🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau

Nàng nhẹ nhàng vu.ốt ve cánh tay mình, mắt nhìn mạch máu xanh nhạt ẩn dưới lớp da nhợt, nghĩ thầm dù chẳng còn phong hào công chúa, nhưng trong thân thể này, vẫn chảy huyết mạch Cao Tổ, Thái Tông. Xưa kia, Đại Thánh Hoàng đế Võ Tắc Thiên cũng từng bị đẩy vào Cảm Nghiệp Tự, cô độc không nơi nương tựa, vậy mà Đông Sơn tái khởi. Nay bản thân bị giam giữa Thúy Vi Tự, thử hỏi đời sau của Võ hoàng mấy ai còn giữ được mái tóc đen tới cuối đời?

Nàng mang trong mình huyết thống cao quý của hoàng tộc Lý Đường, cũng thừa hưởng dòng máu kiên cường của Võ Chu. Lẽ nào chỉ vì một lần lỡ vận mà đành cam lòng chờ chết?

Lại ngẫm nghĩ kỹ càng, chuyện này e là nhằm vào Thiều Vương. Trữ quân chưa lập, huynh trưởng đã bị giáng chức đày tới U Châu, song trong triều vẫn còn vài vị đại thần âm thầm ủng hộ. Ngôi vị thái tử vẫn còn treo nơi ấy, chưa hẳn không thể xoay chuyển.

Nàng lấy ra một chiếc trâm ngọc từ bọc quần áo, thong thả chải tóc. Khi xưa từng tự hào về mái tóc dày óng mượt, dù kiểu búi cao, phức tạp thế nào cũng chẳng cần dùng đến tóc giả.

Nay không có tỳ nữ bên cạnh, tự tay búi tóc chẳng dễ gì. Gom được bên trái, bên phải đã rối tung; giữ được bên phải, bên trái lại rơi ra. Cuối cùng, đành phải quấn thành hai búi nhỏ, phần tóc dài phía sau tết thành một bím.

Chân trái hôm qua bị Kim Ngô Vệ đá mạnh, lúc ấy vì uất ức nên không cảm thấy đau đớn, giờ chải đầu mới thấy sườn bên âm ỉ đau. Nàng khẽ cởi vạt váy lụa, chỉ thấy mảng da bầm tím xanh xao, chạm khẽ đã khiến nàng hít hơi lạnh.

Thập Tam Lang từ cửa ló đầu vào, vui vẻ nói: “Người cuối cùng cũng tỉnh rồi. Tại hạ nửa đêm còn ghé qua vài lượt, sợ người nghĩ quẩn.”

“Tên nhóc nhiều chuyện,” Công chúa oán trách một tiếng, chẳng mảy may nhớ hôm qua chính mình khóc lóc đòi sống đòi chết, kinh động trời đất.

“Này, đại sư huynh đêm qua vào thành một chuyến, mua cho người ít cao dán. Tại hạ hơ nóng rồi, người tự dán vào nhé.” Dứt lời, hắn dùng kẹp sắt gắp một hòn đá đã nung đen như than đến, rồi đưa thêm một miếng giấy dầu bọc cao thuốc.

Từ nhỏ, Vạn Thọ Công Chúa đã hiếu động, từng cưỡi ngựa, đánh cầu bị thương cũng chẳng ít. Nhưng khi ấy luôn có thái y túc trực, người thân chăm nom, nào từng tự mình hong thuốc, bôi cao.

Nay chẳng thể so với thuở trước. Có thuốc dùng đã là may rồi. Sống mũi cay cay, mắt nàng bỗng nóng lên. Vội xua đi ý nghĩ vừa rồi, nàng nhận miếng cao, cẩn thận hong mềm trên hòn đá. Vừa hong, vừa nghĩ tên họ Vi kia, ngoài lạnh trong nóng, ánh mắt cũng thật tinh tế. Hôm qua nàng bị đá đến mức bản thân còn không nhận ra, vậy mà hắn lại thấy rõ giữa đám đông.

Thuốc dán lên, váy lụa chỉnh lại. Công chúa liếc sang thấy thanh dao găm Vi Huấn để lại vẫn còn cắm trên cột, thuận tay rút xuống.

Lưỡi đao dài độ tám tấc, chuôi làm bằng sừng tê giác, nhìn qua đã cũ. Thân đao chẳng rõ rèn từ loại nào, hiện sắc tro đen kỳ lạ, ban đầu nhìn qua chỉ thấy xám xịt, không chút bắt mắt. Nhưng đem soi dưới ánh mặt trời, lại thấy hoa văn uốn lượn như nước chảy, ánh kim loại và hoa văn hòa vào nhau. Vuốt nhẹ, thân đao trơn nhẵn như đồ cổ lâu dòi.

Nàng nhìn sát chuôi đao, thấy khắc hai chữ kim văn nhỏ. Tuy am hiểu thư pháp, nhưng đối với thuật khắc chữ xưa thì không thông thạo, chỉ lờ mờ nhận ra một chữ “Ngư”.

Vi Huấn hôm qua cắm dao găm vào cột gỗ dường như chẳng phí chút sức lực nào. Công chúa thử vung vài đường, chưa kịp trúng thứ gì, Thập Tam đã vội hô lớn: “Cẩn thận! Dao găm này sắc lắm! Không kịp nhận ra thì vài món trên người cũng rơi mất rồi!”

“Ngươi thật khoa trương,” nàng gắt nhẹ, nghĩ hắn không muốn nàng chạm vào vật của sư huynh, bèn dồn sức cắm lại chủy thủ vào cột. Nào ngờ đâm xuống không một tiếng động, lưỡi đao đã lút sâu đến tận chuôi. Lúc này nàng mới hiểu, lời Thập Tam Lang quả thực không sai.

Thập Tam Lang không vội bỏ đi, vẫn ngồi trước hành lang cùng nàng trò chuyện: “Sư huynh ngươi có ngựa sao? Sao đi đến Trường An nhanh như vậy?”

Thập Tam Lang bật cười: “Chúng ta nghèo rớt mồng tơi, đến mái ngói che đầu cũng chẳng có, lấy đâu ra ngựa? Đại sư huynh thân pháp nhanh nhẹn, chân đi như bay, nói đi là đi, nói về là về.”

Công chúa chợt nhớ lại cảnh bị sỉ nhục trước cửa An Hóa hôm qua, lòng càng nghĩ càng thấy quái lạ, lập tức bao điều nghi hoặc dâng lên.

Nàng nghiêm giọng hỏi: “Hắn tự xưng là lưu dân, vậy vượt quan vào thành bằng cách nào? Huống hồ đêm kinh thành cấm đi lại, cổ mộ lại ngoài phường môn, cửa thành đóng, đường phố có Kim Ngô Vệ tuần tra. Hắn làm sao vào thành? Lại mua được thuốc ra sao?”

Thập Tam Lang ngập ngừng nói: “Ừm… mèo có lối mèo đi, chuột có ngõ chuột chui.”

Câu đáp lấp lửng, rõ là che giấu. Công chúa nào dễ bỏ qua? Nàng tức giận túm tay áo hắn, lớn tiếng: “Gọi sư huynh ngươi đến đây!”

“Công chúa có điều gì phân phó?”

Vi Huấn chẳng biết đã đứng sau lưng từ lúc nào. Nàng bị bất ngờ, giật thót tim, vội ổn định thần sắc, trầm giọng: “Ngươi biết cách vào thành không cần giấy thông hành, vậy mà để mặc ta bị quan trông thành làm khó, là có ý gì?”

Vi Huấn vẻ mặt vô tội: “Tại hạ làm được, nhưng công chúa thì không.”

“Sao ta không làm được?” nàng không phục.

“Giữa đêm, chờ lính gác thay ca, tay không leo tường mà vào. Hoặc phiền hơn, c** s*ch y phục, nín thở lặn theo dòng Vĩnh An Cừ.”

Vạn Thọ Công Chúa tròn mắt, môi mấp máy không nói thành lời. Hai cách ấy đều quá đỗi hoang đường, nhưng hắn nói ra với vẻ cực kỳ nghiêm túc.

Nàng tức tối quay sang hỏi Thập Tam: “Ngươi cũng có thể leo tường, lặn nước sao?”

Thập Tam Lang vội xua tay như quạt: “Tiểu tăng không dám! Tiểu tăng pháp hiệu Thiện Duyên, thân mang tăng tịch, quải đơn* trong thành, được phép tự do vân du trong Kinh Triệu phủ.” Dứt lời liền chắp tay niệm Phật, dáng vẻ đoan chính như nước chảy mây trôi.

Vạn Thọ Công Chúa chợt bừng tỉnh ngộ: thì ra “mèo có lối mèo đi, chuột có ngõ chuột chui”! Hóa ra kẻ phàm tục dắt theo chú tiểu, hai người xưng huynh gọi đệ, chính là để dùng tăng tịch làm lớp áo hợp pháp.

Vi Huấn thấy nàng tức giận quá độ, lúc này mới thu lại vẻ trêu chọc, chậm rãi lên tiếng: “Tại hạ thực sự không biết công chúa không vào được thành, cũng chẳng cố tình khoanh tay đứng nhìn. Nếu trong cung còn người đáng tin, Vi mỗ nguyện một phen truyền tin.”

Ánh mắt công chúa khựng lại, chìm vào trầm tư.

Nàng có người để tín nhiệm chăng? Tất nhiên là có.

Đầu tiên là huynh trưởng cùng mẹ Thiều Vương Lý Nguyên Anh. Ngày trước vâng chỉ rời Trường An đi trấn giữ U Châu, thân đang ở xa. Kế đến là ấu đệ Lý Nguyên Ức thuở nhỏ mẫu thân qua đời sớm, từ khi còn đỏ hỏn đã được nàng nuôi nấng trong Tê Phượng điện. Tình thâm nghĩa trọng là vậy, nhưng dẫu đã được phong làm An Bình Quận Vương, thì cũng chỉ mới bảy tuổi đầu, chẳng thể gánh nổi trọng trách.

Cữu phụ Tiết Văn Diệu từng làm đến Tể tướng, nhưng vốn là người nhát gan tham lợi, từ sau khi Quý phi tỷ tỷ ruột của ông mất, liền sinh lòng sợ hãi, quanh năm cáo bệnh nhàn cư, không hỏi chính sự. Ông e rằng bước chân vào triều sẽ gặp kết cục như Dương Quốc Trung. Còn đám biểu huynh biểu đệ tuy thân cư quyền quý, nhưng ngày ngày chỉ lo ăn chơi yến tiệc, giao vào tay bọn họ, nàng càng không yên lòng.

Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng chỉ còn hai người có thể trông cậy là hai nữ quan theo hầu bên người.

Nàng liền nói với Vi Huấn: “Trong cung, ta có hai nữ quan thân tín, một người tên Tiên Dật Tĩnh, một người là Hạ Phương giữ chức Điển Chính. Chỉ là, hai người họ hiện ở sâu trong cung cấm, không tiện truyền tin trực tiếp. Phiền ngươi đưa một bức thư đến Trường An, tới nhà của Hạ Điển Chính ở phường Vĩnh Cùng, nhờ người nhà nàng chuyển lại. À, nơi này có giấy bút không? Chỉ cần thấy nét chữ ta, nàng ắt hiểu.”

Vi Huấn không đáp, cũng không nhúc nhích, chỉ nhìn nàng bằng ánh mắt sâu thẳm phức tạp. Trong ánh nhìn ấy, thấp thoáng chút thương xót.

Công chúa bất giác chột dạ: chẳng lẽ hắn đổi ý, không muốn giúp nữa?

Vi Huấn bỗng hỏi: “Hai nữ quan theo hầu công chúa sao đó có đặc điểm nào dễ nhận diện không?”

Công chúa thoáng ngẩn người. Nghĩ thầm dẫu ngươi có biết dung mạo, cũng chẳng thể trực tiếp vào cung tìm gặp, nhưng vẫn cẩn trọng mô tả: “Hai người đều có nhan sắc . Tiên Dật Tĩnh lớn hơn ta hai tuổi, da trắng như tuyết, dưới mắt có một nốt ruồi son, thường mặc lục y, búi tóc kiểu ngã mã. Hạ Điển Chính thì đã ngoài ba mươi, dáng người đầy đặn, sau gáy có một vết sẹo hình đồng tiền, rất dễ nhận ra.”

Vi Huấn cúi đầu trầm mặc hồi lâu, như đang hồi tưởng điều gì. Cuối cùng thần sắc sa sầm, giọng khẽ buông một câu: “E rằng tin ấy chẳng thể gửi đi được. Tạm thời, tại hạ không thể trở lại mộ phủ.”

Nghe đến đó, công chúa bỗng giật thót, bật dậy như bị điện giật: “Ngươi nói vậy là có ý gì?!”

Vi Huấn vốn không định nói cho nàng biết chuyện những người trong mộ đều bị xử tử tuẫn táng, nhưng đến nước này, cũng chẳng thể giấu mãi.

“Trong địa cung, người còn sống chỉ có mình công chúa. Còn lại… đều đã chết. Tổng cộng bốn mươi hai người. Xét theo xiêm y, phần lớn là cung nữ, hoạn quan bên cạnh công chúa. Hai người mà người nhắc đến hôm qua nữ tử có nốt ruồi dưới mắt và người có vết sẹo sau gáy cũng nằm trong số ấy.”

Công chúa há miệng, muốn bật khóc, nhưng cổ họng như bị vật gì chặn ngang, chỉ thấy trời đất đảo lộn, đầu váng mắt hoa, chầm chậm khuỵu người ngồi phịch xuống đất.

Đã chết cả rồi sao? Tất cả… đều đã chết?

Tê Phượng điện có hơn ba trăm cung nhân ghi tên trong sổ sách, nhưng số được phép trực tiếp hầu cận nàng và Lý Nguyên Ức chẳng quá năm mươi. Còn lại chỉ là tầng lớp tạp dịch, không được bén mảng đến điện chính. Mà theo lời Vi Huấn, những người bên cạnh nàng nay đã bị giết sạch không còn một ai.

Nàng từng đọc sử sách, từng nghe chuyện tru di tam tộc, bức tử cả nhà vì liên lụy trọng tội. Nhưng khi bản thân thật sự rơi vào tuyệt cảnh ấy, khi chính những người thân cận nhất, giọng nói nụ cười còn phảng phất bên tai, phút chốc hóa thành u hồn nơi hoàng tuyền mới hiểu bóng tối ấy sâu đến nhường nào. Nàng từng ôm hy vọng mỗi ngày sẽ được trở về cung, trở lại nếp sống năm xưa. Nay mới hay, tất cả chỉ là giấc mộng ngây thơ.

Nước mắt long lanh đọng trên hàng mi, từng giọt trong suốt như châu, lặng lẽ rơi xuống. Các nàng, lúc chết, có giống mẫu thân năm xưa cũng bị rút cạn máu tươi?

Vi Huấn nhẹ đứng dậy, khẽ vẫy tay gọi sư đệ, định để mặc nàng ở lại khóc một lát cho nhẹ lòng.

Nhưng thiếu nữ lại vùng dậy, đưa tay lau vội nước mắt, nức nở bật tiếng: “Đừng đi… ta sẽ không quay lại hoàng cung nữa!”

Vi Huấn khựng bước, kinh ngạc ngoái đầu: “Sao vậy?”

Công chúa cắn chặt môi, trong mắt ánh lên sự quyết liệt. Sau hồi giằng co nội tâm, nàng như tráng sĩ tự chặt tay, trịnh trọng nhìn hai người trước mặt: “Ta muốn đi U Châu, tìm huynh trưởng nương nhờ. Hai người các ngươi hộ tống ta, nếu sự thành, ta nguyện ban cho các ngươi cả đời phú quý.”

Vi Huấn liền nghiêm nghị hỏi: “Từ Trường An tới U Châu, đường dài hai ngàn dặm. Nay thiên hạ không còn thái bình như thuở Thiên Bảo, khắp nơi cướp bóc dậy lên, thế đạo bất ổn, đường sá nguy hiểm. Công chúa muốn đi sao?”

Nước mắt vẫn đọng nơi khóe mắt, nhưng ánh nhìn kiên định: “Ta còn một đệ đệ cùng mẹ, năm nay vừa tròn bảy tuổi. Âm mưu này hại ta sâu như biển. Ta tuyệt đối không để nó bị liên lụy.”

Nhớ đến Lý Nguyên Ức, nàng khẽ cắn môi, ánh mắt se sắt lại vì nỗi đau dồn nén: “Mẫu thân mất vì khó sinh, đệ đệ ta chào đời đúng ngày giỗ mẫu phi, cả đời chưa từng được vui vẻ trọn vẹn một ngày. Từ nhỏ nó lớn lên bên cạnh ta, năm nào sinh nhật cũng là ta tự tay chuẩn bị cho nó. Nay ta cũng chẳng còn bên cạnh, nó sẽ rất buồn.”

Vi Huấn chợt hỏi: “Nói như vậy, mấy ngày trước chính là giỗ của Quý phi?”

Công chúa gật đầu: “Mười chín tháng Năm.”

Vi Huấn “à” lên một tiếng, thần sắc trầm ngâm.

Công chúa khẽ vuốt trang sức trong bọc, lấy ra một món châu báu tinh xảo, nâng lên tay ngắm nghía, chậm rãi nói: “Chiếc trâm thoa mười hai điền này vốn là vật mẫu thân ta từng dùng lúc sinh thời, chẳng hiểu sao khi hạ táng lại được cài lên tóc ta. Thật kỳ lạ.”

Chiếc trâm thoa được tạo tác từ vàng, đúc thành hình đóa sen nở rộ, mười hai nhánh tủa như cành hoa um tùm, mỗi nhánh đính hàng trăm phiến vàng mỏng, nhụy làm bằng trân châu, đế thoa là phiến tơ vàng dẹt mịn, gò tinh xảo như dệt ánh sáng. Hoa có nụ e ấp, có nụ chớm hé, có nụ vươn nở rực rỡ, tựa như cả cây kim hoa đón gió giữa hoàng cung thịnh thế. Gió khẽ thoảng qua, từng tua vàng rung lên lấp lánh, như cảnh mộng trong thơ cổ.

Không chỉ là tuyệt phẩm từ tay thợ bậc nhất thiên hạ, nó còn là vật thể hiện sự cao quý của phi tần nơi cung cấm. Năm xưa Quý phi từng đội trâm thoa này, dung nhan khuynh thành, gió lay lững lờ tà áo, khiến thi nhân Trường An cảm hứng trào dâng, thơ vịnh ngút ngàn, danh chấn một thời.

Thập Tam Lang ngạc nhiên hỏi: “Trong cung thường để vật của thân mẫu chôn cùng với nữ nhi sao?”

Thiếu nữ lắc đầu: “Đâu thể thế được. Theo quy chế, chỉ Hoàng hậu mới có thể dùng mười hai điền, ta thân là công chúa, nhiều lắm cũng chỉ được chín điền. Mẫu thân lúc sống được đãi ngộ ngang trung cung, sau khi mất được truy phong Hoàng hậu, nên có thể cài trâm thoa này. Còn ta mang vật ấy xuống mộ, là làm trái quy chế.”

Dù đã bảy năm, cảnh tượng ngày đó vẫn in sâu trong tâm trí.

Trẻ thơ oa oa cất tiếng khóc, Quý phi nằm trong vũng máu đỏ thẫm, tóc đen rối loạn, ngọc thoa rơi vãi, tay chân nhuốm máu. Bà muốn vươn tay chạm vào má đứa bé nhưng đã yếu đến mức không nhấc nổi cánh tay. Khắp phòng vang lên tiếng nức nở, phụ hoàng cũng khóc đến nghẹn ngào, ngồi bên giường hỏi lời trăn trối, mà bà chỉ có thể nhìn ông, không thốt nổi nửa lời.

Lý Nguyên Ức… là đứa trẻ cuối cùng được mẫu thân nàng ôm trong lòng. Là sinh mệnh bà yêu nhất.

Thơ có câu: “Đế vương vô tình”, nhưng nay nàng lưu lạc đến bước đường này, chẳng lẽ tình thâm năm ấy, nay đã phai nhạt cả rồi sao?

Thập Tam Lang niệm vài câu Kinh Bồn Máu, lời tụng an ủi người chết vì khó sinh (chú thích: kinh này bị xem là ngụy kinh, vốn do các hòa thượng thời sau bịa ra để lấy tiền đàn bà, không phải chính pháp, nên xin trích dẫn tạm thời).

Công chúa cố nén bi thương, lau nước mắt, giọng khản đặc: “Chiếc trâm thoa này… không thể để rơi vào tay kẻ khác. Còn những thứ này, các ngươi hãy mang vào thành bán lấy tiền, xem như lộ phí.”

Nói rồi, nàng trịnh trọng đặt đầu thoa của mẫu thân sang một bên, lấy ra chiếc trâm ngọc cài tóc thường ngày, một xâu chuỗi ngọc, vòng tay, xuyến bạc gói ghém cẩn thận, trao vào tay Vi Huấn.

Quải đơn: Còn gọi là Quải Tích, Quải Bát, nghĩa là một vị Tăng du phương hành cước, ôm y bát, hành lý vào xin ở nhờ trong Tăng Đường một tự viện nào đó. Thuở xưa, chư Tăng ngủ trên đơn chứ không nằm trên giường. Đơn là một miếng gỗ kê lên giá, vừa đủ cho một người nằm. Khi có người gia nhập tăng chúng thường trụ thì kê thêm đơn, nên xin gia nhập một ngôi chùa nào sẽ được gọi là “quải đơn” (treo đơn, tức kê giường),khi xin ra khỏi chúng đi qua chùa khác thì gọi là Trừu Đơn (rút đơn).

Từ bây giờ với Vi Huấn mình sẽ xưng hô là ta ngươi, với Thập Tam Lang là tỷ đề.

Chương trước
Chương sau
Trang web đọc truyện online hàng đầu Việt Nam, cung cấp kho truyện phong phú với các thể loại như tiên hiệp, kiếm hiệp, ngôn tình, truyện teen và truyện đô thị. Tất cả các tác phẩm đều được chọn lọc kỹ lưỡng bởi các tác giả và dịch giả uy tín, mang đến trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời nhất cho bạn!
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.