Nhưng bệnh của ba lại không phát triển như cô từng hy vọng.
Ba đau lưng ngày một nghiêm trọng hơn, số lần nhập viện theo dõi cũng nhiều lên. Dù vậy, kết quả tất cả các hạng mục kiểm tra đều bình thường, đến mức bác sĩ cũng cảm thấy kỳ lạ. Sau một lần kiểm tra kỹ hơn, bác sĩ đề nghị nên đến bệnh viện lớn ở thành phố khác để kiểm tra lại toàn diện một lần nữa.
Ba mẹ không muốn làm cô lo lắng, mà lúc ấy cô cũng đang chuẩn bị thi cuối kỳ, cho nên vẫn chưa nói gì với cô.
Đợi đến khi cô thi xong, bắt đầu nghỉ hè, họ mới kể. Họ nói sẽ ra ngoài vài ngày, đến bệnh viện lớn khám kỹ hơn, nhờ bác Phó và dì Đỗ giúp trông nom ba bữa cơm mỗi ngày.
Khi ấy, cô đã có thể tự nấu ăn. Nhưng ba mẹ vẫn không yên tâm. Với họ, bất kể cô lớn đến đâu, vẫn luôn là cô công chúa nhỏ được cưng chiều hết mực, chỉ sợ cô ở nhà một mình không tự chăm sóc tốt cho bản thân.
Họ không hề hay biết, sự hỏng hóc trong cô đã lan tới mức nào.
Cô sợ ba mẹ lo, nên ngày nào cũng giả vờ vui vẻ trước mặt họ, cố tỏ ra như trước. Nhưng thật ra, đối với cô lúc này, ăn uống cũng giống như một loại vận động thể lực tiêu hao tinh lực. Nếu thật sự để cô ở nhà một mình, có lẽ cô chỉ nấu đại một nồi gì đó rồi ăn cho xong.
Tới giờ cơm, cô xuống lầu gõ cửa nhà Phó Kiệu Lễ.
Người mở cửa là anh, trên chóp mũi còn lấm tấm mồ hôi, rõ ràng là vừa mới về nhà chưa được bao lâu.
Anh học lớp mười hai, nhà trường sắp thi nên tổ chức học bù suốt cả kỳ nghỉ hè. Gần đây ngày nào anh cũng phải đến trường.
Cô hơi nghiêng người, len lén nhìn vào khoảng hở phía sau lưng anh, thấp giọng hỏi: "Ba mẹ anh có ở nhà không?"
Anh cũng nhỏ giọng đáp lại: "Mẹ anh không có ở nhà."
"À..."
Cô hơi thả lỏng, không còn căng thẳng như lúc đầu.
Phó Kiệu Lễ hiển nhiên cũng biết cô không biết phải đối mặt với mẹ anh thế nào, nên nhỏ giọng giải thích thêm: "Dạo này mẹ anh bận buôn bán, buổi trưa đều không về."
Mẹ anh làm ăn, tính tình lại đanh đá, nói chuyện lúc nào cũng lớn tiếng, hễ nhiệt tình là nhiệt tình đến mức khiến người ta khó chịu, cãi nhau với hàng xóm thì chẳng ai át được bà. Vu Thi Dao không quen tiếp xúc với kiểu người như vậy, lúc đầu nói chuyện với bác gái lúc nào cũng bị làm cho hoảng sợ. Giờ tuy đã quen hơn nhiều, nhưng mỗi lần gặp vẫn thấy căng thẳng hơn người khác một chút.
Từ phòng bếp truyền đến giọng bác Phó, biết là Phó Kiệu Lễ ra mở cửa nên hỏi vọng ra:
"Là Thi Dao đến à?"
"Ừ, đúng rồi ạ." Anh quay lại trả lời, rồi nghiêng người nhường lối cho cô, nhẹ giọng nói: "Vào đi."
Bác Phó thì hiền lành hơn nhiều, vừa mời cô ăn cơm vừa hỏi han chuyện học hành, còn an ủi cô đừng quá lo cho bệnh tình của ba, đã đi bệnh viện thì nhất định sẽ chữa được.
Phó Kiệu Lễ ngồi bên cạnh cô, ăn cơm rất yên lặng, dáng vẻ khi ăn cũng rất quy củ, chững chạc.
Cơm nước xong, anh tự giác dọn dẹp, mang chén bát vào bếp rửa. Bác Phó thì chào cô một câu rồi về phòng nghỉ trưa, buổi chiều còn phải đi làm tiếp.
Khi bác Phó đã vào phòng ngủ, cô rón rén đi đến cửa bếp, nhìn vào trong.
Phó Kiệu Lễ quay lưng lại phía cô, đang đứng dưới vòi nước rửa chén một cách thuần thục.
Cô lặng lẽ bước vào, đứng bên cạnh anh. Nhưng anh cũng chẳng ngạc nhiên, chỉ tiếp tục yên lặng rửa bát. Căn bếp nhỏ hẹp, anh hơi nghiêng người nhường một khoảng để cô không bị chen chúc quá.
Nhưng cô không nói gì cả, chỉ đứng đó, lặng lẽ nhìn anh rửa chén.
Chờ anh rửa xong, thu dọn mọi thứ gọn gàng, đóng nắp tủ bếp, cúi đầu lau khô tay. Làm xong hết những việc đó, cô vẫn đứng yên tại chỗ, trầm mặc không nhúc nhích.
Anh xoay người lại, lặng lẽ nhìn cô, cùng cô đứng trong căn bếp nhỏ ấy, lặng im, yên tĩnh.
Rất lâu sau, cô mới khẽ lên tiếng: "Trường học học bù có mệt không?"
"Cũng ổn." Anh đáp.
"Ừm."
Không gian chật hẹp, gần đến mức có thể nghe rõ tiếng hô hấp của nhau. Nước từ vòi vẫn lộp độp nhỏ xuống, từng giọt từng giọt rơi vào trong bồn rửa. Cô đứng trước mặt anh, chiều cao vừa vặn ngang ngực, thậm chí có thể thấy được lồng ng.ực anh đang phập phồng theo nhịp thở.
Chờ đến khi nước trong bồn chảy hết, tiếng lộp độp cũng dần im bặt.
Phó Kiệu Lễ vươn tay, đầu ngón tay khẽ vén tóc bên tai cô, nhẹ nhàng lướt qua, dừng lại chạm vào vành tai mẫn cảm kia, thật khẽ.
"Về nghỉ ngơi một chút đi. Anh sẽ nhắn tin cho em."
Anh dùng giọng nói rất nhẹ, khoảng cách quá gần, nhẹ đến mức như thì thầm bên tai.
Cô khẽ gật đầu: "Ừm."
Cô đi ra khỏi bếp, đến huyền quan, Phó Kiệu Lễ ở sau lưng mở cửa cho cô, cánh tay từ bên cạnh cô vòng qua. Lối đi nhỏ hẹp, khoảng cách sát đến mức, từng hơi thở đều là hơi thở của anh.
Cô rời khỏi nhà anh, bước lên cầu thang. Anh vẫn đứng sau cửa, cong mắt mỉm cười vẫy tay với cô, còn làm động tác đưa điện thoại lên tai như muốn nói "gọi cho anh nhé".
Cô cuối cùng cũng nhẹ lòng phần nào, bước lên lầu.
Vừa mới về đến nhà chưa lâu, điện thoại liền rung lên, quả nhiên là tin nhắn của Phó Kiệu Lễ gửi tới:
Ngủ.
Tin nhắn của anh luôn ngắn gọn. Kéo lên trên là cả một chuỗi:
Tỉnh.
Đang đợi xe buýt.
Đến trường học.
Tan học.
Ngày qua ngày.
Bao gồm cả vài phút trước, ngay trước khi cô xuống lầu đến nhà anh, anh cũng đã nhắn một cái:
Xuống xe.
Từ sau khi thi xong, bắt đầu kỳ nghỉ hè, cô không còn có thể ngồi cạnh anh mỗi ngày trên xe, có được một đoạn đường yên tĩnh đó nữa. Thế là anh bắt đầu dùng cách này để duy trì thói quen của cô.
Dù cô có phản hồi hay không, anh vẫn nhắn mỗi ngày, đều đặn, không thiếu ngày nào, như đang nói cho cô biết: anh vẫn còn ở đây.
Anh dường như hiểu rõ sự ỷ lại của cô, sẵn sàng trở thành phương thuốc chữa lành, đúng như lời anh từng nói -- sẽ ở bên cô, cùng cô khá lên.
Lúc ấy cô cũng tin, nhất định sẽ khá hơn.
Bệnh của ba rồi cũng sẽ tốt lên, và cô cũng sẽ dần dần khá lên theo.
Mùa hè năm ấy lại trôi qua trong những cơn mưa dầm ẩm ướt, hẻm Ngô Đồng mỗi năm đều thiếu ánh sáng, mốc meo dai dẳng, ngẩng đầu nhìn lên chỉ thấy những dây phơi đồ chằng chịt như mạng nhện, lan can sắt xỉn màu, dây điện lằng nhằng vắt ngang qua các mái hiên cũ kỹ.
Tựa như một tấm lưới quấn chặt lấy những người sống ở nơi chật hẹp đó, những người có số phận khó nhọc, khiến họ ngột ngạt đến mức không thể thở nổi.
Tất cả những hy vọng tốt đẹp đều chấm dứt sau khi kết quả kiểm tra của ba được trả về.
Kỳ nghỉ hè đó, ba mẹ cô gần như suốt ngày trằn trọc giữa các bệnh viện. Mỗi lần cô hỏi kết quả, họ chỉ nói còn phải kiểm tra lại, bất kể cô hỏi thế nào, cũng không nhận được câu trả lời cụ thể. Họ chỉ nói cô hãy học cho tốt, đừng phân tâm vì chuyện của ba, học hành mới là quan trọng nhất.
Mẹ cô tuy luôn miệng nhắc phải thi được đại học tốt, nhưng cô biết, mẹ giống hệt ba, chưa từng thực sự ép buộc cô điều gì. Dù có càm ràm chuyện điểm số, cũng chỉ là oán trách qua loa, miễn cô khỏe mạnh vui vẻ là được.
Chính là, lần này lại dùng chuyện học tập để gạt cô, nói cô đừng phân tâm, đừng hỏi nhiều. Nhưng những vết nhăn nơi khóe mắt mẹ, thần sắc mệt mỏi tiều tụy ấy... mọi thứ đều như đang ngầm báo hiệu một điều không lành.
Họ không muốn nói, cô cũng không truy hỏi. Cô âm thầm làm tất cả những gì mình có thể, hy vọng có thể giảm bớt gánh nặng cho họ.
Việc nhà, cơm nước cho ba mẹ, quần áo cả nhà... Từ một cô gái từng có bảo mẫu, từng được cưng chiều đến mức chỉ cần muốn uống nước là có người dâng đến tận tay, giờ lại có thể thành thạo làm hết mọi việc. Cô bị lo âu vây lấy, chẳng còn tinh lực để nhớ lại những ngày cũ nữa.
Cho đến hôm đó, cô rửa một cái ly trong nhà, không cẩn thận làm rơi chiếc ly pha lê, đập trúng mu bàn chân, vỡ tan. Những vết máu đỏ sẫm lập tức loang ra thành từng mảng.
Nếu là cô của trước kia, hẳn đã la toáng lên. Không phải vì sợ đau, mà vì biết có người cưng chiều, nên cứ theo bản năng mà làm nũng.
Nhưng lúc này, cô lại chẳng hề cảm thấy đau. Cô chỉ loay hoay nhặt những mảnh vỡ, trong đầu chỉ nghĩ đến việc cái ly này phải tốn tiền mua lại. Chính khoảnh khắc ấy, cô chợt hiểu thế nào là "chuyện xưa đã cũ".
Không hiểu vì sao, chỉ vài vết cắt nông thôi mà máu vẫn chảy không ngừng. Khi cô dọn dẹp xong, nhìn xuống mu bàn chân, thấy máu đã nhuộm đỏ cả dép, từng dấu chân máu kéo dài từ bếp ra đến phòng khách -- một cảnh tượng vừa diễm lệ, vừa đáng sợ.
Nếu là trước kia, chỉ cần lướt qua cảnh này trong một bộ phim kinh dị cô cũng đã vội che mắt. Nhưng lúc ấy, cô lại ngẩn người nhìn chằm chằm vào dòng máu đang chảy không ngừng kia, trong lòng thậm chí có chút hưng phấn khó hiểu.
Muốn thấy thêm một chút máu. Thêm một chút đau. Càng nhiều càng tốt. Như thể linh hồn mỏi mệt của cô tìm được một kh.oái cả.m kỳ lạ trong mùi tanh đỏ ấy.
Cô cứ thế đứng yên tại chỗ, im lặng ngắm nhìn.
Cho đến khi Phó Kiệu Lễ chờ mãi không thấy cô xuống lầu, cũng không nhận được tin nhắn nào, bèn lên lầu gõ cửa gọi cô.
Cô nghe tiếng gõ cửa, đi ra mở.
Khoảnh khắc cánh cửa mở ra, Phó Kiệu Lễ nhìn thấy đôi chân cô dính đầy máu, như thể vừa bước ra từ một vũng máu, kéo dài từ phòng bếp đến phòng khách một vệt đỏ ướt đẫm.
Anh thấy rõ đồng tử mình co lại. Cô mới như bừng tỉnh khỏi kh.oái c.ảm u ám kia, luống cuống giải thích: "Vừa nãy ly bị rơi trúng chân... máu không cầm được."
Anh không trả lời cô, giây tiếp theo đã bế bổng cô lên, bước nhanh mấy bước đặt cô xuống ghế sô-pha trong phòng khách.
"Thuốc đâu?"
Giọng anh nặng nề, gần như lạnh lùng.
Chưa từng có. Anh chưa từng dùng giọng nói đó để nói với cô.
Trước giờ anh luôn nhẹ nhàng, dù cô nói gì cũng nghe, dịu dàng đến mức khiến người khác muốn dựa dẫm. Anh đối với ai cũng ôn hòa nhã nhặn, hiếm khi bộc lộ cảm xúc, vậy mà giờ phút này...
Chỉ chốc lát không nghe được câu trả lời, anh lập tức ngồi xổm xuống trước mặt cô, ngẩng đầu, vội vã hỏi lại: "Thuốc... ba mẹ em để ở đâu?"
"Vu Thi Dao, em trả lời anh."
Ánh mắt anh khóa chặt lấy cô, mày nhíu chặt, vẻ vội vã nơi đáy mắt khiến người ta chỉ nhìn thôi cũng thấy kinh hãi.
Cô bị dọa đến ngây người, theo phản xạ chỉ vào chiếc tủ gần đó: "Ở đó."
Anh gần như ngay giây tiếp theo đã đứng dậy bước đến, từ trong tủ lục ra hộp thuốc. Trong nhà có người bệnh lâu dài, hộp thuốc cũng được chuẩn bị đầy đủ hơn thường lệ.
Thuốc quá nhiều, gần như toàn bộ đều là thuốc của ba cô đang dùng, anh không có thời gian để phân loại kỹ, ôm cả hộp quay lại.
Một lần nữa ngồi xổm trước mặt cô, anh mới bắt đầu lục tìm dụng cụ cần thiết để xử lý vết thương.
Anh cúi đầu, vừa cẩn thận vừa nhanh chóng lấy ra thuốc và băng gạc, từ vị trí của cô, cô chỉ nhìn thấy đỉnh đầu và sống mũi thẳng tắp của anh.
Anh không nói một câu thừa thãi nào, nhưng sự chuyên chú ấy lại khiến người ta mơ hồ cảm thấy -- anh đang rất giận.
Anh nhìn có vẻ ít nói, lạnh nhạt, nhưng tính tình thật ra rất tốt, được thầy cô và bạn bè yêu mến, hàng xóm cũng thích anh. Anh có khí chất kiêu ngạo bẩm sinh, nhưng đối nhân xử thế lại vô cùng khiêm nhường. Là lớp trưởng, luôn tận tâm tận lực.
Nhưng lúc này, rõ ràng anh đang rất tức giận.
Trước mặt anh, cô luôn chiếm thế thượng phong, chuyện trêu chọc anh không thiếu lần nào, thế mà giờ phút này lại luống cuống đến mức ngay cả giải thích cũng thấy hơi chột dạ.
"Phó Kiệu Lễ..."
Cô thử thăm dò mở lời, sợ anh không thèm để ý đến cô.
Anh rút một que tăm bông ra, chỉ "ừ" một tiếng.
"Em chỉ là vô tình làm rơi cái ly thôi, không phải cố ý."
"Ừ."
Vẫn là chỉ ừ một tiếng.
Tay cô chống trên mép ghế sofa, có chút lúng túng cứng ngắc. "Anh đừng nghĩ là em gạt anh..."
"Anh không nghĩ vậy." Anh nắm lấy mắt cá chân cô, sắp bắt đầu bôi thuốc, ngẩng đầu nhìn cô, nói: "Sẽ hơi đau một chút."
"Không sao."
Dù nói là không sao, nhưng đến khi bông thuốc thực sự chạm lên da, cô vẫn đau đến rên khẽ một tiếng, theo bản năng muốn rút chân lại.
Phó Kiệu Lễ giữ chặt lấy chân cô, hoàn toàn không cho cô lùi lại chút nào.
Anh ra tay rất dứt khoát, đến mức khiến người ta có cảm giác -- người con trai luôn dễ bị bắt nạt ấy, hóa ra sự mềm mỏng trước giờ chỉ là bề ngoài. Trong xương anh, là một kiểu cố chấp khiến người khác không cách nào kháng cự được.
Sau khi xử lý xong, anh ngẩng đầu lên hỏi cô, sắc mặt vẫn chưa dịu đi: "Đau không?"
Cô gật đầu, hốc mắt ửng đỏ, nước mắt muốn trào ra, không nói thành lời nhưng ánh mắt rõ ràng đang trách móc anh vừa rồi quá hung dữ.
"Lúc chảy máu đau hơn hay lúc bôi thuốc đau hơn?"
"... Cả hai đều đau."
"Cả hai đều đau à." Anh nói xong mới buông mắt cá chân cô ra, gom bông gạc đã dùng bỏ sang một bên, giọng vẫn đều đều: "Anh nhìn thấy em cứ ngồi đó nhìn máu chảy, còn tưởng em không biết đau là gì."
"..."
Xử lý xong mọi thứ, anh đứng dậy rửa tay.
Còn cô thì ngồi lặng trên sofa, câu nói vừa rồi của anh cứ văng vẳng mãi trong đầu.
Đợi anh rửa tay xong trở về, đặt lại hộp thuốc vào chỗ cũ, rồi quay sang cô, nói: "Đi thôi, xuống ăn cơm."
Anh nhìn chân cô được quấn băng gạc, hỏi: "Anh cõng em nhé?"
Cô quay đầu né tránh, "Không cần."
Anh cũng không ép, chỉ lấy chìa khóa trong nhà cô, đỡ tay cô đứng dậy.
Cô khập khiễng đi ra ngoài, Phó Kiệu Lễ giúp cô khóa cửa lại. Cô lúc này mới tức giận mở miệng: "Phó Kiệu Lễ, vừa rồi anh hung dữ với em, nói chuyện kiểu gì đâu không."
Khóa cửa xong, anh kéo tay cô lại, đặt chìa khóa vào tay cô, ngẩng đầu lên, vẫn nói bằng giọng hết sức đương nhiên: "Lần sau mà còn thế nữa, anh vẫn sẽ tiếp tục hung dữ."
"..."
Cô quay đầu tức giận, vịn tay vịn đi xuống cầu thang: "Vậy thì em không thèm để ý tới anh nữa!"
Phó Kiệu Lễ đi phía sau, cách hai bậc thang, im lặng không phản bác.
Cầu thang hẹp, không thể đi song song. Cô không nhìn thấy vẻ mặt phía sau, có chút bất an hỏi: "Sao anh không nói gì?"
"Em biết rõ anh sợ nhất là gì, vậy mà vẫn dùng chuyện đó ra để dọa anh. Anh còn có thể nói gì nữa?"
Anh nói từ phía sau, giọng bình lặng nhưng trong đó có sự cô đơn không tiếng động.
Cô khựng lại, tay vẫn vịn tay vịn cầu thang, một lúc sau mới chậm rãi xoay người, ngẩng đầu nhìn anh đang đứng ở bậc cao hơn phía sau.
Anh vốn đã cao hơn cô rất nhiều, giờ đứng ở vị trí cao hơn, cô phải ngước lên mới nhìn thấy mặt anh.
Nhưng rõ ràng cô là người ngẩng đầu, mà anh lại là người cúi đầu.
"... Em sẽ không không để ý tới anh đâu."
"Ừm."
"Cũng sẽ không quên anh."
Rất lâu sau, trong không gian yên ắng của cầu thang, cuối cùng cô cũng nghe được anh đáp lại một tiếng rất khẽ: "Được."
Khi tưởng rằng chỉ cần đợi đến mười tám tuổi là có thể bay ra khỏi căn nhà như nhà giam này, cô từng đứng bên bờ sông, ngửa mặt hát vang bài hát cô đơn thành tự do.
Phó Kiệu Lễ đã hỏi cô, có thể đừng quên anh quá sớm được không.
Khi ấy, cô vẫn nghĩ rằng sớm muộn gì mình cũng sẽ rời khỏi nơi này, thoát khỏi tất cả những gì nơi đây trói buộc. Dù trong lòng có phần do dự, không nỡ, nhưng cô vẫn hướng về một ngày mai tươi sáng, nên chỉ cười cười giả vờ không hiểu lời anh nói.
Và rồi mùa hè năm đó lại đến.
Cô cuối cùng cũng đã hiểu rõ một điều -- cô không bao giờ quên được nữa.
Anh tên là Phó Kiệu Lễ. Anh từng chân thành tha thiết bước vào thế giới của cô như thế.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.