🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau

Về đến nhà, Lưu Tú Phượng liền vào nhà chính, đổ túi tiền ra bàn, tiền đồng leng keng rơi đầy mặt bàn, nhìn thôi cũng thấy lòng hân hoan khoan khoái.

Diệp Khê bảo bà cứ đếm tiền đi, còn mình thì đem cá ra sân, dùng dao cạo sạch vảy, moi mang, rồi dùng kéo rạch bụng cá.

Quả nhiên bên trong đầy ắp trứng cá vàng óng, cả một bụng căng tròn.

“Mẹ ơi, cá này có trứng nè! Con làm món trứng cá xào ớt, ăn với cơm là ngon hết sẩy.” Diệp Khê gọi lớn.

Trong phòng, Lưu Tú Phượng đang đếm từng văn tiền, cười đáp lại: “Lâu lắm rồi không ăn được trứng cá, cá mua trên trấn về thường chẳng mấy khi béo tốt, không có trứng đâu. Trứng cá mùa thu thì bổ lắm, lát nữa con phải ăn nhiều vào đấy.”

Làm cá xong, Diệp Khê đem mang cá và ruột cá không ăn được vứt vào chuồng gà, rồi xách cá vào bếp.

Cậu chặt cá thành từng khúc đều nhau, sau đó lấy hai nhúm bột khoai lang phơi khô trong nhà hòa với nước, tẩm kỹ lên từng miếng thịt cá, xoa đều tay để thịt cá mềm, giữ được độ ngọt khi nấu.

Khẩu vị của người dân ở thôn Tú Sơn thiên về cay, nấu cá kho thì nhất định phải bỏ ớt chưng, lại thêm ớt muối trong vại như ớt đỏ, ớt xanh và cả loại ớt rừng cay nồng nữa để tăng hương vị.

Cậu cắt nhỏ một chén ớt muối, trộn thêm nửa chén ớt chưng đỏ au.

Sau đó lại ra sân ngắt một nắm lá hoắc hương, thứ lá này có mùi đặc trưng, phảng phất vị cá. Ngày thường không có cá, các nhà hay dùng hoắc hương hầm cà tím, làm ra món cà tím có hương vị như cá.

Cũng không thể thiếu một ít húng quế, thêm vài lá tía tô cho thơm.

Gia vị đã chuẩn bị xong, lửa bếp cũng nổi lên. Diệp Khê thích dùng một miếng mỡ heo nhỏ để tráng nồi trước, sau đó mới đổ dầu cải vàng óng vào.

Khói cuồn cuộn bốc lên, cậu đổ ớt chưng và ớt muối vào, đảo đều cho thơm, mùi ớt nồng xộc lên làm cậu phải bịt mũi ho mấy tiếng.

Khi đã xào xong phần gia vị, cậu mới đổ dưa chua và gừng vào, cuối cùng thêm hai gáo nước, đậy nắp nồi lại nấu cho sôi.

Lưu Tú Phượng vui vẻ đi vào bếp, cười nói: “Khê ca nhi, đoán xem mớ cá này bán được bao nhiêu tiền nào?”

Diệp Khê vừa thêm củi vào bếp vừa cười: “Con tính toán không giỏi đâu, mẹ cứ nói đi.”

Lưu Tú Phượng đưa tay giơ lên mấy ngón, vui vẻ nói: “Tám phân bạc đấy! Những tám trăm văn tiền cơ.”

Diệp Khê cũng không ngờ được nhiều như vậy: “Số tiền này đủ cho nhà ta dùng nửa năm rồi, đúng là tiền từ trên trời rơi xuống.”

Lưu Tú Phượng vội siết chặt túi tiền, buộc nút kỹ càng, đưa cho Diệp Khê dặn dò: “Con rể là người có bản lĩnh, số tiền này chẳng khác nào thu nhập cả một vụ mùa trong ruộng đấy.”

Diệp Khê cười rồi cất kỹ túi tiền: “Anh ấy còn thường đi săn gà rừng này kia nữa, nếu gặp may bắt được một hai con, cũng có thể bán hơn trăm văn, mấy tháng qua chắc cũng để dành được bảy tám trăm văn rồi.”

Lưu Tú Phượng nghe xong thì yên tâm, hai đứa nhỏ biết tích cóp, trong nhà giờ cũng đã có chút của để dành, nhỡ có chuyện gì xảy ra cũng có tiền xoay sở.

“Vậy thì mẹ cũng bớt phải lo cho tụi con. Tướng Sơn nó không chỉ biết làm ruộng, mà còn biết đánh cá săn thú, vậy thì ngày tháng sau này dễ sống rồi. Giờ chỉ còn trông vào cái bụng của con đấy, chừng nào mới cho ta với cha con bế cháu ngoại đây?”

Diệp Khê cụp mi, có chút ngượng ngùng: “Ca nhi vốn khó mang thai hơn nữ nhi, chuyện này phải xem duyên trời nữa.”

Lưu Tú Phượng dịu dàng an ủi: “Con mới thành thân có mấy tháng, đừng sốt ruột. Con rể thương con như vậy, chắc chắn sẽ không ép đâu. Chờ đến khi cơ duyên tới thì tự nhiên sẽ có thôi.”

Diệp Khê gật gật đầu. Nước trong nồi đã sôi, cậu đứng dậy mở nắp, Lưu Tú Phượng ngồi xuống tiếp tục nhóm lửa giúp con.

Những miếng cá đã được tẩm bột khoai và chiên vàng giòn lần lượt được cho vào nồi nước dùng đỏ au, Diệp Khê dùng mui nhẹ nhàng khuấy đều: “Mấy thứ chuẩn bị cho anh cả thành thân mẹ đã lo đủ hết chưa ạ?”

Lưu Tú Phượng cười đáp: “Cũng xong gần hết rồi. Chăn cưới thì nhờ lão Vương trong thôn làm hai cái, toàn dùng bông mới. Bộ trải giường thì đặt của thằng Béo thôn bên, bộ của con hồi đó cũng là hắn làm. Lần này quen biết rồi nên còn bớt cho ta mười văn đấy.”

Diệp Khê trở cá trong nồi, vừa làm vừa hỏi:
“Đồ ăn thì sao ạ?”

“Một mâm tám món, ít hơn tiệc của con một món, nhưng năm món mặn hai món nguội, một canh nóng. So với tiệc cưới của nhà khác trong thôn cũng chẳng kém là bao, không làm mất mặt anh con, lại khiến cô nương nhà họ Lý hài lòng.”

Trong lòng mẹ đã suy tính đâu vào đấy, hôn sự cũng chuẩn bị chu đáo hết cả, vậy nên Diệp Khê không hỏi thêm nữa.

Cá trong nồi nấu thêm một lát, cậu rắc húng quế và tía tô lên, rồi múc ra tô lớn.

Lúc Diệp Khê đang làm cải chua xào trứng thì Lâm Tướng Sơn và Diệp Sơn cũng vừa về tới. Vừa bước vào trong sân, Diệp Sơn đã hít hít mũi: “Thơm thật! Là tay nghề của Khê ca nhi nhà ta rồi!”

Diệp Khê đang ở trong bếp nghe thấy, dùng tạp dề lau tay, cười nói: “Anh còn phân biệt được cơ à?”

Diệp Sơn giúp Lâm Tướng Sơn trải lưới cá ra phơi, vừa phủi bùn đất vừa nói: “Hôm nay chắc nhà nào trong thôn cũng ăn cá, nhưng suốt đường về, hương thơm bay ra từ bếp nhà nào cũng chẳng thơm bằng nhà mình. Em rể, ngươi thấy có đúng không?”

Lâm Tướng Sơn gật đầu, không chút do dự khẳng định tay nghề của phu lang: “Khê ca nhi nấu ăn rất ngon, từ sau khi thành thân đến giờ, ta chắc đã lên mấy cân rồi, đều do đồ ăn của phu lang quá ngon mà ra.”

Hai người một tung một hứng, Diệp Khê đỏ mặt, bưng ra một tô cá đầy ắp, dọa hai người: “Nói thêm câu nữa thì không cho ăn cơm đâu đấy.”

Cơm chiều được bày trong sân nhỏ, cả nhà ngồi quay quần cùng nhau. Trời còn chưa tối hẳn, gió mát nhẹ thổi, ăn uống cũng thấy thoải mái vô cùng.

Cả nhà đang ăn cơm thì trưởng thôn Chu Đại đến, đứng ngoài hàng rào gọi vào: “Đến không đúng lúc rồi, ngay giờ nhà các ngươi ăn cơm!”

Cả nhà họ Diệp ngẩng đầu nhìn, cha Diệp đặt đũa xuống, lên tiếng mời: “Trưởng thôn đến rồi à, vào đi, đã ăn cơm chưa? Vào ăn cùng nhà tôi một miếng.”

Trưởng thôn Chu Đại xua tay cười: “Ăn rồi, tối nay vợ tôi làm mì, chan với canh chua, tôi ăn liền hai chén, giờ bụng vẫn còn căng đây.”

Lưu Tú Phượng vào nhà rót một chén trà, lại xách theo một chiếc ghế thấp: “Ông trưởng thôn ngồi đây đi, uống chén nước cho mát họng.”

Chu Đại bước vào sân, cầm chén trà ngồi xuống. Ông làm trưởng thôn thôn Sơn Tú đã bảy tám năm, xử sự công bằng, lại rộng rãi đức độ, người trong thôn đều kính trọng và nghe theo.

Cha Diệp hỏi: “Hiếm khi trưởng thôn đến nhà tôi, có chuyện gì vậy?”

Chu Đại uống một ngụm trà, thong thả nói: “Là đến báo việc quan phủ định làm một con đường quan đạo bên ngoài, hôm kia có hai vị quan sai đến báo, bảo ta hỏi người trong thôn xem có ai sẵn lòng giúp vận chuyển đá xanh, đào mương dẫn nước hay không.”

“Việc tốt đấy chứ, trưởng thôn, vậy tiền công thế nào?” Cha Diệp hỏi.

Chu Đại giơ tay ra hiệu con số: “Mỗi ngày ba mươi văn, bao luôn cơm trưa.”

Giá này kể ra cũng hậu hĩnh, làm khuân vác ở trấn trên cũng chỉ được hai mươi văn một ngày là cùng.

Diệp Sơn liền đặt chén xuống, nói lớn: “Trưởng thôn, con đi!”

Lâm Tướng Sơn cũng nói theo: “Con cũng đi.”

Trưởng thôn Chu Đại cười: “Chính vì nhìn thấy nhà các người có hai chàng trai khỏe mạnh, thật thà đáng tin nên ta mới ghé hỏi trước đấy. Biết rõ hai người đều chăm chỉ chịu khó, đi làm việc cho quan phủ chắc chắn không gian lười, không làm mất mặt thôn Sơn Tú ta.”

Cha Diệp lên tiếng: “Vậy thì cảm ơn trưởng thôn đã nhớ đến nhà tôi, hai đứa nhỏ nhất định sẽ làm tốt.”

“Có lời này của mọi người thì ta yên tâm rồi. Diệp Sơn sắp thành thân rồi phải không?” Trưởng thôn Chu Đại từng nghe vợ mình nhắc, đến lúc đó còn phải đi góp vía phòng tân hôn nữa.

Diệp Sơn cười khờ: “Dạ, định vào cuối tháng này đó ạ.”

Trưởng thôn Chu Đại gật đầu: “Được lắm, chịu khó làm nửa tháng, kiếm được ít tiền thì mua cho vợ mới cưới một bộ y phục mới hay món đồ trang sức đẹp nào đó. Người ta gả qua làm dâu cũng không dễ dàng gì đâu.”

Diệp Sơn nói: “Con nhất định sẽ làm vậy. Đến lúc đó trưởng thôn đến uống rượu mừng, con nhất định kính người hai chén.”

Trưởng thôn còn phải đi báo cho các nhà khác, cũng không tiện ngồi lâu, nói thêm vài câu rồi dặn dò mấy quy củ nữa, sau đó mới rời đi.

Cuối thu sắp sang đông, mùa vụ ngoài đồng cũng vừa kết thúc, trong trấn lại không có việc gì làm, giờ có thể đi làm quan đạo, quả là chuyện may bất ngờ.

Lưu Tú Phượng cười nói: “Thế thì tốt rồi, trong nhà chỉ cần đàn ông chịu khó làm việc thì không phải lo thiếu bạc nữa.”

Trong lòng Diệp Sơn vui vẻ nghĩ thầm, đợi mình làm việc một thời gian, kiếm được ít tiền là có thể sắm cho nàng một bộ áo bông mới. Người nàng trắng trẻo, nét mặt dịu dàng, mặc áo vải bóng màu tím nhạt nhất định sẽ rất đẹp!

Ăn cơm tối xong ở nhà cha Diệp, Diệp Khê liền nắm tay Lâm Tướng Sơn, men theo con đường nhỏ thong thả đi về.

Bàn tay của Lâm Tướng Sơn to dày, bao lấy toàn bộ tay Diệp Khê, sưởi ấm lòng bàn tay cậu: “Trời lạnh rồi, đầu ngón tay mình bắt đầu tái đi rồi.”

Diệp Khê có thể cảm nhận được hơi ấm truyền đến qua bàn tay, không kìm được liền lấy ngón tay khẽ cào vào lòng bàn tay hắn một cái.

“Mình thật sự muốn cùng anh cả đi làm quan đạo sao?”

Lâm Tướng Sơn khẽ ừ một tiếng.

Diệp Khê không khỏi thấy xót xa: “Nhà vừa xong vụ thu, mới gieo lúa mì mùa đông, mấy hôm nay lại lên núi chặt củi săn bắn, bận rộn chưa nghỉ được ngày nào, giờ lại phải đi làm việc rồi.”

Lâm Tướng Sơn bật cười: “Anh là nam tử hán đại trượng phu đang trẻ tuổi khỏe mạnh, không tranh thủ lúc này làm việc thì còn đợi lúc nào? Phải làm nhiều để sớm tích cóp được chút vốn, sau này mới dễ sống hơn. Mình đừng lo, chỉ cần mỗi ngày mình cho anh ăn ngon là anh mãn nguyện rồi!”

Diệp Khê gật đầu: “Vậy mình đừng lo lắng chuyện trong nhà, em nhất định sẽ chăm lo chu toàn, tích trữ sẵn đồ ăn, chúng ta ấy mà, đừng ai làm gánh nặng cho ai cả.”

Khi về đến nhà, vừa đẩy cổng ra, nai con đã đứng đợi sẵn, ngoan ngoãn ra đón hai người. Diệp Khê vào bếp rửa một củ cà rốt, đút vào miệng nó, nó liền gặm lấy rồi quay về dưới mái hiên nhai nhóp nhép.

Trước khi tắt đèn đi ngủ, Diệp Khê đổ số tiền bán cá hôm nay ra, ngồi dưới ngọn đèn dầu đếm từng đồng một, tiền dành dụm trong nhà còn lại hai thỏi bạc lớn và mấy mảnh bạc vụn.

“Trong nhà bây giờ đã để dành được ít tiền, tổng cộng có mười lượng ba trăm văn rồi.” Diệp Khê cẩn thận cất bạc vào hũ sành, lại lấy ra mấy trăm văn tiền lẻ bỏ vào túi tiền.

“Chỗ bạc đó thì để dành sau này mua ruộng mua đất, hoặc là mua con giống, còn số tiền này để chi tiêu hằng ngày, nào là củi gạo dầu muối tương giấm trà đều đủ cả. Đến cuối năm chắc còn phải tiêu thêm để sắm đồ Tết nữa.”

Diệp Khê lầm bầm tính toán chuyện ăn mặc sinh hoạt trong nhà: “Đến tháng Chạp, gà vịt nhà mình nuôi cũng có thể đem lên trấn bán được, lại thêm một khoản thu vào. Lợn thì phải nuôi thêm ít nữa, không thì sẽ bị mất giá.”

Lâm Tướng Sơn ngồi bên cạnh nhìn tiểu phu lang tham tiền của mình cứ lải nhải, tính toán mãi không thôi, hắn nhịn không nổi nữa, bế thốc cậu lên, thổi tắt ngọn đèn dầu rồi ném người lên giường.

Hết chương 40.

Chương trước
Chương sau
Trang web đọc truyện online hàng đầu Việt Nam, cung cấp kho truyện phong phú với các thể loại như tiên hiệp, kiếm hiệp, ngôn tình, truyện teen và truyện đô thị. Tất cả các tác phẩm đều được chọn lọc kỹ lưỡng bởi các tác giả và dịch giả uy tín, mang đến trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời nhất cho bạn!
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.