25
Mẹ tôi chống nạnh nói: "Muốn trách thì trách con không gặp thời."
"Hồi con và anh con thi đại học, quán tạp hóa của mẹ mới có lãi, nhưng mấy năm nay mẹ đã mở mấy cửa hàng rồi, cuộc sống khá giả hơn, phô trương một chút cũng là lẽ đương nhiên."
"Hơn nữa, bố con chỉ có mỗi đứa con gái này, không chống đỡ một chút thể diện thì sao được."
Anh hai tôi trêu bà: "Ối, thế Niên Ân không phải con gái con à?".
Mẹ tôi tát vào gáy anh một cái: "Đi tiếp khách đi, đừng có ở đây mà khua môi múa mép."
Đúng vậy.
Mấy năm nay công việc kinh doanh của mẹ tôi ngày càng phát đạt.
Lúc đầu chỉ bán một ít dầu ăn, muối, nước tương, giấm, sau đó bà lại mua lại một cửa hàng tạp hóa lớn hơn, bán các loại đồ khô như mộc nhĩ, hoa hồi, đậu tương…
Sau đó, bà lại mở một cửa hàng bán đồ đông lạnh, như cánh gà, ức gà, đùi vịt, xiên nướng…
Hai năm trước, bà còn mua bốn căn nhà trong cùng một khu chung cư ở thành phố tỉnh.
Bà bảo một căn cho anh cả, một căn cho anh hai, một căn cho tôi, còn một căn để bố mẹ ở.
Nhà chưa ở một ngày nào mà giá trị đã tăng gấp đôi.
Đó là một thời điểm rất tốt, kinh tế phát triển nhanh chóng, chỉ cần nắm bắt cơ hội là có thể kiếm được tiền.
Tôi có thể thi đỗ vào trường đại học công lập, ngoài việc được anh cả tôi phụ đạo, còn là nhờ mẹ tôi bỏ tiền cho tôi đi học rất nhiều lớp học thêm và tìm cho tôi không ít gia sư một kèm một.
Mới có thể miễn cưỡng đưa tôi vào được.
Trên bàn tiệc, người dẫn chương trình đưa micro cho tôi, hỏi tôi có kinh nghiệm gì có thể chia sẻ.
Tôi chẳng có kinh nghiệm gì cả.
Nhưng tôi có hai món quà nhỏ mua bằng tiền làm thêm và tiền mừng tuổi.
Thứ nhất là một sợi dây chuyền vàng mười gram mua cho mẹ tôi, lúc đó giá vàng còn khá rẻ.
Thứ hai là một chai rượu Mao Đài mua cho bố tôi, đương nhiên cũng không đắt đỏ như bây giờ.
Mẹ tôi mắt đỏ hoe, bảo tôi đeo dây chuyền cho bà.
Tôi ghé vào tai bà nhẹ nhàng nói: "Mẹ ơi, sau này con sẽ mua cho mẹ một sợi dây chuyền to bằng ngón tay cái nhé."
Mẹ tôi lườm tôi một cái: "Đó là xích chó chứ dây chuyền gì hả con? Con muốn bẻ gãy cổ mẹ à?".
"Thế này là tốt lắm rồi!" Bà vuốt v e sợi dây chuyền trên cổ, nhẹ nhàng trách mắng: "Con làm thêm mệt biết bao, sau này không được tiêu tiền linh tinh như vậy nữa."
Bố tôi lúc đó đã rưng rưng nước mắt.
Có người trêu chọc, bảo ông mở chai Mao Đài ra uống, ông ôm chặt chai rượu vào lòng: "Không được, không được, cái này phải để đến lúc Niên Ân lấy chồng mới
mở ra uống."
Tất cả mọi người đều khen ngợi tôi.
Khen tôi thông minh, khen tôi xinh đẹp, khen tôi hiếu thảo, khen tôi có phúc khí.
Tôi nhớ lại hồi còn bé, lúc đó tôi vừa đen vừa gầy.
Người trong làng đều nói tôi giống như con khỉ xuống núi, bảo tôi ngoại hình không bằng chị, lớn lên chắc không lấy được người chồng tốt như chị.
Đúng vậy.
Năm tôi thi đại học, tôi 19 tuổi, còn chị 22 tuổi.
Năm chị hai mươi tuổi, qua sự sắp đặt của Hồ Lương và thím út, chị đã nhận sáu mươi sáu nghìn tệ tiền thách cưới, rồi đi xem mắt và lấy chồng.
Khi đến dự tiệc mừng tôi đỗ đại học, tay chị đang bế một bé gái một tuổi.
Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị bế con đến nói chuyện với tôi vài câu.
"Nữu Nữu, gọi dì đi con."
"Dì vừa thi đỗ đại học đấy, giỏi lắm."
"Nữu Nữu sau này cũng phải giỏi như dì nhé."
Chị đưa cho tôi chiếc túi xách đang đeo trên cánh tay: "Niên Ân, cái này chị mua cho em."
Đó là một chiếc váy mới.
Chị cười nhẹ: "Xin lỗi em, hồi nhỏ chị toàn bắt nạt em."
"Lúc đó chị cứ nghĩ bố mẹ không thích em, họ rất yêu quý chị."
"Sau này chị mới biết, người họ yêu nhất là em trai, vì nó mà tất cả chúng ta đều có thể bị hy sinh, chị và em trong lòng họ
cũng không có gì khác biệt lớn."
Trong lòng tôi cảm thấy xúc động, nhưng lại không biết nói gì, chỉ hỏi: "Anh rể đối xử với chị tốt không?".
"Cũng tạm được, không có tật xấu gì lớn, chỉ là thích uống rượu, hút thuốc, đánh bài, ngày nào cũng giục chị sinh thêm đứa con trai thứ hai. Nhưng anh ấy cũng rất cưng chiều Nữu Nữu."
"Vậy tại sao chị lại nghe theo sự sắp đặt của họ mà lấy chồng?".
Chị ngước mắt nhìn tôi, cười buồn: "Chúng ta không giống nhau, em sáu tuổi đã rời khỏi nhà này, em và em trai không có nhiều tình cảm. Nhưng nó lại
là do một tay chị chăm sóc lớn lên."
"Chị biết làm vậy là không đúng, nhưng lại không thể nhắm mắt làm ngơ. Chị biết bố mẹ thiên vị, nhưng chị lại không thể tuyệt giao với họ."
Chị ôm chặt con vào lòng, "Cứ như vậy thôi em."
"Chị sẽ không sinh thêm nữa, sau này sẽ cùng Nữu Nữu sống thật tốt."
Bố tôi dẫn tôi đi mời rượu từng bàn, đến bàn của thím út và Hồ Lương.
Thím út đẩy em họ tôi: "Diệu Tổ, gọi chị đi con, đây là chị ruột của con đấy."
Em họ tôi cúi đầu chơi game, miễn cưỡng gọi một tiếng.
Thím út cười gượng: "Nó cứ như vậy thôi, nhưng trong lòng nó vẫn coi con là chị ruột."
Trong lúc nói, mắt bà ấy đã đỏ hoe: "Nhìn con bây giờ thành đạt rồi, thím thật sự rất vui mừng."
Hồ Lương đã uống không ít rượu, loạng choạng đứng dậy: "Diệu Tổ là em ruột của con, sau này các con phải giúp đỡ lẫn nhau."
Tôi mỉm cười: "Con sẽ giúp đỡ lẫn nhau với em họ."
Giúp đỡ lẫn nhau.
Nó không giúp tôi, thì đương nhiên tôi cũng không cần giúp nó.
Hồ Lương sa sầm mặt: "Mày đừng có mà cười nhạo, đồ vô ơn! Mày mua vàng mua rượu cho họ, sao không mua cho tao một mẩu gì hả?"
"Mày đừng quên tao là bố đẻ của mày, trước sáu tuổi đều là tao với mẹ mày nuôi mày lớn."
"Sau này tao có bắt mày phụng dưỡng, mày cũng không được cãi một lời nào!".
Có những người cứ phải bị mắng mới cảm thấy thoải mái.
Tôi thu lại nụ cười: "Chú à, trí nhớ của chú không tốt lắm, cháu giúp chú nhớ lại nhé."
"Ban đầu chú vì muốn sinh con trai nên đã cho cháu đi, chú còn muốn bán cháu cho người khác làm con dâu nuôi từ bé."
"Trước sáu tuổi cháu chưa từng được mặc một bộ quần áo mới nào, chưa từng được ăn no bụng, dăm bữa nửa tháng lại bị đánh đập."
"Sau khi cháu đến ở với bố mẹ nuôi, hai người chưa bao giờ nhận một đồng tiền học phí hay tiền ăn nào, ngược lại còn moi không ít tiền từ bố mẹ cháu."
"Bây giờ thấy cháu thi đỗ đại học rồi, chú lại bắt đầu nói đến quan hệ huyết thống, bắt cháu phải phụng dưỡng à?".
"Được thôi, vậy chú hãy trả lại toàn bộ số tiền mà bố mẹ nuôi đã chi cho cháu những năm qua, từng đồng từng cắc một nhé."
Tôi nói dõng dạc, "Cháu đảm bảo sẽ phụng dưỡng chú!".
Hồ Lương trở nên ngang ngược: "Tao lấy đâu ra tiền hả con? Tao làm gì có tiền!".
"Hồ Thiện có tiền, họ tự nguyện nuôi mày."
Tôi đập mạnh chiếc đĩa trên bàn xuống đất: "Vậy chú nghe rõ đây, cháu tên là Hồ Niên Ân. Trong sổ hộ khẩu cháu là con gái của Hồ Thiện và Trịnh Miêu Miêu."
"Họ đã nuôi lớn cháu, giáo dục cháu, hai anh trai luôn bảo vệ cháu."
"Cháu chỉ nhận họ là bố mẹ, chỉ nhận Hồ Giai Niên và Hồ Giai Võ là anh ruột của cháu."
"Sau này cháu cũng chỉ phụng dưỡng Hồ Thiện và Trịnh Miêu Miêu."
"Lúc chú già yếu có thể dựa vào đứa con trai quý báu mà chú đã bán con gái để có được mà phụng dưỡng nhé."
"Đây là tiệc mừng cháu đỗ đại học, nếu chú không im miệng, cháu sẽ không khách sáo đâu."
"Nếu chú còn muốn làm bố của cháu, cửa ở đằng kia, mời chú cút ngay cho cháu!".
Rất nhiều người trong bữa tiệc đều biết rõ chuyện năm xưa, nên đã xúm vào khuyên can:
"Hồ Lương à, có chuyện gì thì để sau hẵng nói, hôm nay là ngày vui mà, ngồi xuống ăn cơm đi."
"Đúng vậy đó, năm xưa con bé này là do chính anh cho đi, không trách ai được đâu."
"Đúng vậy, chuyện phụng dưỡng vốn là của con trai mà."
Thím út cũng không ngừng kéo ông ta: "Ngồi xuống đi, ngồi xuống ăn cơm đi, đừng có say rượu nói bậy nữa."
"Hôm nay là ngày vui của em hai."
Bà ấy lẩm bẩm: "Biết em hai có tiền đồ như vậy, hồi đó nên cho đứa lớn đi......"
Nói được nửa câu, bà ấy bắt gặp ánh mắt nóng rực của chị, liền vội vàng nuốt lời vào trong.
Hồ Lương cuối cùng vẫn ngồi xuống, một mình uống rất nhiều rượu để giải sầu.
Khách tan, chúng tôi dọn dẹp xong mọi thứ còn lại rồi đi ra ngoài, trời đã đổ mưa rất lớn.
Tôi quên mang ô, xe của bố lại đỗ ở một khoảng cách khá xa.
Tôi nhìn màn mưa giăng kín cả lối đi, mẹ tôi đi sau vài bước đã đuổi kịp, bà lấy từ trong túi ra một chiếc ô đen lớn.
"Lúc xuống xe mẹ đã bảo con để ô vào cặp sách rồi mà, con không nghe."
"Thấy chưa, quả nhiên là mưa rồi."
"Lớn từng này rồi, mà lúc nào cũng hay quên, không nghe lời, đến lúc đi học đại học rồi ai còn lo cho con nữa hả?"
Tôi dụi đầu vào lòng bà: "Vậy con không đi học nữa, con ở nhà với mẹ, cùng mẹ làm ăn."
Mẹ tôi nghiêng ô về phía tôi: "Đi đi đi, đi xa một chút cho mẹ nhờ."
"Để mẹ với bố con được sống những ngày thanh thản."
"Mẹ ơi, con không đi học nữa, mẹ có nhớ con không?".
"Mẹ chẳng thèm nhớ con đâu, mẹ còn cầu con đi cho khuất mắt ấy chứ."
"Nhưng con chắc chắn sẽ rất nhớ mẹ, sau này ngày nào con cũng gọi điện cho mẹ."
"Mẹ làm gì có thời gian mà ngày nào cũng nghe điện thoại của con, mẹ bận muốn chết."
"Con cứ gọi đấy! Một ngày con gọi cả trăm cuộc điện thoại."
Cơn mưa lớn rào rào, dần dần che lấp đi những lời chúng tôi nói.
Cuộc đời của tôi, dường như vào giây phút này đã lắng đọng lại.
Nhưng cũng dường như, nó chỉ mới bắt đầu.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.