Lên tới trấn, ba người liền tách nhau ra, Diệp Khê đi đến tiệm vải bán khăn tay, Lý Nhiên đến cửa tiệm hương liệu, còn Ly ca nhi thì phải ra phố dựng sạp bán rau.
Họ hẹn sẽ họp mặt ở cổng thành trước giờ trưa, rồi tạm biệt nhau.
Diệp Khê xách giỏ đi vào tiệm vải, ông chủ ở đó nhận ra cậu vì trước đây từng mua khăn tay thêu của Diệp Khê, tay nghề thêu ấy quả thật rất tốt, tiểu thư nhà giàu trong trấn đều thích, hoa văn cũng đẹp, lại có cả thương lái mua khăn đem sang châu huyện khác bán, bán chạy vô cùng.
Thấy Diệp Khê đến liền cười nói: “Dạo này không thấy phu lang đến, ta còn đang nghĩ không biết bao giờ cậu lại ghé.”
Diệp Khê mỉm cười đáp: “Trong nhà việc đồng áng nhiều, không rảnh tay, nên chậm một thời gian mới đến được.”
Nói rồi đưa giỏ khăn tay cho chưởng quầy, hoa văn trên mỗi chiếc khăn đều khác nhau, là Diệp Khê thuê dựa theo các loài hoa dại trên núi.
Chưởng quầy nhận lấy rồi lần lượt xem xét kỹ, hài lòng gật đầu: “Hoa văn của phu lang đẹp thật, cô nương và ca nhi đều thích kiểu sinh động như thế này, chỉ tiếc là số lượng ít quá, không bao lâu lại bán hết.”
Diệp Khê nói: “Tôi là dân miền núi, cũng không trông vào việc thêu thùa để sống, vẫn là ruộng đồng và bếp núc quan trọng hơn, chỉ có thời gian rảnh mới thêu được mấy cái này.”
Chưởng quầy liền thu khăn tay, từ trong quầy đếm ra hai thỏi bạc vụn cùng ít tiền đồng: “Phu lang đếm lại xem, đây là tiền khăn tay của cậu.”
Diệp Khê nhận lấy, thấy tiền không thiếu thì nói: “Ông chủ, phiền ngài cho tôi xem vải bông, loại có màu sẫm một chút.”
Cậu muốn may cho Lâm Tướng Sơn một bộ áo bông.
Chủ tiệm liền gọi tiểu nhị lấy vài tấm vải màu sẫm ở trên kệ xuống: “Phu lang là định may áo cho phu quân nhà mình sao?”
Diệp Khê đáp: “Nghe nói mùa đông năm nay lạnh lắm, áo bông của nhà tôi vừa rách lại nhồi bông mỏng, e là không chống nổi gió rét, nên muốn may cái mới cho anh ấy.”
Chủ tiệm khen: “Phu quân nhà cậu có phúc lắm, phu lang thương hắn như vậy, lấy tiền bán khăn đi mua áo mới cho, nếu là ta thì trong lòng đã thấy ấm áp rồi!”
Áo bông vào mùa đông là món đồ đắt đỏ, nói là tài sản trong nhà cũng không quá lời, chỉ riêng một tấm vải bông đã rất mắc, còn phải tính thêm tiền bông, công cắt may và chi phí cho thợ, nhà nghèo chưa chắc có được một cái, đến mùa lạnh đành cố rúc trong nhà không ra ngoài.
Diệp Khê cúi đầu chăm chú chọn vải, da Lâm Tướng Sơn ngăm, dùng màu sẫm sẽ càng hợp với hắn hơn.
Chủ tiệm rảnh rỗi liền dựa vào quầy nói chuyện phiếm: “Mùa đông năm ngoái, bên phố phía tây thành có một ăn mày chết cóng, ta đi ngang còn thấy nữa, gương mặt lạnh đến tím ngắt, ôi trời, tội lắm luôn, sau đó quan phủ gọi người từ nghĩa trang đến thu dọn, dùng chiếu rơm quấn lại rồi đem chôn ở bãi tha ma. Người của nghĩa trang tới nơi thì quần áo trên người tên ăn mày ấy đã bị người khác lột hết rồi, dù có rách rưới bẩn thỉu thì ăn mày khác nhặt về mặc, may ra còn qua nổi mùa đông.”
Diệp Khê mềm lòng, không nghe nổi mấy chuyện như vậy, chọn xong vải thì nói: “Lấy cuộn này đi, bao nhiêu tiền ạ?”
Chủ tiệm dừng lời, gọi tiểu nhị đến đo vải: “Cuộn vải này dài bốn trượng, phu quân tuy cao to nhưng cũng không cần tới từng ấy, cắt lấy nửa cuộn là đủ may một bộ áo bông rồi, còn dư chút vải có thể dùng để làm hai đôi mặt giày.”
Diệp Khê gật đầu, thấy vậy là hợp lý: “Được.”
“Nửa cuộn thì hơn hai trượng, phần dư ta tặng cho cậu, sau này có khăn tay nhớ đem đến cho ta nhé, mình có qua có lại mà, ta chỉ lấy cậu hai tiền hai mươi văn thôi.”
Diệp Khê đếm tiền vừa bán khăn tay xong, lấy ra hai thỏi bạc vụn và hai mươi văn, trong tay chỉ còn lại ba mươi văn.
Cậu cười nói: “Ông chủ vừa đưa bạc cho tôi xong, còn chưa kịp ấm tay thì tôi đã trả lại rồi.”
Chủ tiệm là người thật thà, có lòng tốt, buôn bán cũng ngay thẳng, ông cười nói: “Phu lang lần sau nhớ thêu thêm khăn tay mang đến nhé, ta tặng phu lang ít vải vụn để về làm túi đeo lưng.”
Diệp Khê cảm ơn: “Vậy tôi xin ghi nhớ, cảm ơn ông chủ nhé.”
Lấy vải đã cắt gọn bỏ vào giỏ, Diệp Khê rời khỏi tiệm vải.
Đi chưa được mấy bước thì gặp ngay Lý Nhiên vừa bước từ tiệm hương liệu ra, cậu tiến lên hỏi: “Chị dâu, đã hỏi được giá chưa?”
Lý Nhiên vui vẻ, cười đáp: “Nếu chị mua số lượng lớn, họ bớt cho ba văn mỗi lượng, chị tính thử thì thấy giá này hợp lý, trừ tiền thịt heo và hương liệu thì vẫn có lời.”
Diệp Khê cũng vui vẻ theo: “Vậy vụ làm ăn này có thể làm rồi.”
Đúng lúc phiên chợ đang náo nhiệt, có rất nhiều món lạ mắt, Diệp Khê và Lý Nhiên đã xong việc, trong lúc chờ Ly ca nhi thì cùng nhau đi dạo.
Quầy phấn má, quầy hoa lụa đều có, hai người đi dạo xem rất lâu, nhưng đều tiếc tiền nên không mua gì cả.
Đi mỏi chân, trông thấy bên cạnh có quầy nước, bán đủ loại nước uống, vừa khéo cả hai đang khát mà giá cũng rẻ, chỉ ba văn tiền một chén.
Lý Nhiên kéo Diệp Khê: “Chị mời em uống nước ngọt.”
Diệp Khê: “Hay là để em mời chị đi, hôm nay em bán khăn còn dư ít tiền.”
Lý Nhiên vốn là người rộng rãi, tất nhiên không tính toán chuyện hai chén nước, làm chị sao có thể để em trai trả tiền, liền sảng khoái đưa sáu văn cho chủ quán: “Ông chủ, hai chén sữa đậu ngọt hoa quế.”
Trả tiền xong thì kéo Diệp Khê tìm chỗ ngồi xuống.
Diệp Khê xưa nay chẳng nỡ tiêu tiền vào việc ăn uống ngoài hàng quán, lần đầu uống nước ngọt thế này, trong lòng cũng thấy mới lạ. Lý Nhiên thấy vậy liền cười: “Chị cũng chẳng mấy khi uống đâu, hồi nhỏ theo cha mẹ bán thịt heo, trời lạnh, cha chị thương chị thì mua cho một chén uống. Lớn lên biết tiếc tiền rồi, cũng không đòi uống nữa. Hôm nay khó khăn lắm mới lên trấn, cũng nên nếm thử xem nước ngọt ở đây ra sao.”
Diệp Khê mỉm cười đáp khẽ một tiếng. Người trong thôn nếu muốn ăn đồ ngọt, thì chờ mấy gánh hàng rong đi ngang qua, bỏ ra một văn tiền có thể mua hai viên kẹo đậu, là trái cây được áo đường rồi phủ thêm một lớp đường bột bên ngoài. Mua về cho bọn trẻ con trong nhà ăn cho đỡ thèm. Hồi nhỏ Diệp Khê cũng thích ăn, cầm được một viên là không nỡ cắn, phải ngậm rất lâu, chờ tan hết lớp đường bên ngoài, đến lúc chỉ còn lại mỗi trái sơn tra chua chua bên trong mới chịu nhai.
Ông chủ đã mở quán hơn hai mươi năm, cùng phu lang của mình trông nôm cái quán này, bây giờ con trai và con dâu họ cũng đến phụ, cả nhà bốn người cùng xoay xở với quán nước nho nhỏ, cũng xem như đủ ăn đủ mặc.
Phu lang của ông chủ bưng đến cho Diệp Khê và Lý Nhiên hai chén sữa đậu ngọt hoa quế đầy tràn, trên lớp sữa trắng lấp lánh cánh hoa quế vàng cùng một muỗng mật ong. Dùng muỗng khuấy đều sữa và mật, nếm một miếng là mùi quế thơm ngát, hương sữa béo ngậy lan tỏa trong khoang miệng.
Diệp Khê uống một ngụm đã thích đến nheo mắt, cười nói: “Quả nhiên rất ngon, không uổng ba văn tiền này, mật hoa quế ngâm thật khéo, mật ong lại vừa thơm vừa đậm.”
Lý Nhiên uống nhanh, thìa này nối tiếp thìa kia, đã uống hết nửa: “Sữa này cũng đánh khéo, chắc phải khuấy cả nửa ngày mới được cái chất mịn màng thế này.”
Ông chủ nghe vậy, cười nhìn phu lang mình, vui vẻ nói: “Phu lang nhà ta làm mật hoa quế và mật ong đã mười mấy hai chục năm nay rồi, cả hàng quán này cũng dựa vào tay nghề ấy mà sống đấy.”
Con trai ông chủ đang đứng bên dọn chén, lau bàn: “Cha ta khuấy sữa cũng cả đời rồi, giờ người già yếu, đến lượt con trai kế thừa. Nhìn khách ăn ngon miệng là con thấy không uổng công học tay nghề của cha.”
Diệp Khê và Lý Nhiên lại trò chuyện vài câu với cả nhà chủ quán, đang uống nước thì Diệp Khê chợt thấy một người từ thanh lâu ở phía đối diện bước ra, trông có phần quen mặt.
Lý Nhiên thấy cậu cứ nhìn mãi về hướng đó, cũng quay lại xem: “Khê ca nhi gặp người quen à?”
Diệp Khê nhìn kỹ thêm mấy lần, rồi bình thản nói: “Cũng có thể coi là vậy, nhưng không thân, là người nhà họ Tào từng đính hôn với em.”
Người vừa bước ra từ toà nhà ấy chính là Tào Bân của Tào gia.
Lý Nhiên nhìn theo, rồi tỏ vẻ chán ghét: “May mà em không gả cho hắn, em không thấy hắn vừa ra từ đâu à?”
Diệp Khê đương nhiên là thấy, đó là thanh lâu, trên lầu còn có mấy cô nương phấn son lòe loẹt đang vẫy khăn cười đùa.
Trước kia cậu từng nghĩ Tào Bân là người đọc sách biết lễ nghĩa, dẫu mẹ hắn có cay nghiệt độc mồm thì cũng đành chịu. Nhưng đến ngày họ đến từ hôn, Diệp Khê đã nhìn rõ hắn chỉ là kẻ háo sắc. Giờ tận mắt thấy hắn bước ra từ thanh lâu, lại càng xác nhận suy nghĩ ấy là đúng.
“Đừng nhắc đến hắn nữa, bây giờ em với hắn chẳng còn liên quan gì. Mình đi tìm Ly ca nhi đi, xem cậu ấy bán rau xong chưa.”
Hai người rời quán nước, đi dọc phố tìm Ly ca nhi, từ xa đã thấy có một nam nhân cao lớn đang ngồi xổm bên cạnh cậu.
Lý Nhiên bật cười trước: “Đoán xem người kia là ai?”
Diệp Khê nhướng mày: “Chẳng lẽ là con thứ nhà họ Lý, Lý Tập?”
“Đúng rồi, chính là Lý Tập đó. Xem ra gặp nhau trên đường, giờ thì cứ bám riết lấy ca nhi nhà mình thôi.”
Diệp Khê nghĩ ngợi một chút, cũng không tiện sang quấy rầy, liền kéo Lý Nhiên đứng lại cách đó không xa, chờ ở bên lề đường.
Bên này, Ly ca nhi ngồi trên bậc thềm của một cửa hàng ven đường tránh nắng, sắc mặt hơi ửng đỏ: “Anh không cần ngồi đây bán rau giúp ta đâu.”
Lý Tập ngồi xổm bên thúng rau non, vốn chẳng giỏi gì việc rao hàng, trước kia bán thịt lợn, ai muốn mua thì tự đến hỏi, hắn chỉ việc cắt ra cân là xong. Nay đổi sang bán cây giống, quả thực có chút luống cuống: “Nắng to, em đừng để bị cháy nắng, để ta bán giúp cho.”
Ca nhi trừng mắt nhìn hắn: “Anh to xác thế này mà ngồi chềnh ềnh ở đây, mấy thím mấy chị hay ca nhi đi ngang đều né còn không kịp, ai còn dám lại gần mà mua?”
Lý Tập gãi đầu: “Hay là ta mua hết, để em sớm được về.”
Ca nhi thật chẳng biết làm sao với người này, hắn đúng là ngốc mà. Cậu ngồi xuống bên cạnh, nói: “Ta tự rao hàng, anh đừng thêm rối nữa.”
Lý Tập liền rụt rè ngồi cạnh, chẳng dám ngồi gần quá, sợ ảnh hưởng đến danh tiếng của Ly ca nhi, lại không muốn đi về.
Đợi ca nhi bán được vài bó rau rồi mà hắn vẫn chưa đi, cậu nhíu mày: “Sao còn chưa đi?”
Lý Tập ấp úng, mở miệng mấy lần cũng không biết phải nói thế nào.
Ca nhi cũng chẳng chiều theo hắn, bắt đầu thu dọn đồ đạc định đi.
Thấy người sắp đi, Lý Tập quýnh lên, vội vàng gọi mấy tiếng rồi bước lên chặn trước mặt.
“Có gì thì nói nhanh đi, Khê ca nhi với chị dâu còn đang đợi ta đó.”
Lý Tập rốt cuộc cũng thấp giọng nói: “Em có thể… tiếp tục bàn chuyện hôn sự với ta không?”
Mặt ca nhi đỏ bừng, vành tai cũng nóng ran:
“Không phải… Sao lại có nam nhân đứng giữa đường nói mấy lời này với ca nhi chứ? Anh không xấu hổ nhưng ta thì xấu hổ muốn chết rồi.”
Lý Tập mím môi, ánh mắt kiên định: “Ta biết nhà em chê nhà ta bẩn thỉu, ta đã quyết định rồi, nhất định sẽ tách ra ở riêng. Chờ sau khi chia nhà, ta sẽ dựng nhà ở gần chỗ em. Nếu em chịu lấy ta, vào cửa sẽ làm chủ, không có cha mẹ hay chị em dâu gì làm phiền cả. Em thấy thế nào?”
Ca nhi ngẩng mắt nhìn hắn, Lý Tập trông mong nhìn cậu, ánh mắt đầy tha thiết.
“Đợi anh ra riêng xong rồi hẵng nói.” Ca nhi đỏ mặt, đẩy nhẹ hắn ra.
Dù chưa nói thẳng, nhưng lời ấy đã ngầm thừa nhận tấm lòng. Lý Tập mỉm cười, khóe môi cong lên đầy vui mừng.
“Được! Ta nhất định sớm ra riêng!”
Hết chương 46.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.