Trời tối sớm, tuyết lại rơi dày thêm, Lâm Tướng Sơn vác sọt và cuốc trở về nhà.
Diệp Khê vừa hay nấu xong chè rượu nếp, bên trong rắc thêm kỷ tử, nên bưng một chén nóng hổi còn đang bốc khói tới cho Lâm Tướng Sơn uống.
Làm lụng cả chiều dưới trời lạnh, lúc này uống một chén vừa vặn hồi sức. Vị ấm nóng của rượu nếp lan khắp ruột gan, ăn thêm mấy viên bánh trôi dẻo mềm nữa, cả người thoải mái hẳn ra.
“Rượu nếp này ở đâu ra vậy?” Hắn nhớ rượu nếp phu lang ủ vẫn chưa khui vò mà.
Diệp Khê ngồi bên cạnh chống cằm nhìn hắn: “Chiều nay Ly ca nhi có qua, nói là thím Lưu ủ, nhờ hắn mang đến cho nhà mình và nhà mẹ mỗi nhà một vò. Rượu bà ấy ủ thơm lắm, em mới vo ít viên bánh trôi, nấu thành một nồi chè rượu nếp.”
Lâm Tướng Sơn uống cạn phần rượu nếp còn lại trong chén, cảm thấy lòng bàn chân cũng bắt đầu đổ mồ hôi. Diệp Khê lại hỏi hắn chuyện ruộng đồng: “Lúa mì vụ đông của nhà mình và nhà mẹ vẫn ổn chứ?”
Lâm Tướng Sơn đáp: “Lúa mì nhà mình mọc tốt lắm, lá rộng. Năm nay nếu tuyết lành phủ suốt cả mùa đông, sang năm nhất định sẽ được mùa. Của nhà mẹ cũng ổn, cha và anh cả đều là người giỏi trồng trọt, lại chịu khó bỏ công, mấy hôm trước còn chở tro ra đồng rắc nữa, cây cối cũng mọc rất khỏe. Ba người bọn anh đã dọn lại rãnh luống ngoài ruộng, còn xúc cả tuyết đọng đi, chẳng có gì phải lo.”
Diệp Khê nghe vậy thì yên tâm, kể cho hắn nghe chuyện vật giá ở trấn đang tăng cao.
Lâm Tướng Sơn nói: “Ngày mai anh sẽ cùng anh cả lên trấn một chuyến, nếu bán được giá thì năm nay có thể ăn một cái Tết dư dả rồi đấy.”
Gió đông gào thét, hai người ngồi dưới mái hiên, tay ôm chén chè rượu nếp nóng hổi, nhìn nhau mỉm cười. Đó là niềm mong mỏi giản dị cho những ngày tháng an lành của nhà nông.
x
Vì phải lên trấn bán than củi, chưa đến giờ Dần, Lâm Tướng Sơn đã thức dậy. Diệp Khê mơ màng, cảm giác như lò sưởi bên cạnh mình dần rời xa, mở mắt ra thì thấy Lâm Tướng Sơn đang mặc áo quần.
Trời vẫn còn tối đen, trong phòng chỉ le lói ánh đèn dầu. Nhìn bóng hắn in lên vách tường, Diệp Khê như đứa nhỏ bò lại, từ phía sau ôm lấy tấm lưng rộng của phu quân nhà mình.
Lâm Tướng Sơn nghiêng đầu nhìn cậu: “Đánh thức em rồi à? Ngủ tiếp đi, trời còn sớm lắm. Dù gì tuyết cũng đang rơi, em cứ nằm yên trong nhà nghỉ cho khỏe.”
Diệp Khê thương hắn, tuyết lớn như vậy mà vẫn phải ra ngoài, dù buồn ngủ lắm vẫn cố dậy nấu bữa sáng cho hắn.
Lâm Tướng Sơn không ngăn được cậu, đành ôm quần áo vào chăn ủ ấm rồi mới đưa cho Diệp Khê mặc.
Bên ngoài tối om, tuyết rơi từng chùm như lông ngỗng rơi tán loạn. Trong căn nhà gỗ nhỏ dưới mái hiên, dê và nai con cuộn tròn ngủ say sưa. Diệp Khê châm đèn dầu, nhà bếp sáng lên.
Không ăn gì nóng thì ra đường sẽ không chịu được rét, Diệp Khê dùng mỡ heo chiên trứng gà, rồi đổ nước vào nấu một nồi canh trứng nóng hổi. Sau đó cậu thái ít thịt heo, băm nhuyễn, dùng thìa nặn thành từng viên thịt, thả vào nồi canh.
“Không có mì sợi, ăn bột viên cho chắc bụng, được không?” Diệp Khê gọi ra ngoài.
Lâm Tướng Sơn đang chất than ngoài sân nghe thấy, đáp: “Được! Ăn một chén chắc no tới trưa!”
Diệp Khê liền lấy khối bột nhào sẵn từ tối qua ra, ngắt từng khúc nhỏ, rồi nặn thành những miếng tròn dẹp, thả vào nồi nấu chung với thịt viên.
Khi gần bắc xuống, cậu bỏ thêm một nắm rau non, ít hành lá, chan vài giọt dầu mè.
Một chén đầy ụ, Lâm Tướng Sơn ăn đến ấm cả người, mồ hôi vã ra đầy trán. Diệp Khê chỉ ăn nửa chén, rồi múc thêm một ít dưa cải để hắn ăn kèm.
Người no rồi thì có sức, tuyết to cũng vẫn đi được, Lâm Tướng Sơn vác gánh than lên vai.
Diệp Khê đưa cho hắn một tấm vải bông: “Nếu dọc đường gió tuyết lớn quá thì dùng cái này che mặt, đừng để gió táp làm bỏng da.”
Lâm Tướng Sơn khẽ đáp, cúi người hôn một cái lên má phu lang nhà mình.
Diệp Khê giơ tay đấm nhẹ vai hắn, hờn dỗi: “Không đứng đắn gì cả! Em nói rồi đấy, mình phải nhớ kĩ trong lòng, gió tuyết lớn thì phải cẩn thận. Nếu bán không được cũng nhớ về trước giờ trưa, đừng đi đường tối nguy hiểm lắm. Cũng đừng tiếc tiền mua đồ ăn trưa, cùng anh cả đi ăn một chén canh lòng cho ấm bụng, đừng để quá sức. Nhà mình đâu keo kiệt mấy đồng ấy đâu.”
Lâm Tướng Sơn gật đầu: “Biết rồi, phu lang cứ yên tâm.”
Diệp Khê tiễn hắn ra đến cổng, đứng nhìn bóng Lâm Tướng Sơn gánh hàng dần dần khuất vào màn tuyết xám chưa kịp hửng sáng, trong lòng không khỏi bồn chồn lo lắng.
Tuyết rơi dày không thể gánh đi được, Lâm Tướng Sơn và Diệp Sơn liền thuê con bò của ông Lưu Nhị trong thôn đóng xe, chất đầy củi than cùng thịt xông khói và lạp xưởng của Lý Nhiên rồi kéo nhau lên trấn.
Tuyết rơi đường trơn, chỉ có thể tranh thủ lúc trời chưa sáng mà xuất phát. Hai người đàn ông đánh xe đi thẳng tới trấn, mong kiếm được một khoản tiền.
Lâm Tướng Sơn đi rồi, Diệp Khê nằm lại một lúc cũng không ngủ được nữa, bèn dậy đi kiểm tra chuồng gà chuồng heo, thấy gà vịt đang rúc vào nhau giữ ấm, không bị lọt gió mới yên tâm.
Cậu lại ra vườn rau xem xét một vòng, phủi tuyết trên những tấm cói che, bên dưới là cải thảo và củ cải xanh mướt, một màu sắc hiếm hoi của mùa đông, nhìn cũng thấy ấm lòng.
Diệp Khê nhổ hai cây cải thảo to, định tối nay làm món cải thảo xào chua cay, mấy lá già bên ngoài thì ném cho nai con với dê ăn, sau đó lại xuống hầm lấy một quả bí đao thật to.
Trước khi vào đông, trong vườn còn một mảnh đất trống, nghĩ mãi không biết nên trồng gì, lại không nỡ để đất bỏ hoang, Diệp Khê bèn trồng mấy gốc bí đao, cũng chẳng mấy khi chăm nom, chỉ rải tro hai lần, ai ngờ dây bí lại mọc khỏe lạ thường, thu hoạch được tận bảy tám quả lớn.
Gửi cho nhà mẹ hai quả, lại nấu một nồi canh bí hầm sườn, giờ còn lại mấy quả to nhất, hai người ăn mãi không hết, mà nếu bổ ra để đó thì bí sẽ bị úng hỏng mất.
Diệp Khê nghĩ chi bằng làm chút đồ ăn vặt, dù sao cũng sắp lên trấn bán than, mang theo thử xem, bán được thì tốt, không bán được thì để nhà ăn dần cũng chẳng sao, thứ này mùa đông để được lâu.
Cậu gọt vỏ bí, móc sạch ruột, xắt thành từng sợi dài, rồi cho một nắm đường mía vào thau, bắt đầu nhào kỹ, để từng sợi bí bám đều lớp đường.
Ướp chừng một tuần trà, nước đường trong thau chảy ra, Diệp Khê nhóm bếp, đổ bí và nước đường vào nồi sên cùng nhau, đợi nước bí sôi thì rút củi, để lửa dư nấu tiếp một lát rồi đổ lại vào thau cho nguội.
Trong lúc chờ đợi, Diệp Khê xách cuốc với giỏ ra khỏi cửa.
Tuyết dày đến tận bắp chân, đi lại khó nhọc, cỏ dại bị tuyết phủ kín chẳng thấy đâu, chỉ có lũ trúc trong rừng là vẫn xanh mướt.
Diệp Khê dùng cuốc đào loạn một hồi, dưới lớp tuyết tìm được mấy mầm măng mới nhú, cậu định đào hai cây đem về nấu nồi canh.
Trời lạnh, đất cũng đóng băng, mỗi nhát cuốc bổ xuống đều làm tay tê rần, đào một lát phải nghỉ một lát, trời rét thế mà vẫn toát mồ hôi, cuối cùng cũng đào được ba cây măng.
Lúc này Diệp Khê mới thở phào, hơi ấm lập tức tan vào không khí, nai con lon ton chạy theo bên cạnh, cậu lại dùng cuốc dọn lớp tuyết dày, tìm một chỗ đất có rêu và rau tuyết non, thứ rau này sống dai, có thể nảy mầm và lớn lên dưới lớp tuyết.
Nai con lần đầu được thử món mới, cúi đầu ăn không ngừng, Diệp Khê thì ngồi bên cạnh bóc vỏ măng.
Trên đường về, cậu lại gom thêm một giỏ tuyết mang về để đun nước nấu canh.
Trong bếp, những miếng bí đao đã nguội, nước đường cũng đã ngấm vào thịt bí, Diệp Khê lại đổ chúng vào chảo dùng lửa lớn xào đến khi tạo được một lớp đường kết tinh, phủ đều lên bề mặt từng miếng bí.
Như vậy là xong, Diệp Khê đổ chúng ra một cái nia, bẻ một miếng mứt bí đao bỏ vào miệng, vị thanh mát ngọt ngào, vừa cho vào miệng đã tan.
Con dê đến dụi dụi vào ống quần của Diệp Khê, cậu đút cho nó một miếng, nó ngoan ngoãn nhai ăn.
Sau giờ trưa, tuyết rơi ít đi, Diệp Khê mang một ít qua cho chị dâu và mẹ. Lý Nhiên đang lim dim trên giường sưởi, nhận mứt bí đao của Diệp Khê thì vui lắm: “Chị dâu họ của ta cũng thích làm mấy món này lắm, tay nghề của Khê ca nhi chẳng kém chút nào, còn ngon hơn cả mấy món ở tiệm nữa.”
Diệp Khê vốn có ý này: “Em cũng đang định làm một ít đem lên trấn bán vào dịp chợ Tết. Bí là nhà tự trồng, chỉ tốn tiền đường thôi, nhưng cũng chẳng bao nhiêu, nếu mang lên trấn bán ba văn hai miếng, chắc là cũng bán được đấy.”
Kẹo bánh trong tiệm thì đắt đỏ, người ta thường chẳng nỡ bỏ tiền ra mua, một gói nhỏ cũng tốn đến mười mấy hai mươi văn tiền. Nhưng hiện giờ đã gần đến Tết, người trong thôn vất vả cả năm, cũng sẽ rộng rãi hơn đôi chút, chịu chi mấy văn để mua cho con cái ăn lấy may, cũng là chuyện dễ hiểu.
Lý Nhiên cười nói: “Cứ đem ra bán đi, chắc chắn sẽ bán được, nếu không đúng như chị nói thì cứ về đánh chị cũng được.”
Diệp Khê mang sang một chén lớn, vậy mà đến lúc về đã hết sạch sành sanh, Lý Nhiên vẫn còn thòm thèm: “Mấy hôm nay miệng đắng ngắt chẳng thấy gì ngon, chỉ có hôm nay ăn mứt bí đao của em là hợp khẩu vị nhất.”
Diệp Khê cười nói: “Nhà em vẫn còn nhiều bí lắm, lát nữa em lại mang sang cho.”
Ở lại nhà họ Diệp một lúc, Diệp Khê lại trở về sườn núi. Nước tuyết đã nấu xong, cậu đi rửa sạch măng tre, thái thành khúc.
Miếng thịt ba chỉ muối cuối cùng trong nhà được cắt thành từng miếng đều nhau, cho vào nồi đất, ngâm với nước tuyết, đặt lên bếp củi ninh nhừ.
Hương thơm nhanh chóng toả ra, Diệp Khê tựa vào bếp lò, nhìn sắc trời lại tối thêm chút nữa, tuyết dường như lại rơi dày hơn trước, mà vẫn chưa thấy bóng dáng phu quân nhà mình đâu.
Đến khi thịt muối trong nồi mềm rục thì ngoài cổng nhà, trên con đường núi tuyết phủ trắng xóa cuối cùng cũng xuất hiện một cái bóng nhỏ.
Diệp Khê trông thấy, đôi mắt như tan ra thành ý cười, vội vã chạy ra đón.
Lâm Tướng Sơn còn chưa vào đến sân đã ngửi thấy mùi thịt hầm thơm phức từ trong nhà mình, hít một hơi thật sâu: “Mình ở nhà làm món gì vậy? Thơm đến chảy cả nước miếng rồi đây này.”
Diệp Khê đỡ lấy đồ trong tay hắn, cười đáp: “Măng hầm thịt muối, ăn vào là không sợ cái lạnh mùa đông nữa.”
“Đúng là món ngon!”
Hết chương 60.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.