Ta bị ép gả cho kẻ thù của cha, Nhiếp chính vương Triệu Tư Hành.
Thật tình ta cũng chẳng thể ngờ, bởi lẽ cha ta hận Nhiếp chính vương đến tận xương tủy.
Hễ cứ ở nhà là người lại mắng nhiếc om sòm, ngày ngày rủa xả hắn: “Dít người như ngóe, ăn thịt người không nhả xương, m.á.u lạnh vô tình!”. Vừa nói lại vừa rơi hai hàng lệ trong, ngửa mặt lên trời than dài: “Tiên đế ơi, lão thần có tội với người!”.
Haizz, chẳng phải tại Nhiếp chính vương chinh chiến liên miên, dẫn đến quốc khố bây giờ trống rỗng, dân sinh đói khổ hay sao.
Chuyện này khiến cha ta - Thượng thư bộ Hộ - nóng ruột muốn điên, đêm không ngủ được, tóc rụng từng nắm. Mỗi tối ta bưng canh mè đen hà thủ ô đến thư phòng cho người, người lại mặt mày ủ dột hỏi: “Con à, tóc cha vẫn còn rậm rạp chứ?”. Ta không nỡ nhìn mái tóc ngày càng thưa thớt của người, chỉ đành nhàn nhạt đáp: “Cha đừng đùa nữa, uống nhanh bát canh này đi, không đủ vẫn còn”.
Thật ra cũng chẳng thể trách Nhiếp chính vương được, đánh trận mà, khó tránh khỏi hao tiền tốn của.
Vốn dĩ cha ta cũng khá là nghĩ thoáng. Nhưng về sau thì... tâm lý suy sụp hẳn.
Quốc khố ngày càng cạn kiệt, Nhiếp chính vương lại chẳng chịu buông tay, cứ khăng khăng đòi thu phục đất đai đã mất, thừa thắng truy kích.
Cha ta hết cách đành ngày ngày vào cung chạy ngược chạy xuôi, làm cho triều đình không được yên ổn. Lúc thì xin Thái hậu nương nương giảm bớt chi tiêu hậu cung, lúc lại đề nghị giảm bổng lộc quan lại, hôm nay nói cung nữ thị vệ hậu cung quá nhiều, mai lại thấy quan viên số lượng đông đúc.
Cha ta còn công khai trước triều đình đòi hiến hết gia sản để lấp vào quốc khố. Tiểu hoàng đế mười ba tuổi nhìn cha ta cảm động đến nước mắt giàn giụa, hết lời khen ngợi người trung chính hiền minh.
Cha ta cảm thấy được khích lệ, ngày càng hăng hái quấy nhiễu hơn.
“Cha hồ đồ quá!!! Cha tưởng nhà chúng ta chỉ có hai người chắc, nha hoàn thị vệ đầu bếp không cần ăn cơm hả? Cha hiến hết gia sản là ý gì hả??”
Ta nghe mà tức muốn sôi máu, cảm thấy vẫn là nên đem tranh chữ quý giá mà người cất giữ đi bán bớt mới được, dù sao nhà ta cũng chỉ còn mấy thứ đó đáng giá thôi.
Từ sau lần đó, các đại thần trong triều hễ thấy bóng dáng cha ta là bỏ chạy, tan triều ai nấy một mạch chạy cho nhanh, chẳng ai muốn chạm mặt người.
Nhưng bây giờ người lại càng thêm điên cuồng. Vừa tan triều là túm lấy một người nhất định lôi kéo người ta đi ăn nhậu, lúc về còn tiện tay “mượn” về chút đồ của người ta. Rồi hôm sau lên triều lại bẩm tấu với tiểu hoàng đế, hôm nay vị đại nhân XX lại “hiến tặng” cái này cái kia, thật là trời phù hộ vương triều Đại Hiển ta, vị đại nhân XX quả nhiên là hiền lương chi thần!
Tiểu hoàng đế cảm động đến rối tinh rối mù, khen ngợi vị đại thần kia một phen ra trò. Ta nghe cha kể lại, các đại thần đều “cảm động” đến rưng rưng nước mắt. Ta nghĩ thầm, cái đó có phải là “cảm động” đâu, chắc là… kinh sợ thì có?
Trong thời gian này, Thái hậu nương nương để làm gương, ngày ngày chỉ ăn cháo trắng, đến nỗi sức lực suy yếu còn bị ngất xỉu.
Tiền triều hậu cung nhất thời oán than dậy đất, hễ thấy cha ta là như thấy ôn dịch.
Cha ta cũng sầu não lắm chứ, nhưng còn cách nào khác, người vừa chửi mắng Nhiếp chính vương, vừa phải tìm cơ hội “mượn” đồ của các đại thần.
Có lần người đi đến ngõ Đồng Hoa còn không biết bị ai bịt đầu đánh cho mặt mày bầm dập. Người có sợ hay không ta không biết, nhưng ta thì cả tháng trời không dám bước chân ra khỏi cửa.
Sau này đến ngày Nhiếp chính vương thắng trận trở về, hoàng đế và thái hậu đích thân ra tận cửa thành nghênh đón.
Các đại thần nhìn nhau, ôm đầu khóc rống, nước mắt vui mừng hả hê chảy ra từ tận đáy lòng, gương mặt tái nhợt của Thái hậu cũng nở một nụ cười hiếm hoi.
Hôm đó ánh dương rực rỡ, Nhiếp chính vương khoác chiến giáp oai phong lẫm liệt ngồi trên lưng ngựa, gương mặt lạnh như băng sương dường như có chút ý cười nhàn nhạt.
Khoảnh khắc ấy trong đầu ta chỉ còn lại câu thơ: “Làm trai sao chẳng có Ngô câu, thu lại giang sơn năm chục châu..”
Nhìn kỹ lại, Nhiếp chính vương lại là mắt một mí, đôi mắt phượng hẹp dài càng làm tăng thêm vẻ yêu mị âm nhu, nhưng đường nét ngũ quan góc cạnh lại vừa hay trung hòa nét âm nhu ấy, trông vừa lạnh lùng ngạo nghễ lại vừa khí thế bức người.
Tên Nhiếp chính vương tàn bạo khát m.á.u kia vậy mà cũng mang một vẻ ngoài dễ nhìn, ta còn tưởng là dạ xoa La Sát hiện hình chứ.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.