Đây là lần thứ hai Lương Uyển vào thư phòng của Chu Lịch. Lần đầu tiên, cô chỉ dừng lại khoảng hai phút, giữ nguyên tắc không xâm phạm quyền riêng tư của anh nên chưa từng quan sát kỹ căn phòng.
Lần này, cô đi chân trần, được anh bế đặt xuống chiếc ghế đơn bên cửa sổ.
Số lượng sách trong phòng nhiều hơn cô tưởng tượng, giá sách cao chạm trần khiến nó trông giống một thư viện thu nhỏ.
Trong khi đang lật tìm album ảnh, Lương Uyển chống cằm nhìn bóng lưng của Chu Lịch.
"Chu Lịch, hồi nhỏ anh có từng đến Hàng Châu không?"
"Không."
Chẳng lẽ Lương Liên Thấm và Trình Liên Thư chưa từng để hai đứa trẻ gặp nhau?
Lương Uyển hoàn toàn không nhớ nổi.
Trí nhớ của cô vốn không tốt, ngay cả dáng vẻ của Trần Tri Nguyên, người đã học chung với cô ba năm, cô còn suýt quên, huống chi là chuyện hồi bé.
"Tại sao lại hỏi thế?"
Lương Uyển đáp: "Biết đâu chúng ta đã từng tình cờ gặp nhau bên Tây Hồ thì sao."
Chu Lịch cầm hai cuốn album bước đến đưa cho cô.
Lương Uyển nhận lấy, chưa lật trang nào đã hỏi anh một câu: "Anh nghĩ lần gặp nhau ở Na Uy của chúng ta có phải là lần đầu tiên không?" Không đợi Chu Lịch trả lời, cô đã cười khẽ, giấu đi suy nghĩ của mình, "Chúng ta có duyên đến mức có thể gặp nhau ở Na Uy, biết đâu đã từng chạm mặt ở nơi nào đó từ trước rồi."
Cô mở trang đầu tiên.
Album còn rất mới, bìa màu nâu đậm, bên trong là những trang giấy nền trắng lạnh như nước sơn tường.
Ảnh có chút ố vàng, là loại được in vào khoảng cuối những năm 2000.
Ảnh hồi bé của Lương Uyển cũng vậy, mỗi lần lật giở đều như đang mở một cuốn phim cũ, trên màn hình tivi chớp nháy những hạt tuyết, chỉ cần không cẩn thận là sẽ mất tín hiệu. Đáng tiếc, những bức ảnh ấy đã thất lạc từ lâu. Có thể là do Lương Liên Thấm mang đi, cũng có thể là đã bị mất trong quá trình chuyển nhà.
Dù chỉ là vật chất bị mất, nhưng đôi khi Lương Uyển lại cảm thấy như cả một quãng đời cũng theo đó mà biến mất, giống như người thiếc không có trái tim trong 'Phù thủy xứ Oz'.
Tấm ảnh đầu tiên trong album là một em bé đang mặc váy.
Lương Uyển không dám tin: "Đây là anh...?"
"Ừm, đó là chiếc váy mẹ anh mặc hồi nhỏ."
Chu Lịch ôm cả người cô đặt lên đùi mình, lấy một tấm chăn đắp cho cả hai, rồi cùng ngồi xuống chiếc ghế đơn.
Lương Uyển cười khúc khích.
Hóa ra hồi nhỏ Chu Lịch mặc rất nhiều váy, còn đội cả mũ viền đăng ten, chắc hẳn đây là sở thích nhỏ của Trình Liên Thư. Hồi bé, đôi mắt hai mí của anh đã rất rõ nét, làn da trắng trẻo, nụ cười để lộ hàm răng sữa chưa mọc đầy đủ, trông chẳng khác nào một chú cún con chưa trưởng thành.
Ảnh trong album được sắp xếp theo thứ tự thời gian, rất gọn gàng.
Lật qua vài trang, cậu bé da trắng nõn, bụ bẫm khi còn là trẻ sơ sinh đột nhiên biến thành một cậu nhóc nghịch ngợm, đang nằm trên giường gào khóc, bàn tay béo tròn chẳng hề liên quan đến đôi bàn tay thon dài với khớp xương rõ ràng của anh bây giờ. Cậu bé đó đang nắm chặt một chiếc áo, không biết khóc vì điều gì.
"Tấm này là đang khóc vì chuyện gì thế?"
Cằm của Chu Lịch đặt lên vai cô, mỗi lần cười lại làm tai cô ngưa ngứa, tim cũng nhộn nhạo theo. Anh đáp: "Anh không nhớ nữa."
Cũng phải thôi, một đứa trẻ nhỏ thế này thì nhớ được gì chứ.
Lương Uyển xoa xoa tai: "Anh nói em gái anh là đồ quậy phá, nhưng em thấy anh hồi nhỏ cũng chẳng khác là bao, bao nhiêu tấm ảnh đều là cảnh anh đang quậy phá. Anh hoàn toàn không ngoan như vẻ ngoài đâu nhé."
Chu Lịch không phủ nhận: "Em tưởng anh là đứa trẻ ngoan à?"
Lương Uyển bĩu môi: "Em tưởng anh từ bé đã nghiêm túc chín chắn, là kiểu 'cậu chủ nhỏ' ấy."
"Bây giờ anh nghiêm túc lắm sao?"
"Đúng vậy, trên mặt viết rõ 'người lạ chớ đến gần'."
"Nếu vậy, sao ở HKOK em lại dám hỏi anh câu đó?"
Câu hỏi quá táo bạo.
Lương Uyển cười khẽ: "Dĩ nhiên là vì không ai quen em cả, dù có bị anh từ chối cũng không sao."
Cô nhanh chóng xem xong một cuốn album.
Ảnh không chỉ có Chu Lịch, mà còn có cả Trình Liên Thư và Chu Diên.
Lương Uyển chưa từng gặp Chu Diên, chỉ có thể ghép nhặt hình ảnh của ông ta qua những lời đồn đại.
Một sinh viên tài năng, hoàn thành chương trình y khoa nhưng cuối cùng lại bỏ y theo luật.
Ngũ quan của Chu Lịch giống mẹ, đường nét cứng cỏi của khuôn mặt thì giống cha, kết hợp lại tạo nên một vẻ ngoài anh tuấn sắc sảo.
Hồi nhỏ, gia cảnh của Lương Uyển không mấy khá giả. Tuy thu nhập của Từ Học Tri rất tốt, nhưng chịu ảnh hưởng từ cha mình, ông rất hiếm khi chi tiền cho cô. Vì vậy, ảnh của Lương Uyển phần lớn đều được chụp ở những công viên miễn phí tại Hàng Châu, và hầu hết chỉ có hai mẹ con cô. Dù Lương Liên Thấm có mệt mỏi đến đâu vì công việc, bà vẫn cố gắng đưa con gái đi thật nhiều nơi.
Bà từng nói: "Con người nhất định phải mở rộng tầm mắt, nhất định phải nhìn xa hơn."
Tuổi thơ của Chu Lịch lại hoàn toàn khác.
Anh có Trình Liên Thư, có Chu Diên, có cả những người thân và bạn bè vây quanh.
Dù thế nào đi nữa, trong những bức ảnh ấy cũng không hề có Lương Uyển.
Có lẽ cô thật sự chưa từng gặp anh khi còn nhỏ.
Lương Uyển đóng album lại, đưa trả cho Chu Lịch, rồi nói rằng mình buồn ngủ.
Trước đây, cô từng có một suy nghĩ lãng mạn: chỉ cần nhìn ngắm những tấm ảnh của một người, cô sẽ có cảm giác như đang tham dự vào quá khứ của người ấy, cùng trải qua những chuyện mà họ từng trải, từ đó tạo nên sự kết nối.
Nhưng hiện thực không phải vậy.
Dù Trình Liên Thư và Lương Liên Thấm từng là bạn thân nhất, con cái của họ — cô và Chu Lịch — lại có cuộc đời hoàn toàn khác biệt.
Chu Lịch đặt album lên bàn nhỏ bên cạnh, trầm giọng nói: "Anh còn hai tấm ảnh muốn cho em xem."
Lương Uyển nghiêng đầu: "Ảnh gì vậy?"
Anh đứng dậy, lấy từ kệ sách xuống một khung ảnh gỗ, đưa vào tay cô.
So với khung gỗ, ảnh bên trong trông khá nhỏ, hai bức ảnh được ghép lại và đóng chung một khung.
Lương Uyển nhìn lướt qua đã nhận ra ngay cậu bé đang cho bồ câu ăn chính là Chu Lịch. Cô vừa xem rất nhiều ảnh, nên lúc này đã quá quen thuộc với gương mặt ấy.
Hầu hết bồ câu đều tụ tập dưới chân cậu, cúi đầu mổ những hạt ngô trên mặt đất. Phía sau cậu bé là một đàn chim bồ câu khác bị đám đông làm giật mình bay lên tán loạn, có vài con lại đang xòe cánh định đáp xuống. Khung cảnh tràn đầy sức sống.
Cảnh này rất giống với cung thiếu nhi ở Hàng Châu vào những năm 2000.
Nhưng Chu Lịch nói anh chưa từng đến Hàng Châu, vậy hẳn là Bắc Kinh.
Bên cạnh cậu bé có một cô bé đứng đó, trông nhỏ tuổi hơn cậu một chút.
Cô bé nắm chặt vạt áo cậu, khóc đến mức mắt chỉ còn là hai đường cong như trăng lưỡi liềm. Má cô đỏ bừng lên vì lạnh, hoặc có lẽ là do khóc nhiều.
Nhưng gương mặt đầy vẻ mất kiên nhẫn của cậu bé Chu Lịch lại không hất tay cô ra.
Lương Uyển nhìn vào bức ảnh, từ tấm này sang tấm khác. Cô bé trong ảnh từ khóc chuyển sang cười ngốc nghếch, hạt bắp cũng từ lòng bàn tay cậu bé Chu Lịch chuyển sang tay cô bé.
Thì ra là vì ai sẽ cho bồ câu ăn mà khóc.
"Lúc nãy em hỏi anh, trước khi đến Na Uy, chúng ta đã từng gặp nhau chưa." Chu Lịch cúi người, hạ thấp tầm mắt ngang bằng với Lương Uyển, "Bây giờ anh có thể trả lời em rồi, chúng ta đã gặp, khi còn rất nhỏ."
Cô bé trong bức ảnh chính là Lương Uyển.
Lương Uyển phải mất rất lâu mới nhận ra điều này.
Lần cuối cô xem ảnh hồi nhỏ của mình là trước khi rời khỏi căn nhà ở Hàng Châu. Trong chồng album ấy còn có ảnh cưới, ảnh mời rượu của Từ Học Tri và Lương Liên Thấm. Ấn tượng duy nhất của Lương Uyển về Từ Học Tri cũng chỉ đến từ những cuốn album đó.
Kể từ khi bị thất lạc, ký ức của cô dần phai nhạt.
Hình ảnh của Từ Học Tri trong đầu cô vốn đã mơ hồ, gần như quên sạch, chỉ nhớ mang máng ông có sống mũi cao và thẳng.
Ngay cả hình dáng thời thơ ấu của mình, cô cũng không nhớ rõ nữa.
Lương Uyển hỏi anh: "Anh... biết mẹ chúng ta có quen nhau à?"
"Anh mới biết không lâu."
Sau khi Chu Lịch thẳng thắn bày tỏ tình cảm của mình với Trình Liên Thư.
Lương Uyển cúi đầu.
Khoảnh khắc này, giữa cô và Chu Lịch không còn bất kỳ bí mật nào nữa. Cô từng nghĩ rằng anh không biết về gia đình mình, nhưng hóa ra anh đã biết.
Cô khẽ vuốt ve khung ảnh, bật cười không thể tin nổi: "Hóa ra chúng ta đã từng gặp nhau."
Bọn họ thật sự đã từng gặp nhau.
Như thể ông trời đã tỉ mỉ sắp đặt một trò chơi.
Thế giới có đến sáu, bảy tỷ người.
Vậy mà ở nơi đất khách quê người, trong một quán bar chỉ chứa được hai, ba chục người, Lương Uyển lại tình cờ gặp một "người quen cũ". Cô cứ ngỡ đây là lần đầu gặp mặt, nào ngờ lại là một cuộc trùng phùng.
Sự trùng hợp này hoang đường như một câu chuyện thần thoại, nhưng trong trùng hợp lại ẩn chứa nhân quả.
Cô cứ ngỡ đây là một mối duyên trời ban, xa rời thực tại, đâu ngờ rằng tất cả vốn chưa bao giờ rời khỏi nghiệp duyên của cô.
Gieo nhân gì gặt quả nấy.
Lương Uyển chợp mắt ngủ, trong mơ cô quay về thời cấp hai.
Trong giấc mơ, cô và Lương Liên Thấm đang nói chuyện về tương lai.
Lương Liên Thấm nói bà nhất định phải sang phương Tây một lần, bà muốn rời khỏi nơi quen thuộc này. Người ở đây hiểu quá rõ về quá khứ của bà, hiểu rõ con người thật của bà.
Lương Uyển hỏi mẹ muốn đến quốc gia nào.
Lương Liên Thấm đáp: "Na Uy."
Bà ấy cho Lương Uyển xem nhiều cảnh đẹp của Na Uy, từ vịnh hẹp đến núi tuyết, rồi đến ánh sáng trời vừa xé rách màn đêm.
"Có đẹp không?"
Lương Uyển ra sức gật đầu.
Tựa như phong cảnh trong truyện cổ tích, thuần khiết và tĩnh lặng.
"Nó rất gần Bắc Cực, có cơ hội nhìn thấy cực quang. Dưới cực quang, điều ước nào cũng có thể thành hiện thực."
Những dải sáng không ngừng chuyển động ấy giống như chỉ xuất hiện trong thế giới của kỳ lân.
Lương Uyển bỗng dưng mong mỏi.
Lương Liên Thấm xoa nhẹ đỉnh đầu cô, "Mẹ sẽ đưa con đi. Chờ con học thật giỏi, thi đậu một trường đại học tốt, chúng ta sẽ đi."
Sau này, Lương Uyển thi đậu vào đại học Z, trong mắt người khác đó là một ngôi trường tốt. Nhưng cả cô và Lương Liên Thấm đều đã quên mất cuộc trò chuyện ngày ấy. Giấc mơ của Lương Liên Thấm, cũng không còn là Na Uy, mà là nước Mỹ.
Nếu không phải giấc mơ này, Lương Uyển đã không còn nhớ nữa.
Tiềm thức bị chôn vùi bất ngờ trồi lên, kéo theo đoạn ký ức này.
Cô choàng tỉnh khỏi giấc mơ mà thở d.ốc.
Vòng tay của Chu Lịch quá ấm, ấm đến mức cô lấm tấm mồ hôi.
Na Uy.
Hóa ra sự khao khát ban đầu của cô đối với Na Uy, lại bắt nguồn từ Lương Liên Thấm.
Không, không đúng.
Lương Uyển gắng sức phủ nhận suy nghĩ này.
Cô chọn Na Uy làm điểm đến cho "cuộc săn" ấy, đơn giản chỉ vì một số gen nổi trội của người Bắc Âu, và vì Na Uy ở gần Bắc Cực. Nó cách xa thực tại, yên tĩnh, thuần khiết, không ai biết cô là ai. Nơi ấy có những đám mây trôi qua khe núi, có tuyết trắng, có cực quang huyền ảo, có bầu trời đêm đầy sao, có —
Lương Uyển không thể nghĩ tiếp được nữa.
Như cơn ác mộng thuở bé cứ lặp đi lặp lại.
Trong một không gian vô tận, có một khối sắt đuổi theo cô, lúc lớn lúc nhỏ. Có khoảnh khắc cô tưởng rằng mình đã tìm được cánh cửa thoát ra, đẩy nó ra rồi nhảy xuống, nhìn phong cảnh biến đổi xung quanh, cô ngỡ rằng mình đã trốn thoát. Nhưng vừa thở phào, ngoảnh đầu lại, khối sắt kia vẫn ở đó, không ngừng truy đuổi cô.
"Những ký ức vụn vặt và tầm thường vốn đã lãng quên từ lâu, tại sao lại bám riết lấy tôi như đàn kiến bâu vào mẩu bánh ngọt?"
Cô nhớ đến một câu trong cuốn sách Lâm Tri Hân từng giới thiệu.
Cô tưởng mình đã quên, đã thoát khỏi.
Hóa ra chưa bao giờ.
Vòng tay đột nhiên siết chặt hơn.
Lương Uyển khẽ giật mình.
Trong bóng tối, giọng nói khàn khàn nhưng dịu dàng của Chu Lịch vang lên: "Gặp ác mộng à?"
Anh xoay người cô lại, hướng về phía mình, ôm chặt hơn nữa. Bàn tay to lớn xoa nhẹ lưng cô: "Không sao, anh ở đây."
Nhưng mồ hôi vẫn rịn trên trán Lương Uyển.
Cô đã tiến quá gần mặt trời, quá nóng, quá nóng, trái tim cô như đang bốc cháy.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.