Cả phố đều đổ dồn ánh mắt về tòa tháp Phật cuối phố.
Ai có mắt đều trông thấy rõ: Tháp Đa Bảo cao chừng hai mươi trượng, trừ đại môn tầng trệt ra, các tầng đều không có một ô cửa sổ. Mỗi tầng chỉ có một gò mái hẹp như vòng eo, không có chỗ đặt chân, hơn nữa trên mỗi gò mái đều treo một dãy chuông đồng, tầng tầng lớp lớp, sắc vàng rực rỡ. Nếu có ai trèo lên, ắt không thể không chạm vào chuông. Đã vậy, cửa tháp dưới khóa kín, bốn bề quân lính canh phòng nghiêm ngặt, trừ phi là loài chim biết bay, bằng không không thể nào vô thanh vô tức mà lên được đỉnh tháp.
Thế nhưng, chuyện không tưởng lại thật sự đã xảy ra.
Trong tiệm nhà họ Tôn, khách trọ bàn tán sôi nổi.
Một người từ Biện Lương ngờ vực nói: “Thôi đại soái bên chỗ chúng tôi được tôn là Vương đất Từ Châu, làm gì có kẻ nào gan to bằng trời, dám chạm vào của quý của ông ta? Huống hồ món bảo bối ấy còn định tiến cống cho Hoàng thượng!”
Một lão nhân vuốt râu, đắc ý nói: “Chắc chắn là tay đạo tặc nào đó thân thủ cao siêu, bản lĩnh trời phú. Nếu không, làm sao có thể lẻn qua tầng tầng lớp lớp canh phòng, nhẹ bước lên tận đỉnh tháp, lấy được bảo vật?”
Nghe lão nhân nói tới đây, thiếu nữ vẫn im lặng nãy giờ liền bị sặc nước trà, ho khẽ một tiếng. Nàng vội che ly, giả vờ như không có gì, cố nén ánh mắt dao động.
Một vị khách trẻ tuổi thắc mắc: “Nếu là bảo vật định dâng lên Thiên tử, sao không để quan trực tiếp tiến về Trường An, lại dừng chân ở Hạ Khuê, đưa vào chùa Liên Hoa thờ phụng?”
Trong quán, một bà lão chuyên quét dọn ho khan mấy tiếng, kéo dài giọng nói: “Ta có một muội muội làm vú nuôi trong phủ Ngô huyện lệnh, vì thế nghe được ít nhiều chuyện trong nhà họ.”
Lập tức, mọi con mắt đổ dồn về phía bà, tinh thần bà lão sáng bừng, dáng vẻ như trẻ lại cả chục tuổi. Bà hắng giọng, ra chiều bí mật nói: “Ngô huyện lệnh nổi tiếng là người có hiếu, trong thành ai ai cũng biết. Mẫu thân ông ấy ăn chay niệm Phật từ sớm, ngày ngày thắp hương tụng kinh. Ông ta là con, dĩ nhiên phải tận hiếu, theo hầu chu đáo…”
Chàng khách trẻ nôn nóng chen lời: “Lão bà à , chuyện ấy thì liên quan gì đến vụ mất bảo vật?”
Bà lão trừng mắt: “Đồ thô lỗ! Không nghe đầu đuôi, sao hiểu được chuyện sau?”
Mọi người cũng hùa theo, nhao nhao trách chàng trẻ tuổi, nài bà kể tiếp.
Bà lão nâng giọng nói: “Lúc người dưới trướng của Thôi đại soái mang bảo vật đến Hạ Khuê, Ngô huyện lệnh vốn muốn mở tiệc đãi khách. Mẫu thân ông ta vừa nghe có của quý sắp dâng lên vua, liền một mực nằng nặc muốn được thấy tận mắt. Ngô huyện lệnh là người con chí hiếu, há có thể từ chối? Thế là nghĩ cách đưa bảo vật vào chùa, lấy danh nghĩa ‘bái Phật cầu phúc’ để mẹ mình được ngắm một lần cho thỏa. Người đó vì nể mặt cũng đồng ý. Nghe đâu Thánh thượng cũng kính ngưỡng đạo Phật, chùa Liên Hoa lại là danh tự gần xa, để mấy hôm cũng chẳng tổn hại gì.”
Bà lão nói đến đây, khẽ lắc đầu thở dài: “Nào ngờ, ngay tại nơi này lại xảy ra chuyện! Sáng sớm hôm qua, khi mở tháp kiểm tra, bảo vật đã không cánh mà bay. Ngô huyện lệnh tức đến tóc bạc nửa đầu, vội vã bắt giữ toàn bộ quân canh tháp, cả sư sãi trong chùa cũng không tha, ai nấy bị tra khảo cực hình, chỉ mong tìm lại được báu vật, vớt vát chút thể diện.”
Nghe tới đây, mọi người xôn xao hẳn lên, lời bàn tán nổi như sóng gió. Kẻ nói mẫu thân Ngô huyện lệnh to gan, kẻ lại mắng ông ta ngu hiếu mà rước họa.
Chỉ có chàng tiểu quan bị giật mất món bảo vật là không vui, lớn giọng quát: “Việc nước, đâu thể để một người đàn bà chen chân?”
Uống ngụm trà, thanh giọng hắng cổ, thấy mọi người đã chú mục về phía mình, y mới thong thả nói tiếp: “Vạn Thọ Công chúa chẳng phải vừa qua đời sao? Chuyện này thiên hạ đều biết. Thánh thượng thương tâm thành bệnh, mấy ngày liền không lâm triều. Giờ mà đem bảo vật vào cung, chẳng khác nào tự tìm rắc rối. Ta nghĩ, Thôi đại soái hẳn đã sai người đó tìm cớ dừng lại đây, chờ đến khi Hoàng thượng nguôi ngoai rồi mới tiến dâng, như thế mới mong được phong thưởng.”
Y lắc đầu, ánh mắt lạnh tanh: “Võ Uy quân tiết độ sứ là một phương bá chủ, một tên huyện lệnh nhỏ nhoi sao dám để việc nhà chen ngang chính sự? Nói mẫu thân Ngô huyện lệnh đòi xem bảo vật, e là lời đồn không căn cứ mà thôi!”
Nghe y nhắc đến Công chúa mất, Hoàng thượng đổ bệnh, thiếu nữ khẽ c*n m** d***, đôi mắt khẽ cụp xuống.
Một bên là bà lão kể chuyện đầu đường xó chợ, một bên là viên tiểu quan đưa ra suy đoán từ người trong cuộc. Lời mỗi bên một kiểu, nghe vào đều có lý.
Chủ tiệm nói: “Nhà ta là hạng dân thường, chẳng thân quen với huyện lệnh hay tiết độ sứ mấy bậc nhân vật như sao trên trời kia. Nhưng nhắc đến La Thành Nghiệp tên bất lương soái ấy thì ta lại biết khá rõ. Người này là tay danh tiếng nhất vùng Hạ Khuê. Trước từng là người trong giang hồ, danh ‘Sư tử yết’ nghe đâu vì chiếc mũi hắn linh mẫn khác thường, ngửi được cả hơi kẻ gian trong gió, mắt thấy bốn ngả, tai nghe tám phương. Ba năm về nhận chức nơi đây, phá án như chơi, khiến kẻ trộm cướp trong thành khiếp đảm, đành ngoan ngoãn quy ẩn. Bởi thế mới được gọi là ‘Hoa Châu đệ nhất Danh bộ’. Tuy vậy, người này cũng không phải thánh hiền, có chút ham tiền, thi thoảng lại bóng gió đòi chút ‘hiếu kính’.”
Một vị khách trẻ chen lời: “Vậy thì hẳn là đạo tặc trộm bảo sợ cái mũi chó của ‘Sư tử yết’, nên mới ra tay trước, giết quách đi, tránh hậu hoạ sau này!”
Chủ tiệm lắc đầu: “Cậu còn non lắm. La Thành Nghiệp võ nghệ cao cường, tay cầm thiết giản, múa lên như một khối sắt đúc khiến nước đổ không lọt, đao kiếm khó xuyên. Bốn năm kẻ khỏe mạnh cũng chưa chắc địch nổi hắn. Vậy mà lại bị một tên trộm giết dễ dàng thế sao?”
Mọi người nghe kể đều hào hứng, bàn luận rôm rả. Chủ đề lại quay về món bảo vật kia rốt cuộc là thứ gì.
Là răng Phật? Là ngọc quý? Là ngọc tỷ? Hay là tấm thiếp của Thư Thánh Vương Hi Chi? Hoặc chăng là tiên đan trường sinh từ Bồng Lai đảo?
Sự tò mò nổi lên, ai nấy trong lòng đều như bà lão nhà họ Ngô, ngứa ngáy không chịu nổi, chỉ mong được tận mắt trông thấy của quý một lần cho thoả nguyện. Chủ tiệm nhân cơ hội bày ra một đấu hạt dưa khô, rao bán hai văn một bao, nước trà cũng châm thêm dồn dập, cung kính phục vụ khách trọ. Thấy Thập Tam Lang còn nhỏ tuổi, còn tự tay đưa hắn một nắm đầy.
Bấy giờ, vị thương nhân từ Biện Lương mới chậm rãi lên tiếng: “Tại hạ có nghe kể một truyền kỳ xứ Từ Châu, nay xin đem ra cùng các vị chia sẻ. Tuy không dám chắc đó chính là món bảo vật bị mất, nhưng chuyện thì thật trăm phần trăm.”
Mọi người nhao nhao: “Nói mau! Nói mau!”
Thương nhân kể: “Năm trước, trong quân Võ Uy có một người lính thường ngày không nổi bật, một hôm uống rượu say, trên đường từ thôn trở về doanh trại, bỗng bị một con bạch xà dài hơn ba trượng chặn ngang lối. Thân nó to bằng thùng nước, mắt phát sáng đỏ như đèn lồng. Gã lính sợ đến tỉnh rượu, vội tuốt đao giao chiến. Cuộc vật lộn kéo dài, cuối cùng hắn cũng chém được xà chết. Trên trán bạch xà khảm một viên minh châu to cỡ một tấc, ban đêm tỏa sáng như đuốc. Sau khi đào lấy châu, thân xà hoá thành dòng nước tan biến. Người lính không dám giấu của riêng, đem dâng bảo châu lên tiết độ sứ Thôi đại soái. Thôi đại soái được bảo quý như bắt được vàng, liền phong gã ấy làm tâm phúc. Chuyện này ở Từ Châu ai ai cũng biết. Nghe đâu đến nay, người lính đó vẫn theo hầu bên đại soái, tận trung phục vụ.”
Mọi người đang chìm đắm trong câu chuyện kỳ lạ ấy thì tiểu quan nọ vỗ hai tay đánh bốp một tiếng, vẻ mặt như vừa ngộ ra điều lớn lao, miệng khẽ kêu: “Phải rồi! Phải rồi!”
Y không dám nói lớn, bèn ghé miệng thì thầm: “Chuyện Lưu Bang chém bạch xà khởi nghĩa, nhà nhà đều thuộc, đàn bà con nít cũng từng nghe qua. Bạch xà châu là vật ứng mệnh hoàng thiên chỉ người mang chân mạng đế vương mới xứng giữ. Thôi Khắc Dung dù quyền cao thế trọng nơi Từ Châu thì cũng chỉ là một trấn giữ một cõi. Nếu không có tâm tạo phản, sao dám ôm bảo châu tự giữ? Một khi lan xa, hắn tất nhiên phải chủ động kính dâng bảo châu lên Thiên tử, tỏ lòng trung nghĩa. Đây chẳng phải để mong được ban thưởng, mà chính là giữ mình trong sạch, phòng ngừa tai vạ về sau.”
Mọi người đồng thanh khen phải: “Thì ra là thế!”
“Vị quan gia này đúng là Gia Cát tái thế!”
Ai nấy gật đầu tán thưởng, cho rằng món bảo vật bị trộm kia chính là viên bạch xà châu không còn nghi ngờ gì nữa.
Bảo Châu từ đầu đến cuối lặng lẽ ngồi nghe, thần sắc nghiêm trang, lòng không khỏi trĩu nặng. Nàng không lo đến việc Ngô huyện lệnh bị mất chức hay mang họa, mà chỉ có một mối lo trong lòng: Vi Huấn đã biệt tích gần hai ngày, đến giờ vẫn chưa thấy bóng dáng.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.