Nhà họ Vương vừa dọn đến chỗ ở mới, chuyển từ Đức Thắng Môn đến căn nhà lớn ở ngoài Đông Hoa Môn, gần Tử Cấm Thành hơn. Khi giàu có hơn, người ta thường muốn xin ít vía cao sang.
Hôm nay Vương Lâm hiếm khi ở nhà, một phần là vì dịp tân gia, mặt khác là vì thu nhập thời gian gần đây nhiều đến mức không đếm xuể. Bọn Hán gian cần mạng không cần tiền, vàng bạc như nước chảy vào nhà. Hôm nay đúng dịp hội chùa Bạch Tháp ở phía tây thành phố, bà cụ và người giúp việc đi hội chùa nên trong nhà ít người, Vương Lâm quyết định đóng cửa kiểm kê tài sản kỹ càng.
Trước đây con đường làm quan của ông ta không suôn sẻ, đến tuổi này mới chỉ là một cán bộ cấp khu vực, từ lâu đã không còn hy vọng vào chuyện làm quan nữa. Quan niệm “chức vị là gốc” đã chuyển thành “tiền là gốc”, bây giờ đặt chữ “tiền” lên hàng đầu, bộ ngành nào kiếm chác được nhiều thì ông ta vào bộ ngành đó, chẳng quan tâm chức to hay nhỏ.
Chỉ trong ba tháng, thu nhập đã nhiều hơn mười năm trước đó cộng lại.
Bên ngoài vang lên tiếng máy hát, là một vở kinh kịch.
Bà vợ đang khẽ hát theo lời kịch: "Vạt áo xanh duyên dáng thướt tha, tám báu* ngọc ngà trên trâm lấp lánh..."*
*Trâm cài đầu được trang trí bằng tám loại báu vật quý giá. Trong văn hóa cổ truyền Trung Hoa, "bát bảo" thường đại diện cho tám loại vật phẩm hoặc biểu tượng mang ý nghĩa tốt lành, phú quý, và cao sang.
*Vở kịch "Mẫu Đơn Đình" của Thang Hiển Tổ.
Giai điệu bị cắt ngang bởi tiếng chuông điện thoại. Vương Lâm vội lớn tiếng nói với ra ngoài: "Nếu là nhà họ Mễ gọi tới, cứ nói tôi không có ở nhà."
Bây giờ ông ta rất không hài lòng với vợ chồng nhà họ Mễ, đã nhát như cáy mà còn hay vênh mặt sai khiến người khác, ông ta giải quyết rắc rối giúp họ một lần mà cứ như phải chịu trách nhiệm cả đời vậy.
Bà vợ nghe điện thoại xong, đẩy cửa bước vào nói: "Nhà họ Mễ này đúng là dai như đỉa, giúp ông lên làm cục trưởng phân cục mà tưởng là có ơn to bằng trời với ông đấy à? Ai cũng có chuyện quan trọng của mình, chẳng lẽ chúng ta không cần kiếm tiền để sống, ngày ngày chỉ đi làm con ở cho họ!"
Vương Lâm ngắt lời: "Bớt nói linh tinh đi! Truyền ra ngoài lại không hay."
Bà vợ lầu bầu đi ra ngoài, tiếp tục hát kịch của mình.
Họ đã từng trải qua những ngày khốn khó nên càng muốn nắm chặt quyền lực hiện giờ, bởi vậy hành sự táo bạo, ghét nhất là lo trước lo sau. Bây giờ nhìn nhà họ Mễ nhút nhát cẩn thận mà không khỏi cảm thấy buồn cười.
Cả nhà họ Bạch đều là dân trí thức, không có chức quyền gì thì có thể làm nên chuyện lớn gì cơ chứ?
...
Bên kia, ông Mễ không liên lạc được với Vương Lâm, đành phải phái Ngụy Tam ra ngoài tiếp tục dò hỏi tung tích của Vương Nhị mặt rỗ.
Không phải ông ta lo Vương Nhị mặt rỗ sẽ gây ra sóng gió gì lớn, mà chỉ thấy "chướng mắt", giữ lại kẻ gây họa này rất khó chịu.
Tuy nhiên, ông ta không ngờ rằng chính Vương Nhị mặt rỗ mà ông ta coi thường đấy sắp gây ra một cơn bão lớn.
Người đầu tiên nhận được điện thoại của Vương Nhị mặt rỗ là Lưu Chiếm Phúc, chủ một tiệm thuốc phiện. Vương Nhị mặt rỗ nói mình đã gây ra chuyện, không thể ở lại Bắc Bình nữa, số tiền nợ Lưu Chiếm Phúc sẽ được hoàn trả, buổi chiều ngày mai ông Mễ sẽ cử Ngụy Tam đi trả nợ thay gã.
Gã dặn Lưu Chiếm Phúc sau này đừng làm phiền cha mẹ gã nữa!
Người thứ hai nhận được điện thoại là kỹ nữ Tiểu Đào Hồng, nội dung cũng tương tự, lần này trả mười đồng tiền rượu cho cô ấy.
Người thứ ba, thứ tư cho đến người thứ mười lăm, mỗi người đều trùng khớp với danh sách trong lá thư Ngụy Tam nhận được.
Mễ Mộ Quỳ, tức ông Mễ, hoàn toàn không hề hay biết về việc này.
Nhưng Vương Nhị mặt rỗ chưa dừng lại ở đó, tiếp đó là hàng loạt tiếng chuông điện thoại "reng reng reng" vang lên ở tất cả các phân cục từ Nội Nhất đến Nội Thất, từ Ngoại Nhất đến Ngoại Thất, thậm chí cả các đồn cảnh sát nhỏ ở vùng ngoại ô cũng lần lượt nhận được, chính là cuộc gọi báo án hàng loạt của Vương Nhị mặt rỗ.
Trong cuộc gọi, gã nói mình bị nhà họ Mễ mua chuộc, vu oan cho mẹ con nhà họ Bạch, người nhà họ Mễ muốn giết gã và Nhiếp Văn Lộng để bịt miệng, cầu cứu cảnh sát giúp đỡ.
Cảnh sát nhận điện thoại chỉ cho rằng người gọi là một kẻ điên. Ông Mễ muốn giết người bịt miệng ư? Ai mà tin nổi!
Mà dù có tin thì làm gì được? Chạy đi thẩm vấn ông Mễ à? Ông ta là em ruột của tổng cục trưởng đấy!
...
Tuyết rơi bay bay, đồn cảnh sát số 7 thuộc phân cục Nội Ngũ chìm trong màn đêm.
Kim Lai vừa trở về sau ba ngày họp báo cáo khen thưởng, khí khái anh hùng của cậu ta ngày càng nổi bật, cánh tay băng bó bằng vải trắng cũng toát lên vẻ chính trực.
Những cảnh sát già đang trực đêm vẫn uống trà, đọc báo, nghe đài như thường lệ, thấy cậu ta bước vào cũng chẳng chào hỏi. Cậu ta chó ngáp phải ruồi nên mới leo lên được chức tép riu "quan thất phẩm" này, đa phần cảnh sát ở đồn đều có lý lịch đẹp hơn cậu ta, tạm thời họ vẫn chưa quen coi cậu ta là "quan" thực sự.
Kim Lai nhìn lướt qua mấy cảnh sát già, muốn phê bình vài câu nhưng không tìm được lý do, đành phủi lớp tuyết trên vai rồi bỏ qua, đi vào văn phòng của mình.
Vừa bước vào cửa, điện thoại trên bàn reo lên. Kim Lai nhấc máy, đầu dây bên kia vội vàng hét lên: "Cứu mạng! Mễ Mộ Quỳ muốn giết tôi bịt miệng!"
Kim Lai ngẩn người, bỏ mũ cảnh sát xuống ném lên bàn, quát: "Nói năng cho đàng hoàng! Có chuyện gì?"
Cậu ta đâu biết rằng hôm nay Vương Nhị mặt rỗ đã gọi điện thoại liên tục, gọi hết tất cả các số có thể tìm thấy trong thành phố.
Thậm chí ngay cả văn phòng Ngân hàng Trung ương Bắc Bình, nhà máy bột mì, nhà máy dệt, cả trại trẻ mồ côi cũng nhận được cuộc gọi.
Cuộc gọi này chỉ là tình cờ kết nối tới chỗ cậu ta, chứ cả Vương Nhị mặt rỗ lẫn người ép gã gọi điện đều không biết đang gọi tới đâu, cứ gọi bừa thôi.
Mục đích là tạo thanh thế, nên tất cả số điện thoại được ghi trên giấy đều lần được được gọi.
Cảnh sát nhận được cuộc gọi, vì là việc công nên phải nghe hết nội dung.
Những người không liên quan nhận được cuộc gọi, dù biết cuộc gọi báo án bị sai địa điểm, nhưng vừa nghe câu đầu tiên có nội dung chấn động như vậy ai nấy đều không nhịn được tỉnh bơ nghe tiếp.
...
"Tôi là Vương Bộ Uân, người ta hay gọi tôi là Vương Nhị mặt rỗ. Tháng trước Mễ Mộ Quỳ bảo người hầu của mình là Ngụy Tam tới tìm tôi, đưa cho tôi hai mươi đồng bạc bảo tôi tới đồn cảnh sát tố cáo mẹ con nhà họ Bạch ở ngõ Thủ Phách rằng họ bán thân, làm gái bán dâm!"
"Nhà họ Mễ sợ chỉ có một mình tôi làm chứng không đủ, bảo tôi tìm thêm người hỗ trợ, thế là tôi gọi thêm Nhiếp Văn Lộng."
"Sau khi tôi và Nhiếp Văn Lộng đến đồn cảnh sát tố cáo xong, Nhiếp Văn Lộng lại bất mãn vì chia chác không đều, cứ quấy rầy tôi mãi."
"Tôi đành phải đi tìm Ngụy Tam, nhưng cái thằng cha người ở Ngụy Tam ấy lại bảo sợ để lại hậu họa, nên xúi giục tôi giết quách Nhiếp Văn Lộng đi. Ông ta... ông ta hứa sẽ trả thêm tiền, tôi không cưỡng nổi lòng tham, thế là... tôi đã giết thằng họ Nhiếp."
"Nhưng khi quay lại tìm Ngụy Tam nhận tiền, tôi lại bị phục kích, hóa ra ông ta định giết luôn cả tôi để bịt miệng!"
"May mà tôi thoát ra được, phải trốn chui trốn lủi không dám về nhà. Cái bọn nhà họ Mễ ấy vẫn luôn tìm tôi khắp nơi, không tin các ngài cảnh sát cứ lên phố mà hỏi, đám người nhà họ Mễ còn lùng sục cả xó xỉnh đi tiểu bậy mấy lượt.”
"Giờ tôi bị dồn đến bước đường cùng rồi, ba ngày nay chẳng có một giọt nước hay miếng cơm vào bụng. Chỉ cần ra khỏi cửa là có người báo tin cho nhà họ Mễ để nhận thưởng. Giờ tôi chết chắc rồi, xin ngài cảnh sát cứu tôi với..."
Nói đến đây, Vương Nhị mặt rỗ cứ như bất ngờ lên cơn đau tim rồi ngất đi, cuộc gọi bị cúp ngang.
Người nghe điện thoại cảm thấy nghe đến đó vẫn chưa hết thòm thèm. Kim Lai cũng vậy, cậu ta "a lô, a lô" vài tiếng, thấy đầu dây bên kia đã cúp máy thật rồi mới không cam lòng đặt ống nghe xuống.
Nghĩ đến tờ biên bản phạt mà chú Ba bị người ta lừa lấy mất hôm đó và cuộc điện thoại vừa rồi của Vương Nhị mặt rỗ, Kim Lai thấy chuyện này có gì đó khá trùng hợp.
Cậu ta vừa hút thuốc vừa suy nghĩ, sau đó quyết định gọi chú Ba tới để hỏi lại về tình hình hôm giao nhận vật chứng và đặc điểm của người đã đến lấy.
Chú Ba cậu ta gãi đầu lẩm bẩm: "Ôi chao, mấy ngày nay chú bận tâm mãi về chuyện này, muốn nói với cháu mà cả ngày chẳng bắt được người..."
"Vào thẳng vấn đề đi!" Mặc dù Kim Lai nhờ vận may mới leo lên được chức vị nhỏ này, nhưng thời gian gần đây cậu ta được khen thưởng nhiều, tiếp xúc với không ít quan lớn giàu có nên cũng học được chút dáng vẻ và uy quyền của quan chức.
Chú Ba cậu ta có chuyện trong lòng, không để bụng về thái độ của Kim Lai, nói: "Lúc ấy người lấy tờ biên bản phạt là một cô bé khoảng mười một, mười hai tuổi. Nhưng nhà họ Bạch làm gì có ai như vậy, nhà đó nhỏ nhất là cô hai Bạch Oánh Oánh, nhưng con bé cũng mười sáu rồi, hơn nữa còn đang bị giam trong tù. Làm sao lại có một cô bé mười một, mười hai tuổi xuất hiện được..."
Nghe vậy, Kim Lai cảnh giác lên hẳn. Từ trước đến giờ cậu ta vẫn luôn quan t@m đến vụ án Hà Công Phủ cho nên nắm khá rõ tình hình của hai nhà có liên quan. Sau khi nhà họ Bạch gặp nạn, trong nhà chỉ còn một người hầu già hơn bảy mươi tuổi. Sao lại đột nhiên xuất hiện cô bé mười một, mười hai tuổi? Chuyện này quái dị quá đi mất!
Chắc chắn có người nhà họ Bạch đã quay trở về!
Nghĩ đến đây, tay cậu ta vô thức vươn ra, định nhấc điện thoại lên.
Nhưng cậu ta dừng lại kịp thời.
Tốt nhất là điều tra rõ ràng rồi mới đi "tranh công" với cục trưởng Mễ, dở dở ương ương mà làm ầm lên, không khéo công lao lại bị kẻ khác nhân cơ hội cướp mất!
Nghĩ sao làm vậy, Kim Lai nhanh chóng ra khỏi phòng, dùng tay không bị băng bó mở khóa xe đạp, rồi cứ thế dùng một tay đạp xe tới ngõ Thủ Phách.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.