Trong sân nhà Diệp Khê vừa mổ xong một con heo lớn, nội tạng để đầy cả một chậu. Lý Tập đang dùng quả bồ kết rửa sạch tay, Ly ca nhi thì ở bên đưa khăn cho hắn lau.
Diệp Sơn và Lâm Tướng Sơn tạt nước dội sạch vết máu trong sân, còn phải lấy chổi quét tới quét lui vài lần mới sạch.
Diệp Khê nhìn thịt heo nhà mình vừa mổ ra, vui vẻ nói: “Tối nay mọi người ở lại ăn cơm với nhà ta nhé!”
Ly ca nhi mừng rỡ: “Tất nhiên là được, lâu lắm ta chưa được ăn đồ ăn ngươi nấu!”
Diệp Khê chọn một miếng ba chỉ và thịt đùi, lại lấy thêm đoạn lòng già rồi đi vào bếp.
Một lúc sau, trong bếp đã nổi lửa, ngay sau tiếng “xèo xèo” vang lên từ chảo dầu là mùi thịt thơm lừng bay ra, khiến đám người trong sân đều đồng loạt nuốt nước miếng.
Lâm Tướng Sơn hỏi Lý Tập: “Khi nào dựng nhà thì báo một tiếng, cần gì thì chúng ta sẽ giúp một tay.”
Diệp Sơn gật đầu: “Sau này đều là hàng xóm láng giềng, có chuyện gì thì cứ nói.”
Lý Tập có chút cảm động, từ lúc tách khỏi nhà chuyển đến thôn Sơn Tú, nhà họ Diệp và họ Lâm đã giúp đỡ hắn không ít, ngược lại cha mẹ ruột cùng anh em trong nhà thì chẳng hề hỏi han lấy một câu.
“Được, hai vị anh lớn đã xem ta như huynh đệ, ta cũng không khách sáo với các anh đâu. Sau này nếu có chuyện gì cần nhờ vả, ta sẽ mặt dày tìm hai người đấy.”
Lâm Tướng Sơn cười: “Ngươi là người thật thà, giết heo bán thịt vất vả như thế, giờ cũng sắp thành gia lập thất rồi.”
Ba người ngồi nói chuyện được một lúc thì Diệp Khê ra gọi vào ăn cơm, bày bàn ở giữa nhà chính.
Ngoài trời tuyết vẫn rơi không ngớt, không khí trên núi cũng lạnh dần, nhưng trong căn nhà nhỏ đã đốt bếp sưởi ấm áp, sáu người quây quần bên mâm cơm, cùng nhau thưởng thức bữa cơm ngon nóng hổi.
Diệp Khê nấu thịt ba chỉ kho tàu, lòng già xào ớt khô, củ cải hầm sườn, thịt viên bọc nấm hương và cà rốt chiên giòn, cuối cùng còn lấy đậu đũa chua trong vại xào với thịt băm ăn cùng với cơm trắng.
Ai cũng cắm cúi ăn không dừng được, miệng người nào người nấy đều bóng dầu, đúng là heo nhà nuôi thì mới béo tốt đến thế.
Sau khi vui vẻ ăn uống hơn nửa canh giờ, Diệp Sơn đưa Lý Nhiên về trước, Ly ca nhi và Lý Tập cũng không nấn ná thêm, mai còn phải dậy sớm làm việc.
Người đi hết rồi, khoảng sân nhỏ yên tĩnh trở lại. Diệp Khê dọn dẹp sạch sẽ rồi bước ra khỏi bếp, Lâm Tướng Sơn đang mang mớ thịt heo cất vào chum để bảo quản.
Diệp Khê nhìn chum thịt đầy ắp, trong lòng thấy sung sướng, là cảm giác yên tâm khi nhà có lương thực dự trữ, cậu cười nói: “Chỗ thịt này mà có nấu mỗi bữa một món cũng ăn không hết, mai em đem muối là có thể ăn từ từ tới sang năm luôn.”
Lâm Tướng Sơn gật đầu: “Phu lang nuôi heo vất vả rồi, anh mới có thịt ăn thế này.”
Từ heo con nuôi thành heo béo ục ịch đâu phải chuyện một sớm một chiều, mỗi ngày ba bữa nấu cám băm rau, còn phải dọn chuồng, việc nào cũng cực nhọc.
Diệp Khê cười: “Có làm thì mới có ăn đúng không? Trên núi tuy có lợn rừng nhưng dễ gì mà bắt được. Cuối cùng vẫn phải tự mình chịu khó thì mới có thịt ngon mà ăn. Năm sau nhà ta lại nuôi thêm hai con, gà vịt cũng cho ăn nhiều hơn, khai khẩn thêm ít đất hoang bên hông nhà nữa, đến lúc đó anh làm hàng rào để thả gà vịt vào đó, như vậy cũng đỡ vất vả.”
Lâm Tướng Sơn cười trêu cậu: “Bây giờ đang là lúc ngủ đông đón Tết, vậy mà phu lang đã bắt đầu tính chuyện làm ăn cho năm sau rồi, chi bằng theo phu quân vào phòng nghỉ ngơi, đánh một giấc cho đã thì thôi.”
Diệp Khê ngáp một cái: “Phải ngủ sớm thôi, mai còn muối thịt nữa.”
Đèn trong sân nhỏ vụt tắt, thôn Sơn Tú chìm trong đêm tối, để mặc tuyết lớn lặng lẽ phủ lên vạn vật.
x
Hôm nay chính là đêm giao thừa, Diệp Khê bận rộn chuẩn bị đồ ăn Tết trong nhà, hai vợ chồng từ sáng sớm đã bắt đầu tất bật.
Lâm Tướng Sơn mang hết các hũ lọ trong nhà ra lau rửa, mái hiên và nền đất đều phải quét tước sạch sẽ, đây là phong tục trước Tết gọi là “quét bụi”, mang ý nghĩa bước vào năm mới sạch sẽ, cầu mong thuận hòa.
Diệp Khê ở ngoài sân đang dùng gia vị ướp thịt nhồi lạp xưởng, để dành ăn dần trong thời gian tới.
“Chồng ơi, quét dọn xong thì dán câu đối với hoa lên cửa sổ nhé, hồ dán em nấu xong rồi, để trên bếp đấy.”
Lâm Tướng Sơn là người làm việc tỉ mỉ, quét sạch mái hiên, cửa sổ cũng lau đến sáng bóng, nhìn vào là thấy hài lòng ngay.
Hắn cầm lấy câu đối và hoa dán cửa sổ mua ở chợ phiên. Trong thôn ít người biết chữ nên đều phải mua. Mấy ông thầy đồ chỉ cần phất tay một cái, chưa chớp mắt đã viết xong một đôi câu đối, lấy mười văn tiền. Dân quê nhìn chỉ thầm nghĩ người có học thật tốt, kiếm tiền cũng dễ, dù có thấy hơi đắt thì cũng phải móc tiền ra mua, chứ làm sao mà tự viết được đây.
“Chữ trên câu đối năm nay trông đẹp thật, tuy anh không hiểu, nhưng nhìn rồng bay phượng múa, rất có thần khí.” Lâm Tướng Sơn vừa giũ vừa ngắm câu đối.
Diệp Khê đang dùng ống tre nhồi lạp xưởng đáp: “Là học trò ở trấn viết đấy, hình như học ở thôn Thanh Phúc, nhà nghèo nên ra chợ bày sạp bán chữ. Em thấy viết đẹp hơn hẳn mấy chỗ khác, nên mua luôn hai cặp.”
Hoa cửa sổ là Diệp Khê tự cắt, nào là hình phúc lộc an khang, năm nào cũng dư, như ý cát tường. Cậu chỉ biết làm mấy mẫu đơn giản, còn muốn phức tạp hơn thì phải nhờ các thím lớn tuổi trong thôn. Mấy thím gấp qua gấp lại tờ giấy đỏ, rồi lấy kéo cắt một cái, vậy mà thành nhiều hình thù đẹp đẽ tinh xảo lắm.
Lâm Tướng Sơn dán câu đối và hoa lên cửa, sau đó lại ra cổng treo đèn. Năm nay là năm đầu tiên họ thành thân, đêm giao thừa tất nhiên phải chuẩn bị cho tươm tất.
Thế là hắn treo hai chiếc đèn lồng đỏ dán chữ “Phúc” ở cổng nhà.
“Cái đầu heo ấy, em thấy làm sạch rồi luộc chín, bày lên bàn thờ để cúng cha mẹ mình thì sao?” Diệp Khê hỏi Lâm Tướng Sơn.
Lâm Tướng Sơn ừ một tiếng: “Anh cưới được phu lang tốt, ngày tháng cũng khấm khá lên, nên dâng chút đồ ngon để cha mẹ phù hộ cho cuộc sống ngày càng thuận lợi.”
Diệp Khê liền vào bếp bắt đầu nhóm lửa, bữa cơm tất niên tối nay không thể qua loa, phải đủ đầy có cá có thịt, ăn xong phải còn thừa cả mâm thì năm tới mới dư dả.
Diệp Khê băm một thau đầy thịt để làm thịt viên, rồi lấy cá đã ướp và tẩm bột đem chiên, gà vịt cũng không thể thiếu.
Lâm Tướng Sơn thì giúp làm thịt hai con gà, vặt sạch lông rồi xách vào bếp, Diệp Khê cười nói: “Lát nữa tẩm bột chiên lên, da phải giòn mới ngon, còn lại thì chần sơ rồi trộn gỏi ăn cũng được.”
Bếp đầy khói dầu, Diệp Khê loay hoay bận rộn từ trưa đến giờ, đây là cái Tết đầu tiên cậu làm chủ gia đình. Trước kia toàn do mẹ lo liệu, cậu chỉ phụ một tay, bây giờ thì phải tự mình sắp xếp mọi việc.
Diệp Khê đưa cho Lâm Tướng Sơn một miếng bánh nếp nhân đậu đỏ, bánh được chiên trong chảo dầu sôi đến phồng lên, lớp ngoài giòn rụm, cắn một cái là nhân đậu đỏ mềm mịn bên trong tràn ra.
Hai người đem đồ ăn bày lên đĩa, rồi dâng lên bàn thờ trong nhà chính, đêm nay phải cúng tổ tiên trước rồi mới ăn cơm.
Ở chính giữa là một cái đầu heo to tướng, bên cạnh có cá, thịt và các loại bánh.
Diệp Khê và Lâm Tướng Sơn rót hai chén rượu cúng tế cha mẹ chồng rồi thắp hương.
Đang chuẩn bị bày cơm tất niên thì ở ngoài vang lên tiếng gõ cửa, thì ra là Diệp Sơn đến.
“Anh cả à?”
Diệp Sơn cười nói: “Cha mẹ nghĩ nay là đêm ba mươi Tết, hai đứa ở nhà có hơi hiu quạnh, bảo anh đến gọi hai đứa về ăn tất niên, đông người mới vui chớ.”
Diệp Khê nói: “Nhà em cũng chuẩn bị xong hết rồi, vẫn là cha mẹ thương hai đứa em.”
“Hai đứa nhanh lên, ăn xong cơm tất niên còn phải thức đêm đón giao thừa, đừng để lỡ giờ.”
Diệp Khê và Lâm Tướng Sơn bèn thu dọn đồ đạc, gói vài món đã chuẩn bị sẵn vào giỏ, cùng Diệp Sơn xuống núi.
Lưu Tú Phượng cũng đã chuẩn bị một mâm cơm hoành tráng, thấy hai đứa con út cùng về thì mừng rỡ nói: “Nay là ba mươi Tết, cả nhà phải quây quần mới đúng, tuy nói ca nhi xuất giá rồi thì nên ở nhà chồng ăn Tết, nhưng con rể là người nơi khác, lại không có cha mẹ, vậy thì mấy cái lễ nghi hình thức ấy cũng khỏi giữ làm gì, cứ để hai đứa về đây sum họp!”
Diệp Khê cũng vui lây, mình lấy chồng rồi mà vẫn được về nhà mẹ đẻ ăn Tết, chứ hai người họ thức đêm đón giao thừa cùng nhau cũng hơi lặng lẽ thật, giờ thì tốt rồi, cả nhà quây quần náo nhiệt!
Cơm tất niên được dọn lên bàn lớn giữa nhà, đồ ăn rất phong phú, thêm mấy món Diệp Khê mang tới như thịt viên chiên, gà trộn, vịt xông khói… để kín cả mặt bàn, đĩa chồng lên đĩa, thật sự không biết nên gắp món nào trước!
“Một năm vất vả chỉ để đêm giao thừa được ăn ngon một bữa, các con cứ ăn thỏa thích nhé!” Lưu Tú Phượng cười rạng rỡ.
Diệp Khê cười nói: “Chỉ sợ bụng no căng rồi mà vẫn chưa ăn hết từng ấy món ngon thôi.”
Diệp Sơn, Lâm Tướng Sơn và cha Diệp mở một vò rượu mới.
Đêm nay là giao thừa, người trong nhà vui vẻ là được, Lưu Tú Phượng chỉ nhắc: “Đừng uống đến say sẩm, còn phải đốt pháo nữa đó!”
Lý Nhiên đã qua giai đoạn ốm nghén, đang lúc ăn cực kỳ ngon miệng, Diệp Khê gắp thịt viên cho nàng ăn bỏ thèm, cả nhà quây quần ấm cúng ăn bữa cơm đêm ba mươi Tết.
Đêm nay là đêm náo nhiệt của thôn Sơn Tú, nhà nào nhà nấy đèn đóm sáng trưng, bọn trẻ con cầm đèn hoa năm mới đi dọc con đường làm, gõ cửa xin tiền mừng tuổi.
Chẳng mấy chốc đã tụm năm tụm ba trước cửa nhà họ Diệp, Lưu Tú Phượng buông đũa, cười nói: “Lũ nhóc ranh kia lại mò tới rồi.”
Diệp Khê cũng lấy ra hơn mười văn tiền, cùng Lưu Tú Phượng chia cho bọn nhóc, mỗi đứa một văn coi như lấy may, chỉ vậy thôi mà đám trẻ đã vui lắm rồi, mỗi nhà cho một văn, góp lại cũng được kha khá đủ để mua kẹo bánh linh tinh, nên chúng thích Tết nhất!
Diệp Khê lại cho chúng thêm ít bánh chiên, bọn trẻ thích Diệp Khê lắm, vừa được tiền vừa có bánh ăn.
Những cái miệng nhỏ ngọt như mía lùi tuôn ra một rổ lời chúc tốt đẹp: “Cung hỷ phát tài! Bình an thuận lợi! Đại cát đại lợi! Con cháu đầy đàn!”
Diệp Khê và Lưu Tú Phượng cười không khép nổi miệng, bọn trẻ còn phải tranh thủ chạy sang nhà khác xin tiền mừng tuổi, lại vội vã ùa đi.
Diệp Khê cười nói: “Thêm nửa năm nữa, chị dâu sẽ sinh ra một đứa nhỏ đáng yêu, lúc đó nhà ta sẽ càng đông vui hơn, đến Tết cũng cho nó xách đèn đi xin tiền mừng tuổi.”
Lý Nhiên liếc cậu một cái: “Đừng chỉ nói mỗi chị, em cũng phải mau chóng đi là vừa, hai đứa nhỏ chơi cùng nhau mới vui chứ!”
Trong thôn dần vang lên tiếng pháo nổ, nhà này nối tiếp nhà kia, đinh tai nhức óc, làm mấy con chó sợ đến sủa ầm lên.
Lưu Tú Phượng lấy pháo ra, gọi đám đàn ông trong nhà: “Tết đến rồi, mau ra đốt pháo đón năm mới đi! Sang năm nhất định sẽ là năm ăn nên làm ra!”
Lâm Tướng Sơn và Diệp Sơn từ trong nhà bước ra, mặt đỏ ửng vì men rượu, Lưu Tú Phượng hỏi cha họ đâu, Diệp Sơn ợ một cái, khoác vai Lâm Tướng Sơn, cười nói: “Cha uống dở, đã say gục rồi.”
Lưu Tú Phượng liếc mắt mắng yêu con trai và con rể một cái, cười nói: “Tối nay chẳng ra thể thống gì, hai đứa dám chuốc cha đến say, xem mai ông ấy tỉnh lại có mắng cho một trận không! Thôi, mau đốt pháo đi, nhà khác đã nổ hết rồi kìa!”
Diệp Sơn và Lâm Tướng Sơn mỗi người châm một dây pháo, tiếng pháo đì đùng vang rền khắp sân, Diệp Khê và Lý Nhiên bịt tai đứng dưới mái hiên cười tươi như hoa.
Cuộc sống ở làng quê yên ả mà hạnh phúc, mộc mạc dài lâu, năm cũ qua đi năm mới tới, sang năm chắc chắn sẽ là một năm tốt lành!
Hết chương 66.
Nhưng mà cái khúc đầu heo hơi sợ nhe bà…
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.