“Lương Nguyên Kính.”
Giọng của A Bảo như cách ngàn vạn lớp sợi bông truyền đến, xa xôi quá không nghe ra rõ ràng. Chàng mở đôi mắt, thấy gương mặt nàng gần ngay trước mặt, nhè nhẹ hôn lên mắt, hôn lên mũi và hôn lên môi chàng.
“A Bảo?” Chàng hơi hé mắt.
“Là em.”
A Bảo lại hôn môi chàng chun chút, “Có biết đây là đâu không?”
Ánh mắt chàng chậm rãi đảo khắp nhà tù tối tăm, vách tường ẩm mốc, còn có đống rơm rạ dưới thân, chẳng qua không rõ vì sao trên người lại xuất hiện thêm cái chăn bông, khó trách vừa rồi ngủ thấy ấm áp như vậy.
“Trong nhà lao.” Giọng nói chàng nghẹn ngào.
“Ừm, còn chưa quá ngốc.”
Môi A Bảo vẫn cách chàng không quá mấy tấc, hai người hết hôn rồi lại hôn, như con cá bị mắc cạn, chút nước mưa cũng không giảm bớt cơn khát dưới đáy lòng. Lương Nguyên Kính cầm lòng không đậu duỗi tay ra ôm lấy nàng, xong lại đau đến nỉ non.
“Đừng cử động,” A Bảo nói, “Hoà thượng băng bó cho chàng, thoa thuốc, chàng đừng lộn xộn, cần gì cứ nói em biết.”
“Anh muốn ôm em.” Lương Nguyên Kính đỏ mặt nói.
A Bảo cười cười, thận trọng bao quanh eo chàng, tận lực không chạm vào thương tích trên đó, cũng không dám gác đầu lên vai chàng, mà chỉ hơi ngước lên cao chút, gối trên rơm rạ, hôn lỗ tai nóng bỏng của chàng một cái, vành tai cọ lấy tóc mai chàng.
Lương Nguyên Kính vừa mới tỉnh, thậm chí còn có hơi mơ màng, không nhịn được hỏi: “Sao em…”
“Xuỵt.”
Ngón trỏ A Bảo ấn môi chàng, nói: “Đôi ta không có nhiều thời gian nói chuyện này, chàng nghe em nói là được. Lương Nguyên Kính à, em hỏi chàng, năm xưa chàng có hối hận khi rời khỏi Thành Đô không?”
“Em nhớ rồi?” Lương Nguyên Kính quay đầu, vẻ mặt kinh ngạc.
“Ừm.”
“Nhớ lại hồi nào?”
A Bảo hơi hơi cười, nhẹ giọng ngâm nga: “Một phiến xuân sầu cậy rượu xuôi. Giữa ngạn thuyền trôi, lầu trước cờ vời. Đò Thu nẻo Thái dặm đưa rồi. Mưa đổ vài thôi, Gió hắt vài hồi. Đâu buổi về mang áo khách phơi. Còn nghịch sênh chơi, Lò chẳng hương phôi. Lưu quang sao dễ bỏ rơi người, Đào vội hồng rồi, Chuối chóng xanh rồi.” [1]
[1] Nhất tiễn mai – Chu quá Ngô giang – Tưởng Tiệp và bản dịch của Se Sẻ, thivien.net.
“Em hát lên rồi cũng không có gì thay đổi, vẫn dễ nghe như ngày nào.”
Hoá ra, nhớ lại từ đó sao?
Lương Nguyên Kính ngẩn ngơ, thần sắc ảm đạm: “Không có ngày nào không hối hận cả.”
Rời khỏi Thành Đô, rời thôn Lý gia, là chuyện hối hận thứ nhất.
Rời khỏi Đông Kinh, rời đứa nhỏ mới mất của A Bảo, là chuyện hối hận thứ hai.
Lần đầu tiên rời đi, làm bọn họ bỏ lỡ rất nhiều năm.
Lần thứ hai rời đi, làm bọn họ âm dương cách biệt. Tiểu cô nương như chim nhỏ thích cười thích nghịch, thích ăn bánh ngọt, tự do vui sướng năm nào, giờ đã hoá thành bộ xương khô chốn tường cung, lạnh như băng chôn dưới đất vàng.
A Bảo lau nước mắt trên má chàng, nói: “Em không hối hận.”
“Em không hối hận đi đến Dương Châu, bởi vì nếu không đi em sẽ không vào Đông Kinh, sẽ không gặp lại được chàng.”
A Bảo quyến luyến vùi vào cổ chàng, hỏi: “Nói em nghe được không? Chàng đã làm gì chọc giận Triệu Tòng nhốt chàng tới đây?”
“Anh thiêu bức tranh của em, ngay trước mặt hắn.”
“……”
“Tại sao?” A Bảo trừng to đôi mắt.
“Tại không muốn vẽ cho hắn.” Lương Nguyên Kính lạnh lùng đáp.
Chàng luôn ôn hoà lễ phép, tính tình dễ chịu, đến tận giờ phút này A Bảo mới hay, thì ra tính cách chàng cũng có mặt sắc bén như vậy. Chẳng qua là sắc bén này đả thương phe địch 800, tự tổn hại mình tận 1000.
A Bảo không khỏi thẳng người hỏi: “Chàng một lòng muốn chết sao?”
Lương Nguyên Kính ngơ ngác nhìn nàng, tròng mắt trong veo phản chiếu ra bóng dáng nàng, môi mỏng vừa hé, nói ra lời lẽ khiến người ta tan nát cõi lòng nhất mà đời này A Bảo từng nghe qua.
“Thế gian này không có em, cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.”
A Bảo sững sờ, nước mắt trào ra nơi hốc mắt, nhỏ giọt lên trên má chàng.
“Đừng khóc mà,” Chàng dùng băng vải ngón tay, cứng ngắc lau nước mắt thay nàng, chỉ vào ngực mình, “Em vừa khóc, chỗ này liền đau.”
Nước mắt A Bảo đứt giọt như hạt châu, nàng dừng không được, nghẹn ngào mắng: “Đồ ngốc, chàng cái đồ ngốc này…”
Lương Nguyên Kính thần sắc bình tĩnh nói: “A Bảo, em phải đi đúng không?”
Chàng thấy nửa thân dưới nàng đang từ từ biến mất. Đầu gối nàng đã hoá thành bụi vàng phát sáng, hoà ra khi linh hồn được siêu độ, sẽ toả ra Phật quang sáng như này.
Lương Nguyên Kính không mở miệng giữ người lại, chẳng kể rõ là chàng muốn hay không, thậm chí chàng còn không khóc thảm thiết, chỉ nhàn nhạt mỉm cười, phảng phất ngày này sớm muộn gì cũng tới nên chàng đã chuẩn bị từ lâu.
Vì thế A Bảo đã biết, ngay khi chính mình biến mất, nhất định chàng sẽ đập đầu tự vẫn ngay tại đây, nhằm để đi theo nàng.
Cha mẹ Lương Nguyên Kính đều đã mất, ba vị tỷ tỷ đã xuất giá, ai cũng tìm được kết cục của riêng mình. Còn lại thế gian này, chàng không có gì vướng bận, không còn người chàng luyến tiếc cũng không quên được. Chàng đối với thế gian này không có gì lưu luyến, cho nên chàng muốn xuống hoàng tuyền cùng nương tử, đồng sinh cộng tử.
Không thể được, vô luận thế nào A Bảo cũng muốn chàng loại bỏ cái ý niệm này.
Nàng cố nén nước mắt, cúi đầu kề vào bên tai chàng, nhỏ giọng hỏi: “Chàng biết em khi nào mới nhận ra mình là một người chết không?”
Không đợi Lương Nguyên Kính đáp, nàng đã tự mình trả lời: “Là khi tận mắt nhìn thấy hài cốt của mình.”
Chứ không phải khi không ăn được điểm tâm, không phải khi người khác không nghe thấy nàng nói chuyện, cũng không phải khi không ai nhìn thấy. Mà là vào khắc tự mình nhìn thấy bộ hài cốt bên trong quan tài kia, nàng mới ý thức được rõ ràng, mình chết thật rồi, nàng đã thành vị khách qua đường giữa trời đất. Từ đó về sau ngoại trừ sống trong lòng người thân ra, sẽ không còn ai nhớ tới nàng nữa.
“Lương Nguyên Kính à, chàng cho rằng chết khó lắm sao? Không, chết rất dễ dàng, cái khó là khi đối mặt với những điều sau khi chết, là cái chết chàng để lại cho người thân mình.”
Tay phải cho đến khuỷu tay đều tan biến. A Bảo đã hết cách ôm chàng, chải chuốt tóc lại thay chàng, cúi đầu hôn lên đuôi mắt ửng đỏ ấy, dịu dàng nói: “Em hối hận nhất, là năm xưa không nên qua loa kết thúc mạng mình, em còn chưa ăn đủ những món điểm tâm ngon, chưa ngắm hoa lê nở vào ngày đầu xuân, đáng tiếc quá, thật ấy, thật sự quá đáng tiếc.”
Tan biến lên đến phần eo, bụi vàng lất phất giữa không trung, chiếu sáng căn phòng giam tăm tối. Đó là linh hồn trong suốt sạch nhất của A Bảo sau khi tẩy sạch mọi oán khí.
Nàng rũ mắt nhìn Lương Nguyên Kính, nhìn đến vô cùng nghiêm túc, như muốn khắc sâu bộ dáng của chàng vào trong đầu, đợi đến lúc đầu thai rồi, kiếp sau vẫn sẽ nhớ rõ chàng.
Đây là người trong lòng nàng, là tâm tư bí mật nhất thời thiếu nữ. Từ lúc mười ba tuổi là nàng đã thích chàng, cho dù sau này không nhớ rõ, nhưng nàng vẫn yêu chàng, chỉ yêu mỗi chàng, nàng yêu chàng cả đời.
Rốt cuộc Lương Nguyên Kính cũng khóc, yết hầu phát ra tiếng gào thét cuống cuồng khàn đặc: “Không⎯⎯”
“Không thể nói không,” A Bảo cúi đầu, áp lên trán chàng, chóp mũi cọ vào nhau, “Em là nương tử của chàng, chàng là quan nhân của em, chàng cần phải nghe lời em, bằng không em sẽ không cần chàng.”
“Đừng không cần anh⎯⎯”
Lương Nguyên Kính sợ hãi muốn bắt lấy nàng, nhưng lại vớ vào không trung, cánh tay nàng đã tan thành ánh sáng.
“Vậy chàng phải sống cho thật tốt.”
Tốc độ nói của A Bảo ngày càng nhanh, nàng sợ nói không kịp.
“Em cho phép chàng cưới vợ, nếu như thật thích, nạp thiếp cũng không sao, sinh thêm mấy đứa nữa. Vào xuân, chàng dẫn bọn nó đi đạp thanh vùng ngoại ô, ngắm nhìn hoa đào, thả diều, chứ đừng ở lì trong nhà, lúc không vẽ tranh cũng nên đi ra ngoài nhiều hơn. Lương Nguyên Kính, thế gian này rất tốt đẹp, không có em cũng không sao, lúc em sống chưa thấy, chàng hãy nhìn nó nhiều thay luôn phần em nhé.”
“Không, em đừng đi……”
Lương Nguyên Kính nghẹn ngào khóc lóc cầu xin, nước mắt nước mũi lưng tròng, Lương công tử ngày xưa cư xử đúng mực, yêu thích sạch sẽ, vậy mà giờ đây lại bất lực oà khóc chật vật như đứa con nít.
“Đừng khóc, nghe em nói,” A Bảo hôn lên hàng lệ đuôi mắt chàng, “Chàng phải cưới vợ sinh con, không bệnh tật không tai nạn sống cho hết đời này. Em sẽ ở đầu cầu Nại Hà chờ chàng, kiếp sau, chúng ta cùng uống canh Mạnh Bà, nếu chàng xuống đó trước, em sẽ không nhận chàng làm quan nhân…”
Toàn vùng dưới cổ hoà thành bụi vàng bay đầy trời, sườn mặt A Bảo cũng tỏa Phật quang vàng sáng. Giờ khắc này, nàng thuần khiết như thế, mỹ lệ như thế, giống như thần tiên trên chín tầng trời.
Không kịp rồi, nhanh quá.
Nàng còn rất nhiều lời còn chưa nói xong với chàng, nhưng mà ngay khắc cuối cùng, nàng lại cảm thấy, cái gì cũng không cần nói nữa. Trước lúc biến mất, nàng trao cái hôn nhợt nhạt lên môi của Lương Nguyên Kính.
Tạm biệt, ngốc ạ.
Kiếp sau gặp lại.
Người trong lòng cuối cùng tan ra thành ngàn vạn bụi sáng vàng, ánh sáng đó như đom đóm đêm hè, dịu nhẹ bay màu chung quanh chàng, quấn quýt đầu ngón tay chàng, là linh hồn người yêu nói lời cáo biệt cuối cùng với chàng.
Đợt sáng biến mất, phòng giam lâm vào màn tối đen lần nữa, Lương Nguyên Kính gắt gao ôm bộ váy áo còn sót chút nhiệt độ cơ thể nàng lại vào lồng ng.ực. Bỗng sờ đến chỗ nọ là lạ, lấy nó ra thì thấy, hoá ra là chiếu viết tay tha tội nàng xin cho chàng.
Trong bóng đêm, vang lên tiếng khóc u sầu chôn vùi trong váy áo.
**
Đêm ngày 18 tháng 2, năm Vĩnh Ninh thứ tư.
‘Lạt Ma’ Thủ Chân đại sư viên tịch tại bảo điện Phật Di Lặc chùa Sùng Ninh trên núi Vạn Tuế, hưởng thọ 109 tuổi, công đức viên mãn, hồn thăng Tây Thiên Cực Lạc, sau khi thiêu xác tích được tam xá lợi tử, thờ cúng trong tháp Phật chùa Sùng Ninh, là vì xá lợi tháp.
Sáng ngày 19 tháng 2.
Lương Nguyên Kính được thả ra khỏi ngục, đêm gió tuyết mới tạnh, mặt trời nhô lên từ đằng đông. Thành Đông Kinh tuyết đọng mảng trắng xoá, hạt tuyết dưới ánh nắng chiếu rọi sáng lấp lánh, rơi xuống phần đất trắng mơn sạch sẽ.
Lý Hùng ở Tuyên Đức Lâu đón chàng về nhà, tay cầm bình gốm men đen chứa đựng tro cốt của A Bảo.
Ngày 20 tháng 2.
Một thủ dụ kim thượng lẳng lặng vòng qua chính sự đường, truyền ra từ cung cấm, tuyên bố Hàn Lâm Đãi Chiếu Lương Hoằng ngỗ nghịch quân thượng, tội ác tày trời, chiếu lệnh gạch tên đình chỉ, biên quản [2] đưa đến Chiêu Châu.
[2] Biên vào sổ quản thúc, phải định cư và làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ của quan địa phương.
Đại nội ra lệnh cưỡng chế đốt huỷ toàn bộ tranh của tội thần Lương thị, sĩ thứ bá tánh có giấu tranh của Lương thị đều phải giao nộp sung công, không được tàng trữ, người vi phạm bị xử trọng hình.
Trong lúc nhất thời, ai nấy trong kinh đều cảm thấy bất an, đua nhau đốt bỏ hoạ tác Lương thị ngay tại nhà. Mặc dù từng bỏ ra ngàn vàng để mua về nhưng cũng không dám không nỡ.
Ngày 28 tháng 2.
Trong cung lại thêm một thủ dụ, sửa từ biên quản Chiêu Châu thành Tân Châu, xuất phát ngay lập tức, không được chậm trễ.
Tân Châu lệ thuộc đông lộ Quảng Nam, đường đi thuộc đạo Lĩnh Nam. Từ xưa đã là nơi hoang dã chòng chành, người bị biếm ra đến tận đây thường sẽ không còn đường quay về.
Mùng một tháng ba, Biện Hà tuyết tan, xuân quay trở lại.
Lương Nguyên Kính trên mặt xăm chữ, trên cổ mang gông, bị hai gã phủ Khai Phong áp giải lên đường Giác Minh hoà thượng và Lý Hùng đưa tiễn một đoạn. Đến ngoài cửa Nam Huân thành Đông Kinh, Lý Hùng lấy ra túi bạc chuẩn bị cho quan sai thay chàng, giúp chàng trên đường đỡ cực khổ.
Giác Minh hoà thượng đứng ở bên đường, nói với chàng: “‘Ướm hỏi Lĩnh Nam trời không tốt? Bèn nói, Thấy lòng yên ổn tức quê hương’ [3]. Tiểu hữu Nguyên Kính, nơi nào tâm an nơi đó là quê nhà, chuyến này đi rồi, trên đường bảo trọng, thả lỏng ý chí, chớ cô phụ tiểu tăng đã cứu cậu một mạng.”
[3] Định phong ba – Nam Hải quy tặng Vương Định Quốc thị nhân ngụ nương – Tô Thức và bản dịch của Như Quy, thivien.net.
Lương Nguyên Kính không đáp lại y, mà chỉ ngẩng đầu nhìn lên cao, lẩm bẩm nói: “Hoa đào nở rồi.”
Đây là câu nói đầu tiên chàng chủ động mở miệng sau khi A Bảo tan biến trong lòng chàng.
Giác Minh hoà thượng ngẩn ra, cũng nhìn lên trời. Bỗng nhiên nhớ lại ngày vào đông nọ của rất nhiều năm trước, Lương Nguyên Kính tới chùa Đại Tướng Quốc tìm y, lồng ng.ực còn ôm theo bình rượu.
Ngày thường chàng rất ít khi uống rượu, vì thế ít nhiều gì cũng làm cho hoà thượng thấy kinh ngạc.
Hai người vây quanh lò lửa uống rượu, sau khi say, Lương Nguyên Kính mặt mày ửng hồng, nói với y rằng: “Tôi tìm được rồi.”
Câu say không đầu không đuôi, Giác Minh lại vừa nghe đã hiểu.
Y biết tiểu hữu đã vẽ ra rất nhiều bức hoạ, trong hoạ đều cùng một người, tiểu cô nương tuyệt sắc ôm tỳ bà. Chàng cầm bức tranh đó đi khắp trời nam đất bắc tìm kiếm, gặp người nào hỏi người đó, tìm kiếm lần mò nhiều năm qua, vậy mà giờ chàng bảo tìm được rồi.
Nhưng hoà thượng híp mắt quan sát thần sắc chàng, mơ hồ cảm giác bộ dạng chàng không mấy vui vẻ.
Trong lòng y không khỏi toát ra loại suy đoán lớn mật: “Tiểu cô nương đó, cô ấy gả cho người ta rồi?”
Lương Nguyên Kính nhắm mắt, hồi lâu chẳng trả lời, Giác Minh còn tưởng người ngủ rồi, đang tính thu chén rượu trong tay chàng lại thì chợt nghe thấy chàng cúi đầu ‘ừ’ một tiếng.
“Nàng là Hoàng hậu.”
“…………”
Lần gặp lại nhau, đã là ba năm sau, bọn họ lên kinh cùng nhau, nhưng vì chậm trễ nên cửa thành hạ khoá, đành tá túc lại ngoại ô một đêm.
Lương Nguyên Kính dọc đường đi đều tránh bàn về đề tài phế hậu băng thệ, duy chỉ mỗi đêm nọ, chàng chỉ nói đúng hai chữ để miêu tả tâm tình của mình nghe tin phế hậu chết⎯
“Đau lắm.”
Lúc đó chàng nằm bên cạnh gò đất dưới gốc cây đào, cây đào kia sinh ra rất cổ quái. Thời tiết cuối thu tháng chín, nhưng lại nở rộ một cây đào tươi đẹp, gió đêm lất phất, cánh hoa hồng phấn bay lả tả, rơi xuống người chàng. Có một cánh trong số đó tình cờ đáp ngay đuôi mắt chàng, bị dính ướt vệt nước mắt, càng thêm vẻ quyến rũ quỷ dị.
Bảy tháng bảy, mặt trời khắc nghiệt.
Lương Nguyên Kính cùng hai gã áp giải đi tới vùng Hành Châu, may sao Lý Hùng có chuẩn bị trước khi đi, trên đường hai gã này không để chàng quá khó xử, thậm chí còn chủ động mở khoá gông cho chàng, để chàng nhẹ nhàng đi lại hơn.
Thời tiết quá nóng, hai gã nọ cởi trần, ngồi quán trà lạnh ngay ngoài thành.
Lương Nguyên Kính cũng được một chén trà lạnh. Chàng nóng đổ mồ hôi, nhưng vẫn y quan vẫn nghiêm chỉnh như cũ, không chút lộn xộn, chọc hai gã kia chê cười chàng nghèo mà chú trọng quá, khổ thân.
Chỉ có chàng mới biết được nguyên nhân.
Miệng vết thương trên người từ sau khi A Bảo tan đi đã khép lại hoàn toàn, hiện giờ đã đóng vảy. Sau khi vảy tróc, trên người chàng chỉ còn lại mấy vết sẹo nhợt nhạt, nhưng đêm khuya không ngủ được, chàng cứ thấy những cái sẹo cũ vẫn còn đau vẫn còn ngứa.
Có đôi khi chàng sẽ bất ngờ hoảng hốt, hoài nghi A Bảo chưa từng xuất hiện bên cạnh mình, đó chẳng qua là do chàng tưởng niệm quá mức nên mới sinh ra ảo tưởng.
Rũ mắt thấy vết sẹo trên cánh tay rồi mới đột nhiên thở phào một hơi.
Nếu như nói có gì chứng minh A Bảo đã từng tồn tại bên cạnh chàng hay không, thì đó là những vết sẹo nàng để lại cho chàng đây.
Tháng chín, Lương Nguyên Kính đến Tân Châu, chỉ dụ kim thượng xuất hiện thêm lần nữa, chính là lưu đày chàng tới quân Cát Dương.
Nơi này đã là cực nam thuộc Đại Trần, là nơi hoang vu hẻo lánh nhất, đã là tận cùng của việc giáng chức, cuối cùng Lương Nguyên Kính an cư ngay ở đây.
Lần này ở, là mười ba năm.
Mười ba năm sau, Kim Thượng chết bệnh tại Ngọc Thanh Chiếu Ứng Cung, cửu tử Vĩnh Thuần kế vị, đổi tên thành ‘Mô’, sửa niên hiệu thành Đạo Xung, do Tiết thị Hoàng Thái hậu buông rèm nhiếp chính, thay mặt xử lý chính vụ quân quốc.
Hai chữ ‘Đạo Xung’ lấy từ ⟪Đạo đức kinh⟫, dường như báo hiệu rõ ràng tân triều sắp thi hành quốc sách ‘Thanh tĩnh vô vi’. [4]
[4] Vô vi (chữ Hán: 無為) là một khái niệm cổ xưa và đa nghĩa trong triết học Trung Quốc, mang ý nghĩa “thanh tĩnh”, “hư vô” và “thuận theo tự nhiên”. […] Trong chính trị, vô vi thường được lý giải như một hình thức trị quốc lý tưởng, nơi sự lãnh đạo không ép buộc mà để mọi sự tự nhiên vận hành theo lẽ trời. (theo wikipedia)
Sau khi tân đế kế vị, Tiết Thái hậu đã lấy danh nghĩa hoàng đế ban bố thánh chỉ thôi ân, đại xá người có tội trong thiên hạ, phàm là dưới tội chết, đều có thể xét miễn giảm hành vi phạm tội.
Lương Nguyên Kính cũng được nằm trong tội thần được ‘thôi ân’, chàng không cần bị quan phủ địa phương cưỡng chế canh giữ nữa, có thể hoàn về nguyên tịch. Nhưng chàng lại không quay về Dương Châu, mà đi đến lần bị đày thứ hai là Tân Châu, định cư ngay tại đó.
Năm đó, chàng đã 44 tuổi, tóc mai hoa râm.
Lương Nguyên Kính ở lại Tân Châu, dựng một toà nhà tranh đơn sơ, nhận dạy vẽ tranh cho mấy học trò, kiếm tiền mưu sinh.
Người dân địa phương đều biết chàng, gọi chàng một tiếng Lương tiên sinh, mọi người luôn thấy chàng đeo bộ dụng cụ vẽ tranh ra ngoài vẽ cảnh tả thực, nhưng mỗi lần vẽ xong, chàng sẽ đốt sạch tất cả, không giữ lại dù chỉ một bức.
Cũng có người thấy chàng ôm tỳ bà, ngồi bên suối nước đàn hát, lầm bà lầm bầm một mình, cũng không biết đang nói gì với ai.
Mùa xuân, Lương Nguyên Kính tự tay trồng cây sơn trà ngay trong sân.
Khí hậu Lĩnh Nam ẩm nóng, bốn mùa như xuân, rất có lợi cho việc thu hoạch sinh trưởng. Bất quá ba năm sau, cây sơn trà đã cao vun vút, dài thân như một người lớn, quả sơn trà kết đầy đầu cành, vàng óng no đủ, vỏ mỏng thịt ngọt.
Chàng dựng thang, cầm kéo cắt từng quả xuống, đặt cái sọt ở đó, đáng tiếc chẳng có ai ăn, hỏng hết sọt này đến sọt khác.
Qua xuân, là đến hè.
Ngày này qua năm nọ, quả vải Lĩnh Nam chín từ quý này sang quý khác, chung quy năm tháng vẫn bình yên thong thả trôi qua.
Chàng vẫn không nghe lời A Bảo, cả đời này, không cưới vợ, không nạp thiếp, không sinh con. Một mình lẻ loi ở nhà tranh của mình, nhưng nghiêm túc sống tốt qua từng ngày. Chàng vẫn sợ mai sau xuống đất rồi, A Bảo thật sự không cần mình nữa.
Vào ngày rời bỏ nhân thế, là ngày xuân thời tiết rất đẹp, đệ tử vẫn đang canh giữ trước giường chàng, chàng nói câu di ngôn cuối cùng liền an yên nhắm mắt.
Khoảnh khắc hấp hối, miệng nói không rõ chữ nỉ non câu gì đó. Có đệ tử áp sát lỗ tai lại, nghe được hai chữ ‘A Bảo’. Đệ tử không hiểu lắm, đang định hỏi chàng đó là ai, không ngờ mở to hai mắt, phát hiện ân sư đã đột ngột qua đời. Lúc đi khoé môi khẽ cong, ẩn chứa ý cười nhàn nhạt.
**
[Thơ Tống] Giang thành tử – Ất Mão chính nguyệt nhị thập nhật dạ ký mộng – Tô Thức
Mười năm sống chết có đôi đường,
Gạt nhớ thương,
Vẫn tơ vương.
Ngàn dặm nấm mồ côi,
Xiết nỗi thê lương.
Có gặp nhau chăng, khôn nhận rõ,
Bụi đầy mặt,
Tóc nhuốm sương.
Đêm rồi mơ trở lại quê hương,
Đứng bên song,
Đang điểm trang.
Nhìn mặt nín thinh,
Chỉ nhỏ lệ ngàn hàng.
Liệu được hàng năm nơi đứt ruột,
Gò thông ngắn,
Dưới đêm trăng.
(bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo, thivien.net)
⎯ ⋆˚࿔ Hết quyển sáu ⟪Trường hận ca⟫
**
Lương Hoằng, tự Nguyên Kính, người Dương Châu, hoạ sư cung đình Bắc Trần.
Xuất thân danh tộc Giang Tả, thuở nhỏ thông minh hiếu học, nổi tiếng là thần đồng, tiếng tăm lừng lẫy khắp quê nhà. Vốn yêu thích hội hoạ, thiên phú bẩm sinh, theo học nhiều vị danh gia, biết tiếp thu tinh hoà mỗi người, thường dã ngoại vẽ tả thực, khắc hoạ hình thái vạn vật sinh động như thật, phá bỏ khuôn sáo, tự tạo phong cách riêng.
Thời niên thiếu nhiều lần thi cử không đậu, du học ra bên ngoài. Năm Hi Hoà đầu tiên, Thế Tông mở hoạ học, cũng nạp hội hoạ vào khoa cử, lên kinh dự thi, được tuyển vào cục vẽ tranh Hàn Lâm, làm Hàm Lâm Đãi Chiếu, từ đó danh tiếng vang xa, có mỹ danh ‘ngàn vàng khó cầu’.
Năm Hi Hoà thứ hai, cha ruột mắc bệnh, Lý Hùng từ quan không lời cáo biệt, trở về cố hương, tang kỳ chưa xong, lần thứ hai được đề bạt, năm Vinh Ninh thứ hai quay lại Đông Kinh, vẫn nhậm chức Hàn Lâm Đãi Chiếu, Thế Tông đặc biệt coi trọng, làm bạn với quân, liên tục ban thưởng, nhất thời vinh sủng, đồng liêu đố kỵ.
Xuân năm Vĩnh Ninh thứ tư, Lương Hoằng vô phép ngự tiền, chọc Thế Tông tức giận, vì tội danh ‘ngỗ nghịch quân thượng, cuồng vọng vô phép’ bị biếm tới biên quản Chiêu Châu, tám ngày sau, lại sửa thành Tân Châu, sau khi tới Tân Châu rồi lại bị lưu đày tới quân Cát An. Ba lần giáng chức, lần tiếp xa xôi hơn lần trước, có thể thấy được bị vua chán ghét ra sao.
Trong cung cấm hoạ tác Lương thị, toàn bộ bị đốt bỏ, dân gian cũng không dám tàng trữ riêng, duy mỗi bức ⟪Biện Kinh phong mạo đồ⟫ năm Lương thị cất giấu còn giữ lại cục vẽ tranh Hàn Lâm.
Bức tranh này ba năm mới vẽ xong. Quy mô to lớn, kết cấu toàn cảnh, thần thái nhân vật trong tranh, xe nước thuyền bè, thôn dã thành quách, nhà cửa hàng quán, liễu khói rèm biếc, nhịp cầu con sống, đều được vẽ tỉ mỉ sinh động, bút pháp tinh diệu, là người vẽ cảnh vật Biện Kinh tốt nhất trong ngần ấy năm Hi Hoà.
Trưởng quan hoạ viện Tần thị tiếc nuối nhân tài, không muốn phá huỷ nó, liền cắt bỏ dấu ấn riêng và lời đề viết tay của Lương Hoằng, cất giữ nó trong nhà riêng. Lúc này mới không khiến cho tác phẩm Lương Hoằng không lưu truyền đời sau.
Về sau này Mông Cổ xâm lấn, Nam Trần diệt vong, ⟪Biện Kinh phong mạo đồ⟫ truyền lưu đến tay quan lớn triều Đại Kim, thời thế thay đổi, hoạ tác cũng nhiều lần bị thất lạc, trộm đổi, cắt xén, vẽ lại, mô phỏng giả nhiều không kể xiết, chính phẩm đến nay được cất chứa trong viện bảo tàng cố cung, bức hoạ cuộn tròn tranh lụa sặc sỡ, dài 528 centimet, rộng 248 centimet, được coi là bảo vật quốc gia.
Năm Hi Tông Thiên sách thứ hai (1102 CN),Lương Hoằng bệnh chết tại nhà tranh Tân Châu, hưởng thọ 99 tuổi, sống thọ và chết tại nhà.
⎯ ⋆˚࿔ Hoàn chính văn.
**
Tác giả có chuyện nói:
Đến đây là kết thúc chính văn rồi, không biết các mom có thích kết cục này không.
Theo cá nhân tôi mà nói, tôi cảm thấy tương đối hài lòng với nó, bởi vì ban đầu lúc sáng tác, trong đầu chỉ có dáng vẻ một người trẻ tuổi ôm cuộn tranh khóc rống.
Những gì tôi muốn viết là câu chuyện xưa về đôi tình nhân không có bàn tay vàng, bởi vì vận mệnh trêu ngươi mà bỏ lỡ lẫn nhau.
Ngoài ra còn vài điều cần nói rõ đây:
– Tôi cảm thấy như vậy được coi là spoiler, còn nữa, tôi chưa thể xác định này có phải BE hay không, bởi vì đây chỉ mới là kết cục chính văn, còn phiên ngoại nữa mà.
– Bởi vì A Bảo đã chết một lần, nàng biết sinh mệnh đáng quý, nhưng nàng đâu ngờ Lương Nguyên Kính cố chấp tới thế, vậy mà sống cô độc cả đời. (thật ra cái nết cố chấp của Lương nhỏ khi còn bé đã thấy được rõ ràng)
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.