyện thật lại như đùa.
Thật ra lần này y đến có chuyện quan trọng, không tiện chần chừ thêm, liền nghiêm mặt nói:
“Đệ sắp thành thân với người trong mộng, hôm nay đến là để mời Vi huynh tới dự hôn lễ, làm người đón khách đại diện nhà trai.”
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.