Tứ ca đang luyện kiếm ở góc sân cũng dừng tay nhìn về phía ta, giọng điệu phảng phất chút tiếc nuối: "Đúng vậy, đã lâu lắm rồi chúng ta chưa về Trường An. Rất muốn trở về ngắm nhìn xem thế nào."
Lòng ta bất giác dâng lên một nỗi buồn khó tả. Đời trước, ta từng khát khao trở về Ngọc Môn Quan, còn các ca ca lại luôn hướng về Trường An. Nhưng cuối cùng, ta lại bỏ mạng nơi Trường An, còn các huynh ấy cả đời chẳng thể rời khỏi Ngọc Môn Quan. Đến lúc này ta mới hiểu, hóa ra thế gian vốn chẳng chiều lòng người, điều mong cầu thường lại là điều khó có thể có được.
Đại ca trầm ngâm một lúc rồi cười ha ha: "Phải rồi, chúng ta có chịu cảnh cát vàng bám bụi cũng không sao, nhưng không thể để Phong Nhi của chúng ta phải lớn lên nơi biên cương hoang dã này!"
Ta vội vàng lắc đầu: "Muội thích Ngọc Môn Quan."
Kiếp trước, phụ mẫu lần lượt qua đời, các ca ca lo ta chịu khổ nên đã để ta và Ngũ ca hồi kinh chịu tang. Ba năm sau, trong một yến tiệc cung đình, ta lọt vào mắt hoàng gia, bị ban hôn cho Thái tử.
Khi ấy, ta chỉ mới mười lăm tuổi, còn Thái tử cùng Thái tử phi đều đã đến độ tuổi có thể làm phụ mẫu của ta. Thái tử phi là một nữ nhân hiền hậu, còn Thái tử cũng đối xử với ta rất tốt. Hắn yêu thương Thái tử phi, trong lòng không thể chứa thêm người nào khác, nhưng hai người họ lại chưa bao giờ ghẻ lạnh ta, ngược lại còn bảo bọc ta như người thân ruột thịt. Toàn bộ Đông Cung chẳng ai xem ta như một Lương đệ mà đều đối đãi với ta bằng sự tôn kính.
Cả đời của ta chưa từng được sủng hạnh nhưng lại có được tất cả tình yêu thương và bao dung. Đời người như vậy, đã có thể coi là an ổn. Chỉ là sau đó, khi ta còn chưa quá hai mươi đã trở thành Thái phi, rồi vì những lời đồn đại nhơ nhuốc với nhi tử trên danh nghĩa của mình mà rơi vào kết cục bị Thái hoàng thái hậu ban cho một chén rượu độc.
Mà nay, khi đã trở lại điểm khởi đầu, ta muốn thay đổi tất cả. Ta muốn để mọi người có được một kết cục tốt đẹp hơn.
Tam ca tặng ta một khối ngọc thô. Mấy ngày liền ta đều bận rộn mài giũa nó. Khi Đại ca bước vào, ta vừa hoàn thành bước đánh bóng cuối cùng.
"Những ngày qua muội bận rộn trong phòng làm gì thế?" Đại ca tò mò ghé mắt nhìn.
Ta đưa ngọc bội đã mài nhẵn cho huynh ấy: "À, huynh tự mình nhìn xem."
Đó là một khối ngọc như ý, chế tác từ dương chi bạch ngọc, nhỏ nhắn tinh xảo, trong suốt sáng ngời.
"Không lẽ là tặng cho ta?" Đại ca trố mắt, vẻ mặt ngập tràn kinh ngạc.
"Cho huynh." Ta gật đầu.
"Thật sự là tặng cho ta đấy chứ!" Đại ca càng khoa trương hơn, nhưng nụ cười trên môi đã sắp không giấu nổi nữa rồi.
Nhìn vẻ hớn hở của huynh ấy, ta cười khẽ: "Thật sự cho huynh."
"Haha, là của ta!" Đại ca đắc ý, ôm ngọc bội chạy ra ngoài khoe khoang:
"Ta phải mang đi cho Nguyệt Sơn Xuyên Hà xem mới được! Tránh để bọn họ không xem ta là Đại ca trong nhà!"
Nhà ta huynh đệ phân chia tôn ti rất nghiêm, ngay cả y phục, vật dụng cũng đều phân chia theo thứ bậc... mà Đại ca lại chính là người có thứ bậc thấp nhất.
Ta bật cười, thuận tay lấy cung trên tường xuống, đi ra sân luyện tên.
"Là tặng cho cháu trai tương lai đó." Khi lướt ngang qua Đại ca, ta tiện miệng bổ sung một câu.
Nụ cười của Đại ca cứng đờ ngay tức khắc: "Ta còn chưa thành thân!"
Huynh ấy kéo dài giọng, bày tỏ sự bất mãn.
Lúc này, ta đã kéo căng cánh cung, nhắm chuẩn vào mứt quả treo trên cành cây. Dây cung bật ra, mũi tên lao đi vun vút.
"Chẳng còn bao lâu nữa đâu." Ta buông lời, mứt rơi đầy mặt trên đất.
Đại ca không chú ý đến lời ta, chỉ đến vỗ vỗ vai ta, giọng điệu tự hào:
"Phong Nhi nhà chúng ta không hổ là thần xạ trời sinh."
Lắng nghe câu nói quen thuộc ấy, ngắm nhìn mũi tên cắm sâu vào gốc cây phía xa xa, ta bỗng chợt nhận ra... thì ra cái gọi là "trời sinh", chính là nhờ vô số năm tháng rèn giũa mà thành.
2.
Gần đây, ta càng thêm chuyên tâm luyện tập b.ắ.n cung, mỗi ngày giương cung không dưới ngàn lần, mũi tên rơi vãi khắp sân. Các ca ca tò mò đứng phía sau khoanh tay nghị luận, không hiểu vì sao bỗng nhiên ta lại siêng năng đến vậy.
Kiếp trước, ngày Đại ca thành thân lại trùng với ngày quân đội thay phiên trấn thủ. Khi ấy phụ thân dẫn theo một đội binh mã xuất quan tuần tra, giữa đường vì cứu một đoàn thương nhân người Hồ mà rơi vào bẫy phục kích của lũ thổ phỉ. Dù phá vây thoát thân nhưng thương thế trí mạng, chẳng thể qua khỏi. Mẫu thân vì quá thương tâm mà bệnh tật khó dậy, cuối cùng cũng đi theo phụ thân.
Vì chuyện này mà Đại ca vừa thương tâm lại vừa canh cánh trong lòng, không sao đối diện được với đại tẩu. Mỗi khi nhìn nàng, huynh ấy liền nhớ đến bi kịch của song thân, thế nên mãi đến năm sáu năm sau khi thành thân mới có đứa con đầu lòng. Khi ấy ta đã nhập Đông cung được hai năm, Đại ca viết thư đến hỏi ta nên chọn lễ vật gì. Khi đó ta chẳng biết nên tặng gì cho phải. Vậy nên kiếp này, ta tự tay chế tác một khối ngọc như ý để bù đắp cho kiếp trước còn chưa kịp thành toàn.
Cũng mong rằng kiếp này, mọi người đều có thể được như ý nguyện, trọn vẹn vui vầy.
Nhị ca giúp ta nhặt những mũi tên rơi vãi khắp sân, Tam ca từ trên cây nhảy xuống, xoa đầu ta mà rằng: “Phong Nhi của chúng ta đâu cần ra chiến trường, hà tất phải khổ luyện như vậy?”
“Phải đấy, muội mà tiếp tục siêng năng thế này, chẳng mấy chốc sẽ vượt mặt các ca mất thôi.” Đại ca cười ha ha trêu chọc ta.
Ta chỉ cười, không đáp.
“Đại ca, đi thôi.” Tam ca cầm lấy kiếm và thương, chuẩn bị đến quân doanh. Đại ca gật đầu, nhấc chiếc khôi đồng rồi định bước đi.
“Đại ca,” ta tiến lên một bước, kéo vạt áo choàng của huynh ấy, đôi mắt long lanh mong chờ, “Muội cũng muốn đến quân doanh cùng các huynh.” Ta muốn đi xem, muốn đi tìm hiểu thêm.
Ta theo các huynh đến quân doanh, xem bọn họ huấn luyện binh sĩ, xem họ bài binh bố trận, xem họ diễn luyện chiến thuật trên sa bàn. Ta muốn biết, rốt cuộc là vì sao triều đình mãi chẳng chịu động binh đối đầu với đám người Đột Quyết mà chỉ một mực nhắm mắt làm ngơ trước dã tâm của chúng, tận lực trấn an, thậm chí để mặc chúng lớn mạnh tại Tây Vực, trở thành mối họa lớn nơi biên ải. Để rồi đến khi hai bên không thể không giao chiến, quân ta lại lâm vào thế bị động, liên tiếp bại lui, thậm chí còn phải dâng tấu xin cắt chín châu Yến Vân để cống nạp.
Lúc trở về, ta theo sau Đại ca, vừa ra khỏi quân doanh liền trông thấy một đội tân binh hành quân. Người cuối cùng trong hàng bước đi tập tễnh, dáng vẻ có chút kỳ lạ khiến ta bất giác quay đầu nhìn theo. Chỉ kịp thoáng thấy góc nghiêng gương mặt hắn, nhưng lại cảm thấy rất quen thuộc, nhất thời chẳng thể nhớ ra là ai.
Đại ca thấy ta nghi hoặc, liền cười bảo: “Năm nào cũng có tân binh bị chứng bàn chân bẹt như vậy, luyện thêm vài ngày là ổn thôi.”
Dù ta không nhớ ra nhưng vẫn gật đầu, tỏ ý đã hiểu.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.