Lư Dụ Dân không chịu nổi sự công kích liên tục trong bảy ngày từ phía thanh lưu, đành cáo bệnh không thượng triều. Long Hưng Đế mất đi chỗ dựa vững chắc trong triều, hắn cười nhạo một tiếng, giọng điệu trào phúng: “Thôi khanh, thành Trường An loạn suốt bảy ngày, khanh cũng bệnh suốt bảy ngày, bệnh vừa khỏi, đã có bản tấu muốn dâng. Đúng là lo cho quốc gia dân chúng đến quên mình.”
Đối diện với lời lẽ mỉa mai của Long Hưng Đế, Thôi Tuần không hề biến sắc, hắn chỉ từ trong tay áo lấy ra một cuộn giấy gai trắng, cung kính quỳ xuống, hai tay dâng lên: “Bẩm Thánh nhân, thần có cung trạng của Kim Di, xin được trình lên.”
Long Hưng Đế tức giận đến mức sắc mặt thay đổi, đám quan lại trong triều cũng xôn xao bàn tán, Kinh Triệu Doãn Tiết Vạn Triệt cũng ngẩng cổ lên, chăm chú nhìn vào bản cung trong tay Thôi Tuần. Thôi Tuần tiếp tục: “Mấy ngày trước, khi Kim Di bị giam ở Sát Sự Thính, đã thú nhận một vài việc. Kim Di nói, sáu năm trước khi Khả hãn Ni Đô dẫn quân nam chinh xâm lược Đại Chu, Khả hãn Ni Đô không tấn công Phong Châu mà dẫn hai mươi vạn quân phục sẵn ở Lạc Nhạn Lĩnh, cách Phong Châu vài trăm dặm. Kim Di thấy lạ, liền hỏi thăm Phụ Ly Vệ Hồ Lộc, người được Khả hãn Ni Đô tín nhiệm nhất. Qua miệng Hồ Lộc, ông ta biết rằng Khả hãn Ni Đô có nội ứng ở Đại Chu. Nội ứng đã tiết lộ trước tuyến đường hành quân của Thiên Uy quân, vì vậy nên Ni Đô mới dẫn quân mai phục tại đó, chờ đợi để tiêu diệt Thiên Uy quân. Thiên Uy quân bị diệt toàn quân, không phải là vì khinh địch hay liều lĩnh, mà là bị ai đó cố tình hãm hại!”
Mỗi chữ của Thôi Tuần đều như một đòn đánh, khiến ai nấy đều không khỏi chấn động. Long Hưng Đế vịn chặt tay và ngự tọa, hắn nghiến răng nói: “Thôi khanh! Nếu khanh đã có cung trạng của Kim Di từ mấy tháng trước, vì sao đến nay mới dâng lên? Khanh có ý đồ gì?”
Thôi Tuần nghe vậy, bình tĩnh đáp: “Bẩm Thánh nhân, lời khai của Kim Di còn chưa rõ thực hư, thần không dám vội vàng trình lên, tránh làm rối loạn Thánh thính. Nhưng hiện giờ bản cung của Thẩm Khuyết đã lan tràn khắp Trường An, từng chữ từng câu đều ăn khớp với bản cung của Kim Di. Việc này hết sức trọng đại, để tránh gian thần tiếp tục hãm hại trung lương, thần bất đắc dĩ phải trình lên.”
Thôi Tuần nói như thể bản thân không có lựa chọn nào khác, nhưng Long Hưng Đế thừa hiểu, Thẩm Khuyết là do ai thẩm vấn? Không phải là Thôi Tuần hay sao? Cung trạng là do ai phát tán khắp Trường An? Chẳng phải vẫn là Thôi Tuần sao? Thôi Tuần dám giả bộ ngây thơ, như thể đang coi Long Hưng Đế là tên ngốc.
Long Hưng Đế tức giận đến tột độ: “Hay cho một nghĩa sĩ bất đắc dĩ! Hay cho một trung thần dám đứng lên trừ gian! Trẫm nào biết, Thôi khanh lại là người trung nghĩa đến vậy, nhưng ba năm qua, những quan viên chết thảm tại Sát Sự Thính, đều là đáng tội hay sao?”
Tiếng quở trách của Long Hưng Đế khiến quần thần nhớ đến những việc làm tàn bạo của Thôi Tuần trong ba năm qua, ai nấy đều không khỏi rùng mình. Phái thanh lưu vốn bị lời khai của Kim Di làm kinh hãi nay bỗng thấy dao động, nghe Long Hưng Đế nói vậy, họ liền chuyển từ thái độ khinh miệt đối với Thôi Tuần sang nghi ngờ về tính xác thực của bản cung khai được hắn trình lên.
Long Hưng Đế lại quát: “Từ khi khanh làm Thiếu Khanh ở Sát Sự Thính, bịa đặt tội danh, vu khống trung thần, dùng hình phạt tàn bạo để ép cung, từng việc từng việc vẫn còn rõ ràng, việc nào, việc nào đã làm tổn hại đến khanh, Thôi Tuần? Giờ khanh còn dám lợi dụng bản cung trạng này để tô vẽ mình thành trung thần nghĩa sĩ, khanh lấy đâu ra can đảm, lấy đâu ra mặt mũi?”
Đây là lần đầu tiên Long Hưng Đế công khai quở trách Thôi Tuần giữa triều đường. Lời lẽ của Long Hưng Đế vang dội, mỗi câu như dao sắc, khéo léo biến lời trình bày của Thôi Tuần thành sự xúc phạm nhân phẩm, khiến hắn từ người kêu oan trở lại thân phận thấp hèn. Mà lời của hạng thấp hèn, há lại có điểm đáng tin?
Triều đình lặng ngắt như tờ, các đại thần đưa mắt nhìn nhau. Không ít thanh lưu cũng dần tỏ ra tán đồng với những lời của Long Hưng Đế, thậm chí âm thầm khen ngợi sự nghiêm khắc đúng nơi đúng chỗ của người. Long Hưng Đế thừa cơ nói: “Thôi Tuần, Kim Di và Thẩm Khuyết, đều do khanh phụ trách giám sát. Thủ đoạn của khanh vốn nổi danh gần xa. Dưới sự bức ép của cực hình, muốn làm giả lời khai thì có gì là khó? Hừ! Việc Thẩm Khuyết tự khai tội trạng, dán khắp thành Trường An, chắc chắn không tránh khỏi có liên quan đến khanh. Nay khanh còn cầm cả lời khai của Kim Di đến đây, rốt cuộc là có ý gì? Hay phải chăng vu oan giá họa một bề tôi trung thành chưa đủ thỏa mãn khanh? Khanh còn muốn bức hại đến cả đế sư của trẫm? Hoặc có khi, khanh không chỉ muốn vu hại đế sư, mà còn muốn dồn trẫm vào bước đường cùng?”
Lời vừa dứt, bách quan trong điện sững sờ, kế đó đồng loạt quỳ xuống, đau đớn khôn cùng, nước mắt giàn giụa: “Thánh nhân thứ tội, thần vô cùng sợ hãi!”
Ngay cả Kinh Triệu Doãn Tiết Vạn Triệt cũng vội vàng quỳ xuống, nghẹn ngào thưa: “Thánh nhân vạn lần không thể như vậy! Thần… sợ hãi vô cùng!”
Long Hưng Đế đôi mắt đỏ hoe, hướng về phía Thôi Tuần, nói: “Thôi khanh, nếu khánh thấy trẫm không xứng làm hoàng đế, muốn bức trẫm thoái vị, trẫm đáp ứng khanh cũng được. Nhưng khanh không cần dùng loại thủ đoạn này, lợi dụng quốc nhục cách đây sáu năm, bịa đặt gian trá, kích động đám phụ lão yếu nhược đứng ra tố cáo kêu oan, khiến thành Trường An gà bay chó sủa, khiến các đại thần chủ chốt sống trong cảnh nơm nớp không yên. Nếu thiên hạ có thể thái bình trở lại, ngai vị này, trẫm nhường cho khanh, thì đã làm sao?”
Lệ nóng rơi xuống gò má Long Hưng Đế, quần thần trong điện càng khóc lóc dữ dội, cúi xuống dập đầu liên hồi. Một số thanh lưu tính tình ngay thẳng thậm chí bật khóc nức nở, chửi mắng Thôi Tuần: “Thân làm bề tôi sao có thể ép Thánh nhân đi đến nước này? Dù chúng ta có tan xương nát thịt, cũng quyết không để hạng gian thần như ngươi toại nguyện!”
Thôi Tụng Thanh cũng theo đó quỳ xuống, trong lòng khẽ thở dài. Ông không muốn nhúng tay vào việc lật án chính vì lo sợ cục diện ngày hôm nay xảy ra. Hiện tại, ông chỉ có thể cảm thấy may mắn vì mình chưa mở miệng, nếu không chỉ e đã bị Long Hưng Đế coi là đồng đảng của Thôi Tuần. Khi ấy, e rằng tân chính thật khó để cứu vãn nổi.
Một vài lão thần thanh lưu vì bất bình thay Long Hưng Đế, càng nói càng phẫn nộ, khóc lóc đến mức gào thét. Lư đảng cũng nhân đó công kích Thôi Tuần, cho rằng hắn bất kính với quân vương, đúng là đại nghịch bất đạo, đáng bị xử lăng trì để làm gương. Sự việc liên quan đến lời khai cũng đã bị xuyên tạc thành âm mưu bức vua thoái vị của Thôi Tuần.
Long Hưng Đế đang định sai Tả Hữu Kim Ngô Vệ áp giải Thôi Tuần xuống, thì giữa tiếng mắng mỏ sôi trào khắp đại điện, Thôi Tuần bỗng nhiên mỉm cười nhàn nhạt, buông một câu: “Thú vị thật.”
–
Mọi người trong điện đều sững sờ.
Ngay cả Long Hưng Đế cũng lộ vẻ kinh ngạc.
Một vị đại thần thuộc phái thanh lưu lớn tiếng trách mắng: “Chết đến nơi rồi còn không biết hối cải!”
Thôi Tuần chẳng buồn tranh luận, chỉ nâng mắt, nhìn lên Long Hưng Đế tọa trấn ở trên cao: “Thần quả thực phẩm hạnh thấp kém, chết chẳng đáng tiếc, nhưng như Đậu Hiến triều Hán, dù ngang ngược hống hách, là kẻ gian nịnh khét tiếng, vẫn có thể một trận đánh bại Bắc Hung Nô, lập nên công lao hiển hách. Hoặc như Hoa Hâm, liêm khiết ít d.ục v.ọng, phong thái cao vời, làm quan làm người đều không chê vào đâu được, lại để lại tiếng xấu vì phò tá Tào Ngụy đoạt triều nhà Hán. Người ta vẫn nói: “Nhân vô thập toàn, kim vô túc xích.” Thần không dám tranh luận về những gì mình đã làm, nhưng nếu Thánh nhân chỉ vì thần phẩm hạnh không trọn vẹn mà kết luận rằng thần ép buộc Thẩm Khuyết và Kim Di viết lời khai, rồi biến việc Thịnh A Man và những người khác kêu oan thành âm mưu bức vua thoái vị, thì tội danh này, thần vạn lần không phục.”
Lời nói của hắn càng lúc càng rõ ràng, âm thanh tựa chuông vàng ngọc thạch, vang vọng khắp đại điện: “Vụ án Thiên Uy quân vốn dĩ đã tồn tại vô số nghi điểm. Ví như Thẩm Khuyết làm thế nào biết được Thịnh Vân Đình đến Trường An cầu viện? Ví như thê tử của Bùi Quan Nhạc là Vương Nhiên Tê sao lại xuất hiện ở trạm dịch Trường Lạc? Những điều này, lẽ nào đều là thần bày vẽ mà thành? Chẳng lẽ thần có tài cán đến mức, sáu năm trước đã báo trước cho Thẩm Khuyết rằng Thịnh Vân Đình sẽ một mình cưỡi ngựa đến Trường An cầu viện? Hay là thần cũng điều khiển được Vương Nhiên Tê tham gia hãm hại Thịnh Vân Đình từ tận sáu năm trước?”
Hắn cười khổ một tiếng: “Nhưng thực tế là sáu năm trước, thần theo Quách soái bị vây khốn giữa trùng trùng vòng vây của Đột Quyết. Thần, làm sao có được bản lĩnh này?”
Thôi Tuần bất ngờ chuyển hướng câu chuyện, Long Hưng Đế thoáng khựng lại. Hắn tiếp lời: “Thánh nhân nói thần có ý đồ chiếm đoạt ngôi vị hoàng đế, tội danh này khiến thần kinh hãi không thôi. Thần thật không hiểu, lời này từ đâu mà ra? Thiên hạ hiện nay là thiên hạ của họ Lý, điều này ai ai cũng rõ. Thần không binh không tướng, dựa vào đâu để mưu đoạt hoàng vị? Huống hồ, thần không có hôn phối, lại không có con cái, mưu đồ chiếm ngôi để được gì? Nếu Thánh nhân chỉ vì bảo vệ thầy của mình mà gán tội danh này lên đầu thần, dù chết vạn lần thần cũng không dám nhận.”
Hắn phản bác từng tội danh Long Hưng Đế đặt ra, khiến vị đế vương trong chốc lát cũng không nói nên lời, mãi lâu sau mới lại lên tiếng: “Ngươi đừng khua môi múa mép. Một kẻ gian tà xảo trá như ngươi, nếu không có mưu đồ khác, vì sao lại đứng ra kêu oan cho Thiên Uy quân?”
Thôi Tuần nghe vậy, chỉ chậm rãi mở lời khai của Kim Di trên mặt đất. Trên tờ khai, nét mực đen xấu xí tương phản gay gắt với màu giấy trắng tinh. Hắn nói: “Thần quả thực gian tà, nhưng kẻ gian tà cũng có thể cảm phục trước máu đỏ tim hồng của các tướng sĩ Đại Chu. Mỗi tấc sơn hà đều thấm đẫm máu xương trung liệt. Năm vạn binh sĩ Thiên Uy quân không ngại hiểm nguy, dốc sức đánh Đột Quyết, nhưng lại bỏ mình tại Lạc Nhạn Lĩnh. Nếu họ chết bởi gươm đao rõ ràng thì đã không oán trách, nhưng nếu họ chết vì âm mưu thâm độc, thì làm sao họ nhắm mắt cho nổi?”
Hồi ức hiện lên trong tâm trí hắn: chiếc khăn lụa vấy máu trong ngực quân Đột Quyết bị hắn giết, hình ảnh Lục Nhị đói khát đến nỗi ăn cả vỏ cây, nhai ngấu nghiến nửa cái bánh bột mì. Mắt hắn nóng lên, giọng nói trầm xuống: “Nếu các vị có thể đến Lạc Nhạn Lĩnh, sẽ thấy mỗi tấc đất nơi ấy đều rải rác những mảnh xương trắng cùng tứ chi tàn khuyết của Thiên Uy quân, mỗi cơn gió nhẹ thoảng qua đều mang theo máu và nỗi oan khuất của họ. Thần kính trọng sự trung dũng của họ, mong muốn làm rõ oan tình này. Thử hỏi thần sai ở đâu? Lẽ nào Thánh nhân, cùng các vị đại nhân tại đây, chỉ vì tờ cung trạng này do thần trình lên mà nhất quyết quay lưng với sự thật, bỏ mặc oan khuất của Thiên Uy quân? Ha! Nếu các vị thật sự căm ghét thần đến vậy, thần sẵn sàng tự kết liễu, chỉ cầu xin các vị đừng để những tướng sĩ bảo vệ giang sơn xã tắc phải ôm mối hận nơi cửu tuyền, vĩnh viễn không thể an nghỉ!”
Hắn nói xong, liền cúi đầu thật mạnh, những triều thần vừa rồi còn lớn tiếng quở trách hắn cũng dần im bặt không nói. Long Hưng đế siết chặt nắm tay, ánh mắt căm giận đến đáng sợ. Kinh Triệu Doãn Tiết Vạn Triệt bặm môi, bước ra khỏi hàng, quỳ xuống và dập đầu thưa: “Bẩm Thánh nhân, thần với Thôi Thiếu Khanh vốn chẳng hề quen biết, thậm chí thần từng nhiều lần dâng tấu luận tội hắn. Thần lấy mạng sống của mình để đảm bảo rằng giữa thần và hắn chưa từng có qua lại. Nhưng hôm nay, thần tán đồng lời hắn nói. Thần từng giữ chức Thứ sử Dương Châu suốt bảy năm, Giang Nam phồn hoa phú quý, phố chợ đầy ắp ngọc ngà, nhà nhà lụa là gấm vóc. Song Giang Nam có được sự phồn vinh ấy, chẳng phải là nhờ máu thịt của biết bao thế hệ tướng sĩ trấn giữ biên cương mang ra để đánh đổi hay sao? Nếu không có những tướng sĩ ấy, cầu khói liễu Giang Nam, màn xanh rèm biếc, sớm đã bị vó sắt Hồ Lỗ giẫm nát, chẳng khác nào thời Ngũ Hồ loạn Hoa. Họ dùng tính mạng của mình để bảo vệ Giang Nam ca múa thơ văn, bảo vệ thời thái bình của Đại Chu. Thế nhưng, chính họ lại phải chịu đựng những ngày vùi thân trong cát vàng gió lớn, màn trời chiếu đất, phải hy sinh bản thân. Những tướng sĩ ấy chính là anh hùng của Đại Chu! Anh hùng, dù chết cũng nên chết trên chiến trường, chứ không phải vì âm mưu, toan tính mà vong mạng. Thần, Tiết Vạn Triệt, khẩn cầu Thánh nhân tra rõ chân tướng vụ án Thiên Uy quân!”
Theo lời Tiết Vạn Triệt, những thanh âm đồng thuận vang lên, những người trong hàng ngũ thanh lưu vốn còn lưỡng lự giờ đây cũng bước ra, lần lượt quỳ xuống, dập đầu: “Thần Văn Ngạn, khẩn cầu Thánh nhân tra rõ vụ án Thiên Uy quân!”
“Thần Triệu Thành Trung, khẩn cầu Thánh nhân tra rõ vụ án Thiên Uy quân!”
“Thần Thượng Quan Cảnh, khẩn cầu Thánh nhân tra rõ vụ án Thiên Uy quân!”
“Thần Phương Tử Lương, khẩn cầu Thánh nhân tra rõ vụ án Thiên Uy quân!”
Hàng ngũ thanh lưu ngày một đông hơn. Thôi Tuần đứng trước khung cảnh ấy không khỏi xúc động. Hắn lại dập đầu mạnh mẽ: “Thần biết Thánh nhân vẫn còn nghi ngờ thần. Thần nguyện vì tránh hiềm nghi mà không tham gia, không can dự hay hỏi han bất cứ điều gì liên quan đến vụ án này. Chỉ mong Thánh nhân tra rõ vụ án Thiên Uy quân!”
Trong số những người im lặng quan sát từ đầu, Thôi Tụng Thanh đứng dậy, vẻ mặt nghiêm trang. Ông cũng bước ra khỏi hàng ngũ, quỳ xuống dập đầu: “Thần Thôi Tụng Thanh, khẩn cầu Thánh nhân tra rõ vụ án Thiên Uy quân!”
Thôi Tụng Thanh vừa bước ra, cục diện đã không còn gì để tranh cãi. Toàn bộ những người thuộc Thôi đảng đã quỳ rạp dưới chính điện, đồng loạt thỉnh cầu Long Hưng Đế tra rõ chân tướng. Thanh lưu và Thôi đảng cộng lại đã chiếm hơn một nửa triều đình, còn chưa kể đến những người thuộc Lư đảng nhưng vẫn còn một chút lương tri cũng quỳ theo. Xưa nay Lư đảng và Thôi đảng không đội trời chung, thường xuyên công kích lẫn nhau vì khác biệt quan điểm, nhưng gạt bỏ mâu thuẫn bè phái, họ vẫn là những con người biết phân biệt đúng sai, thấu tình đạt lý.
Long Hưng Đế vừa kinh hãi vừa phẫn nộ, chỉ tay về đám đông đang quỳ gối chật kín dưới điện: “Các ngươi… các ngươi muốn mưu phản hay sao?”
Hắn gào thét đến khản cả giọng, nhưng một tiếng quát đúng lúc vang lên, chặt đứt mọi niệm tưởng còn sót lại của hắn.
Thái hậu từ bên ngoài chậm rãi bước vào, ánh mắt sắc bén nhìn Long Hưng Đế, giọng điệu lạnh lùng: “Thánh nhân, người làm loạn đủ chưa?”
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.