🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau

Kinh trập mới thật sự là lúc bắt đầu vụ xuân, nhưng thôn Sơn Tú bên này trời ấm sớm, từ trước đến nay vẫn gieo trồng sớm hơn nơi khác, vừa qua tiết vũ thuỷ, Diệp Khê và Lâm Tướng Sơn đã cắt khoai tây giống, trồng hết cả mấy thửa đất rồi.

Lúc rảnh rỗi, hai người lại ra vườn bón phân, vun gốc cho mấy luống rau con. Mưa xuân vừa xuống, mấy luống rau lớn nhanh như thổi, nhìn mấy cây xà lách đã bắt đầu bén rễ, tuy còn nhỏ, nhưng chờ thêm chốc nữa là có thể nhổ lên, chần nước sôi trộn ăn rồi.

Mảnh đất hoang bên cạnh cũng không để trống, hai người tranh thủ khai khẩn luôn. Lâm Tướng Sơn chẻ tre, đan thành một vòng rào nhỏ bao quanh, rồi thả lứa gà con vịt con mới mua vào đó.

Mấy hôm trước đã có sấm xuân, sâu kiến dưới đất bị sấm đánh thức, bắt đầu bò lổm ngổm chui lên mặt đất, gà vịt nhờ đó có thêm món khoái khẩu để mổ.

Trên mái hiên có mấy con chim ríu rít bay qua bay lại, Diệp Khê ngẩng đầu nhìn rồi cười nói: “Chồng ơi, có chim én bay về làm tổ trên mái nhà mình rồi nè, anh coi này, nó làm tổ được phân nửa rồi đó.”

Lâm Tướng Sơn nhìn lên mái hiên phía nhà chính, đáp: “Ờ, thêm mấy hôm nữa nó làm xong tổ là có chim én đến bầu bạn với em rồi.”

Diệp Khê vui vẻ nói: “Chim én về làm tổ là điềm lành đó, nhà nào mà không có phúc khí, chim nó cũng chẳng thèm tới đâu.”

Gà vịt thả cho tự do kiếm ăn, Diệp Khê với Lâm Tướng Sơn lại dắt trâu ra bãi đất trống trước cổng nhà để cho nó tự gặm cỏ non, hóng gió một lát.

“Ngày hôm nay là tiết kinh trập, phải uống canh lê thôi.” Diệp Khê vừa lật cuốn lịch treo ở cửa bếp vừa nói. Mỗi tiết khí trong năm đều phải làm đúng theo quy củ của tổ tiên để ngày tháng được mưa thuận gió hòa.

Mùa xuân vốn chẳng có lê tươi, chỉ đến vụ thu hoạch mới có, nên mấy quả lê khô tích trữ từ năm ngoái giờ đem ra nấu nước uống là vừa hay.

Lâm Tướng Sơn ở ngoài sân dùng mấy thanh tre thừa đan thêm hàng rào nhỏ, định vây một khoảnh đất ngay trước sân làm vườn hoa cho Diệp Khê. Cậu thích trồng hoa cỏ, giờ nhà nuôi gà vịt rồi, nếu không rào lại, sợ mấy con này mổ sạch.

Diệp Khê thích cái gì, hắn tất nhiên đều để tâm chăm lo thật tốt.

Hắn loay hoay ngoài sân, Diệp Khê thì trở về bếp, lấy nồi đất ra chuẩn bị nấu nước lê. Trước tiên cho lê khô đã phơi từ mùa trước vào nồi đất, nấu cho mềm ra.

Lại mở tủ chạn lấy thêm một nhúm nấm tuyết, đây là nấm hái từ trên núi, mềm dẻo trắng trong, Diệp Khê vẫn tiếc không nỡ ăn, trong trấn loại khô thế này bán tận ba bốn mươi văn một cân mà Lâm Tướng Sơn cứ bắt cậu để dành cho mình uống, nói là dưỡng nhan, sinh tân, bổ âm, nói chung là tốt cho cơ thể.

Nấm tuyết ngâm nước nóng cho nở bung ra như đóa hoa trắng.

Nước lê nấu chừng một tuần trà, hương ngọt thanh tỏa ra, nước đã ngả sang màu vàng nhạt như nước trà, lúc này mới cho nấm tuyết vào, không quên thả thêm mấy quả táo đỏ với vài hạt kỷ tử.

Nồi đất đặt trên bếp than, nước lê hầm cùng nấm tuyết và táo đỏ tỏa hương thơm dịu. Diệp Khê ngồi ở trong sân, đem mấy chiếc áo bông dày mặc suốt mùa đông ra, cẩn thận khâu lại từng chỗ. Đợi giặt và phơi khô xong là có thể xếp gọn vào tủ, chờ đến mùa đông sang năm mới lấy ra mặc tiếp.

“Anh cắt được một bó ngải cứu về này, hôm nay phải đánh tiểu nhân mà.” Lâm Tướng Sơn từ ngoài sân bước vào, tay cầm một nắm ngải cứu tươi xanh còn vương sương sớm.

Diệp Khê buông cây kim, cười nói: “Em vừa định bảo mình đi tìm, không ngờ mình lại nhớ. Hôm nay đúng là ngày phải đánh tiểu nhân đấy.”

Lâm Tướng Sơn nhận lấy việc, cười đáp: “Anh lo liệu cho, mình cứ ngồi yên đó.”

Đánh tiểu nhân là đốt ngải cứu xông bốn góc nhà, vừa để xua đuổi rắn rết muỗi mòng, lại vừa trừ đi ẩm mốc trong nhà. Một mùa đông cửa đóng then cài, đến tiết kinh trập là phải nghiêm chỉnh xông khói, thông gió, đuổi hết uế khí đi cho nhà cửa sạch sẽ.

Diệp Khê liền tiếp tục ngồi trong sân vá áo bông. Cả mùa đông đều mặc, mấy chỗ cổ tay cũng sờn, lộ cả bông bên trong, khâu lại từng đường kim mũi chỉ cho thật kĩ càng, đợi Lâm Tướng Sơn xông nhà xong nữa là vừa đẹp.

Nước lê trên lò đất cũng vừa nấu xong, Diệp Khê mở nắp nồi ra, dùng thìa khuấy nhẹ. Nấm tuyết đã ninh nhừ, nước trở nên sánh dẻo, quả táo đỏ cũng đã rục đến rớt cả hạt, thịt lê mềm nhuyễn hòa vào cùng với nước.

Diệp Khê thả vào hai cục đường phèn, đợi tan hết rồi múc ra hai chén.

Hai người liền ngồi trong sân uống nước lê hầm, vị ngọt thanh nhuận phổi, trôi xuống cổ họng mát lành đến tận trong lòng.

Lâm Tướng Sơn vừa uống vừa nói: “Anh thấy mấy cây đào dại trên núi bắt đầu trổ hoa rồi, còn có ong bay đến lấy mật nữa.”

Diệp Khê nghe thế liền vui vẻ: “Đào cũng nở rồi à? Vậy là mùa xuân thật sự tới rồi đấy, thời điểm đẹp nhất của thôn Sơn Tú cũng sắp tới.”

Thôn Sơn Tú núi cao nước trong, trên sườn núi mọc la liệt đào, lê, mơ và cả anh đào dại, đến mùa xuân thì hoa nở rộ, sắc hồng sắc trắng đan xen vào nhau, xa xa trên đỉnh núi còn vương chút tuyết cuối đông, mây trắng trời xanh, tuyết và muôn hoa khoe sắc. Cảnh tượng ấy phải gọi là nhân gian tháng tư đẹp không tả xiết.

Nhà Diệp Khê mở cửa là nhìn thấy ngay khung cảnh ấy, cậu thích nhất là ngồi trong sân uống trà ngắm hoa, đến bữa cơm cũng phải bưng ra sân mà ăn cho bằng được.

Lâm Tướng Sơn cười bảo: “Chiều anh lên rừng tìm xem có tổ ong nào không, nếu tìm được thì gỡ về một tổ, khỏi phải mua đường, mà mình cũng thích uống mật hơn.”

Diệp Khê quả thật thích uống mật ong, vị ngọt dịu nhẹ, dễ chịu hơn nhiều so với đường mía hay đường phèn. Trong thôn cũng có người nuôi ong, nhưng giá thì đắt, dân làng còn chẳng có mấy người dám mua uống, đều thấy tốn kém, chỉ có mấy tiệm điểm tâm trên trấn hoặc nhà phú hộ mới thường dùng đến.

Mật năm ngoái là Lâm Tướng Sơn lên núi tìm được một tổ ong con, vét được nửa vò, Diệp Khê dè sẻn dùng đến tận đầu xuân năm nay mới cạn.

Diệp Khê dặn dò: “Vậy mình nhất định phải trùm mặt với mặc áo dày vào, đừng để ong đốt đấy.”

Lâm Tướng Sơn cười cười, đi buộc lấy bó đuốc với kéo thêm một thùng nước: “Anh tìm cái tổ trong hang, bịt kín miệng hang rồi hun khói, thêm chút nước đổ vào, nếu có con nào liều mạng chui ra thì anh cầm đuốc quơ cho nó biết tay.”

Diệp Khê nghe vậy mới yên tâm phần nào, dù gì trong thôn cũng từng có người vô ý chọc nhầm tổ ong trên núi mà bị ong rừng đốt đến mất mạng rồi.

Lâm Tướng Sơn vừa ra ngoài, Diệp Khê liền gom đống áo bông vào chậu, tính đem ra bờ sông giặt. Áo bông nặng nề, vẫn phải mang xuống sông dùng chày với bồ kết giặt cho thật sạch mới được.

Ly ca nhi hôm nay cũng vừa khéo muốn giặt quần áo, nên ghé qua rủ Diệp Khê đi cùng. Hai người ôm lấy thau gỗ nhà mình rồi cùng nhau ra khỏi cửa.

Dọc đường họ gặp không ít thím cũng đang mang áo bông ra sông giặt, thấy Diệp Khê với Ly ca nhi thì không tránh khỏi gọi nhau nói đôi câu.

Có thím cười nói: “Ly ca nhi à, ngày vui chắc cũng gần rồi nhỉ, mấy thím đang trông chờ đi ăn cỗ đấy.”

Ly ca nhi cười đáp: “Dạ, nhất định phải làm cái tiệc cho ra hồn mời các thím mới được.”

Mấy thím lại thi nhau khen Ly ca nhi tìm được anh chồng tốt, biết mổ lợn giết gà, sau này kiểu gì trong nhà cũng chẳng thiếu thịt ăn.

Nói mấy câu mà Ly ca nhi đỏ cả mặt, cúi đầu ngượng ngùng, mấy thím lại quay sang khen Diệp Khê giỏi giang, biết lo toan nhà cửa.

Ai cũng biết dạo này nhà Diệp Khê càng lúc càng khá lên, người trong thôn nhìn mà thầm ghen tị, nói hai người này là cặp vợ chồng giỏi giang nhất thôn Sơn Tú, vừa khéo vun vén lại chịu khó, chẳng mấy mà nhà cửa đã ổn định hẳn hoi.

Tới bờ sông, Diệp Khê với Ly ca nhi xắn ống quần, tìm một chỗ rộng rãi bằng phẳng, ngồi xổm xuống đập bồ kết cho nát rồi lấy chày đập quần áo cho ra bọt.

Mà chỗ nào đông đàn bà thì chỗ đó nhất định phải tám chuyện trong thôn. Giờ các thím đang tụ lại một góc, thế là hết chuyện này tới chuyện khác tuôn ra như suối.

Diệp Khê với Ly ca nhi chỉ ngồi bên cạnh, vừa giặt vừa im lặng nghe.

Từ chuyện nhà họ Trương mất con chó, đến việc cô gái nhà họ Triệu mới sinh được cậu con trai kháu khỉnh, lại vòng sang chuyện nàng dâu nhà họ Lý dạo trước cãi nhau ầm ĩ với cha mẹ chồng, cuối cùng thì lại quay về chuyện của nhà họ Lý ở thôn bên.

Diệp Khê nghe đến nhà họ Lý thì ngẩng đầu nhìn Ly ca nhi, khẽ hỏi: “Là cái nhà họ Lý hồi trước chia nhà với Lý Tập ấy hả?”

Ly ca nhi gật đầu: “Chính là cha mẹ của Lý Tập đó.”

“Có chuyện gì thế?”

Ly ca nhi vừa vò quần áo trong nước vừa hừ lạnh: “Hừ, đúng là báo ứng cả đấy, tự chuốc lấy thôi. Hồi Lý Tập chia nhà là tay trắng ra đi, ruộng vườn tiền bạc đều bị hai ông bà thiên vị nhét hết cho mấy đứa con kia rồi, giờ thì mới biết khổ.”

Diệp Khê còn đang nghe, đã thấy thím hai nhà họ Trương bên cạnh nói tiếp: “Lão Lý nhà đó lần trước đi thu heo, đường núi trượt chân, ngã từ trên núi xuống. May mà có người chăn dê trong thôn bắt gặp, không thì chắc nằm ở dưới khe núi mấy hôm mất rồi. Nghe đâu gãy cả xương chân với xương hông, nặng lắm, phải có người khiêng về, mời lang trung đến khám, nói là phải uống thuốc tẩm bổ, nằm liệt hơn nửa năm mới lành, chứ thương gân động cốt trăm ngày đâu phải chuyện đùa.”

Vợ hai nhà họ Quan chính là gả từ thôn bên kia qua, lúc về nhà mẹ đẻ thì nghe người thân kể mới biết được chuyện này: “Thuốc ấy phải uống đều đặn không được bỏ bữa nào, mà người thì đã nằm liệt giường không nhúc nhích được rồi nên phải có người hầu hạ. Lý thị đành cả ngày ở bên trông nom. Lang trung nói vậy mà cũng chưa biết có thể dậy nổi nữa không, phải xem số trời thôi. Mà ngày nào cũng phải bốc thuốc, sắc thuốc, đều tốn bạc cả. Cha thì nằm liệt trên giường, mẹ thì phải nuôi, thế là nhà họ Lý lại ầm ĩ chuyện này. Thằng cả với thằng út vì chuyện này mà trở mặt với nhau, vợ thằng cả thì dữ dằn chua ngoa, vợ thằng út lại chẳng chịu lép vế, cả cái nhà loạn đến trời đất mù mịt, ba ngày hai bữa lại đập bát ném chén.”

Mấy bà thím buôn chuyện vô cùng rôm rả, đều là ngồi xem trò cười. Diệp Khê ghé sát, khẽ hỏi Ly ca nhi: “Chuyện này là thật à?”

Ly ca nhi gật đầu: “Của cải trong nhà đều cho hai người kia hết rồi, bây giờ đến lúc phải nuôi dưỡng cha mẹ già lại đùn đẩy nhau. Hồi trước Lý Tập đã ký giấy về sau không cần phụng dưỡng hai ông bà nữa. Khi ấy bọn họ dựa vào hai người kia, thẳng tay đuổi anh ấy ra khỏi nhà, còn dám nói không cần phụng dưỡng. Giờ thì biết mặt rồi.”

Diệp Khê hỏi tiếp: “Vậy Lý Tập nói gì?”

Ly ca nhi cười nhạt: “Lòng người đã lạnh, cha mẹ trở mặt đuổi anh ấy đi, giờ anh ấy chẳng buồn quản nữa, chỉ muốn sống tốt những ngày về sau cùng ta thôi.”

Diệp Khê cười nói: “Người đang làm, trời đang nhìn. Hắn gặp được ngươi, ngày tháng yên vui thế này, chẳng phải là phúc báo của hắn sao!”

Hai người giặt xong đống quần áo, Diệp Khê trở về nhà, thấy Lâm Tướng Sơn cũng vừa vác một tổ ong về, nhìn qua cũng được mấy tầng, bên trong đầy nhóc nhộng ong trắng.

Lâm Tướng Sơn cẩn thận lấy phần mật ong ra, lại nhặt nhộng ong bỏ vào chén.

Diệp Khê cười nói: “Được rồi, tối nay em chiên nhộng ong cho mình ăn, thơm lắm đấy!”

Lâm Tướng Sơn thèm rượu, chép miệng: “Món này phải nhắm với rượu mới đã miệng được, mình cho anh uống hai chén nhé?”

Diệp Khê lườm hắn một cái: “Tối nay cho em uống với mình hai chén nhỏ là được.”

Đêm xuống, sân nhỏ đèn lồng treo cao, một đĩa nhộng ong chiên giòn vàng ruộm, một đĩa rau trộn mùa xuân, một đĩa lạc rang muối giòn tan, hai người ngồi đối diện nhau, nhẹ nhàng cụng chén.

Gió đêm thổi nhè nhẹ, ve sầu kêu rỉ rả.

Lâm Tướng Sơn vươn tay nắm lấy tay phu lang, ngón cái dịu dàng vu.ốt ve mu bàn tay cậu, mười ngón tay đan chặt vào nhau.

Men rượu hâm nóng tình ý dâng đầy, trong mắt nhìn nhau đều là thương yêu nồng đậm, nụ cười nơi khóe miệng là thứ hạnh phúc bình dị mà mỹ mãn.

Hết chương 72.

Chương trước
Chương sau
Trang web đọc truyện online hàng đầu Việt Nam, cung cấp kho truyện phong phú với các thể loại như tiên hiệp, kiếm hiệp, ngôn tình, truyện teen và truyện đô thị. Tất cả các tác phẩm đều được chọn lọc kỹ lưỡng bởi các tác giả và dịch giả uy tín, mang đến trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời nhất cho bạn!
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.