🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau

Vạn Thọ Công Chúa nghiêng ngả đứng dậy, vành mắt hoe đỏ, giọng nói run rẩy: “Ngươi không chịu đưa, ta tự mình trở về Trường An vậy.”

Thập Tam Lang định bước tới đỡ nàng, lại bị Vi Huấn ngăn lại.

Việc này quả thực khó xử. Theo lẽ thường, ái nữ của thiên tử nếu sống lại, trở lại hoàng cung ắt sẽ là đại hỷ, cả triều trên dưới đều mừng rỡ khôn cùng. Thế nhưng, quanh cái chết của nàng lại có quá nhiều điều khả nghi, khiến người ta khó lòng tin rằng mọi chuyện chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Những gì đã phơi bày đủ để khiến nàng tự hiểu, mà Vi Huấn cũng chẳng còn lý do gì ngăn cản.

Y phục lấm lem bụi đất địa cung, nàng đành thay tạm áo lót mỏng bên trong,, xiêm y ngay ngắn mà lên đường.

Tục ngữ có câu: “Mọi ngả đều dẫn về Trường An.” Lối về vốn chẳng khó tìm. Vượt khỏi cửa Thúy Vi Tự chẳng bao xa đã trông thấy đại lộ nối thẳng vào thành. Nhưng từ nhỏ đến lớn, nàng chưa từng rời cung một mình, không thị nữ, không xe ngựa, mọi thứ đều lạ lẫm. Đôi hài gấm nạm ngọc chuyên dùng cho lễ khánh thọ, cứng nhắc và không vừa chân, đi chưa nổi ba dặm đã rướm máu, phải lê từng bước một cách nhọc nhằn.

Gió xuân phơi phới, một ngày có thể du ngoạn khắp Trường An. Ba mươi dặm, nếu cưỡi ô truy yêu dấu, chỉ mấy khắc là đến; ngồi xe nhẹ thưởng hoa cũng là thú vui. Nhưng nếu chỉ dựa vào hai chân trần, thì chặng đường ấy bỗng trở nên vô xa xôi.

Nỗi đau thể xác vẫn chưa là gì, điều nàng không thể chịu nổi là bức màn sương dày đặc đang che phủ chân tướng sau lưng. Vì sao phụ hoàng lại đối xử với nàng như vậy? Nàng chết quỷ dị như thế, mà không người truy xét? Vì sao lại vội vã hạ táng, lại còn đặt chiếc mặt nạ trấn hồn kia vào kim quan? Nàng rùng mình, không dám nghĩ tiếp, chỉ cắn răng lau nước mắt, lặng lẽ cắm cúi đi tiếp.

Vi Huấn cùng Thập Tam Lang lặng lẽ theo sau, thấy nàng ngồi bên vệ đường tháo giày, chỉ còn mang mỗi lớp tất mà bước đi. Người đi đường thấy thiếu nữ dung mạo xinh đẹp, mà thất hồn lạc phách, chân không đi giữa cát bụi, ai nấy đều ngoái nhìn không thôi.

Thập Tam Lang nhỏ giọng than: “Vị công chúa này thật cứng cỏi.”

Vi Huấn không đáp.

Lát sau, Thập Tam Lang lại hỏi: “Nếu chuyến này chẳng ra tung tích vật kia, huynh định làm sao?”

Vi Huấn khẽ thở dài, ngẩng cằm, chỉ về phía bóng dáng thiếu nữ phía trước: “Biết sao được? Gặp thời thì hưởng, vận xui thì chờ chết thôi.”

Thập Tam Lang ảm đạm cúi đầu: “Cũng chưa chắc là chết đâu.”

“Giờ quay về vẫn kịp đấy. Lão Nhị tính khí không tệ, Thất Lang tuy có chút nóng nảy nhưng theo huynh, e là chẳng có tiền đồ gì đâu.”

Thập Tam Lang lắc đầu: “Ít nhất đại sư huynh không đánh người.”

Hắn ngừng một lát, nhỏ giọng: “Đại sư huynh vì cứu người mà bỏ lỡ cơ hội tìm vật kia. Đó là tích đức, không nên vì thế mà ‘rửa tay gác kiếm’.”

Vi Huấn lại không đồng tình, khẽ lắc đầu: “Toàn là hoa ngôn xảo ngữ.”

Thập Tam Lang hỏi: “Không phải vì tiền, người cũng cứu rồi, vậy huynh còn theo làm gì?”

Vi Huấn thở dài: “Ai, lòng hiếu kỳ hại chết mèo, đệ cũng biết huynh, dính vào mấy chuyện ly kỳ kỳ quặc rồi thì không yên được, không lần ra đầu mối thì ngứa ngáy cả người.”

Cứ câu được câu chăng, hai người vừa trò chuyện vừa lẳng lặng theo sau Vạn Thọ Công Chúa, tới cửa An Hóa ngoài thành Trường An về hướng tây nam. Ngoài cổng, người tấp nập chen chân: kẻ sĩ đi thi, thương nhân gánh gồng, hòa thượng đạo sĩ tha phương, nô tỳ tạp dịch… chen chúc như cá mắc cạn. Trâu ngựa xe hàng, đoàn thương nhân người Hồ cùng lạc đà tạo thành một mùi hôi hám đặc mùi động vật.

Chợt, Thập Tam Lang như nhớ ra điều gì quan trọng: “Công chúa… nàng có mang theo giấy thông hành không?”

Vi Huấn ngẫm nghĩ: “Ít nhất là không thấy trên người.”

Thập Tam Lang liếc trộm Vi Huấn, như có lời muốn nói lại thôi.

Sư huynh hắn từ trước đến giờ chẳng mấy mặn mà chuyện nam nữ, lúc mang công chúa về Thúy Vi Tự để cứu trị thì khi bắt mạch, khi xoa bóp, đều thản nhiên bình đạm, chẳng hề tránh né thẹn thùng gì, như thể đang xử lý một vật phẩm. Rõ ràng nàng đẹp như vậy.

Lúc này trong đám đông, Vạn Thọ Công Chúa luống cuống tay chân. Ngày trước nàng ra vào cửa thành, thị vệ đã dẹp đường sẵn, dân chúng tránh xa ba trượng, nàng thì cưỡi ngựa uy nghi, tỳ nữ nội thị vây quanh, chẳng cần dừng chân một khắc.

Giờ đây, quan giữ thành kiểm tra từng người một. Khi đến lượt nàng liền cau mày nhìn kỹ.

Thiếu nữ ấy không son phấn, nhưng dung mạo lại tươi tắn đáng yêu. Dù tóc tai rối bời, chân trần lấm bùn, y phục che thân rõ ràng là hàng cực phẩm, song vừa không vừa người, vừa đầy bụi đất nhàu nhĩ.

Là nô tỳ chạy trốn? Hay thiếu nữ nhà lành bị bắt cóc?

Quan giữ cổng lập tức yêu cầu nàng ra khỏi hàng thẩm vấn: “Cô nương từ đâu đến? Họ tên là gì? Vì sao chỉ đi một mình?”

Vạn Thọ Công Chúa lắp bắp đáp: “Ta… là người trong cung, tên là… Châu Nhi.”

“Có mang theo giấy thông hành không?”

“Không cẩn thận đánh mất rồi…”

“Là người trong cung, hẳn phải rõ xuất thân? Nhập cung khi nào? Hầu hạ ai? Ai dẫn ra ngoài? Vì sao một thân một mình trở về?”

Công chúa vốn định bịa ra một câu chuyện, nhưng nàng từ nhỏ sống trong cung, chẳng tường chuyện thế gian. Còn quan giữ cổng An Hóa bao nhiêu năm, ánh mắt sớm đã luyện thành tinh tường, liếc qua là biết lời nàng có sơ hở. Hỏi vài câu là khiến nàng lúng túng, câu trước câu sau không nối được với nhau.

Nhìn thấy nàng cứng họng không đáp, quan giữ cổng càng nghi ngờ, cho rằng nàng là nô tỳ xinh đẹp nhà quyền quý trốn ra, liền cười lạnh một tiếng, cao giọng gọi mấy tên Kim Ngô vệ đến bắt, định giải nàng về huyện nha tra xét.

Công chúa vốn định cúi đầu nhẫn nhịn, chờ sau khi vào huyện nha sẽ nghĩ cách cầu kiến Kinh Triệu Doãn. Nào ngờ mấy gã hán tử mặc giáp phục Kim Ngô, mặt mày thô kệch, vừa xông đến liền thô lỗ kéo giằng thân thể nàng. Mùa hạ tiết trời oi bức, xiêm y vốn mỏng nhẹ, từng đường nét mềm mại hiện ra. Một gã trong số đó còn không biết xấu hổ, lấy tay vuốt nhẹ qua ngực nàng, miệng còn cười nói: “Cô nương thơm quá đi mất!”

Vạn Thọ Công Chúa từ nhỏ sống nơi cung cấm, vàng ngọc nâng niu, chưa từng nghe qua một lời th* t*c, càng đừng nói đến việc bị người động chạm thân thể như vậy. Cả người nàng run rẩy, khuôn mặt tái xanh vì tức giận, thất thanh kêu lên:

“Không được đụng vào ta! Các ngươi có biết ta là ai không?!”

“Là ai thì nói thử xem?”

“Ta là công chúa đấy! Không được đụng vào ta!”

Quan giữ cổng và đám Kim Ngô Vệ liếc mắt nhìn nhau, ai nấy đều do dự. Không ai muốn rước họa vào thân, nhưng cũng chẳng dám làm lơ một nữ tử miệng xưng công chúa, lại thất tha thất thểu nơi cửa thành, ăn mặc lôi thôi, lời lẽ hồ đồ. Một tên Kim Ngô Vệ bực dọc tiến lên, bịt miệng nàng, mạnh tay xô ngã xuống đất.

Công chúa vùng vẫy điên cuồng, búi tóc tung tóe, liền bị một kẻ thô lỗ giơ chân đá mạnh một phát, cả người lăn tròn như cuộn vải, vô tình đụng phải góc chuồng trâu . Chỉ chốc lát, thân thể cao quý phủ đầy phân trâu phân ngựa, mùi hôi xộc thẳng vào mũi, đến nỗi cả bọn Kim Ngô Vệ cũng nhíu mày né tránh, chẳng ai còn muốn động đến nàng nữa.

Đúng lúc ấy, giữa đám đông chen chúc, Vi Huấn ung dung bước ra, thần sắc điềm đạm, liên tục khom lưng thi lễ: “Vị cô nương này là chủ nhân nhà ta, đầu óc có chút không ổn, hôm nay người nhà sơ ý để nàng chạy mất, vô tình quấy rối các vị quân gia, mong lượng thứ.”

Nói đoạn, hắn ghé sát tai quan giữ cổng lại, hạ thấp giọng như nói điều bí mật: “Bị người từ hôn, cho nên phát điên.”

Viên môn lại cau mày đánh giá nàng một lượt, thấy đầu tóc rối bù, thân thể nhơ nhác, tinh thần mơ màng, quả có vài phần điên dại. Trong lòng vốn muốn tra rõ lai lịch, nhưng nghĩ đến phía nam thành Trường An toàn là nhà quyền quý phú hào, trước mặt dân chúng mà hỏi han, vạn nhất đụng trúng người không nên đụng, e rằng rước họa vào thân.

Lập tức quát khẽ: “Dẫn nàng về đi. Nhốt kỹ, đừng để tái phạm.!”

Theo luật triều đình, nếu bị điên mà phạm luật cũng được xử nhẹ, ở đây ai cũng ngại dây vào. Nay đã có gia nhân đến nhận, bọn họ đương nhiên thả người.

Vi Huấn liền cúi người đỡ lấy thiếu nữ chật vật, không để nàng kịp cất thêm lời, lặng lẽ kéo nàng rời khỏi cửa thành, men theo đường cũ mà quay về Thúy Vi Tự.

Dọc đường, nàng chẳng nói một lời, bước chân xiêu vẹo như kẻ hồn siêu phách lạc. Lạ lùng thay, vậy mà không rơi một giọt lệ.

Thập Tam Lang dùng khuỷu tay chọc Vi Huấn, khẽ giọng hỏi: “Không lĩnh được thưởng, cũng chẳng bị chém đầu, vậy giữ nàng lại làm gì?”

Vi Huấn chỉ lắc đầu, không buồn trả lời.

Về đến Thúy Vi Tự, trời đã xế bóng. Chân trời quang đãng, từng dải mây đỏ rực như vệt máu loang, khiến lòng người bất giác sinh mối phiền muộn khó tỏ. Vừa bước qua sơn môn, Thập Tam liền vươn vai một cái, thấp giọng than thở: “Cả ngày chạy đông chạy tây, chẳng kiếm nổi một đồng tiền, lại như tự dẫn xác tới cửa thành cho người ta đánh một trận.”

Vạn Thọ Công Chúa một thân dơ bẩn, quần áo khô khốc vì gió lồng. Khi lướt qua ao phóng sinh trước chùa, nàng vô thức liếc nhìn, chỉ thấy cỏ hoang mọc đầy bờ, nước ao đã cạn từ lâu, đáy bùn khô nứt từng mảnh.

Chợt nàng hạ giọng ra lệnh: “Đi múc nước.”

Lời chẳng lớn, nhưng giọng điệu lại mang theo khí chất uy nghiêm của kẻ đứng trên cao. Hai huynh đệ chẳng nói một lời, liền rảo bước đi lấy thùng gỗ, men hành lang, lần ra giếng sau điện múc nước.

Công chúa không về thiền phòng, mà quỳ gối ngay trước đình viện, tay tự múc nước rửa mình giữa trời đất. Nước giếng trong vắt mà lạnh buốt, không có tỳ nữ hầu hạ, chẳng ai đun nước nóng hay chuẩn bị khăn thơm. Nàng chỉ lặng lẽ cúi đầu, múc từng gáo nước lạnh dội lên người. Nước chạm da thịt tái nhợt, rét buốt khiến thân thể nàng run lẩy bẩy.

Vi Huấn thờ ơ quan sát, thấy nàng cử chỉ trầm tĩnh, thần sắc u uẩn, trong mắt lại ánh lên chút tuyệt vọng mơ hồ, trong lòng chợt sinh cảnh giác: Không ổn.

Quả nhiên, vừa rửa sạch xong, công chúa liền xoay người quỳ hướng tòa Phật, dập đầu một cái, rồi lặng lẽ trở vào thiền phòng. Nàng muốn tìm lấy sợi dây kết liễu đời mình. Nhưng lục lọi khắp nơi cũng chẳng tìm ra được gì. Mấy dải lụa tơ tằm thì mỏng nhẹ như mây, nào chịu nổi trọng lượng thân thể? Nếu dùng thắt lưng làm dây thì váy lại tuột thì chết cũng thể diện.

Còn đang ngẫm nghĩ lưỡng lự, đã thấy Vi Huấn chẳng rõ đứng đó từ bao giờ, thần sắc yên tĩnh mà sâu xa. Công chúa ngẩng đầu nhìn, hỏi thẳng: “Có dao không?”

Vi Huấn khẽ gật, rút từ ngực áo ra một dao găm lưỡi xám, cắm nhẹ lên cột gỗ trước mặt nàng. Mũi dao lạnh lẽo, phản chiếu khuôn mặt nàng tái nhợt, tiều tụy, như hoa héo sau mưa.

Thập Tam Lang thấy thế thì giật mình, gấp gáp hô lên: “Nàng muốn dao, huynh thật sự đưa à?!”

Vi Huấn cười nhạt: “Người ta tự tử, theo luật không liên can gì đến chúng ta. Đợi nàng chết rồi, xác không ai nhận, chúng ta lau sạch máu, đem bán làm minh hôn. Mười mấy quán tiền, dễ như trở bàn tay. Tha hồ vào thành uống rượu, cắt thịt, chẳng phải là chuyện vui sao?”

Thập Tam Lang há hốc mồm kinh hãi, trừng mắt nhìn sư huynh. Nhưng thấy Vi Huấn nháy mắt tinh ranh, hắn lập tức hiểu ý, liền phụ họa theo: “Sư huynh chê rẻ rồi. Thi thể thiếu nữ chưa chồng, lại nhan sắc thế kia, còn tươi mới, đem ra chợ đen có giá đến hai mươi quan! Lắm lão già còn tranh nhau đặt cọc!”

Hắn thao thao bất tuyệt, nào là giá hồn thi cháy tro bao nhiêu, xương khô bao nhiêu, bà lão mục xương tính thế nào… rốt lại một câu: càng trẻ, càng đẹp, càng quý.

Hai kẻ trộm mộ cứ thế đứng trước mặt nàng, bình luận thản nhiên về cái xác của nàng sau khi chết, thậm chí còn bàn chuyện gả nàng làm vợ ma cho lão quỷ nào đó.

Vạn Thọ Công Chúa vừa phẫn uất, vừa kinh hãi, vừa tủi hổ, vừa khiếp sợ, tâm can tựa hồ bị trăm mũi kim châm. Bao nỗi nhục nhằn bị dồn nén, nàng chợt bật khóc nức nở, nước mắt như chuỗi ngọc đứt dây, hạt này nối hạt kia tuôn trào không dứt.

Tiếng khóc vang lên như xé gan xé ruột, nước mắt hòa cùng nỗi căm giận, tiếng nức nở bật thành tiếng khóc tê tâm liệt phế. Bao khuất nhục, kinh hoàng, đau đớn tích tụ bấy lâu như dòng thác vỡ bờ, chẳng còn kìm giữ nổi.

Dẫu cho có thể vào thành gặp được Kinh Triệu Doãn, thì đã sao? Dẫu ông ta có thượng tấu lên triều đình, có thể diện thánh, thì đã sao?

Trên giấy trắng mực đen, Vạn Thọ Công Chúa đã là người chết. Nàng chết bất minh giữa lúc được vua yêu sủng, chết một cách quỷ dị, không lời giải. Giờ đây tuy thân còn ấm, hơi còn thở, nhưng giữa bốn bể, còn ai dám tin nàng vẫn sống? Kỳ thực từ khi rời khỏi địa cung, nàng đã lờ mờ cảm thấy. Chỉ là quá sợ hãi, không dám nghĩ đến.

Giữa hoàng hôn đỏ rực như máu, giữa bao nỗi nhục nhằn, nàng bỗng hiểu ra: nếu muốn giữ lại chút thể diện cuối cùng cho hoàng gia, có lẽ chỉ còn cách tự kết liễu.

Vi Huấn nghe nàng khóc một hồi lâu, cuối cùng mới cất giọng bình tĩnh: “Ta mang công chúa trở lại nhân gian, công chúa có từng hối hận?”

Công chúa vừa khóc vừa mắng: “Bọn đạo tặc khốn nạn! Dám tính đến xác thân ta sau khi chết! Dù ta có hóa thành lệ quỷ cũng không tha cho các ngươi!”

Vi Huấn thầm thở ra một hơi nhẹ nhõm. Người thật sự quyết chết, thường lặng lẽ không lời. Còn có thể khóc, có thể chửi, nghĩa là trong lòng vẫn còn vướng bận, còn đường để sống.

Khóc chán, cổ họng nàng khô rát, vô thức nhìn vào lưỡi dao phản chiếu khuôn mặt nàng: tóc tai bù xù, mắt sưng đỏ, dung nhan tiều tụy chẳng khác u linh. Nếu thật sự bị đem bán làm minh hôn, chí ít trước khi chết cũng nên phá hủy dung nhan, không để đám trộm mộ được lợi. Nhưng vừa nghĩ đến, lại thấy mất thể diện hơn.

Cứ giằng co mãi, Thập Tam mang đến một gáo nước lạnh đưa nàng súc miệng. Nàng nhận lấy, uống cạn.

Rồi lại khóc thêm một hồi nữa. Đêm đã buông, bóng tối đặc quánh. Nàng ngẩng đầu chẳng thấy hai kẻ trộm mộ đâu cả, bước ra khỏi thiền phòng thì thấy hai huynh đệ ngồi xổm dưới hành lang, miệng nhai bánh canh.

Không nhìn thì thôi, vừa nhìn liền nổi cơn đói cồn cào.

Công chúa lúc này đã bình tâm đôi chút, đầu óc cũng tỉnh táo. Nghĩ tới nghĩ lui, nếu Vi Huấn thực sự tham tài, thì ngay trong địa cung đã đủ vét sạch. Cả người nàng đeo đầy trân bảo, chỉ cần cởi xuống cũng đủ đổi lấy nửa đời an nhàn. Hà cớ gì còn phải đem thi thể về chùa, chờ bán làm minh hôn?

Tự nhiên, nàng thấy hai tên trộm mộ này không đến nỗi chướng mắt như trước.

Cả ngày đi đường hơn sáu mươi dặm, chưa được hột cơm vào bụng, giờ đã gần kiệt sức.

Nàng trừng mắt nói: “Tiểu tử, múc cho ta một bát!”

Thập Tam Lang vâng lời, vội vàng nuốt nốt miếng bánh còn lại trong chén, tổng cộng cũng chỉ có hai chiếc, không dư ra cái nào, thành ra công chúa chẳng có phần. Vốn dĩ hắn còn đang bực bội vì chuyện của đại sư huynh mà nặng mặt với cô gái kia, ai ngờ nàng như thể sinh ra đã khéo sai khiến người khác chỉ cần nhíu mày, hơi nâng cằm lên, hắn còn chưa kịp hiểu ra, đã tự động đứng dậy đi làm chân chạy cho nàng.

Thập Tam Lang đem chén đũa rửa sạch bằng nước giếng, rồi cẩn thận bưng bát canh bánh lên dâng.

Và thế là:
Vạn Thọ Công Chúa, thân mang huyết mạch thiên gia, một đời kim chi ngọc diệp, giai nhân nổi danh nhất kinh kỳ, nay lại vén tay áo, chân đất đầu trần, ngồi xổm dưới hiên chùa, ôm chén sứ mẻ, húp canh nấu bằng nước giếng, bên cạnh là hai tên trộm mộ từng định bán xác mình đi đổi rượu thịt.

Vi Huấn nửa cười nửa trêu, giọng đầy giảo hoạt: “Đói rồi à?”

Nữ hài đỏ mặt, lấy tay quệt nước mắt còn vương trên má: “Hừ, dù có chết, ta cũng phải làm một con ma no bụng.”

Vi Huấn cười to: “Công chúa tiêu sái thật đấy. Nói vậy mới là người có đại trí tuệ!”

No bụng xong, Vạn Thọ Công Chúa chỉ thấy cả người rã rời, mí mắt sụp xuống, chẳng muốn nghĩ thêm điều gì nữa. Nàng lặng lẽ ngã người xuống giường, ngủ say đến tận khi mặt trời lên cao. Khi tỉnh lại, nắng đã chiếu vào tận giường, ánh sáng vàng rực trải khắp căn phòng gỗ cũ. Nàng nhìn về cây cột nơi dao găm vẫn còn cắm nguyên đó bỗng nhiên, không còn muốn chết nữa.

Chương trước
Chương sau
Trang web đọc truyện online hàng đầu Việt Nam, cung cấp kho truyện phong phú với các thể loại như tiên hiệp, kiếm hiệp, ngôn tình, truyện teen và truyện đô thị. Tất cả các tác phẩm đều được chọn lọc kỹ lưỡng bởi các tác giả và dịch giả uy tín, mang đến trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời nhất cho bạn!
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.