🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau

Lâm Tướng Sơn rất nhanh đã đi giao than về, Diệp Khê trở lại trông quầy hàng của mình. Cậu sắp xếp cải thảo với củ cải thành từng đống ngay ngắn, lại lấy cái giỏ đựng mứt bí đao ra.

Bên trong được lót một lớp vải, đựng đầy một giỏ mứt, bên ngoài phủ một lớp đường trắng, để qua một đêm càng thêm ngấm vị ngọt.

Chẳng mấy chốc đã có phụ nhân bế con nhỏ đến mua cải thảo. Cải nhà Diệp Khê trồng bẹ to, phần lõi bên trong non mềm, lớp lá già bên ngoài đều đã được bóc sạch sẽ, nhìn vào là thấy tươi ngon mơn mởn.

“Phu lang, cải thảo nhà ngươi bán thế nào vậy?”

Diệp Khê vội vàng đáp: “Ba văn tiền một cân ạ.”

“Ta mua mấy cây, có thể bớt một chút không?” Phụ nhân ra chợ mua đồ đều là người biết tính toán, một đồng tiền cũng phải chắt chiu, thế nên không tránh được chuyện mặc cả.

Diệp Khê biết cải nhà mình là loại tốt, so với mấy loại cải ở trấn thì tươi hơn hẳn. Lúc trời đổ tuyết, Lâm Tướng Sơn còn đặc biệt dùng chiếu cỏ phủ lên, lại bón thêm vài lần phân, nên rau không những lớn nhanh mà lá cũng không bị sương giá làm hư.

“Năm nay rau cỏ vốn lên giá rồi, cải nhà ta cũng chẳng đắt hơn nhà khác, đều bán theo giá chợ thôi.” Diệp Khê cười nói.

Người phụ nữ cũng biết kiếm được cải thảo tốt thế này không dễ, liền chọn lấy ba cây để Diệp Khê cân.

Cái cán cân nhấc lên vừa đủ: “Mười cân hai lạng.”

Người phụ nữ thấy Diệp Khê cân đủ lượng, hài lòng gật đầu, rồi lần tay vào túi lấy tiền ra trả. Cô còn dắt theo một đứa nhỏ chừng hai tuổi, đội mũ da hổ đứng bên cạnh, tròn tròn mũm mĩm trông vô cùng đáng yêu.

Diệp Khê lấy một miếng mứt bí đao đưa cho đứa bé.

Thằng bé nước miếng chảy ròng, há miệng cười lộ ra mấy cái răng sữa, nhận lấy liền nhét vào miệng, vừa nếm được vị ngọt liền vui vẻ.

Người phụ nữ ôm lấy con mình, dịu dàng mắng yêu: “Ái chà, cái đồ tham ăn này, mới tí đã tham rồi.”

Diệp Khê cười nói: “Đây là mứt bí đao ta tự làm, chẳng đáng bao nhiêu, coi như cho trẻ con ngọt miệng thôi.”

Người phụ nữ liên tục cảm ơn, còn li.ếm đầu ngón tay dính chút đường, thấy vị ngon liền hỏi: “Cái mứt bí này bán sao vậy?”

“Ba văn hai cây, thơm mát, ngọt thanh, bỏ vào miệng là tan, bọn nhỏ ngậm được nửa ngày ấy chứ.”

Người phụ nữ thấy giá cũng phải chăng, mua về cho trẻ con ăn vặt cũng đáng, lại lấy thêm ba văn ra mua hai cây.

Diệp Khê cũng không nghĩ tới mứt bí đao mình làm lại bán được, cầm tiền quay sang cười với Lâm Tướng Sơn: “Em mở hàng rồi này!”

Lâm Tướng Sơn cười nói: “Mình làm mứt bí đao ngon thế, hơn đứt hàng quán ngoài chợ, nhất định bán chạy thôi.”

Có câu này, Diệp Khê trong lòng càng vững dạ, liền cất giọng rao hàng: “Cải thảo đây, củ cải đây, mứt bí đao đây, mứt bí đao ngon tuyệt đây, ba văn hai cây, mua cho trẻ con ăn chơi đáng lắm nhé!”

Năm hết Tết đến, người ta lũ lượt kéo nhau đi chợ phiên cuối năm, ai cũng dẫn theo con cái. Chợ Tết hàng quán đông nghịt, người bán kẻ mua chen chúc, còn có cả đoàn xiếc khỉ, biểu diễn tạp kỹ, trò gì cũng có, vô cùng náo nhiệt. Đám trẻ con vừa ra phố đã vui mừng ríu rít, hết nhìn đông lại ngó tây, bị người lớn nắm tay kéo đi, gặp chỗ nào cha mẹ không chịu mua đồ cho liền đứng giữa đường òa khóc om sòm.

Trong chợ Tết, giá mấy món ăn vặt dĩ nhiên đắt hơn ngày thường. Dù trong thời gian này người dân cũng có nới lỏng chi tiêu hơn, nhưng thấy mấy món bình thường mà giá cũng tăng mấy đồng, ai nấy lại tiếc của, đành dỗ dành con: “Thôi, đi xem cái khác trước đi, lúc về mẹ mua cho nhá. Phía sau còn nhiều thứ hay hơn kìa!”

Trong bụng thì nghĩ, cứ dắt con đi vòng vòng thêm lát nữa, đợi nắng lên đến trưa, chợ Tết tan rồi, bọn nhỏ cũng chẳng còn làm mình làm mẩy được nữa.

Thành ra dọc phố, không ít đứa nhỏ khóc lóc inh ỏi, ngày thường chẳng được ăn quà bánh, hôm nay thấy bao nhiêu thứ lạ mắt thì thòm thèm, lòng cũng như có mèo cào, đòi ăn cho bằng được.

Nghe thấy bên này có người bán mứt bí đao, ba văn hai miếng, các bà các thím dắt trẻ con đều thấy món này tính ra rẻ. Lúc nãy đi hỏi kẹo hồ lô cũng mất năm văn một xâu, bánh nếp cũng phải năm văn hai cái, mấy loại bánh khác thì sáu bảy văn một cái.

Thấy có người dắt con đến, Diệp Khê liền bẻ một khúc nhỏ mứt bí đao đưa cho: “Nếm thử đi, ngọt thơm dễ ăn lắm, ăn thử rồi mua cũng được.”

Người đàn bà nếm một miếng, thấy ngon liền nhét vào tay con: “Ăn mứt bí đao không? Mẹ mua cho.”

Đứa nhỏ cắn một miếng, lập tức nhoẻn miệng cười, lúng liếng mấy cái răng sữa trắng hếu: “Muốn muốn muốn, mẹ mua cho con~”

Người phụ nữ thấy dỗ được con, vui vẻ lấy ba văn ra mua hai miếng, trong bụng cũng mừng, nghĩ chừng đó chắc ăn được đến lúc về nhà.

Có người mở hàng rồi, việc buôn bán cũng dễ hơn hẳn. Người ta kéo nhau lại mua mứt bí đao, có người đến mua rau củ rồi tiện mua luôn mang về cho con ăn chơi. Diệp Khê cũng không tính toán chi li, ai mua nhiều thì biếu thêm vài cọng hành lá, vốn chẳng đáng bao nhiêu mà khách lại vui.

Đến khi rau củ và mứt bí đao của Diệp Khê bán gần hết, bên Lâm Tướng Sơn cũng chỉ còn lại hai cái sọt trống.

“Anh cả bán hết thịt muối lạp xưởng chưa?” Diệp Khê quay sang hỏi.

Lâm Tướng Sơn liếc nhìn, cười: “Trống cả sạp rồi, cũng bán đắt hàng lắm đấy.”

Diệp Khê ôm cái túi tiền nặng trĩu, bên trong tiền đồng va vào nhau leng keng, mặt tươi rói:“Tốt quá rồi, vậy mình thu dọn về sớm thôi.”

Hai người bắt đầu thu dọn sạp hàng, lá rau vụn và than vụn cũng phải tự quét cho sạch sẽ. Nếu để quản lý chợ phát hiện, bị phạt tiền thì coi như mất công. Lệ chợ phiên cuối năm, mỗi sạp phải nộp năm văn tiền quản lý, ai mà phạm luật còn phải nộp phạt.

Diệp Khê thấy dưới đáy sọt của Lâm Tướng Sơn còn một đống than vụn, cỡ bằng quả lê nhỏ nhỏ, tuy không lớn như than nguyên cục nhưng cũng đủ nhóm bếp sưởi ấm.

“Sao còn đống này thế?” Diệp Khê hỏi. Than vụn này giá rẻ hơn, gom lại cũng bán được cho mấy nhà nghèo nghèo, chứ cũng chẳng ai chê.

Lâm Tướng Sơn đong đếm ước chừng được hơn hai cân, rồi cười nói: “Chẳng phải mình bảo ông bà bán đồ ăn kia khổ sao, đống than vụn này chẳng đáng bao nhiêu, em đem cho họ đun nước uống cũng tốt.”

Biết tính phu lang nhà mình thương người, hắn cũng chẳng ngăn, ngược lại còn muốn để cậu ấy vui vẻ, làm việc tốt thì lòng cũng khoan khoái.

Diệp Khê nghe vậy thì cười cong cả mắt: “Phu quân nhà ta thật là tốt bụng quá đi!”

Cậu ôm đống than vụn đem sang sạp bán canh lòng dê. Ông bà lão nghe nói được cho than, cảm động đến mức nắm tay giữ lại, muốn mời cậu uống thêm chén canh. Đây là món họ bán kiếm sống, bản thân còn chẳng dám ăn một chén, Diệp Khê tất nhiên cũng không nỡ. Cậu chỉ cười nói thêm mấy câu rồi quay đi.

Lâm Tướng Sơn gánh sọt đi theo, thấy phu lang nhà mình cười rạng rỡ, trong lòng cũng ấm áp: “Nhà mình còn thiếu gì không, hôm nay sẵn tiện mua hết đi, về chuẩn bị đón Tết, rồi yên ổn mà ở nhà qua đông.”

Diệp Khê đếm ngón tay tính toán: “Phải mua mấy đôi câu đối với hoa dán cửa sổ, dán trong nhà cho có không khí. Pháo cũng phải mua mấy dây, đêm giao thừa thì phải đốt pháo, để xua đuổi niên thú, đón năm mới mà.”

“Muối với gia vị cũng phải mua một chút để nêm nếm đồ ăn. Còn cả hạt khô nữa, Tết nhất trong nhà cũng phải có ít đồ ăn vặt.”

Lâm Tướng Sơn đáp một tiếng, đi sát bên phu lang, chuyên tâm giúp xách đồ.

“Cả đường cũng mua thêm ít đi, về nhà ta làm thêm vài món nữa, mấy đứa nhỏ tới chúc Tết cũng có cái mà cho, khỏi bị người ta nói keo kiệt.”

Hai người vừa tính toán vừa bàn bạc xem trong nhà còn thiếu gì, vừa chen chúc giữa con phố náo nhiệt. Thỉnh thoảng gặp mấy gánh xiếc rong còn ham vui xem một lát, có nghệ nhân xin thưởng, Diệp Khê còn móc một văn tiền ra cho, nghĩ bụng những người bôn ba khắp nơi này cũng chẳng dễ dàng gì.

Đến trưa, những thứ cần mua cũng đã mua đủ. Trong gánh của Lâm Tướng Sơn chất đầy mấy gói giấy dầu. Hai người xoay người tính quay về tìm Diệp Sơn.

Bỗng Lâm Tướng Sơn dừng chân, Diệp Khê quay đầu lại nhìn: “Sao thế, mình quên mua gì à?”

Chủ quán nhanh nhảu mời chào: “Khách quan xem đi ạ.”

Đó là một sạp bán đồ đồng sắt, trên bày nào là lò sưởi, chậu than, bình ủ nước nóng…

Lâm Tướng Sơn nói: “Phiền lấy cho ta xem cái bình ủ nước loại nhỏ, ta muốn mua cho phu lang.”

Chủ quán nghe thế thì cười tươi, còn khen không ngớt: “Phu lang của ngài đúng là có phúc, được phu quân thương nhớ đến thế này. Bình ủ này nhà ta làm bằng đồng thau tốt, dùng chục năm cũng chẳng sứt mẻ gì đâu.”

Diệp Khê nghe hắn tính mua bình ủ cho mình thì vội vàng chạy tới ngăn: “Cái này đắt lắm, trong nhà đã đốt giường sưởi rồi, em không lạnh đâu, thôi đừng tốn bạc nữa.”

Bình ủ này đâu phải món rẻ, đồng thau vốn đắt lại thêm tiền công thợ rèn, tính ra cũng là món đồ hiếm, nhà dân thường chẳng mấy ai có.

Nhưng Lâm Tướng Sơn đã tính kĩ, phu lang của mình tối nào chân cũng lạnh ngắt, dù có ôm ủ ấm cũng phải đến nửa đêm mới đỡ, có bình ủ này rồi thì đổ nước nóng đặt cạnh chân, bình thường cũng có thể cầm sưởi tay.

“Coi như mua thêm món đồ trong nhà, mà mình lại dùng được, đâu có phí bạc.”

Diệp Khê biết hắn thương mình, cũng không ngăn cản nữa.

“Khách quan xem cái này đi, to hơn bàn tay một chút, đồng thau đúc liền, đổ nước vào giữ nhiệt được mấy canh giờ, còn có cái quai nhỏ xách đi đâu cũng tiện.” Chủ quán bưng ra một cái bình ủ nhỏ bóng loáng.

Diệp Khê cầm lên xem, quả nhiên vừa ý, bình nặng tay, trên còn khắc cả hoa văn.

Lâm Tướng Sơn thấy cậu thích thì hỏi giá: “Bao nhiêu tiền?”

“Chín tiền năm mươi văn.”

Giá này đúng là hơi chát, nhưng cũng trong dự liệu. Lâm Tướng Sơn trả giá bớt mười văn rồi móc tiền mua luôn.

Diệp Khê ôm bình ủ quay về mà vẫn thấy tiếc tiền.

Về đến chỗ thì Diệp Sơn đã thu dọn xong, ngồi trên xe bò đợi hai người, thấy Diệp Khê ôm bình ủ trong tay, anh cười nói: “Em ta có phúc thật, em rể còn mua cho cả thứ tốt thế này.”

Lâm Tướng Sơn cũng bật cười.

Diệp Sơn lại liếc thêm mấy lần, âm thầm tính toán, nếu mấy hôm nữa bán thêm được ít thịt thì cũng mua cho thê tử nhà mình một cái.

“Anh hôm nay bán thịt tốt chứ?” Diệp Khê quan tâm hỏi.

“Tốt lắm, chắc bán thêm được mấy hôm nữa, hết phiên chợ Tết rồi mới thôi. Lúc dọn sạp còn có người hỏi mai có ra bán nữa không đấy, ta bảo có, bọn họ liền đặt trước một ít.” Diệp Sơn cười hớn hở.

Lâm Tướng Sơn nói: “Vậy mấy hôm nữa em với anh cả lại dựng sạp bán tiếp, tranh thủ bán thêm than củi trong nhà, lại có bạn cho đỡ chán.”

Lúc ấy đã gần qua giờ trưa, ba người chẳng kịp vào ăn tô mì, vì hôm nay trời hửng nắng, chiều thể nào tuyết cũng tan, nên mua mấy cái bánh bao vừa đi vừa ăn, vội vàng đánh xe bò quay về thôn Sơn Tú.

Hết chương 63.

Chương trước
Chương sau
Trang web đọc truyện online hàng đầu Việt Nam, cung cấp kho truyện phong phú với các thể loại như tiên hiệp, kiếm hiệp, ngôn tình, truyện teen và truyện đô thị. Tất cả các tác phẩm đều được chọn lọc kỹ lưỡng bởi các tác giả và dịch giả uy tín, mang đến trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời nhất cho bạn!
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.