Bảo Châu trở về phòng, mở hé cửa sổ, lặng lẽ nhìn ra ngoài.
Trời chiều ngả bóng, tháp báu sừng sững soi mình trong ánh tà dương vàng rực. Hơn ngàn quả chuông đồng treo trên các tầng mái nghiêng khẽ lay động theo gió, phản chiếu ánh nắng thành từng vệt sắc như ráng chiều, khiến cả toà tháp ánh lên sắc vàng óng, mơ hồ như ảo ảnh.
Xảy ra đại án long trời lở đất như vậy, hẳn khu vực quanh tháp đã bị quân lính canh phòng nghiêm ngặt, khách hành hương bình thường e rằng cũng khó bén mảng lại gần. Mới hôm qua thôi, ba người họ còn cùng nhau ghé thăm chùa Liên Hoa, khung cảnh náo nhiệt khi ấy dường như vẫn còn in đậm trong mắt. Lúc ấy, Vi Huấn trầm mặc khác thường, cứ đứng lặng trước cửa sổ ngó mãi về phía toà bảo tháp, ánh mắt đăm chiêu như đang tính toán điều gì.
Hắn rốt cuộc đang nhìn gì? Thay ca canh gác? Lộ tuyến tuần phòng? Hay đơn giản chỉ là ngẩn ngơ ngắm cảnh?
Thập Tam Lang thấy nàng không còn nhiệt tình như mọi ngày, nét mặt lạnh tanh như chìm trong suy tưởng, lòng chột dạ, không dám buông lời bông đùa, chỉ dè dặt góp chuyện: “Chỉ là vụ trộm thôi mà, cần chi phải đóng cổng thành? Cái lão Ngô huyện lệnh kia cũng hồ đồ rồi!”
Bảo Châu lại khẽ lắc đầu, giọng đều đều: “Người vữa nãy nói đúng. Chuyện kho bị trộm dù có canh gác nghiêm ngặt đến mấy, tám chín phần mười là có tay trong tiếp tay. Ngô huyện lệnh lập tức bắt giữ kẻ liên quan, lại hạ lệnh đóng cổng thành, chặn đường thoát thân của đạo tặc mang tang vật trốn đi hành động tuy nhanh gọn, quyết đoán. Chỉ tiếc, chuyện dùng hình tra khảo thì chưa chắc.”
Thập Tam Lang hỏi: “Nói vậy là sao?”
Bảo Châu đáp: “Nếu là án mưu phản, chỉ cần người bị bắt khai nhận có tâm phản loạn, không cần vật chứng gì, quan phủ cũng đủ lý do kết tội. Có lời khai là có công trạng. Nhưng với án trộm cắp thì lại khác. Dù người bị bắt có nhận là thủ phạm đi nữa, nếu không tìm ra tang vật thì cũng chẳng thể khép án. Bị oan uổng thì lấy đâu ra thứ đã mất để chứng minh mình vô tội? Lúc ấy tra khảo đến chết thì cuối cùng càng làm sai càng thêm sai.”
Thập Tam Lang nghe nàng phân tích mạch lạc, trong bụng dâng lên một tia ngờ vực. Hắn nhớ rõ trước đây nàng ngơ ngác như đứa trẻ, ra phố mua gì cũng phải người kèm, ăn món gì cũng phân biệt chẳng nổi. Sao bây giờ bỗng đâu lại nói năng thông tuệ, lý lẽ rõ ràng như thế?
Hắn đâu biết rằng, Vạn Thọ Công Chúa từ nhỏ sống trong thâm cung, chuyện chợ búa phố phường đúng là mù tịt, nhưng những trò lươn lẹo nơi miếu đường, quan lại mưu sâu kế độc, vu cáo mưu hại nhau nàng đã quen tai từ thuở lọt lòng. Mỗi lần Thiều Vương trở về cung sau buổi thiết triều, đều kể cho nàng nghe mấy vụ án thú vị trong triều. Các bậc danh thần xử án từ thời xưa, những câu chuyện thật lẫn dã sử, hai huynh muội đều xem như truyện ngắn đọc chơi. Ác quan giả danh phá án hằng ngày đều có thể nhìn thấy, cần gì tìm đâu xa.
Bởi vậy, nàng đoán bước tiếp theo của quan phủ cũng không sai lệch nhiều.
Quả nhiên, đến chiều hôm đó, tin truyền khắp đường phố: bọn nha dịch toàn thành đi lùng bắt kẻ trộm từng nhà từng ngõ, khí thế như muốn lật tung cả thành tìm tang vật. Không chỉ truy bắt hung thủ, mà những kẻ khả nghi không giấy tờ thân phận từ nhà sư vân du, thầy bói dạo, nghệ nhân biểu diễn, kỹ nữ, cờ bạc, cho đến ăn xin đầu đường đều bị kiểm tra nghiêm ngặt.
Đám người thuộc phố này hấp tấp kéo vào cửa hiệu nhà họ Tôn, vội vã bảo chủ tiệm chuẩn bị sổ sách đăng ký tên khách trọ, phòng khi quan binh ghé tới khám xét. Chủ tiệm cuống cuồng gõ cửa từng phòng, loan báo tin tức cho các khách nhân biết mà ứng phó.
Thập Tam Lang vừa nghe đã như ngồi trên chảo lửa. Từ nhỏ lăn lộn đầu đường, mánh khoé ba đồng ba cắc hắn biết không ít, nhưng chưa từng dính vào án lớn liên quan quyền quý như thế này. Huống chi tuổi hắn hãy còn nhỏ, Vi Huấn lại biệt tích hai ngày, nhất thời tay chân luống cuống, mắt tròn mắt dẹt.
Hắn hoảng hốt kêu lên: “Giờ tính sao? Án này to quá, sơ sẩy một bước là liên luỵ cả nhà! Có tiền cũng chưa chắc trơn tru được đâu!”
Lúc này, cửa thành đã đóng kín, tình thế chẳng khác nào bắt rùa trong vại, dù là người hay quỷ cũng khó lòng thoát thân. Bảo Châu trong lòng lo lắng trăm bề, khẽ thở dài: “Hạ Khuê huyện chẳng rộng lớn bao nhiêu, sổ hộ tịch ghi chép cũng chừng năm sáu vạn dân, quan binh sẽ khó tìm tới đây ngay trong ngày, chỉ mong sư huynh đề sớm quay trở lại, may ra còn có đường xoay chuyển. Nhưng đã hai ngày trôi qua rồi, tên tiểu tử chết tiệt ấy rốt cuộc đang làm cái trò gì vậy chứ?!”
Thập Tam Lang cắn môi, cúi đầu im lặng.
Bảo Châu thấy hắn đến chuyện hệ trọng như vậy cũng còn giấu giếm, trong lòng giận dữ, chỉ hận không có ngay trong tay thẻ trúc để quất một cái vào bàn tay hắn cho hả dạ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, đứa nhỏ này dù sao không phải đệ đệ ruột của mình, tay giơ lên cũng không nỡ hạ xuống. Đành phải nén giận, dịu giọng hỏi vòng vo: “Trước lúc đi, sư huynh đệ có sai đệ mang gì không? Nói thật ra, hắn cần thứ gì?”
Thập Tam Lang nghĩ bụng, nếu để lộ ra dù chỉ một chút, e là khó mà tránh khỏi hoạ sát thân. Cuối cùng chỉ ấp úng đáp: “Huynh ấy bảo đệ mang một ít than…”
Bảo Châu sửng sốt: “Muốn nói ta thiếu đá viết cũng chỉ cần 1 viên, nhưng trời nóng thế này lấy than làm gì chứ?”
Thập Tam Lang lại hóa thành cái vại không đáy, câm như hến, không hé nửa lời.
Bỗng, trong đầu Bảo Châu loé lên hình ảnh một lần trước, khi nàng và Vi Huấn lánh nạn trú tại chùa Thúy Vi ở Trường An. Khi ấy, Vi Huấn từng dùng lửa nung chảy châu báu thành dòng kim loại nếu muốn tiêu hủy dấu tích, thay hình đổi dạng vật lấy trộm, thì đây chính là cách hữu hiệu nhất.
Sau khi mặt trời lặn, Vi Huấn vẫn chưa trở về. Ngược lại, có một ông lão xa lạ dẫn theo bốn người hầu bước vào cửa hàng nhà họ Tôn.
Lão ấy ngoài sáu mươi, mặc áo bào vải thô màu xám tro, dáng người thấp lùn, nét mặt bình thường, đôi mắt nheo tít như không thấy rõ, bước đi cũng hơi lảo đảo, mang dáng dấp của một kẻ tuổi xế chiều. Nhưng bốn tên người hầu theo sau thì khác hẳn: vai u thịt bắp, mình xăm vằn vện, khí thế bặm trợn, rõ ràng chẳng phải hạng người lương thiện.
Vừa thấy lão bước vào, chủ tiệm lập tức hoảng hốt, vội vã chạy ra đón tiếp, giọng nói run rẩy: “Ngài… ngài sao lại đến đây? Tiểu đ**m… tiểu đ**m… mời ngài dùng trà đã!”
Hắn cuống cuồng quay đầu gọi vợ: “Bà nó mau ra đây! Lưu lão tới rồi!”
Rồi vừa lau tay vừa cúi người cung kính, hạ giọng giải thích: “Chuyện hiếu kính tháng này… chúng tôi đã dâng đủ cả rồi… không biết ngài còn điều dạy bảo…”
Lão ông xua tay, quát nhẹ: “Câm miệng! Hôm trước, có một người trẻ tuổi mặc áo vải xanh, dắt theo một chú tiểu và một cô gái, một con lừa, đến trọ nơi đây. Ngươi đi báo một tiếng, nói Lưu Mậu ở Hạ Khuê tới thăm, mời hắn xuống gặp mặt. Nhớ rõ, phải kính cẩn chu đáo. Ngoài ra, bảo bếp dưới chuẩn bị một bàn rượu thịt thịnh soạn, rượu thì chọn loại ngon nhất!”
Chủ tiệm đâu dám chậm trễ, vội vã vâng lời, sai vợ sửa soạn yến tiệc, còn mình thì hấp tấp lên lầu gọi người. Trong lòng hắn càng nghĩ càng rối. Rõ ràng là một khuê nữ dẫn theo một người làm trẻ tuổi tới trọ, sao qua miệng Lưu Mậu lại thành ra người khác? Mà nghĩ đến tên Lưu Mậu kia, nếu như khách trọ lỡ làm phật ý, khiến lão động sát tâm ngay trong tiệm, máu chảy đầy sân, thì cửa hiệu nhà họ Tôn chẳng còn ngày làm ăn nữa rồi.
Bảo Châu nghe xong lời chủ tiệm báo lại, lòng càng thêm nghi hoặc. Giữa lúc thành bị phong toả gắt gao, vậy mà người này lại nghênh ngang bước vào khách đ**m, chỉ đích danh muốn gặp Vi Huấn là người quen cũ, hay là kẻ thù truyền kiếp?
Thập Tam Lang đuổi chủ tiệm ra ngoài, hấp tấp nói: “Để đệ xuống báo với hắn, rằng sư huynh không có ở đây.”
Bảo Châu giơ tay ngăn lại: “Chớ vội. Ai biết được hắn lúc nào mới quay về? Để tỷ xuống gặp lão già ấy một chuyến, biết đâu lại moi được chút tin tức gì.”
Thập Tam Lang giật mình, vội nói: “Người đó chính là đầu sỏ hắc đạo ở đây, Cửu Nương… tỷ…”
Bảo Châu nhịn nỗi sợ, khẽ cười lạnh: “Tỷ từng là trưởng công chúa Đại Đường, đến cái chết cũng từng trải qua rồi. Tỷ sợ quỷ, nhưng không sợ người nhất là một lão già chân đã gần đất. Với lại, nếu hắn thực là người trong hắc đạo, thật sự có ý đồ với chúng ta, thì đệ tưởng trốn tránh là xong chuyện? Huống hồ Vi Huấn chẳng có mặt, chúng ta không đối đáp thì lại càng khiến hắn nghi ngờ hơn.”
Thập Tam Lang thở dài, đành thừa nhận nàng nói có lý: “Phải, Cửu Nương nói chí phải.”
Bảo Châu vốn là con gái đế vương, từ nhỏ bướng bỉnh, thích xông pha hơn là an phận. Mỗi ngày cưỡi ngựa, bắn cung, đánh cầu, ít việc nào nàng không từng thử qua. Sau cơn trọng bệnh, thân thể suy nhược, dũng khí cũng lụi dần, gặp chuyện thường dễ sợ hãi. Nhưng nay đã bình phục, dũng khí khi xưa cũng dần có lại.
Từng dự yến tiếp sứ, từng đối mặt trăm quan, từ nhỏ đã theo cha mẹ, huynh đệ dạo khắp nơi chốn nghiêm trang, thế nên tuy thân phận đổi dời, nhưng khí thế vẫn còn nguyên vẹn. Nàng gỡ búi tóc, sửa lại xiêm y, dẫn theo Thập Tam Lang, chậm rãi bước xuống lầu…
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.