Đêm, Tưởng Sương không ngủ được, cô thức đến khi trời sáng rồi mới dậy. Đầu tiên là đun nước, sau đó giặt quần áo, phơi lên, quét dọn trên dưới sạch sẽ. Cô không để bản thân dừng lại, bởi vì khi người ta bận rộn thì sẽ không có thời gian suy nghĩ lung tung.
Mợ nói Trần Chính có ấn tượng rất tốt về cô. Biết cô đang học lớp 12, hiện tại đang trong giai đoạn căng thẳng nên tạm thời để cô thư thả, đợi đến khi thi đại học xong, cô có nhiều thời gian rồi thì cả hai sẽ bồi dưỡng tình cảm tốt hơn.
Trần Chính đã đến trường học, mang đồ ăn, chia cho nữ sinh cùng lớp cô với danh nghĩa anh trai. Chủ nhật thì đưa cô đi ăn một bữa, liên tục gắp thức ăn cho cô, bảo cô ăn nhiều thêm bây giờ nhìn cô gầy quá.
Cô lo sợ, không dám nhận, nhưng Trần Chính nhất định phải đưa cho cô.
“Em cảm ơn ạ.”
“Cảm ơn gì chứ, chuyện phải làm.”
Mọi việc nên phát triển theo hướng đúng đắn, đây là điều đúng đắn, Tưởng Sương tự thôi miên chính mình vậy.
Sau quốc khánh tiết trời dần trở lạnh, thời tiết cũng trở nên rất khó đoán, khi thì mưa âm u, khi thì nắng ráo, điều duy nhất có thể chắc chắn là mùa thu quá ngắn, mà mùa đông lại luôn luôn quá dài.
Tô Nhuế hơi tò mò về Trần Chính, cô ấy hỏi Tưởng Sương: “Trước đây sao tớ chưa từng nhìn thấy anh trai này của cậu?”
“Hai nhà bọn tớ cũng chỉ mới bắt đầu qua lại gần đây.” Giải thích thế này cũng không sai, cô không nói dối.
“Thảo nào.” Tô Nhuế gật đầu, cô ấy còn muốn hỏi về Phó Dã, nhưng thị trấn này quá nhỏ, qua lại cũng chỉ có vài con phố, rất dễ gặp người quen, giống như bây giờ đây, Phó Dã đang đứng ở phía bên kia đường.
Phía sau có hai kẻ côn đồ đi theo, dường như bọn chúng đang nói gì đó. Phó Dã dừng lại trên vỉa hè chờ đèn xanh, cậu cũng thấy họ, ánh mắt không lạnh không nóng, nhưng cũng không thấy dời đi.
Tô Nhuế ghé vào tai Tưởng Sương, nói một câu “Phó Dã kìa”.
Cô ấy biết quan hệ giữa hai người khá tốt. Phó Dã sẽ ném sữa cho Tưởng Sương, đôi khi còn có phần của Tô Nhuế, lâu dần quan điểm của cô ấy về Phó Dã cũng có chút thay đổi.
Mặc dù là kẻ lêu lổng không ra gì, nhưng cậu không giống những người đó, không có vẻ du côn, dáng vẻ dùng ngôn ngữ ký hiệu cũng khá thu hút người khác.
Có lẽ là do ngoại hình, Tô Nhuế chắc chắn thêm điều này.
Tưởng Sương mở to mắt nhưng không nhìn về hướng đó, cô quay đầu về hướng khác, nói đột nhiên nhớ ra mình còn có đồ chưa mua.
“Đồ gì vậy?” Tô Nhuế ngơ ngác.
“Vở.”
“Phố đó có tiệm văn phòng phẩm à?” Tô Nhuế vẫn bị Tưởng Sương kéo đi.
Số lần bất ngờ gặp phải Phó Dã trên phố không ít, mỗi lần như vậy Tưởng Sương đều tránh né, dần dà Tô Nhuế cũng biết Tưởng Sương đang tránh Phó Dã, còn vì sao thì Tưởng Sương không chịu nói. Mà cô không muốn nói thì Tô Nhuế cũng không hỏi nữa.
Nhưng không phải lần nào cũng tránh được.
Tô Nhuế đã về nhà ăn cơm, Tưởng Sương mua một số đồ dùng hàng ngày. Sau khi mua xong, trên đường về trường, suýt đụng phải Phó Dã đi ngược lại, cậu đứng như bức tường, đôi mắt một mí không mấy vui vẻ nhìn cô chăm chú.
Tưởng Sương cúi đầu, nhìn chằm chằm vào bàn chân, định đi vòng qua bên cạnh cậu.
Chưa đi được hai bước, dây ba lô đã bị nắm lấy, Phó Dã không tốn chút sức nào đã kéo cô trở lại. Tóc cậu lại cắt ngắn thành đầu đinh từ khi nào, khuôn mặt không còn bị che giấu để lộ những góc cạnh rõ ràng, mặt mày lạnh lùng cứng rắn, có một sự hoang dã như vừa lăn ra từ đống bùn.
Phó Dã hỏi: Cậu trốn cái gì?*
*Dù Phó Dã hơn tuổi Tưởng Sương nhưng tui cứ thấy nếu gọi là “em” thì bị kì kì, mí bà thấy sao?
Động tác ra hiệu tay cũng khá bực bội, như thể ấm ức đã lâu, cuối cùng tìm được chỗ trút.
Tưởng Sương nhìn cậu mà không nói gì, vì cô cũng không biết trả lời sao, đúng là cô đang tránh cậu.
Tại sao lại trốn?
Có lẽ là còn một chút tự trọng đang tác quái trong lòng cô, không gặp cậu sẽ không nhớ đến sự khó xử ngày đó.
Phó Dã đợi một lúc, nói tiếp: Nói đi.
“Sắp vào học rồi.”
Tưởng Sương trả lời một câu không ăn nhập gì.
Có vài lời không cần nói quá thẳng thắn, một cái nhìn, một cử chỉ đã đủ. Xây dựng một mối quan hệ cần rất nhiều thời gian, nhưng kết thúc một mối quan hệ có lẽ chỉ là chuyện trong chớp mắt. Cô muốn rút dây ba lô khỏi tay cậu, quay mặt đi rồi nhìn lại với ánh mắt xa cách lạnh nhạt, cô rất gấp, gấp rời đi.
Cô không muốn ở lại thêm dù chỉ một phút.
Loại ánh mắt này Phó Dã quá quen thuộc, nó khá vô vị, giống như cậu đang vô duyên vô cớ kéo một cô gái nhỏ giữa phố vậy.
“Anh Dã!”
Mấy người thường ngày hay đi theo cậu chạy về phía này.
Phó Dã buông tay, nâng cằm lên, ra hiệu cô có thể đi.
Tưởng Sương cảm thấy dạ dày nghẹn lại, như ăn nhiều đầy bụng, không thể tiêu hóa được, cô không kịp nghĩ nhiều, xách túi đồ trong tay vội vàng đi.
Lướt qua mặt Phó Dã.
Giống như một dấu lặng dài.
Mấy người đã đến nhìn về phía Tưởng Sương vừa chạy đi. Họ có chút ấn tượng, đó không phải là bạn gái cũ của Phó Dã sao, chuyện gì vừa mới xảy ra vậy, hai người lại làm hòa rồi à?
Tò mò nhưng không ai dám hỏi, hỏi rồi cũng không có câu trả lời, thôi thì im miệng luôn cho rồi.
Phó Dã liếc nhìn, Tưởng Sương đã chạy từ trong bóng tối ra ánh sáng, ranh giới sáng tối lúc này thật sự rõ ràng, rõ ràng đến mức không giống như là cùng một thế giới nữa.
Cậu cúi đầu, bồn chồn lấy thuốc lá từ bao thuốc ra. Lạ thật, bình thường cậu không nghiện thuốc, nhưng gần đây lại hút rất nhiều.
….
Thời gian lặng lẽ trôi qua.
Cho đến kỳ nghỉ một tháng sau, cậu trở về với gương mặt đen kịt. Mợ còn tưởng là ở công trường xảy ra chuyện, đi theo cậu từ tiệm tạp hóa về nhà, hỏi đã xảy ra chuyện gì.
Cậu không hé răng nói một lời nào.
Về đến nhà, cậu mới hỏi: “Trần Chính đến nhà chúng ta làm gì?”
“Giữa họ hàng với nhau lui tới không bình thường sao?”
“Trước đây không lui tới, bây giờ lui tới làm cái gì?” Cậu không tin chuyện đó.
Ở công trường có người tìm đến cậu, gọi cậu là người anh em, nói hai nhà sau này là thông gia, không thể không uống rượu với nhau một bữa.
Cậu hỏi thông gia nào, đối phương cười cười, nói: “Cháu gái nhà ông với cháu trai tôi – Trần Chính – đấy.”
Chiều hôm đó cậu xin nghỉ về nhà, gia đình có chuyện lớn như vậy lại không ai bàn với cậu.
Mợ cũng không giấu, nói: “Trần Chính có điều kiện rất tốt. Anh cũng biết đấy, cậu ấy vừa mua một căn nhà, chuẩn bị cưới xong sẽ trang trí, công việc của cũng thuận lợi, tính cách cũng không tệ…”
Mợ chưa nói hết đã bị cậu thô bạo cắt ngang, chỉ vào mợ, mắng: “Sương Sương mới bao nhiêu tuổi mà đã vội vã gả con bé đi? Lương Anh, em có còn là con người không?”
Mợ bị quát một tiếng, giật mình run lên, chưa hoàn hồn hốc mắt đã đỏ lên trước. Mợ nhíu mày không tin nổi, chỉ vào mình nói: “Tôi không phải con người? Tôi không phải con người, Trần Gia Khánh, anh nói câu này mà không thấy lương tâm cắn rứt sao?”
“Người không có lương tâm là em. Nhà họ Trần cho em bao nhiêu tiền?”
Trần Dương nghe tiếng nên chạy ra khỏi phòng, vẫn chưa rõ chuyện gì, ngơ ngác hỏi một câu sao vậy nhưng không ai để ý đến cậu. Thấy tình hình không ổn, cậu vội chạy đến tiệm tạp hóa gọi Tưởng Sương.
Cổ Trần Dương đỏ ửng, từ xa đã gọi: “Chị, chị, chị mau lại đây!”
“Sao vậy?” Tưởng Sương ra khỏi tiệm tạp hóa.
“Ba mẹ em cãi nhau, nghiêm trọng lắm.”
Trong nhà, nước mắt mợ trào ra, nhẫn nhịn cắn môi, lệ đầm đìa nhìn qua: “Trần Gia Khánh, khi tôi lấy anh, anh không có gì cả, không lấy ra được một đồng tôi vẫn theo anh. Theo anh biết bao nhiêu năm tôi có phàn nàn một câu nào chưa? Anh đưa Tưởng Sương về, anh có bàn với tôi một câu nào chưa? Những năm này, tôi không tốt với con bé sao? Con bé có thiếu ăn, thiếu mặc, bị đánh mắng một lần nào chưa?”
Nói chuyện phải theo lương tâm, Lương Anh có thể đặt tay lên lương tâm nói mình chưa bao giờ để Tưởng Sương phải thiếu thốn.
“Sương Sương phải học đại học, em bảo con bé đi lấy chồng là ý gì?”
“Nhà mình có nuôi nổi không?” Mợ đột nhiên nâng cao giọng: “Con bé lên đại học, còn Trần Dương thì sao? Hai đứa học sinh cấp ba đã không nuôi nổi rồi, hai sinh viên đại học làm sao nuôi?”
Mợ không phải thánh nhân, không thể không có chút lòng riêng nào. Trần Dương là con trai ruột, là miếng thịt rơi xuống từ trên người mợ. Mợ khổ nửa đời rồi, bây giờ lại phải nhường cơ hội cho người khác, để con trai đi con đường cũ, mợ không làm được, thật sự không làm được.
“Anh sẽ kiếm tiền, anh làm trâu làm ngựa cũng tuyệt đối không để hai đứa trẻ không học nổi.” Gương mặt đen sạm của cậu đỏ bừng, tức đến mức siết chặt nắm đấm, cả người run run.
“Số tiền anh kiếm được đủ không? Cuộc sống thế này đến bao giờ mới có hồi kết? Mỗi ngày, mỗi đêm em đều giật mình tỉnh giấc, nghĩ đến những khoản nợ chúng ta đang có, em lo lắng đến mức không thể ngủ được.”
Không ai là Bồ Tát sống.
Ít nhất thì Lương Anh không phải.
“…”
“Mẹ, con không học đại học đâu. Con sẽ đi làm kiếm tiền, con sẽ lo cho chị học hành.”
Trần Dương vừa chạy về cùng Tưởng Sương, nghe được câu sau thì đứng ra, ưỡn ngực nói theo bản năng, cậu đã quyết tâm từ lâu rồi.
Tưởng Sương kéo tay cậu về phía sau, bảo cậu đừng nói nữa.
“Mẹ đừng ép chị lấy chồng. Con không muốn học nữa, con thực sự không muốn tiếp tục, con không phải là hợp với học hành đâu.”
Mợ cười, vừa cười vừa rơi nước mắt: “À, hoá ra trong nhà này chỉ có mình tôi là người xấu thôi sao?”
“Cậu, là cháu tự không muốn đi học. Anh Trần Chính là người tốt, cũng rất quan tâm cháu, chúng cháu nói chuyện rất hợp, thật đấy.”
Tưởng Sương đứng trước mặt mợ: “Cậu, cậu đừng cãi nhau với mợ.”
“Ai đồng ý cho cháu nghỉ học? Nếu cháu không muốn học thì đi sớm đi, đi lấy chồng, lấy ai cũng chẳng liên quan gì đến cậu, coi như cậu nuôi cháu uổng công.”
Cậu im lặng quay lưng đi lên lầu, bờ vai rộng như núi hơi gù do thường xuyên vác vật nặng, không thể thẳng lưng được.
“Cậu.” Tưởng Sương dùng mu bàn tay lau đi nước mắt.
Mợ thu dọn đồ về nhà mẹ đẻ ngay ngày hôm đó. Tưởng Sương và Trần Dương ngăn cản thế nào cũng không được. Mợ lau mặt, nhìn Tưởng Sương gượng cười: “Sương Sương, con đừng hận mợ nhé.”
Lòng Tưởng Sương đau như bị ai xé nát: “Làm sao con có thể hận mợ được, mợ à, là con có lỗi với mợ.”
Nếu không phải vì cô, gia đình này tuyệt đối sẽ không rơi vào tình cảnh như như bây giờ.
Mợ cười, không nói gì thêm, xách túi đi khỏi.
Trần Dương chạy theo kéo mợ lại.
Mợ đã quyết tâm, giật lại túi của mình, bước nhanh ra đầu làng.
Trần Dương thất thần quay lại, không vào nhà mà ngồi ở bậc cửa, cúi đầu ngẩn người. Nhận ra Tưởng Sương đến trước mặt, cậu ngẩng đầu nói: “Chị, chị yên tâm. Có em ở đây, em sẽ không để chị nghỉ học đâu.”
“Đừng ngốc nữa, chị là chị của em mà.”
“Chị cũng chỉ hơn em mấy tháng thôi.”
Tưởng Sương nhìn xuống, mỉm cười buồn bã: “Hơn mấy tháng, một ngày hay chỉ vài phút cũng là hơn, cũng là chị của em.”
Mợ vừa đi, căn nhà liền trở nên vắng vẻ. Trần Dương cũng không chạy lung tung nữa, chỉ ở trong tiệm tạp hóa. Tưởng Sương phụ trách nấu cơm, giặt quần áo, dọn dẹp. Ban ngày cậu đến công trường làm việc, tối thì về nhà ngủ.
Lại một buổi tối nữa mợ vẫn không có ý định quay về.
Cậu ngồi hút thuốc trên bậc đá trong sân. Tưởng Sương rửa xong bát, đi ra ngồi xuống bên cạnh.
Trăng sáng sao thưa, trăng không tròn đầy, có một góc nhỏ khuyết.
Tưởng Sương ôm đầu gối, nói: “Cậu, cậu còn nhớ ngày cậu đến nhà bác không?”
Không đợi cậu trả lời, cô tiếp tục: “Con nhớ, nhớ rất rõ, rất rõ.”
Đó là vào một ngày mùa đông.
Sau khi bố mẹ gặp nạn, Tưởng Sương được đưa về nhà bác. Nhà bác có ba đứa con, chị họ, anh họ, cô là người nhỏ tuổi nhất. Bác gái cao hơn cả bác trai, người to xương, chưa bao giờ cười với cô; bác trai thích đánh bạc, phần lớn thời gian đều đốt ở bên bàn bài. Hai người thường xuyên cãi nhau, không chỉ cãi, còn đánh nhau, là loại đánh nhau mà chạy vào bếp lấy dao ra đánh, đồ đạc trong nhà đều có vết dao chém.
Quần áo Tưởng Sương mang đến bị hai chị họ chia nhau mặc hết, ném cho cô những bộ quần áo cũ rách của họ. Đồ chơi, dây buộc tóc, kẹp tóc của cô đều không giữ lại được. Bà nội nắm tay cô an ủi, nói không sao đâu, đã cho họ đồ rồi thì cô sẽ không bị bắt nạt nữa.
Nhưng thật ra không phải vậy, đồ đã cho rồi, cô vẫn bị bắt nạt.
Ban đầu Tưởng Sương theo bà nội, cô không dám ăn nhiều, tối thì ngủ bên cạnh bà. Bình thường, bác gái luôn coi như không thấy cô.
Chẳng bao lâu sau, bác trai và bác gái lại cãi nhau. Bác gái lấy dao từ bếp ra, Tưởng Sương được bà nội bảo vệ, co ro trong góc. Bác gái gào thét: “Tiền đâu, chính anh nói với tôi là có thể lấy được mấy chục vạn. Đồ lừa đảo, bây giờ một xu cũng không có, còn thêm một gánh nặng, sao anh không chết đi?”
“Làm sao tôi biết bọn nó ngu đến mức không mua bảo hiểm?” Bác trai gào đáp trả lại.
“Bà đây mệt muốn chết, trông cậy vào anh cũng chỉ vô dụng. Tôi đúng là mù rồi mới chọn anh.”
“Liên quan quái gì đến tôi?”
Bác gái quay đầu, trừng mắt nhìn hai bà cháu trong góc.
Từ đó trở đi, nhà bác đối xử với Tưởng Sương càng tệ hơn, cô trở thành cái gai trong thịt, trong mắt của họ. Sáng, cô phải đi với bà lên đồi cắt cỏ cho lợn, phải quét nhà, rửa bát, giặt quần áo, xuống đồng làm việc, cấy mạ, nhổ cỏ, việc làm được và không làm được cô đều phải làm, chỉ vậy mới có cơm ăn. Ăn cơm phải đứng, không được gắp thức ăn, bà nội lén gắp cho cô, bác gái dùng đũa gõ mạnh vào bát, mắng bà thiên vị, thức ăn đều cho Tưởng Sương ăn hết, vậy họ ăn gì?
Tưởng Sương lén khóc trong chăn.
Bà vỗ lưng cô, nói với cô lớn lên rồi sẽ ổn thôi.
Lần khó khăn nhất là sau Tết. Đầu năm họ hàng đến chúc Tết, thường thấy nhất là tặng mì, đường phèn, thịt hun khói, tốt hơn thì có bánh trứng nhân kem, bánh sa kỳ mã. Nhưng những thứ đó không được động vào, phải dùng để đáp lễ và đến nhà người khác chúc Tết. Sau khi chúc Tết xong, chị họ, anh họ lén ăn đường phèn bị Tưởng Sương thấy. Để bịt miệng cô, họ đã cho cô hai viên. Tưởng Sương không nhịn mà được nhận lấy. Cô ăn một viên, thật ngọt, quay đầu định đưa viên còn lại cho bà.
Sau đó chuyện ăn trộm đường phèn bị bác gái phát hiện. Anh họ chị họ đều nói cô là người trộm. Cô thậm chí còn không có cơ hội biện minh, bị bác gái túm tai lôi ra khỏi nhà. Đi dọc theo con đường làng, bác gái vừa mắng vừa tát cô, mắng cô ăn trộm, nói cô là con chó không nuôi được, ăn trộm cả đồ trong nhà.
Người trong làng nghe thấy tiếng ồn liền đi ra xem. Tưởng Sương vừa khóc vừa giơ tay lên đỡ, nhưng không thể nào đỡ được những cái tát tới tấp của bác gái. Cô la hét cầu xin bác gái, nói mình không trộm, nhưng vẫn bị đánh đến mức miệng đầy máu, sưng đến nỗi không nói được.
Có người thấy không chịu nổi, hỏi trộm cái gì, biết được là đường phèn thì nhăn mày nói trẻ con còn nhỏ, không phải là thứ quan trọng thì thôi đi.
Bác gái nhướn mày trợn mắt, giọng the thé cao vút: “Đây có phải là chuyện trộm cái gì không? Con bé này không cha không mẹ, bé tí lứt mắt đã biết ăn trộm, tôi không dạy dỗ thay cha mẹ nó, để nó lớn lên thì còn thành cái dạng gì nữa? Tôi đánh nó là vì tốt cho nó, xem nó còn dám ăn trộm không.”
“Nhưng cũng không phải đánh như thế này, bà đang đánh chết con bé đấy.”
“Con cái nhà tôi, tôi muốn đánh thế nào thì đánh, ông quan tâm thế thì mang về nhà ông mà nuôi?”
Người kia im lặng không nói nữa. Thấy không đành lòng, đành đóng cửa lại.
Ngày hôm đó Tưởng Sương bị đánh đến nửa chết nửa sống. Buổi tối khi bà thoa thuốc lên mặt cô, không nhịn được bịt miệng khóc bốn, năm lần. Bà không dám phát ra tiếng, để bác gái nghe thấy lại mắng bà khóc tang.
Bà ôm cô, thân hình gầy gò run rẩy mãi, nói mình bất tài, có lỗi với bố mẹ đã khuất của cô.
Mặt Tưởng Sương sưng vù, miệng đã tê dại, sưng đến nỗi không thể khép lại được.
Sau đó cô không còn đụng đến đồ ăn vặt nữa, cũng không thèm ăn nữa.
Khi cậu đến thăm cô, cô đang giặt quần áo. Trong chậu đỏ lớn chất đầy quần áo của cả gia đình. Đôi tay bị nứt nẻ ngâm trong nước lạnh ngược lại rất ấm, nhưng quần áo mùa đông quá dày, ngâm nước lại càng nặng. Thậm chí cô còn không thể nhấc lên nổi, khó khăn chà xát trên tấm ván giặt.
Phía sau có người thử gọi “Sương Sương”.
Cô quay đầu lại, khuôn mặt nhỏ bằng bàn tay trông thật vô cảm. Nhìn rõ là ai, cô vẫn không chắc chắn, khẽ gọi một tiếng “cậu”.
“Ừ, là cậu đây.” Cậu với đôi mắt đỏ ngầu, ánh nước lấp lánh trong đáy mắt, bế Tưởng Sương lên, áp mặt vào trán cô, khẽ hỏi có lạnh không.
Tưởng Sương lắc đầu, nói không lạnh, còn nóng nữa.
Chỗ nứt nẻ nóng đến mức khiến cô muốn gãi, nhưng cô không dám, bởi vì sẽ bị rách da chảy máu.
“Ngoan, chúng ta không giặt nữa.” Cậu kéo tay cô, bàn tay sưng lên như bánh bao, các khớp ngón tay đều nứt nẻ, đâu giống bàn tay trẻ con chút nào.
Cậu vào nhà, cãi nhau với bác cả một trận lớn. Cậu xé chiếc áo mỏng manh không có chút bông nào trên người Tưởng Sương, giơ đôi tay đầy nứt nẻ của cô lên, nói sao mà ngay cả tai và mặt cũng bị nứt nẻ thế này. Cậu nói họ có còn là người không.
Bác cả bị mắng đến mức không ngẩng đầu lên được. Bác gái đá đổ ghế: “Nếu chú thương nó thế thì đưa về nuôi đi, đứng đây làm người tốt cái gì? Tôi còn ba đứa con của mình, tôi nuôi nổi sao?”
“Nuôi con chó còn có thể trông nhà canh cửa, con ranh này ngày nào cũng ăn không ngồi rồi. Tôi còn phải cúng như Bồ Tát mới đúng à?”
“Anh chị nói ra những lời này mà cũng ưỡn ngực thẳng lưng được cơ đấy, đúng là không biết xấu hổ. Sương Sương cũng là con của chị anh, là cháu gái ruột của anh, sao anh không nuôi nổi?”
Cậu xoa má cô, dịu dàng hỏi cô có muốn về nhà với mình không.
Tưởng Sương nắm ngón cái của cậu, rụt rè gật đầu.
Cô chào tạm biệt bà nội. Bà nội bảo cô phải ngoan, chỉ có ngoan mới có người thương. Bà khóc xong lại cười, buộc tóc cho cô, bảo cô đi đi, có thời gian bà sẽ đến thăm cô.
Bà nội là kẻ nói dối. Bà không đến, không một lần nào, bởi chưa được bao lâu sau bà đã qua đời rồi.
Cậu bế cô đi, không mang theo gì cả. Cậu mua quần áo, giày dép cho cô mặc vào ngay, đồ cũ vứt hết vào thùng rác. Trên đường về cậu nói với cô, nói mợ là người khẩu xà tâm phật, sẽ đối xử rất tốt với cô, tốt như mẹ vậy.
Về đến nhà không tránh khỏi cãi vã. Tưởng Sương đứng trong sân, cô chậm rãi quan sát môi trường xa lạ trước mắt, cuối cùng chú ý đến một chậu quần áo đặt ở trong góc. Cô suy nghĩ một lúc, đi đến mở vòi nước, ngâm quần áo vào nước, rắc bột giặt lên.
“Trần Gia Khánh, anh bị bệnh à. Tình hình nhà mình thế nào anh còn không rõ sao, nó đến từ đâu mau đưa nó về đó đi.” Mợ tức giận đi ra, lại nhìn thấy bóng dáng đang ngồi xổm ở góc, liền đứng lại.
Tưởng Sương lúng túng đứng dậy, quần áo cầm trong tay vẫn nhỏ giọt từng giọt lách tách, đôi mắt tròn đỏ hoe, cô rụt rè gọi một tiếng mợ.
Mợ nhíu mày, không định để ý đến cô.
Tưởng Sương đứng đó, giọng yếu ớt: “Mợ, con ăn rất ít, thật đấy. Con cũng thích ăn rau, con rất chăm chỉ, cái gì cũng làm được.”
“Mợ, mợ có thể để con ở lại không?”
Mắt mờ đi, cô gần như van xin nhìn mợ.
Mợ bồn chồn, ngực như bị cái gì đó nghẹn lại, đi hai ba bước đến, lấy quần áo từ tay cô: “Con giặt cái gì, bé tí thế này có thể vắt khô được à? Toàn gây rối!”
Mợ quay lại liếc cậu: “Trên bàn còn đồ ăn đấy, tự hâm nóng mà ăn. Anh không đói, chẳng lẽ con bé cũng không đói à?”
“Được, được.” Cậu thở phào, vẫy tay gọi Tưởng Sương lại.
Cậu dựng một cái giường trong phòng Trần Dương, Tưởng Sương đã ở lại như vậy đấy.
…
Tưởng Sương nhìn mặt trăng, lau nước mắt ở khóe mắt. Giống như ngày được đưa về, cô nhẹ nhàng nắm lấy ngón cái của cậu, cảm nhận những vết chai trên đầu ngón tay. Bàn tay cậu đầy vết lõm, rất thô ráp, không còn là cảm giác trong ký ức, nhưng vẫn ấm áp.
“Cậu, đủ rồi, cậu đã làm quá nhiều rồi, mẹ con cũng không muốn cậu vất vả như vậy. Rất tốt rồi, con nói thật đấy, đây đã là sự sắp xếp tốt nhất rồi.” Cô thở dài, nói ra điều đã đè nặng trong lòng bấy lâu.
“Cậu là người cậu tốt nhất thế gian, mợ cũng là người mợ tốt nhất.”
Cô đã mãn nguyện rồi.
Lớn lên như bây giờ, còn có thể học xong cấp ba.
Đã đủ rồi.
…
Kiểm tra tháng lớp 12, lần đầu tiên Tưởng Sương tụt khỏi top 3 của lớp, thứ hạng toàn khóa càng không cần nói. Giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn khác lần lượt gọi cô vào văn phòng, quan tâm hỏi cô có phải áp lực quá lớn không, nếu có vấn đề gì nhất định phải nói với họ sớm.
Tưởng Sương nói không có vấn đề gì, có thể là do cô không khỏe lúc thi.
Chỉ có cô biết rõ, tâm trí cô đã không còn ở việc học, kỳ thi đại học trở nên vô nghĩa, thậm chí những tiết học sau này cô cũng không muốn tham gia nữa. Cô muốn tìm một công việc, dành dụm tiền cho Trần Dương học đại học, đợi đến tháng sáu sẽ quay lại trường tham gia kỳ thi đại học mang tính hình thức.
Tưởng Sương chưa quyết định. Khi cô ra cổng trường, có vài người đi đến. Cô nhận ra một người trong số đó, mắt dài hẹp, là người thường xuyên lảng vảng bên cạnh Phó Dã.
Họ chờ ở đây cả buổi sáng rồi.
“Chị dâu?” Người đó không chắc chắn gọi cô một tiếng.
Tưởng Sương hơi đề phòng, hỏi: “Có việc gì sao?”
“Có việc, có chuyện lớn rồi.” Tìm được người, mắt dài hẹp thở phào: “Anh Dã bị thương rồi, bị thương khá nặng, mấy ngày nay liên tục sốt cao, uống thuốc cũng không thấy đỡ. Mấy thằng đàn ông thô lỗ bọn tôi cũng không biết chăm sóc, không biết chị dâu có thể đến trông nom một chút không?”
Tưởng Sương sững người, giọng lạnh đi: “Bị thương thế nào?”
“Chị biết bọn tôi đấy, đánh nhau là chuyện thường ngày mà. Ai ngờ lần này bên kia chơi xấu, giấu dao trong người. Chúng tôi không mang theo gì cả, tay không làm sao đánh lại. Anh Dã chắn phía trước, bị mấy nhát dao…”
Cảnh tượng anh ta mô tả thật kinh hoàng.
Tưởng Sương cắn chặt môi, không khỏi lo lắng cho cậu.
“Cậu ấy thế nào rồi?”
“Yên tâm, yên tâm, chưa chết, chỉ là trông có vẻ nghiêm trọng, lại sốt cao, chúng tôi đều không biết làm sao nữa. Bây giờ đang vô cùng hoang mang nên mới chạy đến tìm chị. Chị dâu, chị có thể đến xem anh Dã không?”
Tưởng Sương không thể ngồi yên mà nhìn, cô gật đầu.
Phó Dã quả thật bị thương rất nặng, mấy nhát dao chém vào cánh tay, mấy nhát ở lưng, ngực cũng bị một nhát, nửa thân trên quấn đầy băng gạc, cánh tay phải được băng bó kỹ hơn. Cậu nằm trong căn phòng thuê, bên cạnh chiếc ghế chất đầy thuốc kháng viêm giảm đau. Khi Tưởng Sương vào phòng, cậu vẫn đang ngủ, ngủ rất say, thậm chí không biết có người vào.
Phó Dã đang sốt, mặt đỏ bất thường, trán đổ mồ hôi, môi khô nứt. Bị sốt mấy ngày, cơ thể cậu cũng gầy đi, xương hàm nhô ra, trông như bệnh nan y, vô cảm chờ chết. Trong phòng thậm chí còn không có nước nóng, cậu được đắp qua loa bằng hai cái chăn, trên sàn đầy thuốc lá, trên bàn chất đầy mì ăn liền đã ăn, không khí mù mịt đầy khói bụi, không có chút dáng vẻ nào giống như người bệnh đã được chăm sóc.
Mấy người kia đưa chìa khóa cho cô xong, nhanh chóng lẻn đi.
Tưởng Sương đứng im lặng một lúc, chậm rãi thở ra một hơi. Cô xắn tay áo lấy một chiếc chăn ra, gấp gọn cất vào tủ, rồi múc một chậu nước lạnh, lấy khăn ngâm nước, lau mặt cho cậu rồi lau cổ, môi cũng được thấm ướt một chút. Một lúc sau, cô bắt đầu dọn rác trên bàn, quét hết đầu thuốc lá, tìm ấm đun nước nấu nước nóng…
Một lúc sau, căn phòng mới trở lại dáng vẻ ban đầu, ít nhất phù hợp để dưỡng bệnh.
Phó Dã đang trong tình trạng này, xem ra một thời gian ngắn không thể không có người chăm sóc, cô không thể gọi bà nội Phó đến. Bà nội Phó đã lớn tuổi, nhìn thấy chỉ sợ sẽ đau lòng rơi lệ.
Phó Dã cũng sẽ không muốn.
Nghĩ đi nghĩ lại, chỉ có cô thôi.
Tưởng Sương quay lại trường một lần, tìm giáo viên, mặt không đổi sắc nói dối rằng nhà có người bệnh, muốn xin nghỉ vài ngày để chăm sóc.
Giáo viên đồng ý ngay, dù sao trước đây, Tưởng Sương rất sợ bỏ lỡ những tiết học, chưa từng xin nghỉ, nửa ngày cũng không. Khi Tưởng Sương đi, giáo viên quan tâm nói: “Nhà có chuyện gì thì gọi điện cho cô nhé.”
“Em ơn cô.”
“Đi đi.”
Khi quay lại phòng thuê của Phó Dã, trong tay cô thêm một phần cháo, chờ cậu tỉnh lại chỉ cần hâm nóng là có thể ăn. Phó Dã vẫn chưa tỉnh, cô mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần ngồi trên chiếc ghế sofa cũ, ngửa đầu tựa ra sau, toàn thân có hơi tê dại.
Đôi khi không thể không chấp nhận số phận.
Cô chắc chắn không thể học đại học, còn Phó Dã, tên côn đồ đánh nhau này, một ngày nào đó sẽ bị người ta chém chết trên đường phố, hoặc là chém chết người khác rồi vào tù.
Tương lai của họ, từ lâu đã bị mọi người nói đúng.
…
Phó Dã tỉnh dậy lúc nửa đêm, đầu óc bị sốt đến mơ hồ, cậu chống cánh tay trái bị thương không nặng lắm từ từ ngồi dậy. Động tác không quá mạnh nhưng ngực và lưng đau đến mức ngay cả thở cũng đau, đừng nói đến những cái khác. Chỉ là ngồi dậy, đã mất của cậu mấy phút thời gian. Trong bóng tối không nhìn rõ, cậu dựa vào cảm giác mò thuốc lá và bật lửa trên ghế.
Một tay không dễ cử động, cậu mất rất lâu cuối cùng cũng rút được một điếu, vừa đặt lên miệng cắn, cái trán đã đầy mồ hôi.
Tay không có sức, ấn bật lửa cũng khó, đầu ngón tay cậu trượt qua mấy lần, cuối cùng cũng ấn được, bật lửa xì một tiếng, bắ n ra một ngọn lửa nhỏ.
Phó Dã cúi đầu châm thuốc.
Còn chưa châm được, có người rút điếu thuốc khỏi miệng cậu. Cậu ngẩng đầu, nhìn thấy khuôn mặt được ánh sáng yếu ớt chiếu sáng, lông mày đôi mắt trong sạch thuần khiết, đôi mắt hoa đào đen trắng rõ ràng không chớp mắt nhìn chằm chằm cậu.
Tưởng Sương nói: “Không được hút thuốc.”
Cô nhíu mày nhăn mắt, thoáng nhìn còn khá dữ tợn.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.