Phạm Nhàn thấy cô nghiêm túc, nhíu mày suy tư, đưa tai lại gần, lắng nghe thê
tử thì thầm bên tai, tâm tình càng trĩu nặng. Trên mặt y không có biểu hiện gì
khác, vẫn bình tĩnh như thường. Y an ủi thê tử: "Ta cứ nghĩ có việc gì lớn mà
khiến nàng vội vàng xuống Giang Nam... Đám trưởng bối trong cung quen thói
đánh giá người khác rồi, không cần quá quan tâm."
Trong thời gian ở kinh đô, cặp phu thê trẻ tuổi này đã cực kỳ ăn ý với nhau, hơn
nữa đã từng thảo luận rõ ràng —— hiện giờ Uyển Nhi là thê tử, là phụ nữ, trong
một mối quan hệ phức tạp như thế này, Phạm Nhàn yêu thương cô, không muốn
cô phải dính dáng quá nhiều vào những chuyện u ám này, cho dù thực tế Uyển
Nhi có thể giúp đỡ y rất nhiều.
Ví dụ như ngày Đại hoàng tử ghé thăm Phạm phủ, cuộc trò chuyện về đêm giữa
hai người.
Dẫu đã hứa như vậy, nhưng Uyển Nhi không thể giả vờ như không có chuyện gì
xảy ra xung quanh mình, càng không thể bịt mắt mình, giả như không thấy hôn
phu của mình đang giương cung bạt kiếm với người mẹ không mấy thân thiết
của mình.
Tâm tư của một cô nương rất khó đoán, nhưng trong việc này, cô luôn muốn tìm
cách bảo vệ Phạm Nhàn, mà không để mọi chuyện tiến triển đến mức không thể
khắc phục.
Nhưng điều này rất khó. Phạm Nhàn rất khó hiểu được, Uyển Nhi cũng vậy.
Vì thế cô không còn cách nào khác ngoài việc cẩn thận tìm hiểu thông tin ở Tứ
Xứ trong thời gian ở kinh đô, giúp Phạm Nhàn phân tích những điều huyền diệu
trong chuyện chính trị của các vị phu nhân, dựa vào địa vị đặc biệt của mình, cô
có quyền tự do ra vào cung, giúp Phạm Nhàn đang ở tận Giang Nam liên lạc với
mọi người trong cung, loại bỏ một số trở ngại có thể loại bỏ được.
Phạm Nhàn biết những chuyện này, cũng biết y không thể ngăn cản thê tử của
mình, vì vậy y chỉ có thể để cô làm. Hơn nữa, có những thời điểm thực sự cần
Uyển Nhi ở giữa hòa hoãn các bên, giống như cuộc viếng thăm cung đình sau
sự cố trong kỳ thi mùa xuân.
o O o
Do Phạm Nhàn phản đối, năng lực của Uyển Nhi không thể phát huy hoàn toàn,
bản năng của cô trong chính trị và cung đình cũng bị kìm hãm. Tuy nhiên, điều
này không có nghĩa là cô không hiểu những việc đó, vì vậy khi biết chuyện xảy
ra trong cung, cô dứt khoát quyết định đến Giang Nam.
Trái với suy đoán của mọi người, thiếu nãi nãi của Phạm phủ đến Giang Nam
không phải để gặp thánh nữ của Bắc Tề tên là Đóa Đóa mà chỉ muốn nhắc nhở
trực tiếp với Phạm Nhàn về một số việc.
“Các vị trưởng bối trong cung... có thể ảnh hưởng tới rất nhiều thứ.” Uyển Nhi
lo lắng nhìn về phía Phạm Nhàn, thì thầm: "Thái hậu là cô ruột của Hoàng hậu,
mối quan hệ giữa hai người này là không tách rời... Hoàng hậu đã sắp xếp người
tiến cung kể cho Thái hậu nghe câu chuyện Thạch Đầu Ký, trong chuyện này ẩn
chứa nhiều nguy hiểm, chàng không thể lơ là."
Phạm Nhàn im lặng, trong lòng dâng lên nỗi tức giận. Ban đầu, khi ở Đạm Châu
chép "Thạch Đầu Ký", chỉ vì muốn tìm chút trò chơi cho bản thân và Tư Tư,
làm chút chuyện tiêu khiển cho Nhược Nhược, đồng thời cũng để thỏa mãn một
chút sở thích văn chương của mình, không mấy để ý. Bởi vì tuy y biết rõ, văn từ
năm xưa của lão Tào thực sự có phần vi phạm cấm đoán, nhưng nghĩ đến việc
đây là hai quốc gia, hai thế giới hoàn toàn khác nhau, có làm sao cũng không
phạm phải cấm kỵ, y cũng hơi chủ quan.
Nào đâu có ngờ, thân thế và tao ngộ của mình sau này lại biến đổi lớn như vậy,
mỗi từ mỗi câu mỗi từ trong "Hồng Lâu Mộng"... như thể đang diễn tả nỗi
không cam lòng và oán hận của chính mình.
Đặc biệt là bài thơ liên quan tới Xảo Tỷ.
Ai cũng có thể viết cuốn sách này, nhưng không thể là mình... Khổ nỗi bây giờ
mọi người trong thiên hạ đều tin tưởng, cuốn sách này là do mình viết.
Nỗi oán hận trong sách, có vẻ như đang nói rằng mình không cam lòng không
phục về chuyện Diệp năm xưa... Hoàng hậu đã sắp xếp người tiến cung đọc
sách cho lão Thái hậu, với bản tính mẫn cảm và đa nghi của Thái hậu, chẳng lẽ
lại không nghĩ rằng mình có lòng dạ khác?
Trong hoàng tộc, mọi việc đều xoay quanh chữ "tâm". Nếu trong lòng có ngờ
vực thì người cũng trở nên đáng nghi, nếu trong lòng muốn diệt thì người cũng
có thể bị trừ.
Phạm Nhàn chìm vào suy nghĩ một hồi, nhận ra đây đúng là vấn đề mà mình
sắp phải đối mặt. Nếu Thái Hậu thật sự cho rằng mình không cam tâm, muốn
đòi lại công bằng cho chuyện năm xưa, thế thì bà lão đang tạm thời im lặng kia
sẽ không còn tồn tại nữa. Hiện giờ Khánh quốc dùng chữ hiếu để cai trị thiên
hạ, nếu Thái hậu nói gì, thể nào vị Hoàng đế lão tử của mình cũng phải thể hiện
thái độ.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.