Xuân Tảo tự nhận bản thân che giấu rất kỹ nhưng vẫn không tránh được tin đồn lan nhanh như sóng triều. Suốt hơn nửa tháng sau đó, cô liên tục trở thành tâm điểm chú ý của học sinh từ các lớp, các khối khác nhau. May mà trường nhiều con gái nên xung quanh không quá náo loạn, chỉ là thỉnh thoảng bị mấy bạn ngồi gần trêu chọc vài câu, ngoài ra thì không có gì đáng lo.
Mùa đông lạnh giá kéo đến, rồi Giáng Sinh, Tết Dương lịch nối tiếp nhau, tâm trí tụi học trò cũng dần bị kéo đi bởi không khí lễ hội. Mặc dù là trường công lập nhưng Nghi Trung vẫn luôn chú trọng giáo dục toàn diện, đề cao văn hóa và tính nghi thức. Trước thềm năm mới, các lớp thi nhau trang trí lộng lẫy, phòng học nào cũng sạch bong kin kít, dán đầy hình dán chủ đề, treo rèm kim tuyến và dây hoa lấp lánh, lớp nào cũng muốn nổi bật nhất.
Xuân Tảo giúp Đồng Việt trang trí bảng đen của lớp, tô đậm phần tiêu đề “Happy New Year” bằng nét chữ uốn lượn mềm mại. Xong xuôi, cô phủi tay rồi nhảy xuống ghế, sau đó lau thêm chút nữa cho hoàn hảo rồi mới dọn dẹp quay về chỗ ngồi.
Lớp cứ mỗi tháng lại đổi chỗ một lần, giờ cô ngồi tổ 3, không còn ở gần cửa sổ nữa.
Nhưng đôi khi vào buổi trưa hay trước giờ tự học buổi tối, trên bàn cô vẫn xuất hiện một ly đồ uống nóng đủ loại, có khi là sữa hộp, có khi là cacao nóng, có khi lại là trà gừng táo đỏ.
Và mỗi lần như vậy, mấy đứa ngồi trước ngồi sau lại rần rần, kêu đừng phát cơm chó nữa tụi này chịu hết nổi rồi.
Đối với chuyện này, Xuân Tảo phẫn nộ: Cậu đừng lén vào lớp tớ nữa.
Nguyên Dã tỉnh bơ: Bao giờ? Có bằng chứng không?
Xuân Tảo cứng họng nghẹn lời.
Cuối cùng cô đành bất lực, nói không lại anh: Không có bằng chứng vì uống hết rồi.
Còn phàn nàn: Tớ sắp béo lên rồi đây này!
Nguyên Dã: Đâu có.
Trong nhà không có cân nhưng Xuân Tảo vẫn kiên quyết: Chắc chắn béo!
Hôm sau tan học, cô đến điểm hẹn dưới cột đèn đường số hai như thường lệ. Nguyên Dã vừa thấy cô liền đứng yên, mượn ánh đèn chăm chú quan sát, lông mày nhíu lại trông có vẻ rất nghiêm túc. Cô bị nhìn đến mức nghẹt thở, hoảng hốt quay đầu bỏ chạy, anh mới chậm rãi bước nhanh hơn đuổi theo, cười nói: “Không béo mà.”
Xuân Tảo lầm bầm: “Mặc nhiều áo thế này ai mà nhìn ra được chứ?”
Nguyên Dã lại nghiêng đầu ngắm nghía: “Vậy đợi đến mùa xuân tớ kiểm tra lại lần nữa.”
Xuân Tảo đỏ mặt, chạy trốn khắp con hẻm nhỏ: “Không được nhìn nữa!”
“Được rồi, không nhìn.” Anh đầu hàng, thả chậm bước chân vui vẻ chậm rãi đi theo sau cô.
Xuân Tảo quay đầu lại: “Sao tự dưng đi chậm thế, còn đi sau lưng tớ làm gì?”
Nguyên Dã vô tội nhún vai: “Không được nhìn mà, chỉ nhìn sau gáy thôi được không?”
Xuân Tảo nghe xong thì nghiến răng nghiến lợi, cuối cùng vẫn phải lề mề rút ngắn khoảng cách, quay lại sóng bước bên anh.
Kỳ nghỉ Tết Dương lịch, Xuân Tảo cùng Xuân Sơ Trân về quê, đoàn tụ với ông bố đơn thân nơi quê nhà. Hôm sau cô dậy sớm đi thăm bà ngoại, sức khỏe bà giờ đã ổn định, có hộ lý chăm sóc nên cũng coi như yên tâm. Cả mấy ngày liền bận rộn thăm hỏi người thân bạn bè, mãi đến trưa mùng 3 Xuân Tảo mới háo hức quay về căn nhà trọ.
Vừa thay giày xong, cô đã thấy Nguyên Dã đứng trước cửa phòng chào hỏi mẹ con cô.
Xuân Tảo cảm nhận được ánh mắt anh lướt qua mình, dù không dừng lại nhưng cũng chẳng vội rời đi.
Xuân Sơ Trân ngạc nhiên: “Tiểu Nguyên cũng ở nhà à?”
Nguyên Dã gật đầu: “Vâng ạ.”
Xuân Sơ Trân trêu: “Dạo này nghỉ lễ chẳng thấy cháu ra ngoài gì hết.”
Nguyên Dã bình thản đáp: “Tại trời lạnh ạ.”
“Ừ nhỉ.” Xuân Sơ Trân cởi chiếc khăn quàng dày cộm, quan tâm dặn dò: “Cháu nhớ mặc ấm vào nhé, đừng để bị cảm trước kỳ thi cuối kỳ.”
Xuân Tảo nhìn sang, thấy anh mặc áo len cổ tròn màu xám, tóc có vẻ lâu rồi chưa cắt nên hơi rối như cỏ dại mùa hè, song lại khá hợp với anh. Anh đứng tựa vào khung cửa, dáng người cao gầy chẳng khác gì người mẫu trong tạp chí.
Ánh mắt hai người chạm nhau trong chốc lát rồi vội lướt qua, tựa như có sự ăn ý ngầm nào đó.
Nguyên Dã khẽ cười, trả lời Xuân Sơ Trân: “Cháu bật điều hòa rồi, không lạnh đâu ạ.”
Còn Xuân Tảo bọc mình như gấu Bắc Cực bên cạnh mặt hơi nóng lên, siết chặt quai cặp rồi lủi vào phòng.
Chờ đến khi Xuân Sơ Trân ra chợ mua đồ ăn, cô liền đóng cửa, nhắn tin cảnh cáo: Cậu đừng có lộ liễu quá.
Nguyên Dã: ?
Xuân Tảo: Cậu không nghe thấy mẹ tớ bảo cuối tuần chẳng bao giờ ra ngoài à?
Nguyên Dã: Dì chỉ quan tâm chút thôi, cậu còn phòng bị tớ hơn cả dì nữa.
Xuân Tảo chối bay chối biến: Đâu có!
Nguyên Dã: Thế giờ tớ ra ngoài nhé?
Xuân Tảo không rên tiếng nào, dán mắt vào màn hình không gõ chữ nữa.
Mấy phút sau, cô nghe thấy tiếng động ngoài phòng khách, mở cửa ra đã thấy Nguyên Dã đứng ở huyền quan thay giày, anh khoác hờ chiếc áo lông vũ màu đen, trông giống như sắp đi thật.
“Này!” Cô gọi anh.
Anh quay đầu: “Sao?”
Xuân Tảo ấp úng, mắt đảo lung tung: “Cậu… ra ngoài thật đấy à?”
Anh đút tay vào túi, giọng điệu bình thản không nghe ra cảm xúc: “Ở nhà nữa là có người sốt ruột chết mất.”
Xuân Tảo: “…”
“Tớ không có ý đó…” Cảm xúc khó xử và oan ức cùng lúc trồi lên khiến sống mũi cô hơi cay cay, “Thôi cậu đừng đi nữa.”
Rồi nói nhỏ: “Bên ngoài trời lạnh lắm…”
Nhận ra sắc mặt cô có gì đó là lạ, Nguyên Dã bèn nhíu mày: “Lại đây.”
Xuân Tảo do dự bước tới: “Làm gì?”
Hắn lấy chiếc máy sưởi tay hình gấu Brown nhỏ xinh kèm dây sạc trong túi áo ra: “Cho cậu.”
Xuân Tảo nhận lấy, mặt chú gấu nâu tròn trĩnh ấm áp như vừa được sạc đầy. Cô nghẹn lời, chưa kịp nói gì anh đã dịu giọng dỗ dành:
“Tớ đợi ở nhà ba ngày rồi, sao có thể đi thật được?”
“Lừa cậu ra đây thôi.”
“Đây là quà năm mới.”
“Ấu trĩ.” Xuân Tảo thừa cơ vung tay anh hắn một cái để che giấu tâm trạng bối rối.
“Có ai nhận quà xong liền đánh người tặng không?”
“Có đấy, chính là tớ đây.”
“Lợi hại ghê.”
“Cậu vào nhà đi.”
“Được.”
“Cởi giày ra.”
“Được.”
“Vào phòng.”
“Ừm.”
***
Vừa cười vừa cố tình lề mề, song cuối cùng vẫn bị cô gái nhỏ theo sát “áp giải” về phòng mình. Hai người đứng bên khung cửa, một trong một ngoài lưu luyến chào tạm biệt nhau.
Nguyên Dã cởi áo khoác, sau đó ngồi ngay ngắn trước bàn học, nghĩ thôi không giở mấy chiêu trò này nữa kẻo lại khiến cô buồn. Anh định mở QQ để giải thích vài câu nhưng tin nhắn của cô đã đến trước.
Xuân Tảo: Xin lỗi, tớ còn chưa chuẩn bị quà năm mới cho cậu, vậy mà cứ yêu cầu hết cái này đến cái khác.
Nguyên Dã khẽ cong môi, ánh mắt dịu lại: Tớ nhận được quà của cậu rồi mà.
Xuân Tảo: Quà gì cơ?
Nguyên Dã gửi ảnh chụp tin nhắn chúc mừng năm mới đúng 0 giờ ngày 1 tháng 1 của cô, còn đặc biệt đánh dấu: Chính là cái này.
Xuân Tảo: Cái này mà cũng tính là quà á?
Nguyên Dã: Chính là món quà tốt nhất năm.
Xuân Tảo gửi một sticker mèo khóc.
Nguyên Dã bật cười, tự dưng lại thấy suy nghĩ bắt đầu lệch lạc bởi vì khi tưởng tượng khuôn mặt cô chồng lên hình con mèo đó, anh lại muốn cười. Cố nhịn một chút, anh reply sticker kia: Cái này cũng vậy.
Xuân Tảo: ?
Nguyên Dã trêu: Quà tặng tốt thứ hai của năm, giọt nước mắt cảm động của cậu.
Quả nhiên tâm trạng cô lập tức tốt lên, thậm chí còn có xu hướng bùng nổ: Biến ngay!
Năm nay Tết Âm lịch đến sớm hơn mọi năm. Giữa tháng Một, sau khi kỳ thi cuối kỳ kết thúc, học sinh khối 10 và 11 của trường Nghi Trung lũ lượt ra về, chỉ còn lại khối 12 tiếp tục ở lại “cày cuốc”.
Tối hôm Giao thừa, Xuân Sướng về nhà, bố Xuân cũng đón bà ngoại đến. Hiếm lắm cả ba thế hệ nhà họ Xuân mới cùng nhau sum vầy đón chờ thời khắc cuối năm.
Vừa đặt mấy túi quà xuống, Xuân Sướng đã bị Xuân Sơ Trân lôi thẳng vào bếp phụ giúp chuẩn bị bữa tất niên, bị mẹ sai vặt không ít.
Xuân Tảo cũng muốn giúp nhưng lại bị mẹ đuổi ra ngoài: “Con đi chỗ khác chơi, chỗ này toàn dầu mỡ không. Con ra ngồi với bà ngoại xem tivi hoặc vào phòng học bài đi, đừng có lảng vảng vướng tay vướng chân.”
Thế là Xuân Tảo đành tiu nghỉu quay lại ghế sô pha, bóc quýt cho bà ngoại đang chăm chú xem đài CCTV.
Xuân Sướng tỏ vẻ bất mãn: “Ủa tại sao vậy mẹ?”
Xuân Sơ Trân hờ hững đáp: “Em nó sắp thi đại học rồi con không biết à? Lớn từng này còn so đo với em gái.”
Xuân Sướng tính nhẩm: “Còn tận một năm rưỡi nữa lận, mẹ đùa con đấy à?”
“Thế một năm rưỡi có dài lắm không?” Xuân Sơ Trân lườm đứa con lớn rồi đưa cái thìa đang bốc khói sang: “Đi ra kia khuấy món gà kho cho mẹ, đừng để cháy nồi.”
Xuân Sướng bất mãn cầm lấy.
Cả nhà quây quần bên bàn ăn, cùng nâng ly chúc mừng năm mới, tiếng hô “Chúc mừng năm mới ——” vang vọng khắp căn phòng, bầu không khí tràn ngập hương vị Tết.
Xuân Sướng vừa về đến nhà còn chưa kịp uống ngụm nước nào, giờ thì dốc cạn ly rượu vang, rót thêm một ly nữa rồi hỏi Xuân Tảo có muốn thử không. Kết quả là bị Xuân Sơ Trân vỗ cái “bốp” lên mu bàn tay.
“Gì vậy mẹ ——” Xuân Sướng đặt chai rượu xuống: “Tết nhất mà mẹ còn bạo lực gia đình nữa.”
“Con uống kệ con nhưng đừng kéo em gái con theo. Nó chưa đủ tuổi, đừng để nó thành sâu rượu.”
“Chỉ uống cho vui thôi mà, chán mẹ ghê ấy.”
Sau vài lượt rượu, Xuân Tảo cúi đầu bấm điện thoại dưới bàn, muốn xem Nguyên Dã có nhắn tin cho mình không. Không biết giờ này anh đang làm gì, cô rất lo, bồn chồn không yên, nhưng lại sợ đường đột hỏi thăm vô tình khơi lại chuyện buồn của anh.
Xuân Sơ Trân thấy con gái cứ cúi đầu bấm điện thoại bèn nhắc nhở: “Xuân Tảo, ăn đi con, sao cứ nghịch điện thoại mãi thế? Hay là mẹ nấu dở?”
Xuân Tảo vội vàng cất điện thoại vào túi áo ngủ, uống một ngụm nước dừa, nhưng lại chẳng có hứng thú gì với bàn ăn đầy món ngon trước mắt.
Xuân Sướng thích nhất là đối đầu với mẹ: “Chắc là vậy đó mẹ.”
Xuân Sơ Trân nghi ngờ, gắp một miếng sườn xào chua ngọt nếm thử: “Rõ ràng ngon thế này cơ mà.”
Ba Xuân lập tức tâng bốc: “Món mẹ con nấu là số hai thì không ai dám nhận số một đâu.”
“Chứ còn gì nữa!” Xuân Sơ Trân được tiếp thêm động lực, hất cằm nói: “Xuân Tảo mà thấy dở thì chắc chắn là do chị nó nhúng tay vào nên mới hỏng.”
Xuân Sướng đặt đũa xuống, lớn tiếng phản đối: “Gì chứ! Mẹ nói thế không công bằng. Con có thật sự động tay động chân vào món nào đâu. Con muốn sáng tạo món mới mà mẹ có cho đâu?”
Cả bàn cười ầm lên. Xuân Tảo cũng vui lây vì bầu không khí vui vẻ này, tâm trạng trĩu nặng bỗng chốc nhẹ bẫng, cô khẽ mỉm cười.
Sau bữa tối, Xuân Tảo phụ mẹ dọn dẹp bếp núc rồi cùng cả nhà ngồi xem TV trong phòng khách. Ba mẹ cô đang cắn hạt dưa, Xuân Sướng thì biểu diễn tiết mục thường niên —— dùng tay không bóc vỏ hạt óc chó, sau đó cẩn thận tách vỏ, chia cho bà ngoại và em gái.
Xuân Tảo nhận một miếng, bỏ vào miệng chậm rãi nhai.
Cô liếc nhìn mẹ, thấy bà đang chăm chú xem chương trình ca nhạc trên TV mới dám lén mở điện thoại ra xem.
Thấy em gái cứ thấp thỏm không yên, Xuân Sướng ghé sát lại hỏi nhỏ: “Có chuyện gì, chờ tin nhắn chúc Tết của bạn Nguyên đẹp trai hả?”
Tai Xuân Tảo nóng bừng, cô lập tức tắt màn hình, lí nhí đáp: “Đâu có.”
Xuân Sướng không rõ nội tình, chỉ bảo: “Người ta không gửi thì mày gửi trước đi.”
Xuân Tảo lẩm bẩm: “Không phải chuyện đó…”
Cô không giải thích, thật ra những lời chị cô nói cũng đúng. Cô không cần chờ đến đúng giờ nhắn tin chúc mừng mới để thuận tiện hỏi thăm tình hình hiện tại của anh. Căn bản cô nhịn không nổi, thực sự rất muốn biết anh đang làm gì, tâm trạng lúc này thế nào, đối với anh mà nói dịp sum vầy cuối năm này có lẽ không được trọn vẹn đến vậy. Nếu không hỏi, lòng cô sẽ mãi thấp thỏm không yên.
Xuân Tảo thận trọng gõ một dòng chữ: Hôm nay cậu có vui không?
Ba phút sau, cô hít sâu một hơi cố nén sống mũi cay cay, cảm xúc trong lòng phức tạp vừa muốn khóc vừa muốn cười, đọc đi đọc lại tin nhắn phản hồi của Nguyên Dã:
Nguyên Dã: Nếu hôm nay được tính từ bây giờ.
Nguyên Dã: Thì tớ rất vui.
Tác giả có lời muốn nói:
【Đoạn kịch nhỏ trong phòng giáo vụ】
Giáo viên chủ nhiệm lớp A rót nước sau đó bước đến chỗ bàn giáo viên lớp C, nhấp một ngụm trà rồi hắng giọng: “Này, cô Trần à.”
Trần Ngọc Như đang chấm bài văn, nghe thấy bèn ngẩng đầu lên: “Có chuyện gì thế?”
Giáo viên chủ nhiệm lớp A: “Cô nghe tin gì chưa? Học sinh lớp tôi, Nguyên Dã, hình như đang hẹn hò một nữ sinh bên lớp cô đấy? Có thật không vậy?”
Trần Ngọc Như: “Nghe rồi. Nhưng tôi thấy trạng thái học tập của con bé chẳng có gì bất thường cả.”
Giáo viên chủ nhiệm lớp A: “Cô thấy cô bé đó thế nào?”
Trần Ngọc Như: “Rất tốt, luôn nằm trong top 5 của lớp, chăm chỉ, nghiêm túc, chẳng bao giờ khiến tôi phải lo lắng.”
“Ồ…” Giáo viên chủ nhiệm lớp A có vẻ trầm ngâm: “Tôi cũng không phải kiểu giáo viên cổ hủ gì đâu, hai đứa nhỏ chỉ cần không làm gì quá trớn trong trường thì cũng không sao. Chủ yếu là… Nguyên Dã ấy, em ấy là hạt giống thủ khoa, cô cũng biết mà.”
Trần Ngọc Như: “Rồi sao nữa? Ý thầy là học sinh của tôi không xứng à?”
Giáo viên chủ nhiệm lớp A: “Không, không! Chỉ là… tôi sợ chuyện tình cảm ảnh hưởng đến việc học thôi. Cô cũng lo lắng điều đó mà đúng không?”
Trần Ngọc Như: “Sắp thi cuối kỳ rồi, cứ để xem sao đã.”
Cô đặt bút xuống: “Tôi còn đang lo học sinh lớp thầy kéo thành tích của học sinh lớp tôi xuống nữa đấy.”
Giáo viên chủ nhiệm lớp A: “…Ừm… Vậy thì cứ đợi hết kỳ thi rồi tính tiếp.”
Trần Ngọc Như trợn mắt: “Đúng rồi, nếu điểm con bé giảm, người đầu tiên tôi tìm chính là học sinh lớp thầy đấy.”
Giáo viên chủ nhiệm lớp A: “Được rồi, được rồi! Cô cứ việc tìm, tôi sẽ tự tay đưa thằng nhóc đó đến trước mặt cô.”
Trần Ngọc Như: “Được thôi, nhưng tốt nhất là đừng để tình huống xảy ra này.”
…
【Kỳ thi cuối kỳ kết thúc】
Hai giáo viên trao đổi bảng xếp hạng của lớp mình rồi nhìn bảng xếp hạng toàn khối, sau đó lặng lẽ liếc nhìn nhau, đồng loạt thở phào nhẹ nhõm.
Chuyện của học kỳ sau, để học kỳ sau tính vậy.
Giờ cứ về ăn Tết cái đã.
Over.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.