🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau

Nội bộ tâm phúc của Đường Đình như có họa lớn. Ba trấn Hà Sóc, U Châu và Thành Đức đều đã lần lượt quy phục, chỉ còn Ngụy Bác là như con nhím co mình cố thủ. Thấy thế cục nghiêng ngả, Ngụy Bác cũng có ý đầu hàng.

Tiết độ sứ Ngụy Bác Điền Ngạn Chương dâng tấu lên triều đình, ngỏ lời xin đích thân vào Trường An yết kiến Nhị Thánh, để con trai là Điền Duẫn Chi tạm thời trấn giữ Ngụy Bác. Nhìn qua thì cung kính thuận theo, kỳ thực lại giấu tâm cơ, toan tính giữ vững vị thế cho nhà họ Điền nơi đất Ngụy Bác, tiếp tục làm vua một cõi.

Lý Nguyên Anh dứt khoát cự tuyệt. Nếu không nắm trong tay được quyền bổ nhiệm và thu chi tài chính của phiên trấn, thì sự quy phục đó cũng chỉ là hữu danh vô thực.

Thấy kế không thành, họ Điền lại vội dâng tấu khác, xin gả một vị công chúa về Ngụy Bác, mong mượn hôn nhân thắt chặt vị thế. Huynh muội hai người lại lần nữa bác bỏ.

Lý Bảo Châu đòi hỏi, hãy làm theo lệ của Thành Đức: đưa Điền Duẫn Chi vào Trường An làm con tin. Nếu muốn cưới công chúa, thì cứ để các công chúa chưa xuất giá tự mình gặp mặt, xem thử vị công tử họ Điền ấy có lọt vào mắt xanh ai không.

Hai bên kéo co qua lại mãi vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng ai sáng mắt đều hiểu, việc thống nhất Hà Bắc là tất yếu, nhà họ Điền chỉ còn là cung tên đã hết lực.

Triều chính dần ổn định. Vị tân quân cần kiệm lo việc nước, đích thân đốc thúc mọi việc. Bọn quan ngôn gián ở Ngự Sử Đài bới mãi không ra điều gì để bắt bẻ, bèn rơi vào cảnh im tiếng vắng lặng. Mãi đến cuối mùa thu, họ mới vớ được một điểm sơ hở Trưởng công chúa hạ lệnh cho Công bộ tu sửa Ly Cung ở Lê Sơn, khơi thông suối nước nóng.

Chốn Hoa Thanh Cung xưa kia từng là nơi Huyền Tông cùng Dương Quý Phi phong lưu vui thú, sau bị coi là biểu tượng của sa hoa trụy lạc khiến nước nhà nghiêng đổ. Trải bao triều đại, vua chúa nối nhau bỏ hoang nơi ấy như thể để cắt đứt với thời Thiên Bảo cũ. Nay công chúa lại cho tu sửa, chẳng khác nào muốn khơi dậy chuyện xưa, khiến lòng người xôn xao, quần thần thì xoa tay sẵn sàng vạch tội, mong lưu danh gián nghị.

Nhưng khi trông thấy bản dự toán Công bộ trình lên, bọn họ chỉ biết câm nín, chán nản rút lui. Công chúa chi tiêu chắt chiu đến mức chỉ tu sửa ba bốn gian phòng cùng một chuồng ngựa nhỏ. Quy mô ấy so ra còn kém cả phủ riêng của các quan thần dưỡng thiếp bên ngoài.

Câu “Tắm suối Hoa Thanh lúc xuân còn hàn”, có kẻ đồn rằng công chúa làm vậy là để hẹn hò với người tình. Nhưng nơi núi rừng heo hút này, đến nghi trượng còn khó mà đóng quân, chẳng rõ là nuôi tình nhân hay nuôi mèo nữa.

Thoáng chốc lại sang đông. Xuân đến, oanh ca lượn lờ, cỏ xanh mơn mởn, hoa đào nở rộ. Tiết Hàn Thực và Thanh Minh trùng vào nhau, triều đình theo lệ cho nghỉ bảy ngày, vua tôi đều được tạm gác việc công: người thì đi tảo mộ cúng tổ, kẻ lại ra ngoại thành đạp cỏ dạo xuân.

Ngày nghỉ cuối cùng, Bảo Châu cưỡi lừa, lặng lẽ rời khỏi Ly Cung ở Lê Sơn. Người dắt lừa đương nhiên là khách áo xanh Vi Huấn. Mùa đông này, mỗi khi đến ngày nghỉ hay tuần hưu, nàng đều cải trang, lén cùng chàng đến Hoa Thanh suối nước nóng hẹn hò, tắm suối cùng nhau.

Đã bao ngày đóng cửa không tiếp khách, quẳng hết lo toan chính sự, đầu óc có nhẹ nhõm nhưng thân mình thì rã rời, chân không muốn bước. Bảo Châu thầm nghĩ, lần sau nếu còn được nghỉ dài như thế, nên chọn đi săn thì hơn.

“Về cung luôn? Hay ghé chợ Đông, chợ Tây dạo một vòng?” Vi Huấn hỏi.

Bảo Châu cằn nhằn:
“Ta còn sức đâu mà dạo phố? Chàng muốn đi hả?”

Vi Huấn liếc mắt nhìn, giả vờ câm như đá, không nói thêm lời.

“Hồi Trường An thôi. Nhưng dọc đường ta muốn ghé một chỗ. Chuyện về ‘phượng hoàng thai’ kia, ta đại khái đã tìm ra mối.” Nàng ngừng một lát, chậm rãi nói.

Vi Huấn nghe nhắc đến chuyện ấy, lập tức xoay người, nắm lấy cổ tay nàng, vu.ốt ve vết thương năm xưa, hỏi khẽ:
“Chuyện ấy còn gì chưa rõ sao?”

“Dĩ nhiên là có!” – Bảo Châu nghiêm nghị nói – “Cả vụ án ấy, có một lỗ hổng rất lớn. Nếu người họ Lý thật sự có dòng máu chân long, trời định mệnh trao, thì sao có thể bị Trần Sư Cổ dùng kế ‘giết chuột’ mà hãm hại, khiến thiên hạ đảo điên? Ngược lại, nếu người nhà họ Lý chỉ là người thường, thì viên đan kia lại chẳng thể nào phát huy hiệu quả cứu người kỳ lạ đến thế. Hai điểm này hoàn toàn mâu thuẫn nhau.

Ta thì tự thấy bản thân có chút may mắn, nhưng xét về máu thịt, cũng chẳng khác gì dân thường. Vậy tại sao ngươi uống máu ta, bệnh liền khỏi hẳn? Chưa kể khi ấy Chu Thanh Dương còn nhấn mạnh phải dùng máu ‘người họ Lý ở Trường An’ mới có tác dụng, vậy nhà Lý Dục ở Lạc Dương thì chẳng lẽ không phải ‘phượng hoàng thai’? Họ không có tác dụng ư?”

Cả hai vừa đi vừa chuyện trò. Từ sau khi Vi Huấn khỏi bệnh, rồi tái ngộ cùng Bảo Châu, chàng đã kể hết chuyện về âm mưu của Trần Sư Cổ và chuyện phượng hoàng thai. Bảo Châu mới hiểu vì sao năm ấy chàng dù đã có phương pháp trong tay vẫn kiên quyết ra đi. Cùng trải qua hoạn nạn, lại thẳng thắn không giấu nhau, cảm tình càng thêm sâu nặng.

Vi Huấn nhíu mày:
“Chuyện này ta cũng từng suy nghĩ. Ban đầu cứ ngỡ là bởi người nhà họ Lý thường dùng đan dược hoặc cao lương mỹ vị gì đó, khiến máu thịt có tác dụng kỳ lạ. Nhưng sau khi nàng hồi cung, ta không thấy nàng ăn uống gì đặc biệt.”

Bảo Châu đáp:
“Vậy lại càng không hợp lý. Ta vốn thích ăn đồ nặng mùi như ruột non lợn, gan cháy mỡ, còn a huynh thì không chạm đến. Huynh ấy lại thích bơ sữa, phô mai, ta thì sợ đến phát ngấy. Ba huynh muội cùng một mẹ sinh ra, mà khẩu vị đã khác xa như vậy, huống gì là các chi khác trong tông thất.

Nhưng có một điểm, cả nhà chúng ta đều giống nhau chính là… thứ nước mà chúng ta dùng để uống.

Sau khi biết được chân tướng về ‘phượng hoàng thai’, ta vẫn luôn suy xét chỗ đáng ngờ này. Những thành phố cổ lớn, người đông đúc như Trường An hay U Châu, đều đối mặt với vấn đề nước giếng bị ô nhiễm, Trường An cũng không ngoại lệ. Khi ở U Châu, vương phủ phải lấy nước từ suối ngọc gần đó. Ở Trường An, hễ là nhà quyền quý, đều không dùng nước giếng trong thành, mà mua nước từ ngoài thành.

Ta từng dò hỏi Nội Thị Tỉnh, họ nói từ trăm năm trước, trong cung đã dùng lạc đà từ huyện Lâm Hữu chở nước vào. Vì đường xa vất vả, nên chỉ hoàng thất mới có đặc quyền dùng thứ nước ấy. Các vương phủ, tôn thất, nhờ phúc hoàng ân mà được dùng theo. Quy củ này đã tồn tại lâu đến nỗi ngay cả người trong tông thất cũng chưa chắc ai nhớ rõ.”

Vi Huấn kinh ngạc thốt:
“Vậy ra… vấn đề nằm ở nguồn nước?”

Bảo Châu đáp khẽ:
“Đợi tới nơi rồi, tự khắc có lời giải.”

Hai người một lừa lững thững đi suốt hai canh giờ, rốt cuộc cũng tới được huyện Lâm Hữu. Họ leo lên một ngọn núi nhỏ, phong cảnh thanh tĩnh, giữa lưng chừng núi là một dòng suối trong vắt, ánh nước đập vào mắt người. Suối chẳng lớn lắm, chỉ bằng cỡ hai gian phòng, nước từ lòng đất ùng ục tuôn trào, trong veo, mát lạnh, nổi lên từng vòng sóng nhỏ như mặt canh nóng đang sôi.

Bên bờ suối có dựng một tấm bia đá cũ kỹ, bên trên khắc hai chữ “Lễ Tuyền”. Gần suối có trại canh, binh sĩ tay cầm trường mâu đứng gác, xem ra đây chính là nguồn nước riêng mà hoàng thất dùng.

Từ xa trông thấy công chúa cưỡi lừa đến, Từ Lai vội chạy ra hành lễ. Những người khác được lệnh chỉ dám đứng xa, không ai dám tiến lại gần.

“Đồ vật đâu?” Bảo Châu hỏi.

“Hồi công chúa, đặt ở cạnh bờ ao rồi.”

Bảo Châu xuống lừa, cùng Vi Huấn tiến đến gần. Trên bãi cỏ ẩm thấp, có đặt một pho tượng đá nhỏ, ướt sũng nước, cao chừng một thước rưỡi. Tượng đã bị nước bào mòn đến mờ cả ngũ quan, nhìn y phục thì có lẽ là tượng Địa Tạng Bồ Tát.

Vi Huấn ngồi xổm xuống xem kỹ: Tượng thì không hiếm, nhưng chất đá khắc tượng lại rất kỳ lạ chẳng phải ngọc, cũng chẳng phải sắt hay đồng, không rõ là từ thứ gì đẽo thành.

Bảo Châu chắp tay sau lưng, thong thả nói:
“Ý nghĩ này ta đã có từ mùa đông, chỉ là lúc đó trời lạnh, không tiện nghiệm chứng. Đợi đầu xuân nước ấm trở lại, ta liền sai một toán quân biết bơi, lặn sâu vào suối để dò tìm, quả nhiên tìm được vật này ở tận đầu nguồn nước.”

Nàng quay đầu, nhẹ giọng hỏi:
“Lúc trước chúng ta quen nhau ở Thúy Vi Tự, ta hỏi chàng không có lệnh thông hành, sao vào được thành, chàng đáp là theo dòng nước dưới cống Vĩnh An mà lẻn vào. Vậy chàng biết bơi, thì hẳn sư phụ chàng Trần Sư Cổ cũng biết. Nếu hắn muốn hạ độc vào thức ăn của hoàng thất, lại sợ mỗi người khẩu vị khác, nơi ở phân tán, thì cách tiện lợi nhất là ra tay từ… nguồn nước.”

Vi Huấn nhìn tượng đá thật lâu, đưa tay bẻ thử một mảnh. Dưới tay Tàn Đăng, cục đá vỡ vụn thành bột phấn, soi dưới nắng, ánh lên những hạt sáng trong suốt li ti.

Bảo Châu tiếp lời:
“Ta đoán rằng, Trần Sư Cổ từ khi chàng còn bé đã lặng lẽ hạ một loại độc chậm vào người chàng, khiến chàng mang bệnh giả biểu hiện như chứng hàn lâu ngày không dứt. Còn giải dược, chính là pho tượng này. Hắn len lỏi ngược dòng nước, tránh tai mắt binh lính, lặng lẽ đặt tượng vào chỗ sâu nhất của suối nguồn.

Nước từ đây được dùng riêng cho hoàng thất. Qua năm tháng, máu thịt xương cốt của người nhà họ Lý sẽ dần tích tụ giải dược. Khi chàng luyện thành người đan, dùng máu họ, độc trong người chàng sẽ được tạm thời hóa giải. Nhưng lượng giải dược ít ỏi, không thể trị tận gốc, buộc chàng phải giết người luyện đan để kéo dài tính mạng.

Chu Thanh Dương tuy y thuật tinh thâm, nhưng quanh năm chữa bệnh ở quê, không hiểu sinh hoạt hoàng thất, càng không biết trong cung dùng nước riêng biệt. Chàng sau trận trọng thương ở Phong Long Sơn, mất nhiều máu, độc tố tụt đến mức thấp nhất, lại đúng lúc uống được máu ta thế là giải độc hoàn toàn.”

Nói đoạn, Bảo Châu ngửa mặt lên trời, vẻ mặt đầy đắc ý:
“Thế nào? Chàng phục chưa?”

Vi Huấn nghiền trong tay mảnh đá vụn, dứt khoát đáp:
“Không phục.”

“Sao hả?” – nàng nhíu mày hỏi lại.

Vi Huấn bình thản nói:
“Cách làm quá rườm rà. Nếu ông ta thật sự muốn hạ độc, sao không bỏ thẳng vào nguồn nước? Một lần hạ độc toàn bộ giết sạch người nhà họ Lý, hà tất phải dày công bày kế, còn phải nhọc ta làm công cụ gián tiếp. Kế hoạch như vậy dễ hỏng lắm.”

Bảo Châu bĩu môi hừ lạnh:
“Thật là con mèo tinh ranh gian xảo. Chàng tưởng ta không nghĩ tới?”

Nàng đưa tay chỉ về hướng suối chảy, thong thả nói:
“Tuy suối nguồn này bị hoàng thất độc quyền, có quân canh giữ nghiêm ngặt, nhưng nước chảy xuôi về dưới chân núi lại để mặc cho dân dùng. Ta đã sai người điều tra kỹ: nước suối này xuống núi, đổ thành đầm, quanh đầm có hơn hai trăm hộ dân, suốt trăm năm nay đều lấy nước ấy để dùng. Nếu ông ta hạ độc ở thượng nguồn, dân dưới núi cũng không tránh khỏi họa.

Trần Sư Cổ tuy là một lão già điên loạn, nhưng xem ra… vẫn còn một chút lương tâm.

Cái gọi là ‘huyết mạch chân long’, thực ra chỉ là thân xác máu thịt như bao người. Chỉ cần độc chiếm được dòng nước ở Lễ Tuyền này, ai nắm quyền, ai được dùng nước ấy, thì bất kể là Trương Tam hay Lý Tứ, là quan là lính… cũng đều có thể thành ‘phượng hoàng thai’ cả thôi.”

Lần này nghe Bảo Châu phân tích, rốt cuộc khiến Vi Huấn cũng phải gật đầu tâm phục. Hắn cúi đầu nhìn pho tượng Địa Tạng Bồ Tát mặt mày mờ nhòe kia, trong lòng dâng lên bao cảm xúc đan xen khó tỏ.

Thần đứng trên đài sen, tay phải cầm tích trượng, tay trái nâng viên châu sáng, lời nguyện “Địa ngục chưa rỗng, ta thề chẳng thành Phật.” Năm ấy Trần Sư Cổ đem thuốc giải tạc thành hình tượng như thế, trong lòng ông rốt cuộc giấu nỗi tâm tư gì?

Phượng hoàng thai một bí ẩn bao năm, nay đã vạch trần. Hai người theo lối cũ xuống núi, trở lại đường về Trường An.

Ven đường, hoa hạnh nở rộ, như mây như sương, trắng xóa cả một biển, điểm lấm tấm những nhụy hồng kiều diễm, trông đến vừa xinh vừa thương. Bảo Châu nổi hứng, đòi Vi Huấn làm thơ vịnh hoa. Hắn vờ nghĩ ngợi, chẳng trả lời ngay, rồi bất chợt tung mình nhảy vào giữa bụi hoa, bẻ lấy một cành đẹp nhất, đem tặng nàng.

Bảo Châu đành cúi đầu, để hắn cài hoa vào búi tóc. Nào ngờ đang khi cài, hắn bất thần nghiêng sang, nhẹ nhàng đặt lên má nàng một nụ hôn thoảng như gió. Xong xuôi lại làm như chẳng có gì xảy ra, thong thả nắm dây cương bước đi trước, mặt hơi đỏ, nhưng khó giấu nụ cười thầm đắc ý.

Bảo Châu thầm nghĩ: “Tên này võ công vô địch thiên hạ, giờ cả nỏ cũng không trúng được hắn. Vậy mà riêng chuyện ấy lại cứ ấp a ấp úng, cứ như thiếu niên mới lớn. Mấy tháng gần đây, hắn thường xuyên vắng mặt, hành tung mờ mịt, ngay cả nữ quan theo hầu bên ta cũng hiếm khi thấy mặt. Hắn xuất quỷ nhập thần, lời đồn trong cung lại nói người tình công chúa không phải phàm nhân. Rõ ràng là cung điện của mình, người cũng là của mình, vậy mà cứ như thể yêu đương vụng trộm, lén lút không lý do.”

Trên đường về thành, người qua lại thưa thớt, thi thoảng mới có vài người buôn từ quê lên chợ. Ấy vậy mà hắn dám trước mặt người đời trộm hương nàng một cái, cũng coi như có chút… can đảm.

Bảo Châu cố ý trêu:
“Chỉ có thế thôi à?”

Vi Huấn giả bộ ngó đông ngó tây, làm ra vẻ không nghe thấy.

Bảo Châu nghiêng người, vươn tay túm lấy cổ áo hắn kéo mạnh về phía mình. Lừa con dưới chân lập tức dừng lại, phun ra một hơi dài trong mũi, trông ra chiều chán chường, cứ như thể đang đợi chủ nó lại giở trò ăn vặt cãi cọ.

Qua một lúc, Vi Huấn đột ngột gạt tay nàng ra, thấp giọng kêu:
“Ta mặc áo mỏng đấy!” Rồi chẳng đợi nàng đáp, đã nắm lấy dây cương, cúi đầu giục lừa bước mau.

Bảo Châu chưa đã thèm, nhìn bóng lưng hắn cứng đờ, bước chân gượng gạo, là biết ngay tên oan gia này lại tự tiện “xuất binh” chẳng theo lệnh nàng.

Nàng bực mình buông một câu:
“Lần sau ta cho chàng mặc giáp váy cho rồi, xem có dám lén ‘khởi nghĩa’ nữa không!”

“Không cần! Mặc gò bó lắm.” – Thanh Sam Khách chẳng quay đầu, giọng vẫn kiêu ngạo cứng cỏi. Nhưng từ phía sau nhìn lại, đôi vành tai hắn… đỏ rực.

Chương trước
Chương sau
Trang web đọc truyện online hàng đầu Việt Nam, cung cấp kho truyện phong phú với các thể loại như tiên hiệp, kiếm hiệp, ngôn tình, truyện teen và truyện đô thị. Tất cả các tác phẩm đều được chọn lọc kỹ lưỡng bởi các tác giả và dịch giả uy tín, mang đến trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời nhất cho bạn!
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.