Trên sườn núi lượn lờ khói bếp, mấy làn khói mỏng manh bay lững lờ giữa những tầng mây. Diệp Khê nấu cơm xong thì vừa lúc Lâm Tướng Sơn dắt một con trâu về tới.
Diệp Khê vừa trông thấy liền mừng rỡ chạy ra đón: “Mình mua trâu rồi à!”
Lâm Tướng Sơn mua được một con trâu nước trưởng thành có sừng nhọn vó chắc, thân hình cao lớn vững chãi, nhìn thôi cũng biết là giống tốt để cày ruộng.
“Anh mua ở chợ gia súc trong trấn, ông chủ đòi tám lượng bạc, anh thấy mắc quá nên cò kè mặc cả một hồi, mới chịu bớt xuống còn bảy lượng rưỡi. Giấy tờ ở nha môn cũng làm xong rồi.”
Triều đình quy định những loại gia súc lớn như trâu, ngựa, la đều phải đăng ký, một là tiện quản lý, hai là nếu có chiến sự thì dễ thu mua sung vào quân dụng.
Mà con trâu thì càng quý, nó vừa có thể cày bừa, kéo cối xay, lại chở được hàng hóa lương thực.
Diệp Khê vẫn còn hơi sợ con vật to xác này, dè dặt vươn tay sờ thử lớp da thô ráp, nhám cứng của nó, hoàn toàn khác hẳn với bộ lông mềm mại của dê hay nai, nhưng quả thật trông khỏe mạnh rắn chắc vô cùng.
“Vậy là từ nay nhà ta cũng có trâu rồi!” Đây chính là chuyện đại hỉ.
Trong mắt Lâm Tướng Sơn cũng tràn ngập ý cười. Mỗi lần đưa phu lang đi trấn trên đều tiếc bạc không nỡ thuê xe ngồi, thấy cậu đi đường cực khổ, trong lòng cũng xót. Mấy lần mang hàng lên chợ bán, vừa thuê trâu vừa tốn tiền mượn xe của người ta trong thôn. Khi ấy hắn đã tự nhủ, nhất định phải dành dụm mà mua một con, để sau này phu lang ra ngoài cũng có xe mà ngồi, hắn cũng có thể dắt trâu đi cày thuê kiếm thêm bạc.
Hắn nói: “Anh xây chuồng cho nó ngay cạnh chuồng heo, sau này tiện cho ăn uống.”
Diệp Khê càng nhìn càng thích, phủi phủi tay áo, cười nói: “Trưa nay em nấu thịt kho, ăn mừng một bữa!”
Ăn cơm xong, Lâm Tướng Sơn liền ra sân xây chuồng trâu. Diệp Khê thì đeo giỏ tre lên vai: “Chồng ơi, em đi cắt ít cỏ xanh về, cho nó ăn bữa đầu tiên ở nhà mình phải thật no mới được.”
Lâm Tướng Sơn dặn dò mấy câu rồi để cậu đi.
Cỏ tốt nhất là mọc ven bờ sông. Trước đây mỗi lần Diệp Khê đi cắt cỏ heo cũng toàn đến đấy. Tiết lập xuân, chỗ khác cỏ còn thưa thớt, chỉ có ở bờ sông là xanh tốt hơn cả.
Diệp Khê đặt giỏ tre xuống, từng đám cỏ tranh đã mọc dài đến khuỷu tay, bóc lớp ngoài ra là thấy phần lõi trắng bên trong. Lõi cỏ tranh này ăn được, lúc còn non ngọt mát, Diệp Khê hồi trước cắt cỏ heo vẫn hay tiện tay bứt mấy sợi nhai chơi, còn có thể hái ít đem về hãm nước uống, thanh nhiệt lợi tiểu.
Cậu cầm liềm cắt được nửa giỏ đầy, thấy hơi khát nước liền cúi người ở mép sông, hái mấy lá cây gấp lại thành cái phễu nhỏ, múc nước sông uống cho đỡ, rồi lại cắt thêm hơn chục bó nữa, nén chặt trong giỏ.
Ước chừng cũng đủ cho trâu ăn một bữa, Diệp Khê liền giắt liềm bên hông, tiện tay ngắt một cọng cỏ tranh nhai trong miệng.
Chưa đi được mấy bước, liền trông thấy phía trước có hai người đang đi tới, một cao một thấp, dường như là một nam nhân và một ca nhi. Diệp Khê cũng chẳng để tâm, chỉ cúi đầu đi thẳng.
Đến gần mới nhìn rõ, hóa ra là Yêu ca nhi với phu quân Tào Bân của y. Đúng là oan gia ngõ hẹp, từ sau lần chạm mặt ở tiệm giấy, Diệp Khê chẳng muốn gặp hai người này nữa, ai ngờ hôm nay lại xui rủi mà đụng phải ở đây.
Lúc trước cậu bị bỏng mặt, còn cầm liềm dọa Yêu ca nhi ngay bên bờ sông này. Hôm nay lại gặp ở chốn cũ, Diệp Khê chỉ cảm thấy chỗ này không hợp phong thủy với mình, về sau nhất định phải đổi sang bãi hoang phía đông thôn mà cắt cỏ mới được.
Yêu ca nhi từ khi gả đi, trừ lần về nhà lại mặt cũng đã gần hai tháng không quay lại. Lần ấy y lén lén lút lút về một mình, Tào Bân trốn trong thư viện không chịu cùng về, làm y mất hết mặt mũi, chẳng khác nào cho người ta biết mới cưới mà vợ chồng đã bất hòa. Vậy nên lần này y nhất định kéo cho được Tào Bân về cùng. Ai dè vừa về tới thôn chưa được bao lâu đã chạm mặt Diệp Khê, đúng cái người mà y ghét cay ghét đắng.
Diệp Khê vác giỏ cỏ, chẳng thèm nhìn lấy hai người một cái, đi ngang qua coi như không thấy. Yêu ca nhi vẫn y như cũ, trong mắt toàn là thù địch và ghen tức.
Diệp Khê cũng không hiểu tại sao y cứ gây sự với mình làm gì, cậu vốn chẳng thèm để vào mắt. Cậu chỉ muốn sống tốt cuộc đời của mình là được, Yêu ca nhi kia hao tâm tổn trí, làm đủ mọi cách cũng phải gả được vào nhà họ Tào, nhưng cuộc sống ở đó ấm lạnh ra sao, e là chỉ mình y tự biết.
Thấy Diệp Khê không để ý đến mình, Yêu ca nhi cũng chỉ có thể âm thầm nghiến răng nhìn theo bóng dáng cậu dần đi xa, trong lòng thầm nhủ: “Đợi người nhà ta thi đỗ tú tài, ta chính là phu nhân tú tài, dẫu thế nào cũng hơn ngươi gả cho một gã nhà quê nơi sơn dã trăm lần, còn làm bộ làm tịch cái gì chứ!”
Quay đầu lại, liền thấy kẻ bên cạnh còn đang ngẩn ngơ nhìn theo bóng dáng người ta, y càng thêm bực tức, lớn tiếng quát: “Nhìn cái gì mà nhìn! Một tên nông phu đi cắt cỏ nuôi heo cũng đáng để ngươi trông ngóng thế à? Đừng tưởng ta không biết ngươi nghĩ gì trong bụng. Giờ các ngươi đã chẳng còn gì nữa rồi! Hắn cưới gã nhà nghèo trên núi, ngươi là người đọc sách sắp đi thi công danh, còn tưởng các ngươi vẫn định thân chắc?”
Tào Bân không tình nguyện thu ánh mắt về. Cưới về cái người suốt ngày như uống nhầm thuốc súng này, cãi nhau đến nhức đầu, gã không kiên nhẫn nói: “Toàn lời t.hô tục quê mùa! Có thể đừng suốt ngày om sòm thế không? Mất hết thể diện nho nhã!”
Yêu ca nhi cười lạnh, lập tức nhéo lỗ tai gã kéo đi: “Giờ thì chê ta quê mùa rồi à? Trước kia ngươi lén hẹn hò với ta, chẳng phải toàn mồm khen ta dịu dàng hiền thục, xinh đẹp khả ái sao? Giờ thì sao hả, vứt hết vào bụng chó rồi chắc!”
Hai người vừa cãi vừa giằng co về đến nhà họ Lâm. Lâm thị và ông Lâm đang ở trong sân, từ xa đã nghe thấy tiếng con mình như đang mắng người.
Lâm thị vội ra đón, thấy Yêu ca nhi còn đang vặn tai Tào Bân, lập tức vỗ đùi: “Ôi dào ôi, sao ở ngoài đường mà còn thế này, người ta nhìn vào cười chết cho bây giờ!”
Yêu ca nhi lúc này mới giận dỗi buông tay: “Mẹ à.”
Ông Lâm ra cửa nhìn, sắc mặt lập tức sầm xuống, trông thấy hai tay bọn họ đều trống trơn, liền hừ lạnh một tiếng rồi quay người vào nhà.
Yêu ca nhi mím môi, cũng tự biết xấu hổ với cha mẹ. Mình đã gả ra ngoài, giờ về nhà mẹ đẻ mà ngay chút quà cũng không mang, chẳng phải khiến cha mẹ mất mặt sao.
Lâm thị thương con, cười nói: “Thôi được rồi, mau vào nhà đi.”
Tào Bân lúc này mới khẽ gọi một tiếng “nhạc mẫu”, rồi cũng lủi thủi theo vào trong.
Vừa vào trong nhà, ông Lâm liền đập bàn, nổi giận quát: “Hai người các ngươi có còn biết lễ nghĩa hay không? Thành gia rồi mà về nhà mẹ đẻ lại tay không thế này, chẳng phải để người ta chê cười nhà ta sao? Cái mặt mũi nhà họ Tào cũng chẳng khá được đâu!”
Tào Bân không hé răng, chỉ ngồi phệt xuống ghế. Gã thì chẳng để tâm mấy chuyện ấy, mẹ gã cũng đâu có cho đồng nào để sắm sửa đâu, mà nói đi cũng phải nói lại, gã còn đang phải chắt bóp từng đồng để đi uống rượu thanh lâu với tham gia thi hội, mua đồ cho nhà họ Lâm chỉ tổ phí của.
Yêu ca nhi bị ông Lâm mắng mà nóng rát hết cả mặt. Ở bên nhà họ Tào, y còn chưa nắm được quyền quản gia, mọi chi tiêu trong nhà đều phải qua tay Tào thị. Bình thường muốn xin mấy đồng bạc lẻ mua cái gì cũng khó như lên trời. Cái bà già chết tiệt đó vừa keo kiệt lại dữ như sư tử, tiền nong nắm chặt trong tay, hôm nay y về nhà mẹ đẻ, mở miệng xin mấy lần mà ả già ấy còn giả bệnh nằm ì không chịu cho.
Chọc y tức điên, chỉ hận sau này bà ta già rồi sẽ từ từ mà hành hạ lại cho bõ.
“Bữa nay về vội, chưa kịp chuẩn bị lễ vật, lần sau chúng con mang về sau vậy.”
Ông Lâm hừ lạnh một tiếng: “Nhà họ Tào mà nói là hộ giàu có, hóa ra cũng chỉ đến thế. Hồi đó còn tưởng gả ca nhi nhà ta cho ngươi là tốt, giờ nhìn lại, còn chẳng bằng cái thằng Diệp Khê!”
Yêu ca nhi vốn dĩ ghét nhất là bị người ta đem mình ra so với Diệp Khê, lập tức nổi đóa: “Nó gả cho một thằng nhà quê trồng lúa chẻ củi, lại còn hơn được con gả vào nhà giàu có, đọc sách thi cử? Cha, mắt người bao giờ lại kém đến thế rồi?”
Lâm thị thở dài một tiếng, ánh mắt đầy ngưỡng mộ: “Cái thằng Khê ca nhi đó cưới được người tốt tính, không chỉ biết đánh cá, lên núi chặt củi cũng tháo vát, nghe nói mùa đông năm ngoái bán than thôi mà gom được một mớ bạc. Hôm trước ông trưởng thôn Chu Đại còn bảo mảnh đất hoang ở sườn núi sắp bán cho nhà họ rồi, nghe nói hôm nay còn mới mua một con trâu nước về nữa cơ! Thế không phải sống sướng hơn rồi còn gì. Còn cái mụ Lưu Tú Phượng chết tiệt kia, suốt ngày khoe khoang ca nhi với con rể nhà bà ta hiếu thảo, hay mua quà về biếu bà ta, nghe mà tức không chịu nổi!”
Yêu ca nhi nghe vậy vừa tức tối vừa ghen tỵ. Sao cái số thằng Diệp Khê lại tốt đến thế, lấy phải một thằng tha phương đến thôn mà lại thương nó, nghe lời nó đủ đường.
Quay đầu nhìn lại thằng đàn ông nhà mình, vẫn còn ngồi trên ghế ngơ ngẩn, chẳng biết tâm trí bay đi đâu rồi.
Lúc này trong đầu Tào Bân toàn là hình ảnh Diệp Khê khi nãy. Lâu không gặp, mặt cậu bầu bĩnh hơn chút, vóc người cũng đẫy đđà, trước kia eo nhỏ dáng thanh, giờ nhìn càng có dáng vẻ đằm thắm, e là mấy đầu bài ca nhi trong kỹ viện cũng chẳng sánh bằng. Đây chẳng phải kiểu ca nhi được đất lành nước tốt nuôi ra hay sao.
Nghĩ đến đây, lòng gã càng ngứa ngáy, ánh mắt bay bổng, chỉ mong làm sao kiếm được cơ hội nói chuyện với Diệp Khê, dỗ dành để cậu thân thiết lại với mình.
Yêu ca nhi tất nhiên đâu biết được gã chồng mình đang ôm tâm tư bẩn thỉu như thế, liền vội vàng dỗ dành ông bà Lâm: “Cha mẹ đừng nóng, sang xuân là kỳ thi Hương rồi, chồng con là người chăm học, thầy đồ cũng bảo hắn có tướng quan, hẳn là có thể đỗ tú tài. Đợi con rễ thi đỗ rồi, đến lúc đó còn cần mấy cái lễ vật này lấy sĩ diện nữa sao? Khi ấy trưởng thôn cũng phải kính nể hai người mấy phần!”
Nghe vậy, ông bà Lâm mới nguôi nguôi giận. Nếu mà nhà mình có được một thằng rể tú tài, còn cần gì phải nhìn sắc mặt ai, cũng chẳng phải ghen đỏ mắt với miếng đất con trâu nhà họ Diệp nữa.
Lâm thị cười nói: “Còn chưa nấu cơm đâu, bếp núc nguội ngắt, ta phải đi nhóm lửa làm mấy món ngon mới được. Yêu ca nhi, vào nhóm lửa với mẹ đi.”
Yêu ca nhi đáp một tiếng, rồi theo Lâm thị vào bếp. Hai mẹ con ngồi trong bếp vừa nấu cơm vừa thì thầm to nhỏ, Lâm thị mách cho ca nhi nhà mình vài chiêu để đối phó với bà mẹ chồng độc địa ở bên kia.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.