🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau

Về đến nhà, Lâm Tướng Sơn liền bắt tay vào việc xây lò đất. Dùng số gạch còn dư từ lần xây chuồng heo trước, hắn dựng một cái lò đất hình vuông cao ngang người, chỉ chừa lại một cửa nhỏ, bên ngoài lại dùng gạch xây thêm một vòng nữa. Sau đó, từng bó củi được xếp dựng đứng vào trong lò.

Lâm Tướng Sơn trét bùn vàng bịt kín cửa nhỏ, chỉ để lại một lỗ thông khí làm lối thoát khói.

Diệp Khê chưa từng đốt than bao giờ, trong thôn người ta đều chặt củi rồi đốt trực tiếp cho tiện, khỏi cần bước này. Cậu tò mò ngồi dưới mái hiên, nhìn Lâm Tướng Sơn ném miếng bùi nhùi đang cháy qua lỗ nhỏ vào trong, làm cháy đống củi bên trong.

Trong lò vang lên những tiếng nổ lách tách, nhưng vì bị đất che kín nên không thấy được ngọn lửa.

Lâm Tướng Sơn thấy phu lang nhìn chăm chú, liền cười nói: “Phải đốt hơn một canh giờ đấy. Khi đốt xong thì phải lấy ra phơi cho khô, lúc ấy mới thành loại than xanh bền lửa, vài cục là có thể đốt suốt cả đêm.”

Diệp Khê cảm thấy rất thú vị: “Thảo nào người trên trấn thích mua than về đốt, thứ này vừa nhẹ lại cháy bền, không tốn chỗ, mua một bao là dùng được lâu thật lâu.”

Lâm Tướng Sơn ngồi canh lò than, nói: “Cách này là anh học được ở Tây Dương châu. Bên đó than ngân ti vào mùa đông rất có giá, người bình thường không mua nổi, chỉ quan lại quyền quý mới dùng. Loại đó còn bền lửa hơn cả than này, lại không khói bụi, chỉ tiếc là bên mình không có loại gỗ để làm ra thứ than ấy.”

Diệp Khê cười trêu hắn: “Mình hiểu biết nhiều như vậy, ở lì trong cái thôn nhỏ trên núi này thật uổng phí tài năng, lẽ ra phải ra ngoài làm thầy kể chuyện ấy chứ. Thầy kể chuyện trong quán rượu trên trấn, muốn nghe cũng tốn mười văn tiền đấy, mà còn phải đi sớm mới có chỗ. Em từng đứng ngoài cửa sổ nghe lén, kể hay vô cùng.”

Lâm Tướng Sơn phủi bụi bẩn trên tay, cười đáp: “Anh vụng miệng, nào có khéo nói như vậy, cũng chỉ thích nói nhiều với mình thôi. Dù bên ngoài có bao nhiêu náo nhiệt, cũng không bằng sống yên ổn với mình nơi sơn dã này. Ngày ngày ăn cơm nhà, làm ruộng trồng rau, chừng vài năm nữa, có khi mình còn sinh cho anh một đứa nhỏ, nhe răng sữa gọi ‘cha’ ấy chứ.”

Diệp Khê nghe đến đỏ cả tai, ngượng ngùng mắng: “Mình mà gọi là vụng miệng à? Dẻo miệng thế này, làm người ta xấu hổ chết được. Em vào bếp nấu cơm đây.”

Nói xong liền vào bếp nhóm lửa.

Ăn cơm xong, Lâm Tướng Sơn lại thắp đèn dầu, ngồi ngoài sân canh thêm hai lò than nữa. Tay nghề đốt than của hắn là học lỏm từ trại than, nên than đốt ra đen bóng, nhẹ mà khó vỡ.

Diệp Khê mang sọt đến, dỡ ra cũng được bảy tám gánh than.

“Cứ tạm chất trong hầm trước, chờ đến lúc lạnh hẵng đem lên trấn bán.” Lâm Tướng Sơn đã tính trước, bây giờ mà bán thì giá chẳng ra gì, một cân than chắc bị ép giá còn hai ba văn thôi.

Dọn than xong, Diệp Khê đổ chỗ măng hôm nay ra sân, định dùng dao bóc lớp vỏ cứng bên ngoài, để lộ phần măng trắng nõn mềm mại bên trong. Phần gốc già hơn thì phải cắt bỏ, chỉ giữ phần măng hình nón to bằng bàn tay.

Lâm Tướng Sơn cũng ngồi bên cạnh giúp cậu bóc măng. Tối nay trăng tròn vành vạnh, ánh trăng bạc dịu dàng chiếu xuống sân nhỏ, núi rừng yên tĩnh, chỉ nghe được tiếng suối róc rách vang vọng.

Chú nai con tò mò thò mũi lại gần rổ măng, còn gặm mấy vỏ măng chơi.

Diệp Khê bật cười, gọt một củ măng non đưa cho nó ăn, nó liền cắn từng miếng một ngay trong tay cậu, nhai rôm rốp rất vui tai.

“Nó không biết kén ăn nữa rồi. Mình này, em thấy nó hình như lại lớn thêm một vòng nữa, sừng cũng to hơn rồi.”

Lâm Tướng Sơn nhìn kỹ con nai một lượt, gật đầu: “Sừng mọc thêm nhánh rồi, đúng là lớn thêm thật.”

Diệp Khê vuốt đầu nó, dịu dàng nói: “Vậy thì sau này không thể gọi là nai con nữa rồi, sắp thành nai lớn rồi đấy.”

Chú nai được v.uốt ve thích quá, ngẩng đầu phát ra vài tiếng kêu lanh lảnh.

Vì mai phải mang đồ lên trấn bán, Diệp Khê và Lâm Tướng Sơn nhanh chóng dọn dẹp rồi thổi đèn đi ngủ.

x

Sáng hôm sau, khi trời mới tờ mờ sáng, Lâm Tướng Sơn đã gánh sọt tre và măng ra khỏi nhà.

Sau khi hắn đi, Diệp Khê lại nằm ngủ thêm một lát rồi mới dậy. Vừa mở cửa ra, một luồng gió lạnh ùa vào làm Diệp Khê tỉnh ngủ hẳn.

Hôm qua trời còn nắng đẹp, vậy mà hôm nay đột ngột trở lạnh, Diệp Khê thổi hơi vào tay cho ấm rồi đi nấu cám cho heo ăn.

Hai con heo trong nhà nuôi cũng lớn tốt, bụng nặng trĩu, lớp mỡ cũng đã dày lên nhiều.

Diệp Khê nghĩ chỉ còn hai tháng nữa là đến Tết, đến lúc đó sẽ mổ một con bán một con, tiền bán heo đủ để mua sắm đồ Tết, không cần phải động đến tiền tiết kiệm trong nhà.

Thời tiết dần lạnh, gió núi thổi vù vù, nhiệt độ giảm xuống thấp, đến ban đêm gió bên ngoài rít lên dữ dội, giờ này còn len lỏi vào khe cửa sổ.

Nhân lúc hôm nay ra ngoài, Diệp Khê định sẽ mua ít giấy về để dán thêm vài lớp cho cửa sổ, rồi dùng cỏ lau khô thu hoạch từ mùa thu để làm mành treo, như vậy gió cũng không thể lọt vào.

Sau khi sắp xếp xong mọi thứ trong nhà, thả gà và vịt vào sân, Diệp Khê dặn dò nai con vài câu, bảo nó trông chừng gà vịt rồi mới ra ngoài.

Giấy là một thứ khá hiếm, những gia đình bình thường sẽ không có giấy trong nhà. Đến mùa đông phải dán cửa sổ, hay là khi có việc tang ma, viết câu đối vào dịp Tết mới phải đi mua giấy ở tiệm.

Thôn bên cạnh có tiệm bán giấy, vì ở đó có vài trường tư, học sinh nhiều, nên đã mở vài cửa hàng bán giấy phút mực.

Nghe các cụ trong thôn kể, trước đây ở đó có một người thi đỗ tiến sĩ, từ đó người ta bắt đầu tin rằng nơi đó có thần Văn Khúc hiển linh, có thể phù hộ học trò đỗ đạt, phong thủy tốt nên mới có các thầy giáo mở trường dạy học, sau đó còn xây một ngôi đền thờ thần Văn Khúc.

Diệp Khê đi bộ mất hơn nửa giờ trên con đường làng, cuối cùng cũng đến tiệm sách. Quả thật, nơi này khác hẳn với thôn Sơn Tú của họ, không có những người đàn ông mặc áo ngắn, ống quần cuộn đến đầu gối, vác cuốc trên vai, mà thay vào đó là những học sinh mặc áo dài, tay cầm sách vở.

Khi họ mở miệng, câu đầu tiên đều là những lời như “Khổng tử nói”, “Nhân nghĩa”, “Trung dung”. Nghe mà Diệp Khê không hiểu gì cả. Cậu đi thêm một chút nữa, rồi nhìn thấy một miếu thờ, tường đỏ mái đen, trông rất trang nghiêm, bên trong là từng làn khói nhang và tiếng chuông ngân vang vọng.

Diệp Khê là người tin vào Phật, hầu hết người dân trong thôn cũng tin vào thần linh. Họ thường mua một cây nhang với hai văn tiền, thành tâm dâng lên, cúi đầu cầu xin, nếu có thể phù hộ cho gia đình bình an thì cũng tốt, dù không có hiệu quả thì cũng không sao, chỉ là để an lòng mà thôi.

Diệp Khê ngẩng đầu nhìn lên, trên biển hiệu viết “Văn Khúc Tinh Miếu”, nghĩ chắc đây chính là ngôi miếu mà các lão nhân nói, nơi các học trò đều phải đến thờ cúng. Diệp Khê không quan tâm đến chuyện có Văn Khúc Tinh hay không, cậu chỉ là một thiếu niên nhà nông quanh năm suốt tháng quay quần bên bếp lửa, ngoài lo cho gia đình đủ ăn đủ mặc thì chẳng để tâm gì đến những chuyện đọc sách viết chữ, vậy nên cậu quyết định tiết kiệm hai văn tiền này.

Khi thấy cửa hàng bán giấy, Diệp Khê cầm giỏ bước vào và hỏi giá.

Tiểu nhị trong cửa hàng thấy Diệp Khê thì bước lại gần, mỉm cười chào hỏi: “Phu lang đến mượn sách hay là mua giấy bút cho phu quân nhà mình?”

Cửa hàng sách không chỉ bán sách mà còn cho mượn sách. Ở thôn thiếu thốn, một cuốn sách có giá hơn trăm đồng, ít học trò đủ khả năng mua. Vì vậy, tiệm sách bắt đầu kinh doanh cho mượn sách, chỉ cần hai đồng là có thể mượn nửa tháng, nhiều học trò sẽ mượn sách về nhà sao chép lại, như vậy có thể tiết kiệm được một khoản tiền lớn.

Tiểu nhị thấy Diệp Khê búi tóc, biết là người đã thành thân, trong tiệm của họ chưa từng có ca nhi nào đến mượn sách, nên nghĩ Diệp Khê đến để mượn cho phu quân nhà mình.

Diệp Khê mỉm cười, đáp: “Tôi đến mua giấy.”

Tiểu nhị vội vàng dẫn cậu đến quầy, trên đó bày mấy loại giấy khác nhau: “Mời phu lang xem, cửa hàng chúng tôi có giấy vỏ cây, giấy tằm, giấy gai và giấy tre tốt nhất, mời cậu xem qua.”

Diệp Khê đâu hiểu gì về giấy, những loại giấy này nhìn đều trắng tinh tươm, cậu nói: “Tôi mua để dán cửa sổ, chỉ cần loại bền chắc, tốt nhất là ánh sáng có thể xuyên qua một chút.”

Tiểu nhị vỗ vỗ đầu, cười nói: “Hóa ra là dán cửa sổ, vậy thì dễ rồi, không cần phải phân biệt sinh tuyên, bán tuyên gì cả, phu lang chỉ cần nhìn thử loại giấy cấu bì này, với cả giấy gù là được, độ bền tốt, chịu gió mạnh, lại còn có thể truyền sáng nữa.”

Diệp Khê tiếp nhận một tờ giấy, nhìn ra ngoài cửa: “Đúng là tốt, xin hỏi giá bao nhiêu?”

Tiểu nhị cười đáp: “Loại giấy này so với loại giấy mà học trò dùng để vẽ vời viết chữ thì rẻ hơn nhiều, mỗi tờ ba văn tiền, phu lang cần bao nhiêu tờ?”

Giá này không hề đắt, mỗi năm mẹ cũng thường hay mua giấy, về nhà cũng chỉ nói là ba văn một tờ, Diệp Khê gật đầu, tính toán chỉ cần dán cửa sổ cho hai gian trong nhà chính là đủ, phòng chứa củi hay nhà bếp thì không cần.

“Lấy mười tờ đi, tôi định dán hai ba lớp cho thật ấm.”

“Được rồi, vậy ta sẽ cuộn lại cho phu lang.” Tiểu nhị nhanh chóng đếm ra mười tờ, dùng dây buộc lại.

Diệp Khê lấy ví tiền, đếm ba mươi văn tiền rồi đưa cho tiểu nhị.

Lúc nhận giấy và chuẩn bị đi về, Diệp Khê va phải một người bước vào cửa tiệm, cậu ngẩng đầu nhìn.

Là Yêu ca nhi ở thôn bọn họ, bên cạnh y còn có một người, chính là Tào Bân.

Tào Bân khi nhìn thấy Diệp Khê, con ngươi co lại mạnh mẽ, biểu cảm rất ngạc nhiên, đôi mắt dính chặt lên người cậu.

Diệp Khê chỉ nhàn nhạt liếc gã một cái rồi dời ánh mắt, tính toán đi ngay.

Yêu ca nhi đắc ý: “Ồ, là Khê ca nhi đây mà, thật là trùng hợp, lại gặp nhau ở đây, một người nhà quê như ngươi đến tiệm giấy làm gì?”

Diệp Khê đáp lại bằng giọng lạnh lùng: “Cửa hàng này có phải của ngươi không? Ta đến mua đồ, liên quan gì đến ngươi? Đâu đến lượt ngươi hỏi đông hỏi tây.”

Sắc mặt Yêu ca nhi thay đổi, gương mặt vừa xanh vừa trắng, thấy Tào Bân nhìn chằm chằm vào Diệp Khê thì càng tức giận, lén lút dùng tay vặn mạnh vào hông Tào Bân.

Tào Bân đau đớn, lập tức thu ánh mắt lại, cười ngượng ngùng: “Khê ca nhi, mặt…”

Diệp Khê không quan tâm đến gã ta.

Yêu ca nhi cười lớn, khoe khoang: “Ta và anh Bân đến mua giấy để viết chữ mừng đám cưới, mấy ngày nữa chúng ta sẽ thành thân.”

Diệp Khê khẽ cười một cái, vậy mà đã khiến Tào Bân mê mẩn.

“Vậy chúc mừng.”

Nói xong, Diệp Khê cầm giỏ rời đi.

Đến khi Diệp Khê đã đi được khoảng chừng mười mét, Tào Bân vẫn còn đứng nhìn theo bóng lưng cậu, trong lòng thầm nghĩ, tiếc quá.

Yêu ca nhi cười mỉa mai: “Không ngờ phải không, vì mặt Khê ca nhi bị thương, nhà ngươi mới gấp gáp hủy hôn, giờ người ta lại bình an vô sự, chẳng phải bây giờ có ai đó đang hối hận muốn chết sao?”

Tào Bân cau mày, bực bội liếc nhìn Yêu ca nhi: “Ngươi đang nói cái gì vậy!”

Yêu ca nhi cười lạnh: “Cho dù ngươi có hối hận đến mức chạy lên tận chỗ Đại La thần tiên thì cũng vô ích thôi. Người ta sớm đã gả đi rồi, gả cho cái tên xứ khác mới đến thôn ta ấy, tình cảm giữa hai người họ còn tốt lắm cơ.”

Tào Bân lạnh lùng liếc Yêu ca nhi một cái, vung tay áo bỏ đi, không buồn nói thêm một lời.

Hết chương 54.

Chương trước
Chương sau
Trang web đọc truyện online hàng đầu Việt Nam, cung cấp kho truyện phong phú với các thể loại như tiên hiệp, kiếm hiệp, ngôn tình, truyện teen và truyện đô thị. Tất cả các tác phẩm đều được chọn lọc kỹ lưỡng bởi các tác giả và dịch giả uy tín, mang đến trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời nhất cho bạn!
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.