Kỳ nghỉ đông kết thúc, học sinh lớp 12 quay lại trường để ôn tập.
Khoảng cách đến kỳ thi tốt nghiệp còn chưa đầy năm tháng nữa. Ánh đèn trong phòng học được bật lên sớm hơn, cũng tắt muộn hơn. Tương lai như gần ngay trước mắt, như thể chỉ cần vươn tay ra là có thể chạm được, lại cũng giống như hình bóng trong gương, mờ ảo và không chắc chắn. Chưa đến phút cuối cùng chẳng ai dám chắc chắn kết quả.
Tưởng Sương dậy sớm hơn bao giờ hết. Trước khi quản lý khu nội trú mở cửa cô đã cầm sách từ vựng ôn tập. Cô học từ lúc trời hửng sáng cho đến khi tia nắng đầu tiên xuất hiện.
Kỳ thi tốt nghiệp diễn ra đúng như dự kiến.
Hai ngày trước kỳ thi, ai cũng thả lỏng hơn, thậm chí còn dắt nhau đi xem phim. Người cha nói với con trai: “Chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn này, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi, được chứ?”
Giáo viên môn văn viết lên bảng: “Cứ nỗ lực hết sức, đừng lo lắng về tương lai.” Nét chữ vẫn đẹp như mọi khi.
Nửa ngày còn lại dành cho học sinh đi khảo sát địa điểm thi. Tô Nhuế may mắn được thi tại trường cũ, còn Tưởng Sương và các bạn nữ trong lớp được chia tới một trường trung học phổ thông khác.
Trên đường trở về trường, Tưởng Sương gặp Phó Dã. Cô dừng bước quan sát. Cậu dường như trở nên đen và cao hơn, mái tóc không chăm sóc phủ kín trán, trên người mặc áo phông xám và quần jean dài. Có lẽ vì chờ đợi lâu nên mí mắt cậu sụp xuống, gương mặt không chút biểu cảm, trông có vẻ khó gần, khiến những người xung quanh cứ liếc nhìn mãi.
Ban đầu Phó Dã không nhận ra cô, cho đến khi cô đi tới xuất hiện ngay trước mắt cậu. Cậu mở to mắt, ánh nhìn trở nên dịu dàng hơn nhiều.
Phó Dã đến tìm người. Học sinh lớp 10 và 11 chuẩn bị thi nên đã nghỉ học ở nhà ôn từ lâu. Sau khi hỏi nhân viên bảo vệ, cậu mới biết tất cả học sinh đang đi xem phòng thi. Cậu biết lớp của Tưởng Sương nhưng người cậu gặp phải lại là Tô Nhuế. Cô ấy cho cậu biết Tưởng Sương đang xem phòng thi ở trường trung học phổ thông khác, sẽ quay lại ngay thôi.
Tưởng Sương mặc đồng phục học sinh, áo phông trắng và quần dài màu xanh, kiểu dáng phổ biến của đồng phục. Đôi vai cô thon nhỏ, dáng người gầy hơn trước khiến cái áo trông rộng hơn. Hai cánh tay trắng nhỏ nhắn không có tí thịt nào đeo một cặp vòng bạc, các mạch máu trên tay hiện lên rõ ràng. Thoạt nhìn trông cô như một đứa trẻ thiếu dinh dưỡng, chỉ cần một cơn gió thổi qua là ngã.
Tưởng Sương hỏi: “Cậu đến làm gì?”
Ở thời điểm này cậu đột ngột xuất hiện ở đây, đương nhiên sẽ khiến cô nghĩ rằng vì kỳ thi tốt nghiệp ngày mai nên cậu đặc biệt đến để động viên cô.
Phó Dã nói cậu đang trong kỳ nghỉ nên ghé qua thăm cô.
“Đã ăn cơm chưa?” Phó Dã hỏi, giọng khàn khàn, phát âm không rõ lắm, giọng cuối câu như một tiếng thở nhẹ.
Đã lâu không nói chuyện nên việc trò chuyện lại như bình thường không hề dễ dàng. Chức năng ngôn ngữ của cậu đã bị mất dần. Ban đầu chỉ nói được những từ ngắn, một từ, hai từ, ba từ, nhưng cũng phải nói chậm và vẫn khá khó nghe. Mọi thứ đều phải bắt đầu lại từ đầu. Từ khi đeo máy trợ thính một giờ cho đến nay đã đeo được bảy, tám giờ; từ việc nghe được đến hiểu được, từng bước một, giờ đây, cậu gần như có thể giao tiếp ở khoảng cách gần.
Phó Dã hơi gập người, nghiêng đầu theo thói quen, để tai đeo máy trợ thính gần hơn về phía người kia.
“Chưa.”
Thực ra Tưởng Sương đã ăn rồi. Cô ngẩng đầu lên, lại gần hỏi: “Đi ăn mì chứ?”
“Được.”
Vẫn là quán mì bên cạnh tiệm sửa xe như trước, hai bát mì như mọi khi. Tưởng Sương lấy gần một nửa sợi mì từ bát của mình cho vào bát của Phó Dã. Trên tô mì có hai quả trứng, do Phó Dã yêu cầu với niềm tin ăn vào sẽ được 100 điểm. Cô cười khẽ, với mức điểm tối đa là 150, nếu chỉ được 100 điểm thì chẳng phải cô tiêu rồi sao.
Ăn xong, Phó Dã ném cho cô một vật màu đen.
Tưởng Sương mở ra, nhận ra đó là bằng lái xe hạng C1, trông khá mới, cậu đã thi đỗ cách đây vài tháng. Cạnh tấm bằng là ảnh chứng minh thư của Phó Dã. Cậu cắt tóc ngắn, nét mặt góc cạnh, đôi mắt sâu toát lên một vẻ hoang dã, ngang tàng và không chịu khuất phục.
Phó Dã ngồi thẳng người, khuỷu tay tì lên đùi, người hơi nghiêng về phía trước.
Ánh mắt của Tưởng Sương di chuyển từ ảnh chứng minh thư sang khuôn mặt thực tế trước mắt. Cậu đen hơn và vạm vỡ hơn, vai rộng chắc, cơ bắp tay nổi rõ đường nét. Những ngón tay thô ráp đầy những vết chai dày, đó là kết quả của việc thường xuyên làm những công việc nặng nhọc.
“Thi bằng lái xe khó lắm à?” Tưởng Sương hỏi, trong lồ ng ngực chứa đầy cảm xúc. Chỉ có cô mới biết con đường mà Phó Dã đã trải qua khó khăn như thế nào.
Phó Dã nhướn mày: “Không khó, một lần là đỗ.”
Rồi cậu hỏi cô có lo lắng trước khi thi không?
Tưởng Sương lắc đầu: “”Không lo lắng.”
Cô vốn luôn bình tĩnh trước những kỳ thi lớn, điều này xuất phát từ tâm thế của bản thân cô.
Phó Dã vẫn giữ thói quen giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Khi nói chuyện, ánh mắt và biểu cảm của cậu đều vô cùng tập trung: “Vậy thì tốt.”
“Tôi sẽ thi đỗ đại học.” Tưởng Sương bổ sung, như muốn khẳng định điều gì đó với cậu. Rất hiếm khi cô nói chắc chắn như vậy.
Thường thì cô không bao giờ nói quá chắc chắn, luôn để lại cho mình một lối thoát.
Nhưng lúc này cô muốn cậu biết rằng cô sẽ làm được. Cô, người từng nói muốn bước ra khỏi nơi này, đó không phải chỉ là lời nói suông.
Cô sẽ làm được và cô hy vọng cậu cũng vậy.
Phó Dã nhếch miệng cười, con ngươi mắt đen kịt lóe lên ánh sáng: “Cứ học cho tốt đi, tiền bạc không cần lo.”
Tưởng Sương rút khăn giấy, chạm nhẹ vào môi, mắt mở to: “Bây giờ tôi chưa nghĩ nhiều, đợi thi đỗ rồi tính.”
“Nghe giáo viên nói có thể xin vay học phí, sau khi tốt nghiệp sẽ trả lại.”
Phó Dã nói, hiện tại cậu vẫn đang làm việc ở đội xe, trong thời gian rảnh sẽ nhận thêm việc chuyển nhà. Làm nhiều sẽ kiếm được nhiều. Sau vài tháng, trừ số tiền gửi cho bà ngoại mỗi tháng, số tiền còn lại đủ để cậu trang trải học phí và sinh hoạt phí cho cô.
Sau một thời gian đeo máy trợ thính, Phó Dã gần như đã đủ điều kiện để khám sức khỏe thi bằng lái, vậy nên cậu đã đi khám ở một bệnh viện gần đó. Cậu đăng ký học lái, đến tập từ tờ mờ sáng, lái xe vài lần rồi về sớm. Số tiền trên tay gần như đã cạn, cậu phải quay lại đội xe thôi.
Thi một lần đỗ cả bốn môn, chưa đầy một tháng đã có bằng.
Chú Lý vỗ vai cậu, bảo bây giờ cậu đã có thể lái các loại xe nhỏ như xe bán tải, có kỹ năng này thì ở đâu cũng có thể kiếm sống.
Xe thì có sẵn, là một chiếc xe bỏ đi nằm trong bãi đỗ của đội xe. Đó là xe của đội xe hồi trước, giờ đội đó đã có tiền rồi nên chỉ nhận những đơn hàng lớn hơn, chiếc xe cũ này cũng không còn phù hợp nữa. Những gì có thể bán chủ xe đã bán hết, thay bằng những chiếc xe tải lớn. Chiếc xe tải cũ chỉ được để đồ như phế liệu, chủ xe không muốn vứt đi nên để đấy.
Để đấy cũng chỉ là để đấy, chủ xe thấy cậu có hứng thú nên để mặc cho cậu sửa chữa. Phó Dã tranh thủ sửa xe, bỏ vài trăm tệ ra để đăng kiểm, giờ đã có thể lưu thông.
Về việc sử dụng xe, cậu đã có sẵn kế hoạch từ trước, trước tiên cậu sẽ chạy trong thành phố, chở đồ đạc và giúp mọi người chuyển nhà.
Đơn hàng đầu tiên do chú Lý giới thiệu. Cậu có thể bốc vác và khiêng vật nặng, làm việc nhanh gọn, tiền nhận cũng nhanh chóng. Cậu bỏ tiền vào túi, đưa đối phương điếu thuốc, hy vọng về sau còn có việc để liên hệ. Cậu còn trẻ, đầy sức lực, lại biết cách ứng xử nên có thể kiếm thêm được chút việc lẻ.
Chú Lý thấy cậu kiếm tiền như điên, khuyên cậu phải thương tiếc bản thân, tuổi trẻ thì có sức nhưng già rồi sẽ khổ.
Phó Dã hít một hơi thuốc, khói làm mờ mắt, cậu trả lời: “Không còn cách nào khác chú ạ, cháu cần tiền.”
Hôm sau vẫn như vậy. Sau khi làm việc ở đội xe xong, nếu có việc là cậu lại lái chiếc xe tải cũ kỹ đi ngay. Phó Dã luôn đi sớm về muộn, ăn uống chỉ mất vài phút, uống một ngụm nước lớn rồi nuốt vội, ném hộp cơm đi là bắt tay vào việc.
“Cậu đưa hết tiền cho tôi, thế cậu sẽ sống thế nào?” Tưởng Sương cười khẽ nhưng vẫn lo lắng. Cô phải học bốn năm, không phải bốn tháng.
Phó Dã nhếch môi: “Tôi là đàn ông mà, không cần nhiều tiền đâu.”
Việc ăn ở thì tạm bợ là được, cậu chẳng cần mua quần áo, chi phí hàng ngày chỉ có thuốc lá, chỉ cần mua loại rẻ tiền, về sau còn có thể bớt hút lại. Một mình cậu thì sao cũng được.
Tưởng Sương tiêu hóa lời cậu nói, cô lắc đầu, từ chối nhận số tiền đó.
Cả hai không phải người thân, hơn nữa đó còn là số tiền không hề nhỏ.
Phó Dã ra vẻ khó chịu vẫy tay, hỏi cô có hiểu chuyện đầu tư không: “Là tôi vay.”
Tưởng Sương thở hắt ra, trong nơi sâu thẳm nhất của trái tim cô cảm xúc đang dần sinh sôi lớn hơn.
Tiền đâu phải dễ kiếm như cậu nói, cậu tỏ ra không mấy để tâm nhưng cô đã nghĩ tới những chuyến đi lại vất vả của cậu.
Giọng Phó Dã vẫn khàn khàn: “Khi cô ra ngoài sẽ có nhiều cơ hội kiếm tiền, lúc đó cô sẽ trả lại cho tôi.”
Tưởng Sương hiểu ý cậu. Cô không từ chối nữa, coi như hai người đã đạt được một sự thấu hiểu, cô chấp nhận lòng tốt của cậu.
“Ngày mai hãy thi thật tốt.”
“Được.”
Tưởng Sương chớp nhẹ mí mắt, nhìn bầu trời phía sau lưng cậu ngập tràn mây hồng, rực rỡ một cách phi thường, như thể tương lai của hai người đều sẽ tươi sáng như vậy.
Ăn mì xong Phó Dã đưa cô quay lại trường, cậu vẫy tay chào, bảo cô vào trước.
Tưởng Sương đi được mấy bước thì quay lại. Cậu vẫn đứng đó, cằm hơi hếch lên, gật nhẹ đầu, giục cô đi vào.
Lên đến trên lầu cô lại nhìn xuống. Cổng trường người qua lại đông đúc, nhưng cậu đã không còn ở đó nữa.
Tô Nhuế từ góc quanh bước ra, hỏi về việc xem phòng thi thế nào, trò chuyện vài câu rồi lại hỏi: “Phó Dã có tìm cậu phải không? Hai người gặp nhau chưa?”
Tưởng Sương gật đầu.
Tô Nhuế cười với vẻ ý nhị, chọc vào cánh tay cô: “Trông cậu ta có vẻ thô ráp, không ngờ lại tế nhị thế. Hôm nay còn đặc biệt chạy đến để gặp cậu cơ đấy.”
“Cậu ấy về quê thăm bà, khi đi ngang tiện thể ghé qua thôi.” Tưởng Sương giải thích.
“Cậu tin à? Đó chỉ là lý do để che đậy thôi. Cậu ta đã đến từ trưa rồi, chờ cậu xem phòng thi, chờ hơn một tiếng đồng hồ. Cái gọi là ‘đi ngang’ là như thế nào?”
Tô Nhuế chớp mắt, gần như muốn nói thẳng ra.
Tưởng Sương hiểu tại sao Phó Dã lại đến.
Cậu muốn cô yên tâm tập trung vào việc thi cử, không phải lo lắng về bất cứ điều gì khác.
Tưởng Sương chuyển ánh mắt sang chỗ khác, nhìn về phía sau cô, gọi tên một nam sinh mà Tô Nhuế có thiện cảm. Tô Nhuế lập tức im bặt, thẳng lưng cứng đờ như một khúc gỗ. Cô ấy trợn mắt với Tưởng Sương rồi quay người lại, sau đó mới nhận ra phía sau chẳng có ai cả.
Nhận ra mình bị lừa, Tô Nhuế giận dữ gọi tên Tưởng Sương: “Này, Tưởng Sương!”
Tưởng Sương biết mình sai, vội chạy vào lớp.
Tô Nhuế đuổi theo sau, hỏi cô từ tinh ranh như vậy từ khi nào. Hai người chơi đùa một lúc, chuyện vừa rồi nhanh chóng bay khỏi đầu họ.
Giờ tự học buổi tối bắt đầu.
Tô Nhuế ôm cánh tay Tưởng Sương, luyến lưu hỏi: “Sau khi tốt nghiệp, dù không học chung trường nhưng chúng mình vẫn có thể chơi với nhau được chứ?”
“Đương nhiên.”
“Nếu tớ đến tìm cậu, cậu không được bỏ mặc tớ đâu đấy!”
“Tớ sẽ không bao giờ làm thế.”
Tô Nhuế thở dài, hơi buồn: “Tớ sẽ rất nhớ cậu.”
Tưởng Sương ôm cô ấy, vỗ nhẹ đầu để an ủi, nói: “Ngày mai cố lên nhé.”
“Được, ngày mai cố lên!”
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cứ kết thúc như vậy.
Khi Tưởng Sương trở về từ trường khác đã thấy lớp học ngổn ngang giấy vở rách nát, như một bữa tiệc đã chờ đợi từ lâu. Những trang giấy bay tứ tung, ba năm qua tựa như đều khép lại trong khoảnh khắc này. Có người hào hứng đến mức ôm mặt bằng cả hai tay rồi khóc, sau những ngày khó khăn, cuối cùng họ cũng có thể thở phào nhẹ nhõm rồi.
Sau sự sôi động là bữa tiệc chia tay.
Nước mắt và tiếng cười đan xen, tình cảm dâng trào.
Meo: Xin lỗi vì cắt ngang mạch truyện của mọi người nhưng đọc đến đây tui nhớ thời cấp ba của tui quá. Cái khoảnh khắc tiếng trống hết giờ môn thi cuối cùng vang lên, tui đã nhìn ra cây phượng ngoài cửa sổ rồi nghĩ không biết tương lai mình sẽ làm gì, vừa mừng vừa lo. Xúc động cá
Gia đình có hai thí sinh thi đại học, cậu và mợ đều đến sớm để tránh kẹt xe. Tưởng Sương đã thu dọn đồ từ sớm, sau khi cậu chuyển đồ lên xe thì đi tìm Trần Dương. Trần Dương chưa bắt đầu thu dọn, không muốn giữ lại gì hết, cái gì cũng muốn vứt đi, liền bị mợ mắng một trận. Bốn người cùng giúp nhau, chẳng mấy chốc đã xong xuôi.
Cậu lái chiếc xe tải chở hàng chậm rãi rời khỏi cổng trường. Trần Dương và Tưởng Sương đều vô thức quay lại nhìn, nơi này đã gói trọn ba năm của hai người, sau này có lẽ sẽ không bao giờ quay lại nữa.
Kỳ thi tốt nghiệp vừa kết thúc được gần ba tháng, Tưởng Sương đã chia sẻ ý định của mình với cậu và mợ. Mặc dù điểm thi vẫn chưa được công bố, nhưng cô đã tự tính điểm và chắc chắn mình sẽ vào được đại học. Cô đã hỏi thăm giáo viên và biết rằng có thể vay tiền học tại trường, mức vay từ 1000 tệ đến 8000 tệ mỗi năm. Nếu học tốt sẽ có thể nhận được học bổng. Thế nhưng mà nếu chỉ có những khoản này vẫn chưa đủ chi phí, vậy nên cô muốn vừa đi học vừa tự kiếm tiền.
“Vài tháng này làm sao mà kiếm được nhiều tiền?” Cậu là người phản đối đầu tiên: “Học phí cứ để đó, cậu sẽ lo liệu.”
Mợ im lặng. Tiền thưởng cuối năm đã dùng để trả nợ hết, năm mới còn chưa có đồng nào. Cả gia đình đang sống nhờ vào tiệm tạp hóa nhỏ. Đến tháng chín khi hai đứa vào đại học, học phí và sinh hoạt phí chắn chắn sẽ thành gánh nặng lớn.
Đi vay ư? Có ai xung quanh mà chưa bị họ vay đâu.
Chuyện của Trần Chính cô đã bỏ qua một bên, cũng từng bước một tự khuyên nhủ mình. Nhưng giờ đây vấn đề lại được đặt ra, cô không thể tự lừa dối mình được nữa.
Tưởng Sương đã có kế hoạch từ trước, cô nở một nụ cười: “Bạn cùng bàn Tô Nhuế của con, bọn con rất thân. Bố cô ấy nói có thể giúp con giới thiệu việc làm trong mùa hè.”
“Làm gì?”
“Con có thể trông cửa hàng vật liệu xây dựng ở trên trấn.” Tưởng Sương trả lời một cách bình tĩnh, câu nói này đã được cô luyện tập không biết bao nhiêu lần.
“Tô Nhuế sẽ làm cùng con, tụi con đồng hành với nhau, cùng ở nhà dì của Tô Nhuế.”
“Con đâu hiểu gì về vật liệu xây dựng?”
“Con có thể học. Con rất thông minh, học cái gì cũng hiểu nhanh.”
Cậu nói sẽ đi xem tình hình.
Tưởng Sương không hề thay đổi sắc mặt, nói cậu có thể gọi điện cho Tô Nhuế. Bên kia đầu dây, Tô Nhuế đã được Tưởng Sương dặn trước, cô ấy đối đáp không một kẽ hở thì cậu mới tin, nhưng vẫn còn lo lắng về môi trường trên thành phố.
Mợ bước ra nói có thể thử, nếu không phù hợp thì về nhưng phải liên lạc với gia đình, không được giấu nhẹm chuyện gì, đừng để bị ép buộc mà không dám nói.
Tưởng Sương gật đầu thật mạnh, hứa đi hứa lại nhiều lần.
Cậu nhíu mày rồi cũng nhượng bộ.
Nếu không phải vì bế tắc, ai lại muốn để con mình chịu khổ như vậy chứ.
Trần Dương biết Tưởng Sương muốn đi kiếm tiền, kế hoạch ngủ một tuần của cậu cũng bị hủy bỏ, lập tức kêu lên mình cũng muốn đi làm thêm. Thế là liền bị bố kéo đến công trường, dù sao thì cũng là làm mấy công việc phụ như vác gạch, chuyển xi măng.
Mợ không nỡ, mợ biết công trường khổ như thế nào, muốn con tìm việc nhẹ nhàng hơn.
Trần Dương không để ý, nói: “Mẹ không hiểu đâu, bây giờ ai cũng thích cơ bắp, ngày nào cũng tập gym vất vả. Con đến công trường, vừa được rèn luyện cơ bắp toàn thân lại vừa có tiền. Đến khi vào đại học sẽ quyến rũ được rất nhiều bạn gái.”
“Toàn nói những chuyện bậy bạ, con có chịu được cái khổ ấy không đã.”
“Đàn ông phải rèn luyện mới gánh vác được tương lai chứ, chuyện này cứ thế mà làm.” Cậu quyết định, hai đứa nhỏ vừa tốt nghiệp trung học phổ thông đều đã có kế hoạch.
Không có cửa hàng vật liệu xây dựng, không có dì của Tô Nhuế, môi trường hạn hẹp, những phương án kiếm tiền của Tưởng Sương không nhiều. Ở bên ngoài cũng không dễ dàng gì, không cần loại công việc mùa hè tạm bợ như cô đã nói. Cô nghĩ đến Phó Dã, cậu đi chuyển đồ thuê, cô sẽ giúp cậu chuyển đồ. Dù trông gầy nhưng sức của cô không hề nhỏ, hai người làm việc nhanh, một ngày có thể làm thêm được một đơn. Cô chỉ cần một ít tiền là được.
Cô biết Phó Dã ở nhà mấy ngày nay, nên chạy đến nhà bà nội cậu. Cậu vừa mới thức dậy, tóc rối bù, cầm cốc nước và bàn chải đánh răng ra sân. Cô liền trình bày ý định của mình, nhưng bị từ chối ngay lập tức.
“Cô có biết đồ nặng đến mức nào không?”
“Tôi biết.”
Phó Dã nhăn mày: “Rất mệt.”
“Tôi không sợ mệt.” Tưởng Sương cứng rắn nói, mặt đầy vẻ quyết tâm.
“Không cần. Tôi đã nói tôi sẽ cho cô tiền.” Phó Dã không hiểu cô đang nói gì, thậm chí còn không muốn tranh cãi. Cậu uống nước, súc miệng xong, không thèm nhìn đã đuổi người: “Về đi, chuyện cứ quyết như vậy đi.”
Tưởng Sương quay đầu bỏ đi.
Ngày hôm sau cô lại đến.
Tưởng Sương đứng đó, Phó Dã suýt nữa không nhận ra cô.
Mái tóc dài mượt mà óng ả đã biến mất, thay vào đó là mái tóc ngắn xù xì, ép sát tai, cô mặc chiếc áo phông rộng của Trần Dương, quần lửng qua đầu gối. Nhìn thoáng qua trông như một chàng trai thanh tú.
Phó Dã nhíu mày còn chặt hơn, toàn thân hơi bực bội. Cậu hỏi với giọng khàn khàn: “Tóc cô đâu?”
“Bán rồi.”
Sáng hôm đó cô đã ra chợ, có người mua tóc, cô đã cắt bán ngay tại đó. Kéo cắt gần như sát da đầu, cô rùng mình vì cái lạnh của kim loại, nhưng không sao, tóc rồi sẽ mọc lại.
Mái tóc nuôi nhiều năm như vậy mà chỉ được hai trăm tệ.
Tưởng Sương nhìn cậu, vẫn là câu nói cũ: “Để tôi theo cậu làm việc đi.”
Kiên quyết và bướng bỉnh.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.