Trên quan đạo, khách lữ hành dần đông lên. Vi Huấn bỗng nhớ ra điều gì, quay sang hỏi: “Phải rồi, tên ngươi là gì? Chẳng lẽ để người ta cứ gọi ‘công chúa’ mãi sao?”
Thiếu nữ cúi đầu, hai gò má ửng đỏ dần.
Lúc bấy giờ, con gái nhà danh giá đều giữ kín khuê danh, người ngoài khó lòng biết được. Giữa nam và nữ càng kiêng kị hỏi tên riêng nhau, trừ người thân cận nhất trong nhà. Công chúa càng quý hiếm, khuê danh chẳng mấy khi ra khỏi cung, sử sách cũng không chép. Chỉ khi đến tuổi lấy chồng, trong lễ hỏi, mới báo danh cho nhà trai.
Nhưng nay thân lưu lạc dân gian, còn ai bận lòng giữ lễ cũ? Nàng mang vẻ e thẹn, khẽ đáp: “Ta tên thật là Bảo Châu, là châu ngọc, nhưng… các ngươi không được gọi ta như thế.”
Vi Huấn khẽ rùng mình, bước chân chậm lại.
Thập Tam Lang ngạc nhiên: “Đã đặt tên mà không cho gọi, thì đặt làm gì?”
Bảo Châu không muốn giảng giải về những lễ phép rườm rà quanh tên húy, chỉ chợt nhớ hoàng đế Huyền Tông từng thích dân gian gọi mình là “Tam Lang thiên tử”, bèn nói: “Ta đứng hàng thứ chín trong nhà, các ngươi gọi ta là Cửu Nương cũng được.”
Dù trong cung hay chốn dân gian, người quen thân thường xưng gọi: nam là “Lang”, nữ là “Nương”, thêm thứ tự đứng hàng phía trước đó là lối gọi phổ biến nhất.
Thập Tam Lang vừa nghe danh xưng ấy, bỗng chốc như chợt nhớ ra điều gì, khẽ lẩm bẩm: “Lý Bảo Châu… Châu là châu sống…” Trong lòng vừa động, liền cất tiếng gọi lớn: “Đại sư huynh!”
Vi Huấn như không nghe thấy, chỉ nắm dây cương, lặng lẽ đi lên phía trước. Thập Tam Lang cảm thấy kỳ lạ, lại gọi tiếp một tiếng. Vi Huấn lúc này mới ngơ ngác đáp lời, vẫn không quay đầu lại. Dù không trông rõ nét mặt hắn, Thập Tam Lang lại nhận ra bước chân của sư huynh bỗng trở nên loạng choạng, thậm chí vô ý đá bay cả một hòn đá ven đường.
Thập Tam Lang biết rõ, sư huynh đã luyện “Thận Lâu Bộ” đến độ thuần thục, ngay cả trong đêm tối cũng bước đi vững như đóng cọc. Giờ đây mất hồn mất vía như vậy, rõ ràng là cái tên của thiếu nữ kia đã khiến hắn động lòng.
Ba người mang theo tâm tư riêng, cứ thế đi mãi về phía đông.
Khi tới gần Bá Kiều, chặng tiễn biệt rời Trường An cũng đã đến. Theo lệ xưa, khi chia tay, người ta thường bẻ liễu tiễn nhau. Nhưng nay đất Quan Trung đại hạn, trời đã nửa năm không mưa, ngay cả cây liễu cũng trụi lá. Huống hồ, nàng nay chẳng còn là công chúa cao quý, nơi này không ai quen biết, cũng chẳng ai đưa tiễn nàng bằng một cành liễu nhỏ.
Bảo Châu thường đọc trong thi thư thấy người xưa nhắc đến Bá Kiều lúc biệt ly, nay tận mắt nhìn cảnh liễu héo hoang, lòng dâng niềm bi cảm, nước mắt cứ thế rơi xuống.
Vi Huấn nói khẽ: “Bây giờ quay đầu vẫn còn kịp, ngươi có thể không đi nữa.”
Bảo Châu quật cường: “Ta không hối hận. Chỉ là… tới Bá Kiều, nhớ đến đệ đệ mà thôi.”
Vi Huấn điềm đạm: “Đứa nhỏ không sao cả, hiện ở tạm trong Thanh Nguyên Điện. Chỉ là, giống ngươi, khóc mãi không thôi.”
Bảo Châu sững người, nghiêng người ghé sát lại thì thầm hỏi: “Làm sao ngươi biết?”
Vi Huấn xoay đầu, cười ranh mãnh: “Lúc đi hái trộm quýt, tiện thể liếc nhìn một cái.”
Bảo Châu đưa tay che miệng, cố nhịn không khóc òa. Đại Minh Cung ở phía đông bắc hoàng thành, từ chùa Thúy Vi đi đến kho lương trong thành, vốn không đi ngang qua hoàng cung. Nhưng khi trở về thì lại có thể ghé qua đó. Hắn chẳng phải “tiện thể” hái quýt, mà rõ ràng là cố tình đi xem đứa em nhỏ của nàng, tiện tay lấy mấy trái quýt mà thôi.
Thanh Nguyên Điện là chỗ ở của Tống Thái phi một người hiền lành, sống không màng quyền thế. Được theo bà ấy, ít ra cũng không phải chịu khổ. Nghĩ đến đó, nước mắt nàng lại chực tuôn, chẳng rõ đứa trẻ ấy có còn nhớ lời dặn của tỷ tỷ, mỗi ngày cố gắng luyện chữ hay không.
Thấy nàng rơi lệ không ngớt, Vi Huấn khẽ than: “Xem ra phải vượt qua Bá Kiều, Cửu Nương mới thật sự thoải mái.”
Bảo Châu lau nước mắt, mặt buồn rười rượi: “Rơi vào hoàn cảnh này, thoải mái nổi gì nữa?”
Hắn nghiêm mặt đáp: “Vậy thì rời Trường An thôi. Lệnh cấm tang chế, kiêng mặn khổ hạnh, chẳng ai ăn được miếng gì ra hồn. Ngươi nhìn xem phía trước kia, mấy sạp hàng nhỏ, còn dám bày bán cá rán, vịt quay, canh huyết… nào là tim gan lòng mề, toàn món ăn rẻ mà ngon, mười đồng một phần, rẻ mà đáng giá. Cửu Nương ngươi không còn phải vì Vạn Thọ Công Chúa mà kiêng khem nữa, có thể ăn uống lại rồi!”
Nghe đoạn nói nhăng nói cuội ấy, Bảo Châu vừa giận vừa buồn cười, mắng mấy tiếng “ăn nói linh tinh”. Thập Tam Lang thì chân thành thật thà, còn năn nỉ xin một đồng tiền để mua bánh cá, hai người cười đùa ồn ào, cũng khiến niềm thương cảm trong lòng nàng vơi bớt đi.
Trường An có đến trăm vạn dân, mỗi ngày tiêu thụ lượng lớn lương thực, rau củ, củi đốt những món hàng thiết yếu đều phải chở từ các nơi về. Vì giá hàng ở vùng ngoài thành rẻ hơn trong nội đô, nên phu xe, phu kiệu hay tụ tập tại đó nghỉ chân, tạo nên cảnh tượng đông đúc như một phiên chợ nhỏ.
Các sạp hàng quanh đó bày bán toàn những món dành cho người lao động đổ mồ hôi, vất vả kiếm sống. Chẳng bàn đến hương vị ra sao, chỉ riêng lượng muối nêm vào cũng đủ khiến người ta chát miệng. Đám trai tráng c** tr*n, áo ngoài cuốn ngang eo, da thịt đen sạm vì nắng, ngồi túm tụm bên nhau vừa ăn vừa uống, mồ hôi nhễ nhại.
Bảo Châu vừa thấy cảnh đó liền kiên quyết không chịu ghé vào dùng bữa.
Vi Huấn nói: “Trong cung, thức ăn các quý nhân dùng cũng đều do những người như thế này đưa tới. Cửu Nương chê bai họ sao?”
Bảo Châu không chịu nhận là mình ghét, chỉ nói họ cởi áo tr*n tr**ng như thế tới gần không tiện.
Bên cạnh lại thấy một đám dân lưu lạc, áo quần tả tơi, ngay cả món ăn mười đồng một phần cũng không nỡ mua, chỉ cầm bánh khô, uống nước lã qua bữa.
Đám phu kiệu c** tr*n vì nóng, còn đám dân lưu lạc kia thật sự chẳng còn gì để mặc, thân mình chắp vá bằng những mảnh vải nhặt nhạnh, chẳng màng che đậy. Nhiều đứa trẻ nhỏ cứ tr*n tr**ng nằm la liệt trong sọt, giống như heo con chờ người mua chọn.
Bảo Châu hỏi: “Họ cũng đi Trường An sao?”
Vi Huấn đáp điềm nhiên: “Phải. Hoặc là chạy giặc, hoặc bị mất mùa, có khi thì châu chấu phá sạch. Ở quê chẳng còn đường sống, vào thành tìm kế mưu sinh. Dù là làm thuê, làm mướn, miễn có việc là có ăn. Cùng lắm thì bán thân làm nô bộc, còn hơn chết đói.”
Bảo Châu nghe mà sững người. Nàng chưa từng nghĩ đến có cả cách cầu sống như vậy. Trong lòng vừa thương cảm, lại vừa nơm nớp sợ sau này mình cũng bị hai tên “tiểu tặc” kia đem bán.
Thập Tam Lang dùng ít tiền mua hai cái bánh rán nóng hôi hổi đưa nàng. Bảo Châu thấy hình dạng bánh tròn, vỏ vàng sậm, mơ hồ có mùi dầu khét, không biết bao lâu rồi chưa thay chảo, bèn không muốn ăn, cuối cùng để lại cho chú tiểu.
Chưa đi được hai canh giờ, phía sau bỗng có một người cưỡi con lừa đen mập đuổi tới. Người đó đầu to như cái đấu, mặt tròn như mâm thịt, đôi mắt híp lại thành một đường chỉ, cổ như dính liền vào vai, trông chẳng khác nào không có cổ. Tay cầm cờ trắng ghi ba chữ “Diệu thủ hồi xuân”, sau lưng là hòm thuốc hiển nhiên là một thầy lang rong.
Người to lớn mà cưỡi con la bé nhỏ, trông như cục thịt lớn đè lên cục thịt nhỏ, vừa nhìn đã thấy buồn cười. Bảo Châu lén liếc nhìn đôi lần, ai ngờ gã mập kia cũng nhìn nàng chằm chằm từ đầu tới chân, ánh mắt tinh quắc như kẻ bán thịt chọn hàng, khiến nàng cực kỳ khó chịu.
“Lừa tốt thật.”
Bảo Châu giận sôi. Khen người chưa kịp, lại đi khen lừa trước!
“Người cũng đẹp.”
Tay nàng siết chặt roi ngựa, chỉ chờ gã đến gần là quật một phát thật đau.
Đúng lúc ấy, Vi Huấn lặng lẽ giật dây cương, kéo ngựa vào giữa, chắn giữa nàng và gã béo.
Gã mập tỏ ra thân thiết: “Đại sư huynh, chỗ nào mà kiếm được con lừa đẹp với tiểu tì xinh như thế này?”
Vi Huấn không quay đầu, đáp cộc lốc: “Ta mua.”
“Ồ! Các huynh đệ mới tan đàn, sư huynh đã phát tài rồi!”
Vi Huấn lườm một cái: “Có ý kiến gì à?”
Gã béo vội cúi đầu: “Lão Tứ nào dám!”
Lúc này Thập Tam Lang nhỏ giọng kêu lên: “Tứ sư huynh.”
Bảo Châu mới hiểu ra: thì ra gã mập đen này cũng là sư huynh của bọn họ!
Gã béo cưỡi lừa cứ nói chuyện không ngừng, dò hỏi đủ điều, nhưng Vi Huấn chẳng buồn đáp. Bảo Châu không nhịn được, hỏi: “Ngươi không thấy ta cưỡi lừa, còn hắn đi bộ, sao lại khăng khăng bảo ta là tì nữ?”
Gã mập cười hề hề: “Đại sư huynh xưa nay làm việc kỳ quái, đi ngược lẽ thường, chuyện này có là gì. Ta biết hắn đời nào chịu làm đầy tớ cho ai, thì đương nhiên chỉ có thể là ngươi thôi!”
Lý lẽ trơn tru khiến Bảo Châu nghiến răng, chỉ muốn vụt cho một roi, tiếc là gã cưỡi lừa lắc lư, giữ khoảng cách vừa đủ ngoài tầm roi.
Một người một lừa sóng vai tiến bước. Gã mập nói huyên thuyên hồi lâu, Vi Huấn mặt lạnh như tiền, không buồn liếc mắt. Gã đành phải vào đề chính: “Đại sư huynh nhãn lực thiên hạ vô song, chi bằng đừng đi một mình. Mấy huynh đệ ta góp lại lập phường, ngươi chỉ cần điểm huyệt ra tay, mọi việc lặt vặt để bọn ta lo. Lãi lời chia ba phần mười, huynh thấy sao?”
Vi Huấn cự tuyệt thẳng thừng: “Không.”
Gã mập nhăn mặt giơ bốn ngón tay: “Bốn phần! Thật sự không thể cao hơn. Bọn ta đâu được như huynh, mỗi người còn nuôi vợ con, gánh nặng không nhỏ.”
Vi Huấn cười nhạt: “Ta dành tiền này để chuẩn bị mua quan tài cho mình đấy. Dù có cho cả mười phần, ta cũng không làm.”
Gã mập bị từ chối thảm hại, biết Vi Huấn là kẻ cao ngạo, không dễ gì thuyết phục, đành bỏ ý định. Nói mấy câu vu vơ rồi lẳng lặng rời đi. Trước khi đi, vẫn không quên ngoái lại nhìn Bảo Châu cùng con lừa, miệng lẩm bẩm:
“Đẹp thì đẹp thật… chỉ tiếc là còn sống.”
Bảo Châu lúc ấy đã không nhịn nổi nữa, hai chân ghì chặt, thúc con lừa lao lên. Không ngờ con lừa gầy ấy lại hăng máu đến thế, vừa nhảy một cái đã vượt lên sau lưng con la phía trước. Nếu chẳng phải nàng quen cưỡi ngựa từ nhỏ, e là suýt bị hất văng xuống đất. Vừa vặn đúng tầm, nàng liền vung roi, quất mạnh vào lưng gã mập phía trước, đúng ngay chỗ cái hộp gỗ treo sau lưng hắn.
Roi quất chắc nịch, nhưng âm thanh lại nặng nề đục ngầu, như đánh vào cột gỗ vậy. Gã mập chẳng chút phản ứng, tựa hồ chẳng cảm thấy gì, vẫn nghênh ngang tiến lên, không thèm ngoảnh lại.
Bảo Châu sững người giây lát, nổi giận hỏi Vi Huấn:
“Cái tên mặt đen đó dám vô lễ như thế, sao ngươi không giết hắn đi?”
Vi Huấn chỉ lắc đầu: “Giết thì dễ thôi, chỉ là ta cũng phải chịu ít thương tích, chẳng đáng.”
Thập Tam Lang từ nãy vẫn im lặng, giờ mới khẽ thở phào, bước tới khuyên nhủ: “Tứ sư huynh này rất khó dây vào, Cửu Nương tốt nhất đừng chọc vào hắn. May mà trong mộ hôm ấy, người gặp được là đại sư huynh. Nếu khi đó là Tứ sư huynh đào mộ, e là tỷ đã gặp họa lớn rồi.”
“Họa thế nào?”
“Cái này… thôi, không nói thì hơn.”
Bảo Châu nhìn vẻ mặt Thập Tam Lang lập lòe, muốn nói rồi lại thôi, hiển nhiên chẳng phải lời gì tốt đẹp để một thiếu nữ như nàng nghe. Nàng lại hỏi: “Cái tên mặt đen ấy nhìn qua cũng hơn ba mươi, sao hắn là hàng thứ tư, còn Vi Huấn lại là đại sư huynh?”
Thập Tam Lang đáp: “Tụi đệ xếp thứ không theo tuổi, mà theo lúc nhập môn.”
Bảo Châu thầm nghĩ, bọn người này nào tăng, nào đạo, nào lang băm, ai nấy hình thù kỳ lạ, tính tình ngang tàng, nếu không tận mắt thấy, nàng thật không thể tin giữa đời lại có lắm kẻ dị thường đến vậy.
Cả đoàn lại đi thêm một đoạn, chẳng ngờ thấy gã mập đen kia đã đứng chờ ở ngã ba phía trước.
Bảo Châu đã đầy bụng chán ghét, quay sang nói với Vi Huấn: “Nếu hắn còn dám buông lời bẩn thỉu, ta sẽ bắn hắn một mũi tên.”
Vi Huấn mỉm cười, không hề ngăn cản: “Cứ thử xem.”
Nhưng lần này gã mập chẳng buông lời gì cả, cũng không nhìn về phía họ, mà mắt lại đổ dồn về hướng Trường An. Chỉ thấy đằng xa có một đội quan binh đang áp giải mấy trăm người già trẻ lớn bé. Trên có cụ ông cụ bà đầu tóc bạc phơ, dưới có cả đứa trẻ cao vừa chớm đầu gối. Tất thảy đều mặc áo tù, đeo gông gỗ, lết đi thành từng hàng, khóc lóc thảm thiết, nghe mà ai cũng động lòng. Người đi đường dừng lại xem đông nghịt.
Cả nhóm Vi Huấn tránh sang ven đường, đứng lại trông.
Bảo Châu hỏi nhỏ: “Họ là ai vậy?”
Gã mập đen đáp: “Chỉ bởi vì Vạn Thọ Công Chúa mất, đám ngự y chẩn trị không thành, thiên tử nổi giận, lệnh bắt hết thân tộc nhà họ, đày ra ngoài biên ải.”
“Gì cơ?!”
Bảo Châu nghe xong, cả người run rẩy, vừa kinh hoàng, vừa ân hận. Ánh mắt nàng đờ đẫn, mãi không rời khỏi đoàn người ấy.
Tỳ nữ, thái giám trong cung bị tuẫn táng, nàng từng nghe Vi Huấn kể, nhưng cũng chỉ là gián tiếp biết được. Giờ đây trông tận mắt cảnh cụ già dắt tay trẻ nhỏ, ai nấy mặt mày tang thương, khóc không thành tiếng, đến cả đám quan binh hộ tống cũng ái ngại chẳng nỡ thúc giục, cảnh tượng ấy làm sao không khiến nàng chấn động tận đáy lòng?
Nàng khẽ lẩm bẩm: “Người ai chẳng có số mệnh. Ngự y cũng đâu thể cải tử hoàn sinh, sao lại kéo theo cả thân tộc? Luật nước ta vốn nghiêm minh, nếu được ba tòa xét lại, có khi còn mong lật lại bản án.”
Gã mập đen liếc nàng một cái, giọng đầy giễu cợt: “Cô nương này thật thơ ngây. Pháp luật là gì chứ? Vụ án này chính là do thiên tử ra mặt luận tội. Miệng ngài phán ra như trời định, nói bắt là bắt, phán đày là đày. Chớ nói chi thường dân, ngay cả quan lớn có xin cũng chỉ giữ được mạng cho họ là may. So với mệnh công chúa, bọn ta chẳng khác chi bầy chuột con, đàn kiến nhỏ mà thôi.”
Khi đoàn già trẻ kia đi ngang qua, gã mập cũng từ trên lưng con la bước xuống, đứng bên đường trông theo. Hắn thở dài:
“Vùng đất kia đường xa muôn dặm, núi cao rừng độc, khói mù chướng khí, trong số này e chỉ còn một nửa là sống sót đến nơi. Ngự y, lang y gì cũng đều là thầy thuốc, ta dù chẳng bằng họ cũng coi như đồng nghề. Một con ngựa đau, cả bầy ngựa bỏ ăn mà…”
Đoàn người Vi Huấn thì xuôi đông về U Châu, còn họ lại theo đường nam tới vùng biên, chỉ thế mà mỗi người mỗi ngả.
Đến khi đoàn người kia khuất khỏi tầm mắt, tiếng khóc cũng chìm dần vào lặng lẽ, gã mập xoay người trèo lại lên lưng la, quát khẽ một tiếng, con la gầy gò kia liền tung bốn vó, bất ngờ lao đi như bay, bụi tung mù mịt, oai phong không kém chiến mã.
Nhìn cảnh đó, cả ba người đều lặng thinh, không ai mở lời, bầu không khí nặng nề như bị treo lửng giữa trời.
Một lúc sau, Thập Tam Lang mới nhẹ giọng nói: “Mấy chuyện như vậy, giống như trời giáng lũ lớn, hạn hán hay dịch bệnh, đều là ngoài sức người xoay chuyển. Tổ tiên đệ từng làm quan, sau bị vạ tội, cả nhà đều bị xử trảm. Đệ còn bọc tã nên được tha, đưa vào chùa nuôi lớn, mới sống sót đến nay.”
Bảo Châu kinh ngạc hỏi: “Đệ là con cháu nhà nào?”
Thập Tam Lang đáp: “Đệ họ Đỗ.”
Bảo Châu nghe vậy, liền im lặng. Chuyện “án Đỗ Hòa” năm ấy chấn động khắp thiên hạ. Tổ tiên nhà họ Đỗ vốn là một trong hai mươi bốn công thần khắc trên Lăng Yên Các, con cháu còn từng cưới cả công chúa. Nào ngờ hậu thế bất tài, vướng vào tội mưu phản, rước họa diệt môn. Người nhà từng phong hầu, chức tước chồng chất, rốt cuộc cháu con lại sống bằng nghề khất thực nơi cửa chùa, thật đúng là trêu ngươi thay tạo hóa.
Thập Tam Lang kể những điều đó mà không lộ vẻ thương tâm oán hận, như thể đang kể chuyện của người khác. Có lẽ vì lúc ấy còn quá nhỏ, chẳng nhớ gì đến sự yêu thương của cha mẹ, đã chẳng từng hưởng vinh hoa, nên cũng chẳng thấy mất mát bao nhiêu. Vậy mà từ miệng cậu lại nói ra câu: “Số phận như thiên tai”, khiến người nghe không khỏi rung động.
Bảo Châu siết chặt dây cương, cố nén bi thương, hạ quyết tâm mà nói: “Nếu có một ngày ta tìm được chân tướng, nhất định sẽ giải oan cho những người vừa rồi bị lưu đày!”
Vi Huấn ngẩng đầu liếc nhìn nàng, trong mắt thoáng một tia tán thưởng: “Ngươi có chí ấy, kể cũng không phải hạng chỉ biết nghĩ cho mình.”
Bảo Châu ngược lại hỏi: “Thế còn ngươi? Vì sao lại đi theo ta? Vừa rồi tên mặt đen ấy dụ ngọt chia phần lợi, ngươi chẳng thèm ngó tới, làm quan cũng không mặn mà. Vậy rốt cuộc ngươi muốn gì?”
Vi Huấn dắt dây cương, không ngoái đầu lại, chỉ thản nhiên đáp:
“Giống ngươi thôi. Chỉ là cũng tò mò, muốn biết chân tướng là gì.”
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.