Tốt nghiệp đại học xong, mẹ tôi “bán” tôi cho một người đàn ông giàu có, sính lễ lên đến hơn chục triệu.
Nghe nói, đối phương là một phú nhị đại chính hiệu.
Chỉ là vì gặp một tai nạn đã khiến đôi chân bị tàn phế mà còn bị tước luôn quyền thừa kế trong gia tộc.
Bây giờ thì… tiền có, thời gian cũng có, chỉ là…
Mẹ tôi lo lắng nói:
“Nghe bảo, cậu ta không chỉ bị liệt chân… mà còn không làm chuyện ấy được nữa.”
Mắt tôi lập tức sáng rỡ.
Tuyệt vời!
Vừa giàu, vừa rảnh, chồng lại bị liệt còn thêm phần bất lực thì còn gì sung sướng hơn nữa ?
Thế là tôi cùng mẹ chia nhau phần tiền sính lễ, hí hửng đi lấy chồng.
Tại sao lại đi lấy một người tàn phế?
Tất nhiên là vì tiền rồi chứ còn sao nữa.
Một cái lý do vừa tầm thường vừa thực dụng đến mức không thể chối cãi.
Đến ngày cưới mặc dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng tôi vẫn cảm thấy hơi căng thẳng.
Bên kia cần một cô vợ kiểu “bình hoa di động” không có gia thế.
Còn mẹ con tôi thì cần tiền. Đôi bên vừa vặn hợp ý, thế là chốt đơn nhanh gọn.
Thành ra cho đến tận ngày cưới, tôi và anh ta mới lần đầu được gặp mặt nhau.
Trước khi hôn lễ được cử hành, mẹ tôi nhét tôi vào phòng nghỉ của chú rể còn miệng nói như thật với tôi:
“Ta đây là cho hai đứa có thời gian mà vun đắp tình cảm.”
…Còn mười phút nữa là lên sân khấu vun đắp tình cảm kiểu gì cho kịp?
Tôi xách váy cưới bước vào, đang định nghĩ xem nên mở lời thế nào, thì đột nhiên sững người.
Không phải bảo bên kia là một người tàn phế, bất lực và đáng thương sao?
Vậy người đàn ông lịch lãm đang ngồi trên chiếc xe lăn kia là ai?
Bộ vest đen được đo may vừa vặn, dù là ở tiệc cưới thì áo sơ mi của anh ta vẫn cố tình bung hai nút cổ, lộ ra phần xương quai xanh gợi cảm.
Dù đang ngồi, sống lưng anh vẫn thẳng tắp, toát ra khí chất cao ngạo, lạnh lùng.
Tôi nhìn kỹ lại mới phát hiện.
Một gương mặt đẹp đến nghẹt thở.
Dùng từ ngữ hoa mỹ đến đâu cũng không đủ để miêu tả cái dung mạo ấy.
Tay run một cái tôi liền bị váy cưới vướng chân làm ngã, cả người lúng túng quỳ nửa người ngay trước mặt anh ta.
Tôi ngước nhìn anh, lắp bắp nói:
“Tôi… tôi nếu nói mình đi nhầm phòng… anh tin không?”
Anh ta đã nhìn tôi từ đầu đến chân vài lượt kể từ khi tôi bước vào.
Giờ đây, một người ung dung ngồi trên xe lăn, một người thì lộn xộn quỳ dưới đất.
Ánh mắt anh ta cuối cùng dừng lại trên chiếc váy cưới chính là bộ anh từng sai người gửi đến nhà tôi.
“Em đoán xem?”
Tôi đoán là…
Anh ta chỉ bị liệt chân, chứ não đâu có bị liệt.
Để phá vỡ sự lúng túng vừa rồi tôi bật dậy thật nhanh, đành phải nói thật:
“Mẹ tôi bảo tôi vào để… vun đắp tình cảm với anh.”
Anh ta khẽ bật cười.
Liếc nhìn chiếc đồng hồ trên cổ tay rồi anh lười nhác nói:
“Ừm, còn năm phút để vun đắp, chắc cũng đủ để lên sân khấu rồi.”
Nghĩ đến việc người trước mặt là “nhà tài trợ chính” của cả buổi tiệc, tôi vội vàng hỏi han với giọng cẩn trọng:
“Lát nữa ở trong lễ cưới, tôi cần phải chú ý điều gì không ạ?”
Trong lòng thì gào thét:
Ra yêu cầu đi! Đưa ra thật nhiều điều kiện đi! Rồi tăng tiền lên đi mà!
Nhưng mà…
Anh ta liếc nhìn tôi một cái rồi lười biếng nới cổ áo sơ mi:
“Không cần. Cô chỉ cần ngoan ngoãn làm một bình hoa di động là được.”
“À… vâng.”
Tôi ngoan ngoãn đáp lời, rồi đứng sang một bên im lặng, nhưng ánh mắt thì không kiềm được, cứ liếc trộm anh suốt.
Là tôi nông cạn, là tôi có lỗi.
Tôi thật sự hối hận vì đã từng vui mừng khi nghe tin anh ta “bất lực”.
Một gương mặt đẹp đến mức kinh tâm động phách như vậy nhưng lại không làm được chuyện kia, thì tiếc thật đấy.
Lễ cưới diễn ra suôn sẻ.
Chỉ làm một “bình hoa di động” thì dễ thôi mà.
Việc tôi làm chỉ là ưỡn ngực, hóp bụng, nâng m.ô.n.g rồi mỉm cười đứng dưới ánh đèn sân khấu, cầm cự đến hết buổi lễ là coi như hoàn thành nhiệm vụ.
Có vẻ như Phó Tiện khá hài lòng với màn thể hiện của tôi. Kết thúc tiệc cưới, anh ta hơi ngà ngà men say rồi tiện tay nhét cho tôi một tấm thẻ ngân hàng.
Không nói rõ để làm gì, cũng chẳng nhắc đến số dư.
Nhưng nhìn thái độ đó đây chắc chắn là tiền thưởng.
Con trai nhà họ Phó mà ra tay chắc chẳng phải con số nhỏ, tôi lập tức cất kỹ tấm thẻ rồi một lúc sau mới chợt nhớ ra phải quay lại hỏi mật khẩu.
Ngoài thẻ và mật khẩu anh ta vừa cho, anh ta còn tiện tay ném cho tôi một chùm chìa khóa và một mảnh giấy có ghi địa chỉ cùng số điện thoại.
Anh ta lên xe riêng rời đi rồi bảo tôi tự bắt taxi về “nhà”.
Nhưng mà tôi nào có tâm trí về biệt thự của cậu ấm nhà giàu?
Cầm được thẻ trong tay, việc đầu tiên tôi làm là chạy tới cây ATM gần đó. Đứng trước máy rút tiền, tay tôi lúc này còn run run vì hồi hộp.
Nhưng mà…
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.