🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau

Hai mươi sáu - Mộ của Tống Tuyết Ngọc

Khi đề cập đến những người không có mộ phần, chúng ta đã vô tình bỏ qua Tĩnh An Công chúa và Tống Tuyết Ngọc.

Là những nữ nhi của Hoàng đế, làm sao có chuyện sau khi qua đời các nàng lại không được chôn cất tử tế? Tuy vì danh tiếng và lời nguyền nên thật sự không có nhiều người quan tâm đến nơi an nghỉ của họ, nhưng theo lý thì chắc chắn phải được chôn cất tử tế.

Nơi an táng của Tĩnh An Công chúa, nghe nói Thái Tông thương xót cuộc đời bất hạnh của nàng nên đã cho chôn bên bờ hồ - nơi Tiểu Lỗ tướng quân hẹn ta "dạo chơi", để cho cảnh hồ núi an ủi linh hồn nàng.

Thỉnh thoảng vẫn có những kẻ hiếu kỳ tìm đến nơi đó, làm vài bài thơ chua chát để tế điện.

Tuy nhiên, về phần Tống Tuyết Ngọc, hình như không ai nhắc đến mộ của nàng nằm ở đâu.

Mọi người say sưa truyền tụng những tin đồn về nàng yêu nữ, thỉnh thoảng cảm thán về việc nàng chết trong chùa Thanh Lương, nhưng sau khi chết nàng có được an táng hay không, an táng ở đâu, chẳng ai có ý quan tâm tới cả.

Để tìm ra mộ của Tống Tuyết Ngọc nằm ở đâu, Tiểu Lỗ tướng quân đã phái người tìm kiếm khắp các khu mộ ở ngoại ô nhưng không thu được kết quả gì.

Hồ Cảnh Viêm thậm chí còn đi dò hỏi các thầy phong thủy, tuy nhiên vẫn không có manh mối nào cả.

Ta quyết định lật giở tất cả các ghi chép dị thường, đặc biệt là những thứ do các quan lại cựu triều viết, họ căm ghét Tống Tuyết Ngọc tới cực điểm, biết đâu sẽ để ý đến mộ của nàng và đến đó chửi bới sỉ nhục.

Kết quả, có người viết rằng Tống Tuyết Ngọc bị trời phạt mà chết, sau khi chết không còn xương cốt;

Có người viết sau khi Tống Tuyết Ngọc chết, thi thể bị ném xuống sông, vì thân xác thối rữa nên cá cũng chả thèm ăn;

Có người viết Tống Tuyết Ngọc ở trong chùa vẫn không sửa được tính nết dâ.m đ.ãng, nàng chuyên quyến rũ binh lính canh gác, cuối cùng còn trốn đi với người đó, thế nên Thái Tổ đành phải tuyên bố nàng đã chết. Phía sau là hơn vạn chữ kể những câu chuyện riêng tư sau khi trốn đi... (Sách này còn rất ít, bị cấm rất nghiêm ngặt.)

Tóm lại, dù có kẻ thì căm hận chửi rủa, người thì tưởng tượng dâm ô, nhưng thực sự chẳng ai đề cập đến nơi an nghỉ cuối cùng của Tống Tuyết Ngọc.

Thái Tổ Tống Tường Dận không có nhiều con cái, cả đời của ông chỉ có hai nữ một nam. Ngoài Tống Tuyết Ngọc ra, còn một nữ nhi khác được gả cho Hoắc La quốc, rồi qua đời ở xứ người lúc hai mươi bốn tuổi.

Thái Tổ tại vị mười hai năm đã thay đổi phong khí suy đồi của Ngụy quốc, cải thiện nhiều sự ràng buộc đối với phụ nhân, gia tăng dân số, phục hồi kinh tế, chỉnh đốn quân vụ, sử sách gọi là "trời sinh anh tài, cứu muôn dân thoát khỏi biển lửa". Ngay cả các quan lại cũ của triều Tiền Ngụy cũng không ngớt lời khen ngợi.

Nhưng trong tất cả những ghi chép về việc Thái Tổ lập ra Đại Ngu quốc sau này, không còn nhắc đến một chữ nào về Tống Tuyết Ngọc nữa.

Việc Tống Tuyết Ngọc chết ở chùa Thanh Lương được ghi lại trong sử sách do sử quan Đại Ngu quốc biên soạn cho Tiền Ngụy.

Tống Tuyết Ngọc, mỗi năm đến tiết Thanh Minh có ai tế điện cho nàng không, có ai đốt cho nàng ít giấy tiền, rót cho nàng một bình rượu nhạt?

Có ai sẽ vì nàng mà rơi nước mắt, thật lòng khóc cho nàng một trận hay không?

Hai mươi bảy - Hoắc La

Hồ Cảnh Viêm nói, nếu như thực sự không còn cách nào khác thì có thể đi tìm người chiêu hồn cho Tống Tuyết Ngọc. Mọi người còn lại nghe xong đều tặng cho hắn ta một ánh nhìn khinh thường.

Đại Ngu tôn sùng Phật đạo nhưng lại ràng buộc khá nghiêm ngặt đối với các phương sĩ, thầy cúng.

Có hai ba vị Hoàng đế nhà Tiền Ngụy khá thích những chuyện thần thần quỷ quỷ, đó cũng là lý do tại sao các phi tần trong hậu cung Tiền Ngụy có thể tự do tiếp xúc với các thầy phù thủy.

Sau khi Thái Tổ lập quốc, ông quở trách những điều này là: "khói mù độc hại, làm hỏng gốc rễ quốc gia."

Ta hỏi Mạnh Du Du, nếu nữ quỷ là Tống Tuyết Ngọc, thì có phải việc nàng lởn vởn ở lầu Bất Như Vi Xướng là vì Thái Tổ thật sự đã từng đưa nàng vào lầu xanh không?

Mạnh Du Du lấy tay bịt miệng ta lại.

Ta biết những lời này của mình là bất kính, nhưng nếu sự thật đúng là như vậy, thì hồn ma của Tống Tuyết Ngọc hẳn phải mang nỗi oán hận đến mức nào mà cứ phiêu diêu ở nơi đã khiến nàng phải chịu nhục nhã.

Ta vừa mới qua sinh thần mười lăm tuổi không lâu, Tống Tuyết Ngọc vào cung năm mười lăm tuổi, vậy khi bị đưa vào lầu Bất Như Vi Xướng, nàng mới chỉ mười ba, mười bốn tuổi...

Mạnh Du Du nói: "Công chúa đừng nghĩ tới những chuyện này nữa, với tư cách là thư đồng của người, ta phải nhắc nhở Công chúa rằng gần đây sứ giả Hoắc La quốc đến thăm, cả kinh thành đều lấy việc đón tiếp sứ giả làm việc lớn, Công chúa cũng đã qua tuổi cập kê rồi, không thể xem nhẹ các hoạt động quốc sự được."

Ta hiểu rằng nàng ấy không muốn ta thêm phiền não, nên cố ý chuyển sang đề tài khác để chuyển hướng sự chú ý của ta.

Tiền triều của nhà Ngụy là triều Trần, Trần Mạt Đế đắm chìm trong tửu sắc vô độ, dẫn đến việc mất đi một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phương bắc, vì vậy mà bị tổ tiên nhà Ngụy cướp mất giang sơn.

Mấy đời Hoàng đế đầu tiên của nhà Ngụy cũng chăm lo việc nước, thu hồi được một phần lãnh thổ.

Đáng tiếc về sau dân số càng ngày càng ít, những Hoàng đế đời tiếp theo cùng lắm cũng chỉ có thể giữ gìn cơ nghiệp.

Khi nước Đại Ngu được thành lập, ở phương bắc có bốn quốc gia là Bắc Kỳ, Tây Hoàn, Hoắc La và Túc Hạt. Thái Tổ có lời thề: khôi phục lại đất đai của chúng ta.

Thái Tông và Cao Tông xuất quân tấn công hai lần, đánh bại Tây Hoàn, tiêu diệt Túc Hạt, hiện giờ Đại Ngu bọn họ vẫn thường xuyên xung đột với Bắc Kỳ.

Hoắc La luôn là một quốc gia dao động không định, nên người ta gọi - Hồ Hoắc La, Lang Bắc Kỳ.

Sứ giả Hoắc La đến thăm, quả thật rất quan trọng đối với sự ổn định biên giới của Đại Ngu.

Hai mươi tám - Yến tiệc

Trước đây khi có yến tiệc lớn, ta có thể viện cớ bệnh thì sẽ viện cớ bệnh để không đi, dù sao bản thân cũng là người bị nguyền rủa, đến những nơi vui vẻ như vậy không được hay cho lắm.

Ngay cả khi phải đi dự, cảm giác còn tệ hơn, mọi người đều rất thận trọng với ta, nói năng cẩn thận, sợ kích động đến cơ thể và tâm hồn mỏng manh của ta.

Đặc biệt là khi chúc "Công chúa vạn tuế vạn vạn tuế", vẻ mặt của mọi người đều rất khó xử.

Phụ hoàng và mẫu hậu thấu hiểu cho tâm trạng của ta, sau mỗi yến tiệc họ đều thưởng cho ta nhiều đồ tốt hơn, đây đúng là tình phụ mẫu thương con trong thiên hạ.

Lần này sứ giả Hoắc La đến thăm rất quan trọng, thêm vào đó ta đã bình an sống qua sinh thần mười lăm tuổi, phụ hoàng và mẫu hậu không muốn trong lúc cả nước vui mừng mà ta lại cô đơn một mình trong cung nên đã cố tình gửi rất nhiều quần áo và đồ trang sức đến cho ta trước.

Ta cũng muốn mở mang kiến thức thêm, dù sao bản thân đang độ tuổi xuân, ai mà chẳng mong cuộc đời mình có những khoảnh khắc rực rỡ, lộng lẫy chứ.

Khi dự những yến tiệc như vậy, tất nhiên Mạnh Du Du và Nguyệt Lang sẽ không rời hai bên tả hữu của ta.

Mạnh Du Du cũng ăn mặc rất tinh tế, nàng ấy vốn là một mỹ nhân, chỉ là không hiểu sao các công tử trong kinh thành nhìn thấy nàng ấy đều bày ra vẻ mặt khó nói.

Có lúc ta sợ là vì nàng ấy ở quá gần ta - một người không may mắn này mà ra, tuy nhiên Hồ Cảnh Viêm nói là vì Mạnh Du Du mở miệng có thể khiến ngàn quân lùi bước.

Sự xa hoa của yến tiệc khiến ta thán phục, nhưng những viên châu vàng trên đầu lại khiến ta đau đớn. Để tránh cho cổ khỏi bị gãy vì sức nặng, thỉnh thoảng ta phải dùng tay chống cằm, người nào không biết còn tưởng ta cố tình tạo dáng cho duyên.

Vương tử Hoắc La ngồi đối diện cúi đầu nâng ly với ta, ta cũng đáp lễ nâng ly.

Trong lòng ta nghĩ: "Nếu ngươi dám đề xuất để ta đi hòa thân, ta sẽ không mang của hồi môn mà gả qua đó luôn, khiến ngươi phải làm quả phu mà chẳng được lợi lộc gì."

Ta rất hài lòng với suy nghĩ của mình, đang định nói cho Mạnh Du Du nghe thì phát hiện nàng ấy đang ngẩn người nhìn về một hướng.

Ta theo ánh mắt của nàng ấy nhìn sang, phát hiện nàng ấy đang nhìn chằm chằm vào Trần Quý phi.

Hai mươi chín - Phát hiện của Mạnh Du Du

Ta khẽ chạm vào Mạnh Du Du, tại sao người này lại chú ý đến phi tần của phụ hoàng ta vậy, chẳng lẽ nàng ấy là nữ đoạn tụ.

Mạnh Du Du hoàn hồn, suy nghĩ một lúc rồi nói rằng nàng ấy đã phát hiện ra một chuyện, đợi yến tiệc kết thúc sẽ nói với ta.

Nàng ấy làm vậy khiến ta tò mò đến phát điên, không còn tâm trí nào để ý đến yến tiệc nữa.

Ca múa trong yến tiệc khiến ta buồn ngủ, điều duy nhất giúp ta phấn chấn là sứ thần Hoắc La thật sự đề xuất chuyện hòa thân. Ta muốn nhảy lên nói: "Được thôi được thôi, cứ để ta chân không đi giày mà gả cho ngươi, đến lúc đó hại chết tiểu quả phu nhà ngươi luôn."

Không ngờ phụ hoàng và mẫu hậu cùng nhau đánh thái cực quyền, nói rất nhiều lời hoa mỹ, cuối cùng đánh vòng đến nỗi sứ thần Hoắc La cũng cảm thấy mình đề xuất quá đột ngột và nói rằng sẽ bàn bạc kỹ càng hơn.

Sau khi yến tiệc kết thúc, ta cảm thán, thông tin tình báo của Hoắc La thật chẳng linh thông chút nào, chẳng lẽ bọn họ không biết đến chuyện bị nguyền rủa sao, ta muốn tìm phò mã còn không tìm được đây này.

Nguyệt Lang an ủi ta: "Làm sao Thánh thượng nỡ trao viên minh châu của mình cho người khác được."

Ta nói với nàng ấy rằng, chẳng phải Thái Tổ đã gả nữ nhi của mình qua đó sao, thậm chí còn phong là Ninh Viễn Công chúa, lúc đó nàng ấy mới có mười bốn tuổi mà thôi.

Chuyện hòa thân chỉ là một cơn gió nhỏ, ước chừng sau này sẽ có rất nhiều người lén lút nói cho sứ thần hay tin, không biết Công chúa có thể sống được mấy năm hay mấy tháng nữa, thậm chí trong thành còn có người đánh cược xem ta có thể sống qua sinh nhật mười sáu tuổi hay không.

Ta nóng lòng muốn biết Mạnh Du Du đã phát hiện ra điều gì, lo lắng đến mức không ngủ được.

Nhưng về vấn đề này, Mạnh Du Du cứ ngẫm đi ngẫm lại, ngẫm đến nỗi Hồ Cảnh Viêm bắt đầu nhảy chân sáo, ta bắt đầu than vãn, chỉ có Nhị ca của ta là điềm tĩnh rót cho Mạnh Du Du một chén trà, còn bảo nàng ấy đừng vội.

Mạnh Du Du nói: "Ta sắp nói đây, nhưng không ai được cho rằng ta nói bậy đấy nhé."

Hồ Cảnh Viêm nói: "Thưa cô nương, ngươi có thể nói bậy hơn ta sao, mau nói đi, còn im lặng thì lát nữa Công chúa sẽ lo lắng đến ngã bệnh mất."

Mạnh Du Du nói: "Ta phát hiện ra Trần Quý phi trông rất giống một người ở trong lầu Bất Như Vi Xướng."

Mọi người đồng thanh kêu lên: "Cái gì!!!"

Ba mươi - Trần Quý phi

Người mà Mạnh Du Du nói đến chính là cô nương áo hồng trong lầu Bất Như Vi Xướng.

Qua lời nàng ấy nói, ta bỗng phát hiện ra quả thật là rất giống.

Vì ta là một sự tồn tại đặc biệt, các phi tần trong hậu cung không dám gây sự với ta, ta lại không hay tham dự yến tiệc nên không để ý đến diện mạo của Trần Quý phi cho lắm. Nhưng sau khi nghe lời Mạnh Du Du nói, ta thấy thật sự từ ngũ quan đến thần thái, hai người họ giống nhau y như đúc.

Nhưng Nhị ca của ta lại trở nên nghiêm túc, bảo chúng ta không được nói về chuyện này nữa, nếu thực sự cần thảo luận thì phải dùng ẩn ngữ.

Tuy vậy, Nhị ca vẫn âm thầm sắp xếp rất nhiều người để giúp ta dò la tin tức. Huynh ấy để thái giám tâm phúc nhất của mình lén lút tiếp xúc với người hầu trong cung của Trần Quý phi, nhờ thế mà có được một số manh mối.

Mẫu hậu của ta sinh bốn nam một nữ, Đại Hoàng tử, Nhị Hoàng tử, Ngũ Hoàng tử, Thất Hoàng tử đều là huynh đệ đồng bào với ta.

Trần Quý phi sinh Tam Hoàng tử, nhưng Tam Hoàng tử chết yểu, mới sinh ra được ba ngày thì mất. Hơn một năm sau bà ta lại sinh Tứ Hoàng tử.

Khi Trần Quý phi sinh Tam Hoàng tử, ta mới ra đời được vài tháng, lúc đó mẫu hậu tâm trạng u uất, vừa mới ốm dậy.

Cũng chính vào lúc này phương bắc đại hạn, Bắc Kỳ lại rục rịch bất ổn. Phụ hoàng đã tự mình ngự giá thân chinh đến vùng thiên tai cứu giúp, giải quyết khủng hoảng, Lỗ gia đã giành được tiếng tăm trong việc dùng binh đối phó Bắc Kỳ.

Còn Trần Quý phi sinh Tam Hoàng tử nhưng không được chăm sóc đầy đủ, dẫn đến Hoàng tử chết yểu, phụ hoàng mẫu hậu đã vì chuyện này mà cảm thấy rất áy náy, sau khi nhiều lần chiếu cố, một năm sau bà ta đã thuận lợi sinh hạ Tứ Hoàng tử, được phong tước vị, từ đó địa vị trong cung vững vàng, cuối cùng trở thành Quý phi.

Người của Nhị ca dò la được Trần Quý phi rất sợ lạnh, thậm chí bà ta còn không dùng đá lạnh vào mùa hè.

Trần Quý phi cực kỳ ghét đồ màu hồng, từ đồ dùng đến trang phục của bà ta, không có thứ nào màu hồng cả.

Tuy nhiên năm xưa khi Trần Quý phi tuyển tú, bà ta đã mặc một chiếc váy Lưu Tiên màu hồng.

Những người hầu hạ khi Trần Quý phi sinh Tam Hoàng tử năm đó đều không còn trong cung nữa.

Trần Quý phi cực kỳ ghét hoa mẫu đơn. 

 
Chương trước
Chương sau
Trang web đọc truyện online hàng đầu Việt Nam, cung cấp kho truyện phong phú với các thể loại như tiên hiệp, kiếm hiệp, ngôn tình, truyện teen và truyện đô thị. Tất cả các tác phẩm đều được chọn lọc kỹ lưỡng bởi các tác giả và dịch giả uy tín, mang đến trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời nhất cho bạn!
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.