🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau

21

 

"Anh cả đi học, con theo mẹ mở quán mạt chược, chẳng phải cũng kiếm được nhiều tiền sao?".

 

Mẹ tôi sững người, vành mắt từ từ đỏ lên, không biết nên khóc hay nên cười: "Quán mạt chược...".

 

"Tao ngày đêm kiếm tiền chỉ mong cho mày có thể đi xa hơn, kết quả mày lại muốn theo tao mở quán mạt chược?".

 

Bà ném chiếc móc áo xuống, thất thần đi vào phòng.

 

Qua cánh cửa, chúng tôi nghe thấy tiếng khóc đau khổ của bà.

 

Anh hai dựa vào cửa, khẽ nói: "Mẹ, con thật sự không phải là người có khả năng học tập, cứ nhìn sách là con lại thấy đau đầu."

 

"Mẹ đừng giận con nữa."

 

Đêm đó tôi không ngủ ngon.

 

Nửa đêm thức dậy đi vệ sinh, tôi thấy phòng bố mẹ vẫn sáng đèn.

 

Bố nói: "Tiền cho con cái ăn học, chúng ta cũng tiết kiệm được kha khá rồi, hay là đóng cửa quán mạt chược đi em."

 

"Anh xem những người ngày ngày chìm đắm trong quán mạt chược, có mấy gia đình hòa thuận hạnh phúc? Con cái của họ, từ nhỏ đã không được bố mẹ chăm sóc, lại có mấy đứa nên người?".

 

Mẹ tôi khẽ nói: "Để em nghĩ lại đã."

 

Quán mạt chược của mẹ tôi nằm ở phía đông thành phố, và chỉ sau vụ việc của anh hai không đầy hai ngày, một chuyện kinh hoàng đã xảy ra ở quán mạt chược phía tây thành phố.

 

Một khách hàng nghiện mạt chược có con nhỏ rất hay quấy khóc.

 

Lúc đó việc quản lý thuốc men chưa nghiêm ngặt, bà ta đã mua một ít thuốc ngủ, nghiền ra rồi cho con ăn.

 

Như vậy bà ta có thể thoải mái ra ngoài chơi mạt chược vào buổi tối.

 

Kết quả tối hôm đó không hiểu thế nào, đứa trẻ tỉnh giấc giữa chừng không thấy mẹ đâu, bò lên bệ cửa sổ rồi rơi xuống từ tầng năm.

 

Chết ngay tại chỗ.

 

Bố đứa trẻ là tài xế xe đường dài, hôm đó anh về sớm hơn dự kiến, nhìn thấy xác con mình nằm trên vũng máu ở dưới lầu.

 

Bà cụ ở lầu trên còn kể, trước đó bà vẫn nghe thấy tiếng trẻ con khóc, cứ tưởng là tiếng mèo hoang *****.

 

Chắc là đứa trẻ đó rơi xuống vẫn chưa chết ngay, cứ rên rỉ rồi chết dần trong đau đớn tột cùng.

 

Người bố đứa trẻ phát điên.

 

Anh ta cầm dao phay chạy đến quán mạt chược chém chết vợ mình, cùng bàn chơi mạt chược thì chém chết một người, làm bị thương hai người.

 

Một vụ án mạng kinh hoàng như vậy, cả thị trấn đều biết chỉ trong một đêm.

 

"Cho con uống thuốc ngủ, thật là nhẫn tâm! Tam Vạn!".

 

"Đúng vậy đó, nghe nói quán mạt chược đó đầy máu, Ngũ Vạn!".

 

"Phỗng! Bà chủ cũng bị bắt rồi! Nhị Sách.".

 

"Ù rồi, ù rồi...".

 

Tiếng quân mạt chược va vào nhau vang lên không ngớt.

 

Hôm đó là cuối tuần, tôi nghe thấy mẹ gọi điện cho một vị khách quen: "Dì Lý à, dì vẫn khỏe chứ ạ? Sao hai hôm nay không thấy dì đến chơi mạt chược?".

 

Giọng bà Lý sang sảng truyền qua điện thoại: "Dì vẫn khỏe, thằng con trai dì cãi nhau với dì một trận, nó bảo nếu dì dám đi thì nó sẽ đưa dì về quê, tức chết dì mất!".

 

Con trai bà Lý làm ở cục Quản lý thị trường, mỗi tuần bà ấy đến nhà tôi chơi ít nhất bảy, tám ván mạt chược.

 

Mỗi lần bà ấy ở lại ăn cơm, mẹ tôi luôn chuẩn bị riêng cho bà một phần đồ ăn mềm nhừ.

 

Có lúc quá muộn, mẹ tôi còn đưa bà ấy xuống dưới lầu.

 

Con trai bà ấy chưa từng xuất hiện ở quán mạt chược, nhưng trước đây cũng không hề ngăn cấm mẹ mình chơi bài.

 

Tối hôm đó mẹ tôi đóng cửa về nhà, người đầy mệt mỏi.

 

Sáng hôm sau, bà ấy phá lệ làm bữa sáng cho chúng tôi, nói: "Mẹ quyết định đóng cửa quán mạt chược, sau này mẹ sẽ trông chừng việc học của các con cẩn thận hơn."

 

"Hồ Giai Võ, nhìn ngang nhìn dọc cái gì? Mẹ đang nói con đấy. Con đừng có nghĩ đến chuyện kế thừa quán mạt chược nữa, con mà không học hành cho tử tế, mẹ

sẽ cho con ra công trường vác gạch!".

 

Rất nhiều khách quen gọi điện hỏi mẹ tại sao không mở cửa quán nữa.

 

Mẹ tôi bảo sau này sẽ đóng cửa luôn, còn dán thông báo sang nhượng lại máy móc.

 

Thím Năm ở khu tập thể cũng mở quán mạt chược, nghe tin liền nói giọng mỉa mai: "Sao đột nhiên không mở nữa, kiếm đủ tiền rồi à?".

 

"Không muốn mở nữa, xảy ra chuyện như vậy, e rằng sắp tới sẽ có đợt thanh tra, thím cũng cẩn thận một chút, tốt nhất là nên tránh bão."

 

Thím Năm không cho là như vậy: "Chỗ xảy ra chuyện là ở phía tây thành phố, có liên quan gì đến phía đông chúng ta. Có tiền mà không kiếm thì đúng là đồ ngốc."

 

"Mấy cái bàn mạt chược của cô bán bao nhiêu?".

 

Thím ấy ép giá rất thấp, mẹ tôi liên tục bảo thím ấy suy nghĩ kỹ lại.

 

Thím Năm lại nghĩ mẹ tôi muốn tăng giá.

 

Cuối cùng mẹ tôi không nói nhiều nữa, bán tất cả cho thím ấy.

 

Rất nhiều người mắng mẹ tôi ngốc.

 

Họ nói một mối làm ăn kiếm ra tiền như vậy, nói không làm là không làm nữa.

 

Hơn nữa, hoàn toàn có thể sang nhượng cả mặt bằng lẫn máy móc, cứ từ từ thương lượng chắc chắn sẽ được giá tốt.

 

Lại không phải đang cần tiền gấp, cớ gì phải bán tống bán tháo giá rẻ như vậy.

 

Bà nội và các thím ở dưới quê, nước bọt chửi mắng cũng sắp cạn khô rồi.

 

Tuy nhiên, chỉ năm ngày sau khi mẹ tôi đóng cửa quán mạt chược, huyện đã có một đợt thanh tra lớn.

 

Tất cả các quán mạt chược đều bị đóng cửa.

 

Lúc đó, việc mở quán kiểu này là tự phát, không ai đi làm giấy phép kinh doanh.

 

Nếu không xảy ra chuyện gì thì cấp trên cũng mắt nhắm mắt mở cho qua.

 

Dù sao thì những người đó lúc không đi làm cũng thường xuyên ngồi lì ở quán mạt chược.

 

Nhưng bây giờ đã xảy ra một vụ án mạng lớn như vậy, gây ảnh hưởng xã hội rất xấu, đài truyền hình tỉnh cũng đã đưa tin.

 

Vậy thì phải xử lý nghiêm.

 

Tất cả máy móc của thím Năm đều bị tịch thu và tiêu hủy, thím còn bị phạt một khoản tiền rất lớn.

 

Thím ấy chửi mẹ tôi là người mưu mô, xảo trá.

 

Ngược lại, mọi người lại quay sang khen mẹ tôi có tầm nhìn xa trông rộng, đã biết rút lui kịp thời.

 

Nhưng không được mấy ngày, cảnh sát đã tìm đến tận nhà, đưa cho mẹ tôi một tờ giấy phạt.

 

22

 

Họ nói rằng: "Vốn dĩ các chị đã đóng cửa và giải tán rồi, chuyện này đáng lẽ đã xong."

 

"Nhưng chúng tôi cũng không còn cách nào khác, có người đã tố cáo."

 

"Đã có người tố cáo thì chúng tôi phải điều tra, và nếu điều tra ra sự thật thì phải xử phạt."

 

Không cần nghĩ nhiều cũng có thể đoán ra người tố cáo là ai.

 

Khoản tiền phạt đó đã lấy đi hơn một nửa số tiền mà mẹ tôi đã dành dụm được trong suốt hai năm qua.

 

May mà lúc đó, bố tôi đã nghe lời mẹ đi thi bằng lái máy xúc và đã lấy được bằng.

 

Ông an ủi mẹ: "Chúng ta cũng không lỗ."

 

"Hai năm nay chúng ta đã ăn uống những thứ tốt nhất, ít nhiều gì cũng còn dư lại được chút tiền. Hơn nữa bây giờ anh đã có bằng lái rồi, sau này chắc chắn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn so với làm công nhân bốc vác."

 

"Rồi cuộc sống sẽ ổn thôi."

 

Lúc vinh quang, người người ngoài mặt tươi cười, sau lưng lại ghen tị với bạn.

 

Lúc sa cơ, người người ngoài mặt an ủi, sau lưng lại hả hê vui sướng.

 

Rất nhiều người đang chờ xem trò cười của gia đình chúng tôi.

 

"Vất vả lắm mới kiếm được chút tiền, vậy mà chỉ trong một đêm đã bị phạt hết, đúng là tốn công vô ích."

 

"Vì mải mê mở quán mạt chược mà việc học của hai đứa con trai cũng không để ý, thằng hai nhà bà ấy đã gần đội sổ của khối rồi, cùng lắm là học cao đẳng."

 

"Cứ như thế mà còn nhận nuôi con gái cho người khác, để xem bà ấy nuôi được cái gì hay ho."

 

Lúc đó, cuộc sống của mẹ tôi đột nhiên mất đi trọng tâm, cộng thêm những lời đàm tiếu của mọi người, tâm trạng bà có chút sa sút.

 

Không lâu sau, tôi tham gia một cuộc thi hùng biện.

 

Giải nhất có phần thưởng là một trăm đồng tiền mặt.

 

Tôi dồn hết tâm sức luyện tập, mỗi ngày tranh thủ cả lúc đi vệ sinh và tắm rửa, bố mẹ cũng bị tôi kéo vào làm khán giả không biết bao nhiêu lần.

 

Anh hai cười tôi: "Niên Ân, sau này em muốn làm tổng thống à?".

 

Anh cả chỉ bảo tôi: "Đừng cứng nhắc quá, cứ tự nhiên thôi, thả lỏng ra một chút."

 

Sau đó, tôi đã đạt được giải nhất như mong muốn.

 

Bố tôi dùng chiếc máy ảnh mượn được chụp cho tôi liên tục, mẹ tôi đứng dậy vỗ tay không ngừng.

 

Tôi nghe thấy bà tự hào và xúc động quay sang nói với những phụ huynh không quen biết xung quanh: "Giải nhất là con gái tôi đó."

 

"Hồ Niên Ân, là con gái tôi đấy."

 

Tôi cầm số tiền thưởng, lén đi đến một tiệm trang sức.

 

Một trăm đồng quá ít, chỉ đủ mua một đôi bông tai bạc nhỏ xíu.

 

Trên bàn ăn tối, tôi lấy đôi bông tai ra đặt lên bàn: "Mẹ ơi, đây là con dùng tiền thưởng mua tặng mẹ."

 

"Con không nói dối đâu, đợi sau này con lớn lên, con sẽ mua cho mẹ bông tai vàng, dây chuyền vàng thật to."

 

Những năm đó, mẹ tôi đã kiếm được không ít tiền.

 

Bà không tiếc tiền mua gà, mua vịt, mua quần áo, cho chúng tôi đi học thêm, nhưng lại chưa bao giờ dám mua cho mình một đôi bông tai hay một sợi dây chuyền.

 

Mẹ tôi cầm chiếc hộp nhỏ nhìn đi nhìn lại, mắt đỏ hoe: "Con bé này, lãng phí tiền làm gì chứ."

 

Rồi bà vội vàng tháo cành trà trên tai xuống: "Hồ Thiện, anh mau giúp em đeo thử xem có vừa không."

 

Bố tôi vừa đeo bông tai giúp mẹ vừa nói giọng chua lè: "Vẫn là mẹ sướng nhất, có con gái nhớ đến."

 

Tôi mò trong túi ra: "Bố ơi, con cũng có mua quà cho bố."

 

Đó là một chai rượu Ngũ Lương Dịch nhỏ.

 

Đây là hàng tặng kèm, chủ tiệm vốn không chịu bán cho tôi, tôi phải năn nỉ mãi, còn kể thật hoàn cảnh của mình.

 

Ông chủ rất cảm động, chỉ lấy của tôi mười đồng.

 

Tôi có chút ngượng ngùng: "Bố ơi, con không đủ tiền mua loại tốt nhất, đợi sau này con kiếm được nhiều tiền, con nhất định sẽ mua cho bố rượu Mao Đài, con vẫn luôn nhớ đấy ạ."

 

Số tiền còn lại, tôi mua cho hai anh mỗi người một chiếc bút.

 

Chai rượu đó bố tôi không dám uống, cứ để ở vị trí dễ thấy nhất trong tủ rượu ở nhà.

 

Mỗi lần có khách đến chơi, chỉ cần có người liếc mắt qua, bố tôi lại vui vẻ khoe: "Đây là con gái tôi, lần trước thi hùng biện được giải nhất, nó dùng tiền thưởng mua cho tôi đó."

 

Mẹ tôi thì khỏi phải nói.

 

Bà đeo đôi bông tai đi ra khu tập thể ngồi hóng mát với các ông các bà.

 

Có người hỏi đến, bà liền thản nhiên đáp: "Con bé Niên Ân nhà tôi dùng tiền thưởng mua cho đấy."

 

"Trẻ con không biết chọn, kiểu này mới quá, chẳng hợp với tuổi tôi."

 

"Mua thì cũng mua rồi, cũng không nỡ làm con bé buồn, đành miễn cưỡng đeo vậy."

 

"Nó còn bảo sau này sẽ mua cho tôi bông tai vàng, dây chuyền vàng, cả ngày chỉ biết rót mật vào tai tôi thôi."

 

Khoảng thời gian đó, anh hai thường tiện đường đạp xe đưa tôi đi học.

 

Cơn gió mùa thu thổi vào mặt se lạnh, tôi ôm eo anh, lớn tiếng hỏi: "Anh hai, anh có thấy mẹ có nhiều tóc bạc không?".

 

Anh hai phanh xe lại, quay đầu nhìn tôi.

 

Tôi cười với anh: "Anh hai, chúng ta ngoan ngoãn hơn một chút đi anh, nếu không mẹ sẽ già đi nhanh lắm."

 

"Biết đâu chúng ta còn chưa kịp lớn, mẹ đã rất già rồi."

Chương trước
Chương sau
Trang web đọc truyện online hàng đầu Việt Nam, cung cấp kho truyện phong phú với các thể loại như tiên hiệp, kiếm hiệp, ngôn tình, truyện teen và truyện đô thị. Tất cả các tác phẩm đều được chọn lọc kỹ lưỡng bởi các tác giả và dịch giả uy tín, mang đến trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời nhất cho bạn!
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.