Giường quá cứng, Tưởng Sương tưởng mình đang nằm ở ký túc xá, cô mơ màng thiếp đi, khi mở mắt ra thì trời đã sáng.
Ánh sáng len lỏi qua cửa sổ, tấm giấy dán trên kính đã bị bóc đi lấm chấm, chia ánh sáng ra thành từng chùm, trong ánh sáng ấy những hạt bụi như đang nhảy múa. Cô mơ màng nheo mắt nhìn một lúc mới định thần lại, đây không phải ký túc xá, cô đã ngủ qua đêm ở phòng trọ của Phó Dã.
Tưởng Sương quay người sang thấy Phó Dã đang ngủ trên ghế sofa.
Cậu nằm duỗi dài người trên ghế sofa, vẫn mặc y nguyên bộ quần áo ban ngày, tay chân duỗi ra, mái tóc bù xù như cỏ dại mọc tự do ven đường, vứt đâu cũng sống được.
Một chùm ánh sáng chiếu vào mặt cậu, ngang qua sống mũi, tạo thành một bức tranh tĩnh vật lộn xộn.
Tưởng Sương không biết đêm qua cậu về lúc nào. Trên người cậu không có vết thương mới nào, trong không khí có mùi rượu, có lẽ việc kia đã được giải quyết rồi.
Hình như cảm nhận được ánh mắt của cô, Phó Dã đột nhiên mở mắt ra, bầu không khí tĩnh lặng bị xé toạc một đường.
Tưởng Sương vội nhắm mắt lại, rồi chợt thấy mình không cần thiết phải làm vậy, cô phân vân một lúc, khi mở mắt ra lần nữa thì chạm phải đôi mắt đen láy mệt mỏi vì không ngủ đủ giấc, tia máu đỏ ngầu vì thức khuya.
Bị phát hiện rồi nên cô không thể nhắm mắt giả vờ ngủ được nữa.
Tưởng Sương chậm rãi ngồi dậy khỏi giường. Cô nghĩ đến vài cách mở đầu cuộc trò chuyện, nhưng tính cách của cô sinh ra vốn đã không giỏi giao tiếp, nhất là trong tình huống như hiện tại. Cô thiếu kinh nghiệm trong chuyện này, mà sách giáo khoa cũng không dạy.
"Dậy rồi à?"
"Ngủ có ngon không?"
...
Tưởng Sương cứng đờ người, đầu óc ngơ ngẩn, mãi không có động tĩnh gì.
Phó Dã nháy mắt, một tay ôm bụng, như đang hỏi cô có đói không?
Tính ra hôm qua cô chỉ ăn một bữa trưa muộn, trước khi ngủ đã đói rồi, lúc này bụng trống rỗng, cô thành thật gật đầu.
Phó Dã vén chăn ra ngoài, để lại căn phòng cho Tưởng Sương.
Tưởng Sương mang giày xuống giường, cầm áo khoác mặc vào rồi trải chăn ra, kéo bốn góc cho thẳng thớm. Cô trải phẳng mặt chăn, phơi chiếm một khoảng lớn dưới ánh nắng.
Khi cô ra ngoài Phó Dã vẫn đang rửa mặt. Cậu cúi người múc nước lạnh tạt lên mặt, làm vài lần rồi lấy khăn ra lau qua loa là xong việc, không lau khô, cứ để nước nhỏ dọc theo đường quai hàm.
Hai người vẫn ăn mì như thường lệ.
Tưởng Sương gắp một nửa mì trong bát cho cậu như mọi khi.
Phó Dã nhìn cô, lớp áo khoác thùng thình làm nổi bật thân hình gầy nhỏ của cô, cần cổ trống trải, dưới áo len dường như chỉ có hai khúc xương để chống đỡ. Có lẽ do gầy nên sắc mặt của cô không được tốt cho lắm, làn da trắng tái, nhợt nhạt không khỏe mạnh, môi chỉ có một chút màu máu nhạt. Trong mắt cậu, rõ ràng dáng vẻ của cô cho thấy cô bị suy dinh dưỡng.
Cậu cầm đũa, gắp thịt trả lại.
Tưởng Sương vô thức đưa tay ra cản, nhưng bị cậu tránh được, một nửa miếng thịt được bỏ vào bát cô. Khi cô ngẩng đầu nhìn, Phó Dã đã lấy lại bát của mình, cúi đầu ăn mì ngon lành.
Cô nghĩ một lúc, cũng không gắp lại nữa.
Ăn mì xong, Tưởng Sương lấy trong túi ra hai trăm tệ rồi đặt lên bàn, đẩy qua.
Phó Dã chỉ nhướng mày, tiện tay cầm tiền rồi gọi người đến thanh toán, dùng một trong hai tờ đó để trả, ông chủ kéo khóa túi đeo bên hông đếm tiền thừa.
Hôm nay đã là Chủ nhật. Tối có tiết tự học, Tưởng Sương dự định sẽ đi thẳng về trường. Đêm qua Phó Dã ngủ rất ít, bây giờ vẫn còn sớm nên cậu định về ngủ bù.
"Tôi về trường." Cô ra hiệu bằng tay rồi chỉ về một hướng.
Phó Dã gật đầu.
Họ đi theo hai hướng khác nhau.
Tưởng Sương quay đầu lại, thấy bóng lưng thẳng tắp của Phó Dã. Hai tay đút trong túi làm chúng phồng lên, cậu tiến về phía trước, mặt trời mọc, ánh nắng chiếu trên đường phố, cũng chiếu trên vai cậu.
Cô thu hồi ánh mắt rồi tiếp tục đi.
Thời gian trôi qua càng lúc càng nhanh, Tưởng Sương cứ cắm đầu vào sách suốt cả ngày, mở mắt nhắm mắt toàn là chữ viết, học tập càng lúc càng vất vả. Thầy cô phát đề thi của các khu vực khác để kiểm tra, cả trường đều thi kém, cô chỉ đạt điểm sàn thôi mà đã đứng hạng nhất rồi. Khoảng cách vùng miền như một cái tát vào mặt giúp họ tỉnh mộng, làm sao những người như họ có thể so với người khác được chứ.
Tưởng Sương còn nỗ lực hơn cả trước, cô cảm thấy phía trước mặt mình chính là nghìn quân vạn mã.
Tô Nhuế đang thấy áp lực đến mức không thở nổi, cô ấy hẹn cô ở lại thành phố chơi vào cuối tuần này.
Tưởng Sương buộc phải từ chối. Tuần trước cô không về nhà đã thấy áy náy lắm rồi, chỉ cần cô ở nhà thì mợ có thể bớt đi vài việc phải làm, dù sao thì cô cũng không thấy mệt cho lắm.
Tô Nhuế chống cằm: "Vậy để tớ đến chỗ cậu chơi được không? Không phải cậu nói làng cậu rất đẹp sao?"
Tưởng Sương hơi do dự, sợ mợ không vui, nhưng khi Tô Nhuế nhìn cô với ánh mắt sáng rực, cô lại không đành lòng từ chối.
"Được rồi."
"Tuyệt quá, vậy tớ chuẩn bị quần áo trước, nghỉ học sẽ về cùng cậu."
Thứ Sáu nghỉ học, hai người ngồi xe bus về làng. Tô Nhuế và Trần Dương đã quen nhau trước đó, gặp được Trần Dương, họ chào hỏi nhau. Trần Dương ăn nói khéo léo, trên đường về cậu luôn trò chuyện đôi ba câu Tô Nhuế.
Mợ cũng không tỏ ra khó chịu với sự xuất hiện của Tô Nhuế, còn mỉm cười bảo họ cứ việc đi chơi, đến giờ thì về ăn cơm.
"Đây là lần đầu tiên Sương Sương dẫn bạn học về nhà chơi, hoan nghênh hoan nghênh, dù trong làng mình không có gì hay nhưng cháu cứ dẫn bạn đi dạo quanh đây đi nhé."
Tô Nhuế lớn lên ở huyện, chưa từng đến làng quê nhiều nên hễ cô ấy thấy gì cũng có cảm giác mới mẻ.
Khi mặt trời chưa lặn, Tưởng Sương dẫn Tô Nhuế ra sông chơi. Chỗ nước nông chỉ cao đến mắt cá chân, cô ấy xắn quần lên, nhặt hai viên đá phẳng, tròn rồi ném nó trên mặt nước. hơi mệt rồi sẽ ngồi lên tảng đá lớn, cúi đầu xuống còn có thể thấy những con cá nhỏ mảnh mai bơi lội, cơ thể của chúng trong suốt như có thể nhìn thấy cả nội tạng.
"Chỗ các cậu vui thế này, sao trước giờ cậu chưa từng rủ tớ đến vậy?" Tô Nhuế giơ chân, vẩy nước chơi.
Tưởng Sương bất đắc dĩ nói: "Vì tớ thực sự không thấy nó có gì vui cả.”
Cuộc sống nông thôn là thế, cứ luôn cắm mặt vào ruộng đất, việc đồng áng thì chẳng bao giờ làm hết được, làm gì có thời gian quan tâm vui hay không vui. Cô không nói nhiều như vậy, cũng không muốn phá hỏng bầu không khí.
Tô Nhuế ngẩng đầu nhìn người đi trên đê sông. Vì là hướng mặt trời lặn, ánh nắng chói mắt làm cô ấy phải nheo mắt lại, dần dần mới nhận ra người đang cõng đầy bắp trên lưng là Phó Dã.
"Sương Sương.” Cô ấy khẽ gọi, ra hiệu cho Tưởng Sương nhìn lên trên.
Tưởng Sương nheo mắt, thấy Phó Dã và bà nội Phó.
Cậu mặc áo phông đen, đi dép lê, lưng thẳng tắp vác đầy bắp. Cậu về nhà chuyên để hái bắp, bà nội Phó già rồi nên không vác nổi.
"Tiểu Sương à." Bà nội Phó cũng thấy cô.
Tưởng Sương cười đáp, cô gọi bà, Phó Dã liếc nhìn, không dừng lại mà còn tiếp tục đi, vài phút sau, cậu lại cõng cái rổ rỗng quay lại, khi quay về trong rổ lại đầy ắp bắp, cứ như vậy đi qua lại liên tục vài chuyến, mãi cho đến khi mặt trời hoàn toàn lặn sau đồi.
Tối đến, Tô Nhuế ngủ cùng phòng với Tưởng Sương.
Khác với phòng của Tô Nhuế, phòng cô là căn phòng được chia ra từ phòng lớn hơn, tạo thành một căn phòng nhỏ, vì không có cửa sổ nên nếu không bật đèn thì chung quanh sẽ chỉ có bóng tối đen ngòm.
"Xin lỗi." Cô ở đây chỉ có điều kiện thế này thôi.
"Có gì phải xin lỗi, cảm giác an toàn lắm đó."
Sau khi tắm xong hai người nằm trên cùng một giường. Tô Nhuế nằm nghiêng, ôm cánh tay cô nói chuyện, khi nhắc đến Phó Dã, Tô Nhuế nói: "Cậu ấy có vẻ khác với lúc mình gặp trước đây."
"Khác chỗ nào?"
"Tớ tưởng những đứa côn đồ như cậu ấy chắc chắn sẽ nổi loạn không nghe lời, nhưng mà cậu ấy làm việc đồng áng cho gia đình này, không để bà nội cầm gì cả, cậu ấy hiếu thảo thật đấy."
Tưởng Sương gật đầu, nói: "Cậu ấy rất tốt."
Thứ không tốt là số phận, nếu cậu ấy ở trong một gia đình bình thường, cha mẹ không ly hôn, không bỏ rơi cậu ấy, cậu ấy không mắc căn bệnh nặng đó, vẫn có thể nghe được thì chắc chắn cũng sẽ ngồi trong lớp học, nghĩ về tương lai vào đại học nào giống như họ.
"Tội nghiệp quá đi.” Tô Nhuế thở dài, nhưng sự chú ý của cô ấy nhanh chóng bị chuyển sang những tin đồn trong lớp, nào là ai thích ai, ai tỏ tình với ai bị từ chối, hai người nào đó có vẻ đang yêu đương, những chuyện này cô ấy kể vanh vách.
Nói đến nửa đêm Tưởng Sương buồn ngủ không chịu nổi rồi mới vội vàng dừng lại.
Sáng hôm sau, Trần Dương cũng không ngủ ngon, khi đánh răng ngáp liên tục, nói mấy cô gái thật biết nói chuyện.
Đến trưa ăn xong cơm, ba người lại bắt xe về trường.
...
Tin tức về Phó Dã vẫn là do người khác truyền lại, có tốt có xấu, Tưởng Sương cũng gặp cậu, có thời gian thì cùng nhau ăn tô mì, nhiều hơn là đi ngang nhau trên đường. Cô chủ động chào hỏi, sau đó Phó Dã quay lại, ném cho cô một chai sữa.
Ban đầu Tưởng Sương vẫn còn ngơ ra.
Phó Dã đứng bên kia đường, ngón trỏ và ngón cái bấm thành hình tròn, hai tay luân phiên xếp chồng lên nhau, cuối cùng nhếch môi, rõ ràng là có chút ý chê bai. Làm xong động tác như vậy thì cậu quay đầu đi một mạch.
Tô Nhuế tò mò hỏi: "Cậu ta có ý gì vậy?"
Tưởng Sương ngẩn người tại chỗ, mất một lúc mới phản ứng lại. Tiếp xúc với ngôn ngữ ký hiệu nhiều, cô nhớ được một số cách diễn đạt có dấu vết, có hình tượng. Cử chỉ của Phó Dã, từng đốt từng đốt, giống như cây tre?
Cây tre?
Cô mím môi, hiểu ra, nói: "... Cậu ấy nói tớ giống cây tre."
Cô quả thật rất gầy, sau khi đến nhà cậu ở mới tốt hơn một chút, ít nhất không còn là dáng vẻ suy dinh dưỡng như trước.
"À, cậu ấy nói cậu gầy như cây tre, nên mua sữa cho cậu bồi bổ cơ thể?" Tô Nhuế cũng hiểu ra, cười một tiếng, vỗ vỗ mông Tưởng Sương: "Sương Sương của chúng ta còn đang lớn, cần uống nhiều sữa nhé."
"..."
Tưởng Sương mang chai sữa về, đến tối thì uống hết.
Ban đầu, cô chưa quen với mùi vị hơi tanh đó, nhưng nghĩ đến việc tốt cho cơ thể và không thể lãng phí nên cô uống sạch không còn một giọt, uống vài lần mới dần quen.
Tết Xuân gần kề.
Tưởng Sương nhập một lô pháo hoa, đa số là pháo cho trẻ con chơi, pháo cối, pháo nổ, pháo dây, pháo hoa… nhiều loại giá rẻ, một hai hộp có thể chơi được cả buổi chiều.
Bán chạy nhất là pháo cối, năm hào hai hộp, nắm đầu pháo, cọ lên mép hộp giấy, ném vào nước, đặt dưới ngói, hoặc dọa người đi đường, có thể chơi được nhiều kiểu.
Một đám trẻ trong làng chen chúc trước cửa hàng tạp hóa.
Tưởng Sương chỉ nhìn chúng, không cho chúng ném vào chân người đi đường dọa sợ người ta. Nói miệng không có tác dụng, cô nghiêm mặt, nói ai không nghe theo thì dù có mang tiền đến cô cũng không bán cho, lúc này mấy đứa trẻ mới ngoan ngoãn nghe lời.
Càng gần cuối năm, việc làm ăn càng tốt, cô lại đi nhập hàng thêm một lần nữa.
Đêm giao thừa, cửa hàng tạp hóa vẫn mở, mợ phải cùng các mợ khác làm cơm tất niên, trách nhiệm trông cửa hàng liền rơi vào người Tưởng Sương. Ngày hôm nay, người đến mua đồ cũng không ít, đa số là mua đồ uống, thuốc lá hoặc rượu, pháo cũng rất bán chạy, cứ như vậy cho đến tối, Trần Dương chạy đến gọi cô đi ăn cơm.
Trước bữa cơm, sẽ đốt giấy cho người thân đã mất, thường là cậu của hai người dẫn Tưởng Sương và Trần Dương đi làm việc này.
Tất cả những thứ này là đốt cho bố mẹ Tưởng Sương, cậu thêm giấy vào trong, giấy vàng gặp lửa liền cháy, ánh lửa chiếu lên khuôn mặt, cậu nói: “Em đốt hết ở đây, chị, anh rể, các người tự đến lấy, đốt nhiều cho các người, các người ở dưới đó cũng phù hộ cho chúng em. Hai đứa nhỏ đều không tệ, sắp lên lớp 12 rồi."
Tưởng Sương đắp từng tờ giấy lên, chúng bốc khói trước tiên, rất nhanh, ngọn lửa bùng lên.
"Sương Sương, cậu có bao giờ nói với con rằng, thực ra cậu là do mẹ con nuôi lớn, lúc đó nhà nghèo, tích được chút lương thực là sẽ bị ông ngoại đem đi đổi thuốc lá hoặc rượu, người nhà gần như chết đói, mẹ con lúc đó còn rất nhỏ, nhưng ngày nào cũng chui vào núi, cái gì ăn được thì hái, cái gì bán được thì cũng hái."
"Sau đó, mẹ con kết hôn sớm, cũng may mắn, gặp được bố con, cuộc sống tốt hơn nhiều, cho cậu tiền để cậu ra ngoài làm việc. Lúc đó, cậu mười ba mười bốn tuổi, ham chơi, không đáng tin, mẹ con sợ cậu không có tiền về, nên may tiền bắt xe về vào quần áo. Ai ngờ, tiền đó vẫn bị cậu tiêu hết, về nhà không còn một đồng, cậu trốn lên tàu, bắt gà của người khác đưa cho tài xế đi nhờ, thực sự đã đi về như thế."
"..."
Tưởng Sương cười: "Cậu về có bị đánh không?"
"Bị chứ, sao lại không bị được, một cây tre to như thế mà mẹ con đánh gần gãy, chị ấy rất dữ, từ nhỏ không biết cậu đã bị đánh bao nhiêu lần."
Nhưng bà ấy cũng là thực sự tức giận.
Đi ra ngoài một chuyến, tiền tiêu hết không nói, bản thân còn gầy gò vàng vọt như mới từ nơi tị nạn về.
Bà ấy túm lấy cậu rồi ấn xuống đất đánh, là thực sự đánh, vừa đánh vừa mắng, đánh xong mắng xong tự mình khóc trước, đi sang một bên tự lau nước mắt, cậu nhìn thấy, so với bị đánh còn khó chịu hơn, sau lần đó, cậu cũng trở nên trưởng thành hơn.
Tưởng Sương đã không còn ấn tượng, ký ức của cô về bố mẹ, chỉ còn lại cách gọi.
Cậu cúi đầu châm điếu thuốc, ngậm bên mép: "Bây giờ cậu vẫn rất muốn bị đánh."
Đốt giấy xong, theo lệ thường là phải dập đầu bái lạy.
Cũng có thể ước nguyện, điều ước của cậu như mọi khi là mong gia đình bình an vô sự.
Mợ từ nhà bếp đi ra, lau tay trên tạp dề: "Xong rồi, vào ăn cơm đi."
Cậu lấy pháo đốt lên, pháo nổ xong, cả nhà ngồi xuống ăn cơm, ngày cuối năm nhanh chóng trôi qua.
So ra, nhà họ Phó có lẽ là nơi lạnh lẽo nhất.
Bà nội Phó sinh ba đứa con, hai đứa đều không nuôi được, chỉ còn một đứa con trai út, sau khi ly hôn bỏ Phó Dã lại thì không bao giờ quay lại, mấy năm không gọi điện thoại lần nào, nghe người cùng làng nói là đã kết hôn thêm lần nữa, đang định cư ở bên nhà vợ, sợ là đời này sẽ không bao giờ quay lại nữa.
Dù vậy, Phó Dã vẫn mua câu đối, mua đầy đủ hàng Tết, dậy sớm làm một bàn đồ ăn, nhà người khác có gì, nhà cậu cũng có thứ đó.
Bà nội Phó đốt giấy tế tổ, lạy rồi lạy, miệng lẩm bẩm, chỉ hy vọng cháu trai có thể khỏe mạnh, lớn lên cưới vợ sinh con, sống cuộc sống bình thường.
Phó Dã không có gì để lạy, đứng bên cạnh, nhìn bà nội thành kính dập đầu.
Đến tối, không thể thiếu được việc xem chương trình Xuân Vãn, đánh bài hoặc đánh mạt chược.
Tưởng Sương trông cửa hàng tạp hóa, dưới chân có chậu than, cả người được lửa làm ấm, cô không có việc gì làm, liền lấy sách ra đọc, đôi khi có người đến đổi tiền lẻ, cô cầm tờ một trăm tệ, lật xem dưới ánh sáng, xác định là tiền thật.
"Đêm giao thừa lại trông cửa hàng một mình, không đi chơi với bạn à?" Chú đổi tiền hỏi, người trong làng đều quen biết nhau, Tưởng Sương được mọi người công nhận là đứa trẻ ngoan nhất làng.
Tưởng Sương đưa tiền lẻ qua, cười nói: "Nếu cháu đi chơi với bạn thì tiền của chú không có chỗ đổi rồi. Tiền lẻ của chú đây, chú đếm đi."
"Không cần đếm, còn không tin được cao thủ làng này là cháu này sao?"
"Chú đếm đi cho yên tâm, cháu sợ nhầm."
Chú nheo mắt cười, nói: "Chú thấy trẻ con trong làng này, cháu là đứa hiểu chuyện nhất. Cậu cháu may mắn thật."
"..."
Đợi chú hàng xóm đi rồi, Tưởng Sương lại ngồi xuống, cầm sách tiếp tục đọc.
Cô đã quen với việc trông cửa hàng đêm giao thừa, cậu mợ cuối cùng cũng được nghỉ ngơi chút, từ nhỏ Trần Dương đã có nhiều bạn chơi cùng, chỉ có cô là không có ai chơi chung. Một mình không có gì làm, không lạnh cũng không đói, ngồi yên đọc sách thời gian cũng trôi qua rất nhanh.
Đã qua mười một giờ, lại có người đến. Bóng người dựa vào cửa sổ, ánh mắt Tưởng Sương rời khỏi quyển sách, thấy rõ người đến kia.
Phó Dã chống lên cửa sổ, mắt liếc qua sách cô đang đọc, bìa sách có dán nhãn thư viện huyện. Tưởng Sương để sách xuống, cười một cái, trước tiên dùng ngôn ngữ ký hiệu hỏi cậu muốn mua gì.
Ngôn ngữ ký hiệu của cô đã tiến bộ nhiều, dùng để giao tiếp hàng ngày không có vấn đề lớn.
Phó Dã hỏi: Khuya vậy vẫn còn mở cửa?
Tưởng Sương đáp: Còn sớm, chưa qua mười hai giờ, dù sao thì đêm giao thừa mà, ai cũng ngủ muộn.
Hai người có thể tính là đều "không có việc gì làm", cứ thế nói chuyện với nhau, khó tránh khỏi nhắc đến điểm cuối kỳ. Tưởng Sương tiện tay rút tờ bảng điểm đang dùng làm bookmark tạm thời trong sách ra. Phó Dã nhướng mắt nhìn, khẽ tặc lưỡi với hành động của cô.
Cứ như thể cô đã cố tình chờ đợi khoảnh khắc này.
Thực tế cũng có một chút như vậy. Tưởng Sương chống tay, chờ đợi lời nhận xét của cậu.
Cậu mở tờ bảng điểm được gấp làm đôi ra, nghiêng người, đưa nó xuống phía dưới ánh đèn để xem.
Tưởng Sương đã trở lại vị trí đứng đầu lớp, môn Vật lý tiến bộ không ít, vừa đủ vượt qua ngưỡng điểm xuất sắc. Mặc dù không đạt điểm cao, nhưng cũng chỉ kém người đứng đầu trước đây vài điểm, và vài điểm này dễ dàng lấy được từ các môn khác.
"Cũng không tệ."
Cậu khẽ nhếch môi, đưa ra đánh giá.
Tưởng Sương mỉm cười, khẽ nâng cằm thể hiện sự vui vẻ và chấp nhận lời đánh giá này.
Vừa đến mười hai giờ đêm, mọi người đúng giờ bắt đầu bắn pháo hoa lên bầu trời. Việc đốt pháo hoa cũng có quy tắc cầu kỳ riêng, thường là nhà nào kiếm được càng nhiều tiền thì càng đốt nhiều pháo hoa, mọi người đều mang tâm lý muốn thể hiện, không ai chịu thua ai.
Tưởng Sương đứng dậy, thò đầu ra ngoài cửa sổ, lướt qua vai Phó Dã. Cậu nghiêng người nhìn ra, không thể nghe thấy âm thanh, chỉ có thể nhìn thấy pháo hoa lặng lẽ nở rộ rồi tắt, thế giới của cậu là một bộ phim câm dài.
Ánh mắt cậu trong sáng, tinh khôi.
Khi đốt giấy tiền vàng mã, Tưởng Sương đã ước nguyện với cha mẹ.
Điều thứ nhất.
Mong cô có thể thi đỗ đại học.
Còn một điều nữa.
Ước thay cho Phó Dã, mong rằng sau này cậu có thể nghe thấy âm thanh.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.