Chuyến bay từ London trở về Bắc Kinh, dưới sự kiên quyết của Chu Lịch, Lương Uyển được nâng hạng từ ghế phổ thông lên khoang hạng nhất. Lần đầu tiên trong đời, cái eo vốn luôn co rúm như con tôm của cô mới có thể duỗi thẳng để ngủ trên máy bay.
Khi cất cánh từ sân bay Heathrow ở London là tám giờ tối, ngoài cửa sổ máy bay là một màu đen kịt, giống như lúc đi. Chỉ khác là khi ấy họ bay từ Bắc Kinh sang phía tây, bóng tối bao phủ cả chặng đường, còn lần này thì ngược lại, họ bay về hướng đông, chạy theo ánh mặt trời.
Khi hạ cánh xuống Bắc Kinh, trời đúng lúc vào buổi chiều nắng chói chang.
Chiếc điện thoại nhận được tin nhắn chào mừng từ nhà mạng trong nước, Lương Uyển vẫn còn ngơ ngác.
Cô từng nghĩ rằng, sau khi quay về nơi này sẽ lại cảm thấy áp lực vô tận. Ở đây có quá nhiều chuyện chờ cô giải quyết, mỗi việc đều như một ngọn núi cao không thể vượt qua đối với cô trước đây.
Nhưng, những điều đó lại không xảy ra.
Cô bỗng cảm thấy nhẹ nhõm cả người, thậm chí còn quay đầu nhìn những chiếc máy bay đang bận rộn trên đường băng mà thở phào nhẹ nhõm.
Một người đã đeo mặt nạ mười mấy năm, giây phút tháo xuống, điều đầu tiên cảm nhận được chắc chắn là không khí trong lành, sau đó thốt lên rằng: thì ra đây mới là cảm giác được sống, được thở.
*
Ngày hôm sau, Lương Liên Thấm cuối cùng cũng gọi được cho Lương Uyển, được cho phép đến nhà thăm.
Lương Uyển đang ngồi dưới đất dọn hành lý, ví dụ như hai con voi bông mang từ London về.
Tối qua cô không đến chỗ Chu Lịch mà trở về đây để dọn dẹp lại mọi thứ lộn xộn, bao gồm cả đống bừa bộn mà cô để lại lúc vội vàng rời đi.
Lương Liên Thấm xuống xe lăn, chống gậy lảo đảo bước vào, bên ngoài là hộ lý cô thuê, Jonathan và Dylan không đi cùng.
"Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi, mùa đông đừng ngồi dưới đất."
Bà cau mày, câu đầu tiên không phải hỏi mấy ngày nay Lương Uyển đi đâu, cũng chẳng phải quan tâm, mà chỉ là thói quen chỉ trích mọi hành vi bà không vừa mắt. Dù dưới người Lương Uyển là tấm thảm dày mềm mại, bà vẫn không hài lòng.
Lương Uyển liếc bà một cái, tiếp tục dọn đồ: "Ngồi đi."
Cô không đỡ bà, để mặc bà tự lần mò ngồi xuống ghế sofa, cây gậy được tựa vào tường.
Lương Liên Thấm liếc thấy con voi bông trên tay Lương Uyển, nhíu mày: "Sao lại mua mấy thứ trẻ con thế này? Bao nhiêu tuổi đầu rồi, đừng lúc nào cũng như con nít."
Lương Uyển đặt con voi vào tủ trưng bày, nhẹ nhàng chỉnh lại đôi tai to, quay lưng lại với mẹ, giọng bình thản: "Mẹ còn nhớ hồi nhỏ con với mẹ cùng xem chương trình Thế giới động vật không?"
Lương Liên Thấm ngẩng đầu: "Thế giới động vật?"
"Voi là loài sống bầy đàn, là xã hội mẫu hệ, trong đàn thường chỉ có voi cái và voi con đực chưa trưởng thành, thường thiếu vai trò của 'người cha'. Chúng rất coi trọng gia đình, quan tâm và nâng đỡ lẫn nhau."
Lương Uyển đóng cửa tủ trưng bày lại để bụi không bám vào. Cô khoanh tay, đứng lặng trước tủ, vẫn quay lưng lại với mẹ.
"Hồi nhỏ con cảm thấy hai mẹ con mình giống như loài voi. Trong cuộc đời con không có voi đực trưởng thành, nhưng có mẹ. Mẹ dạy con 'dùng vòi', 'tìm nguồn nước', 'vượt đầm lầy', và có vài người họ hàng thỉnh thoảng đến thăm chúng ta, giống như những voi cái lớn tuổi khác trong đàn. Nhưng về sau, con bị đuổi khỏi đàn, hoặc là mẹ đã rời đàn. Mối liên kết gia đình giữa chúng ta cũng đứt đoạn."
Lương Liên Thấm mấp máy môi. Bà là người từng trải, học rộng hiểu nhiều, không thấy lời con gái mình là ủy mị. Chỉ là — nếu hai người đã chẳng còn chung suy nghĩ, thì mọi cuộc đối thoại đều như voi nói với cá voi xanh: "Con đã từng thấy cây bao báp chưa?"
Cá voi xanh không thể tưởng tượng được.
Lương Liên Thấm nói: "Tình thân không bao giờ đứt, trong con vẫn chảy dòng máu của mẹ. Xương có gãy thì gân vẫn liền. Chúng ta... chỉ là sống ở hai đất nước khác nhau thôi."
Lương Uyển lắc đầu.
"Có thể là vậy. Nhưng lần này là con muốn rời đi."
Đối với Lương Uyển bây giờ, voi là biểu tượng của sự đáng yêu, sự sống và sức mạnh, không còn là hình ảnh của Lương Liên Thấm nữa. Người mẹ không còn cao cả.
Hình bóng con gái ở ngay trước mắt, nhưng Lương Liên Thấm lại cảm thấy cô rất xa, không sao nắm được bàn tay non nớt năm xưa của con.
"Sau khi mẹ quay lại Mỹ, không cần liên lạc với con nữa. So với việc chăm hai đầu mà không xong đầu nào, chi bằng chăm sóc Dylan cho tốt." Lương Uyển nhíu mày, "Với lại, nhớ cất chút tiền, tìm việc dạy học mà làm, đừng hy vọng Jonathan mãi mãi rộng rãi với mẹ."
"Tiểu Uyển," Lương Liên Thấm là người kiên cường, theo một nghĩa nào đó là rất mạnh mẽ, nhưng nước mắt đang từ từ trào ra khỏi khóe mắt, "Con muốn mẹ đau lòng đến chết sao? Con vẫn còn hận mẹ vì mẹ sang Mỹ sao?"
Lương Uyển lắc đầu, nhìn bà.
"So với mẹ, người con nên hận là Từ Học Tri. Ông ta chưa từng làm tròn trách nhiệm một người cha. Còn mẹ... con chỉ là mệt mỏi."
Có yêu mới có thất vọng và mỏi mệt.
"Con không thích sự kiểm soát của mẹ, không thích mẹ lấy danh nghĩa 'vì tốt cho con' để ép buộc con, không thích đến ba mươi tuổi rồi mà vẫn không được tự quyết định đặt dầu gội ở đâu. Nhưng điều con thật sự không thể chấp nhận — là sự thiếu vắng của mẹ trong cuộc đời con. Lạ lùng thay, con lại trở nên giống mẹ. Giống như mẹ từng không thích ông bà ngoại kiểm soát mẹ, nhưng cuối cùng mẹ cũng trở thành người như họ."
"Mấy ngày nay con đã nghĩ thông rồi, con không thể vì phản kháng mẹ mà từ bỏ hạnh phúc của mình. Đôi khi, chứng minh bản thân với người khác không quan trọng đến vậy."
"Con hy vọng mẹ mạnh khỏe, sống hạnh phúc ở nơi mẹ yêu thích. Còn với con, không có tin tức gì từ mẹ chính là tin tốt nhất."
*
Lương Uyển mất cả buổi chiều để dọn xong hành lý, trả lời hết tin nhắn ríu rít của Tạ Vãn Hinh, hẹn cuối tuần mời cô ấy ăn cơm để xin lỗi.
Cuối tuần, người đến không chỉ có cô ấy.
Lâm Tri Hân hiếm khi từ Hàng Châu lên Bắc Kinh, bạn học cũ tất nhiên phải cùng tiếp đón. Cô vốn ở xa trung tâm mọi thị phi, hoàn toàn không biết chuyện Lương Uyển bỏ trốn sang London, cũng chẳng biết mối quan hệ giữa Lương Uyển và Chu Lịch.
"Vãn Hinh, mình cho cậu xem cái này sốc lắm nè."
"Cái gì cái gì?"
Tạ Vãn Hinh ghé lại gần.
Đó là một video tổng kết cuối năm được đăng bởi một blogger nhiếp ảnh có hơn năm trăm nghìn người theo dõi, ghi lại những cặp đôi mà anh ta đã chụp trong suốt một năm qua.
Tạ Vãn Hinh không hiểu ý: "Cái này thì sao?"
"Cậu nhìn kỹ chút, đặc biệt từ phút 1:30 trở đi, hãy xem chậm từng khung hình với tốc độ 0.5x."
Tạ Vãn Hinh vốn không mấy hứng thú với nhiếp ảnh, cũng không có nhiều kiên nhẫn, liền kéo thanh thời gian đến đoạn Lâm Tri Hân nói.
Cô bỗng sững lại: "Đây chẳng phải là Lương Uyển và Chu Lịch sao?"
Lương Uyển ngồi đối diện hai người, không thấy được hình ảnh: "Gì cơ?"
"Blogger này đã quay được hai người đấy."
Trước vịnh Thâm Quyến là trời xanh biển biếc, Chu Lịch và Lương Uyển đang cười nói trên chiếc xe đạp đôi.
Tóc Lương Uyển xõa dài theo gió, nét mặt thảnh thơi và tự tại khác hẳn với khi còn ở Bắc Kinh. Đó là sự dễ chịu khi thoát ra khỏi một cuộc sống đầy quy củ.
Trong nền nhạc được blogger phối rất tài tình, đoạn video chỉ dài sáu giây ấy lại giống như đoạn kết của một bộ phim tình yêu, họ dần biến mất về phía bên trái màn hình, đi khuất khỏi ống kính.
Sau đó là loạt ảnh vụt qua rất nhanh – những tấm ảnh mà Lương Uyển từng thấy. Cô và Chu Lịch đang hôn nhau.
Dưới ánh mắt chăm chú của Lâm Tri Hân và Tạ Vãn Hinh, mặt cô dần dần đỏ lên.
Giống như một lời công bố tình yêu, lại giống như những hồi ức cặp đôi trong lễ cưới.
Trí nhớ của Lương Uyển vốn không tốt, trước đây cô từng nghĩ lãng quên đôi khi là một món quà – không cần phải chôn giấu quá nhiều điều trong đầu.
Nhưng luôn có ngoại lệ – cô muốn nhớ tất cả mọi thứ về Chu Lịch, như một bộ phim được khắc vào đĩa CD, vài chục năm sau vẫn rõ ràng như mới.
*
Khi trở lại công ty, lời giữ chân của giám đốc Triệu không thể lay chuyển quyết tâm của Lương Uyển.
Từ Phi Lâm chỉ còn vài ngày nữa là rời công ty, khi nghe tin này, vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, còn thuận tiện đưa ra cành ô liu, nói rằng sau này vẫn có thể làm việc cùng nhau ở nơi khác – nếu cô muốn.
"Chị không ngờ em lại có dũng khí như vậy." Từ Phi Lâm nói thật lòng, "Chị cứ nghĩ em là kiểu ngoan ngoãn cam chịu."
Giang Chi Kỳ chen vào: "Nếu em có một bạn trai giàu như vậy, em cũng có dũng khí, ai mà còn muốn đi làm nữa chứ."
Lương Uyển nói: "Chị vẫn sẽ tìm việc."
"Tại sao? Chu Lịch không nuôi nổi chị à? Trông anh ấy đâu giống người keo kiệt."
Lương Uyển cười cười.
Tấm gương Lương Liên Thấm vẫn còn đó – khi ánh sáng trong mắt một người tắt đi, sức hấp dẫn của họ cũng theo đó mà phai nhạt. Lương Uyển không cố chấp đến mức không tiêu một đồng của Chu Lịch – sống quá tính toán sẽ rất mệt mỏi, cô không muốn tự dằn vặt nữa.
Chỉ là, cô cũng không muốn trở thành một người ngồi ở nhà cả ngày chờ anh trở về – một tảng đá vọng phu.
Đôi lúc cô muốn hỏi Lương Liên Thấm: lý tưởng của mẹ còn tồn tại không?
Nhưng đáp án đã quá rõ ràng – không cần hỏi nữa.
Trần Nghiễn và Phương Nguyện là hai người buồn nhất – họ là những người thân thiết với Lương Uyển nhất.
"Có phải không gặp được đâu, phần lớn thời gian chị vẫn sẽ ở Bắc Kinh mà."
Thế là họ hẹn nhau làm bạn ăn thường nhật.
*
Vào một buổi chiều của ngày nghỉ, Lương Uyển thong thả ngồi vắt chân trên ban công, ngắm mây đỏ cháy trời bị tách ra bởi những cành cây khô.
Cô nghĩ mình nên xin lỗi Trình Liên Thư – chính cô đã khiến một bữa cơm tất niên đang yên lành thành ra như vậy. Nhưng cô lại không có cách liên lạc của giáo sư Trình, nên đành tìm đến con trai ông ấy.
Ban đầu cô lưu tên Chu Lịch là "Chu Lịch", sau này đổi thành "Lee", cô cũng không nhớ rõ đã ghim trò chuyện của anh từ khi nào – chỉ biết mỗi lần mở ra là thấy ngay.
Giống như phát hiện ra một châu lục mới – cô nhận ra Chu Lịch đã âm thầm đổi ảnh đại diện. Từ căn nhà đỏ ở Na Uy chuyển thành hai chú voi – một hồng một xanh – ngồi cạnh nhau.
Ở London, lúc cô đang ngủ, anh đã xếp hai con voi nhồi bông trước cửa sổ khách sạn và chụp bức ảnh ấy giữa sương mù buổi sớm.
Nghĩ đến cảnh người khác bàn chuyện công việc với anh, trong khi phải nhìn vào cái ảnh đại diện ngây thơ đó, Lương Uyển bỗng bật cười.
Đúng là kiểu lạnh ngoài nóng trong.
Giống như phong cách của anh lúc làm tì.nh vậy.
Lương Uyển vô thức ngân nga, phóng to ảnh đại diện của anh, lỡ tay chạm vào – vào thẳng trang cá nhân.
Lúc mới kết bạn với Chu Lịch, cô đã từng xem trang cá nhân của anh. Ảnh nền mặc định, chỉ cho hiển thị trong nửa năm, mà lại trống không. Cô từng nghĩ anh không dùng chức năng đó.
Cho đến lúc này, cô mới phát hiện – Chu Lịch đã đổi thời gian hiển thị thành "tất cả bài viết" – giống như một con công đang xòe đuôi, muốn ai đó thấy được bí mật nhỏ của mình.
Nhiều năm như vậy, anh chỉ từng đăng một bài.
Thời gian là cuối tháng 11 năm kia.
Một bầu trời sao, cực quang và bóng lưng một người phụ nữ dang tay.
Anh không viết gì, chỉ đăng mỗi bức ảnh đó.
Bên dưới có bạn chung là Hách Dịch Phi và Kim Nghị nhấn thích, Hách còn bình luận: "? Cái này là gì vậy? Ảnh mạng à?"
Chu Lịch không trả lời.
Đó là mùa đông, người phụ nữ mặc áo lông giữ ấm, không nhìn rõ dáng người, người ngoài khó nhận ra.
Nhưng người trong cuộc thì khác.
Lương Uyển ngơ ngác ôm điện thoại, lặng lẽ nhìn chậu xương rồng trên ban công – cái cây vẫn không héo dù cô đã từng lơ là.
Chu Lịch không nói gì, nhưng như thể mọi lời đã được kể hết dưới ánh cực quang ngày hôm ấy.
Trang cá nhân của anh như một cung điện trắng xóa – bên trong trống rỗng, chỉ có cuộc gặp gỡ với Lương Uyển.
Nơi băng tuyết gần Bắc Cực, dưới cực quang, người bị đánh cắp linh hồn không chỉ có mình cô.
Một lúc lâu sau, Lương Uyển lưu lại bức ảnh đó, rồi đặt ảnh nền trang cá nhân mình là bức ảnh chụp góc nghiêng Chu Lịch trong xe.
Cô gọi điện cho anh, tim đập mỗi lúc một nhanh theo nhịp chuông.
Khi cuộc gọi vừa được kết nối, cánh cửa nhà cô cũng mở ra.
Cô nghe thấy trong điện thoại, giọng trầm ổn của Chu Lịch chậm rãi vang lên: "Anh đến rồi."
Cô quay đầu lại – thấy anh mang theo gió bụi bước vào từ ngoài cửa, tiến vào không gian riêng của cô.
"Chu Lịch."
Lương Uyển cầm điện thoại, giọng có chút khàn khàn.
Chu Lịch cúp máy, nở nụ cười nhẹ nhàng như gió mát trăng thanh: "Anh muốn gặp em nên đến đây, trùng hợp thay, em cũng đang nghĩ đến anh."
Lương Uyển đứng trên ban công, lưng quay về phía ánh hoàng hôn, nét mặt mờ mịt khó nhìn rõ.
Một lúc sau, cô ném điện thoại lên ghế dài, giọng nói dịu dàng nhưng kiên định vang vọng qua phòng khách trống trải: "Chu Lịch, mình dọn về sống chung đi."
Hai con voi bông được chuyển đến nhà Chu Lịch ngay ngày đầu tiên — hay nói đúng hơn là, ngôi nhà của bọn họ — một cách danh chính ngôn thuận, nằm ngủ chễm chệ trên giường lớn trong phòng ngủ chính.
Một ngày nọ, Lương Uyển thấy trong album ảnh mà Trình Liên Thư mang tới có những bức ảnh cũ của Chu Lịch. Nhìn ngày tháng thì chắc khi đó anh vẫn còn là sinh viên đại học.
Tóc anh khi ấy đen nhánh và dài hơn bây giờ một chút, mềm mại rủ xuống trán nhưng vẫn để lộ rõ đôi chân mày sắc nét. Xương chân mày cao, hốc mắt sâu, vì vậy ở Na Uy cô mới tưởng anh là con lai. Nhưng nghĩ kỹ lại, trong dòng họ anh đúng là có ít huyết thống Đức, dù đã phai nhạt đến đời anh, nhưng lại hòa quyện hoàn hảo vào vẻ ngoài của anh.
Thời ấy anh còn non nớt hơn bây giờ, thích mặc áo phông trắng, đeo ba lô xám đen lệch một bên vai, đi lại chẳng mấy khi nhìn quanh, trông càng kiêu ngạo hơn hiện tại.
Phần lớn ảnh là do Trình Liên Thư chụp trộm mà không báo trước, biểu cảm của anh lộ rõ vẻ bất đắc dĩ và không vui của một cậu trai trẻ.
Lương Uyển ngồi trên đùi anh, vừa lật ảnh vừa hỏi: "Anh thật sự chưa từng yêu ai trước đây à? Không thể nào. Nhất định có nhiều người từng tỏ tình với anh."
Thành thật mà nói, Lương Uyển cảm thấy nếu cô gặp anh lúc đó, cô cũng sẽ tỏ tình. Khuôn mặt và khí chất trong trẻo của anh chính là kiểu người mà dù có sống thêm trăm năm nữa, cô vẫn sẽ "yêu từ cái nhìn đầu tiên". Cô thậm chí cảm thấy anh rất quen thuộc, như đã từng gặp ở đâu đó.
"Không có." Anh đáp.
"Thế lúc bị tỏ tình anh từ chối sao?"
"Nói là đã có bạn gái rồi."
Lương Uyển bật cười: "Em cũng từng bị một người từ chối như thế."
Chu Lịch ôm eo cô, gạt album ảnh sang một bên, có chút ghen tuông hỏi: "Ai? Em từng tỏ tình với ai? Trần Tri Nguyên à?"
Lương Uyển lắc đầu: "Không phải, là một người lạ em chẳng còn nhớ mặt mũi. Anh cũng biết mà, trí nhớ em kém lắm. Nhưng em nhớ anh ấy rất đẹp trai... để em thử nhớ kỹ xem, anh ta rất cao..."
"Quên đi, không được nhớ nữa."
Tay anh bắt đầu nghịch ngợm khiến cô nhột nhạt, Lương Uyển cười né tránh: "Sao đấy? Giờ anh còn ghen với một người xa lạ nữa à?"
"Phải, anh rất ghen."
"Anh đấy, sao tính chiếm hữu mạnh dữ vậy?"
Chu Lịch đè cô xuống ghế sofa, cúi đầu hôn nhẹ lên môi cô: "Giờ mới biết à?"
Lương Uyển đưa tay vuốt nhẹ mí mắt anh: "Nói thật, nếu khi đó em gặp anh, em cũng sẽ tỏ tình. Nhưng mà, Chu Lịch, nếu thế thì tụi mình sẽ không đến được với nhau đâu."
"Sao lại thế?"
"Tâm trạng khi ấy khác mà. Khi đó em mệt mỏi vì học hành, đi làm thêm, lại vừa phải tự xoay sở chuyện của mẹ... Em sẽ không đủ dũng khí để bám lấy anh. Chỉ cần anh từ chối một lần, chuyện của tụi mình coi như chấm dứt. Nên mới nói, thời điểm của định mệnh cũng rất quan trọng."
Cô nói tiếp: "Anh có từng nghe câu này chưa? 'Yêu từ cái nhìn đầu tiên, trong một đời chỉ xảy ra một lần với một người.' Nếu khi ấy em đã dùng hết cơ hội đó, thì có lẽ ở Na Uy, chúng ta chỉ là những người lạ lướt qua đời nhau."
Hai người không ngủ trên chiếc giường lớn mà chen nhau nằm trên ghế sofa, thế nhưng lại cảm thấy vô cùng ấm áp.
Cơ thể Chu Lịch đủ lớn để ôm trọn lấy Lương Uyển, cô chỉ có thể cảm nhận được nhiệt độ, hơi thở của anh, và chỉ nghe thấy giọng nói của anh.
"Không đúng."
Lương Uyển ngẩng đầu: "Cái gì không đúng?"
Chu Lịch nhẹ nhàng hôn lên trán cô.
Gió chiều lay động ngoài cửa sổ, mưa lất phất rơi, ánh đèn vàng ấm bên sofa như thể quầy bar ở Oslo, thoảng qua hương rượu nhẹ mà Chu Lịch vừa pha cho cô.
"Anh nghĩ... anh sẽ yêu em hết lần này đến lần khác, và mỗi lần đều rung động như lần đầu gặp em."
[HOÀN CHÍNH VĂN]
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.