Trên đường, Lâm Tướng Sơn cầm dây cương, Diệp Khê ngồi bên cạnh. Cậu lấy bánh ra, hai người vừa ăn vừa ngồi xe lên trấn. Diệp Khê còn mang theo một bình trà sữa vẫn còn ấm nóng, uống vào bụng thấy dễ chịu vô cùng.
Cậu mớm cho Lâm Tướng Sơn một miếng, nói: “Năm ngoái, chúng ta còn phải dậy sớm, vác đồ đi bộ lên trấn, giờ thì đã có xe trâu của riêng mình rồi.”
Nếu đi bộ thì phải dậy sớm hơn nửa canh giờ vội vã vác đồ đi, đâu thể thoải mái như giờ ngồi trên xe trâu thong thả ăn bánh.
Thấy phu lang vui vẻ, không phải cực khổ nữa, Lâm Tướng Sơn cũng cảm thấy vui trong lòng. Đây chính là lý do hắn chăm chỉ tích cóp, muốn xây dựng một gia đình bền vững: “Ừ, sau này đất đai nhiều hơn, lương thực chất đống cao như núi sẽ mua la hoặc lừa, có khi cả ngựa nữa. Đi đường sẽ nhanh hơn nhiều, nói chung là không cần phải vất vả đi bộ quãng đường dài nữa.”
Diệp Khê vui vẻ cười nói: “Giờ thì em đã là người có trâu rồi, sau này nếu thật sự có ngựa nữa, e là em còn thấy nó chạy nhanh quá mất thôi. Dù sao thì cuộc sống cũng ngày một tiến lên rồi!”
Lâm Tướng Sơn nắm chặt tay phu lang, ánh mắt tràn đầy hy vọng về tương lai.
Trên đường đi, họ gặp vài người hỏi xin đi nhờ xe, cũng đều là lên trấn đi chợ. Lâm Tướng Sơn nghĩ cùng đường nên không lấy nhiều tiền, mỗi người chỉ hai văn thôi.
Mấy người thấy rẻ hơn một văn so với chỗ khác, liền cảm kích ngồi lên sau xe, nhìn Diệp Khê và Lâm Tướng Sơn đầy vẻ ngưỡng mộ.
“Mấy anh trông còn trẻ mà đã mua được trâu rồi, sống sung túc thật đấy.”
“Anh này người cao to, chắc chắn là trụ cột trong nhà, làm ruộng khỏe lắm. Còn phu lang lại khôi ngô tuấn tú, biết lo việc nhà, thế thì cuộc sống làm sao không sung túc cho được.”
Nghe lời khen, Diệp Khê và Lâm Tướng Sơn mỉm cười nhìn nhau, biết đây là kết quả của tháng ngày cả hai chăm chỉ làm lụng để có được những ngày ấm no như hiện tại.
Đến trấn, họ chọn một chỗ đẹp trên phố chính để bày hàng. Hôm nay chợ chắc chắn đông, người dân ở các thôn đều mang theo rễ ngải cứu, ngải diệp đến bán, còn có những chiếc dây màu sắc đeo tay cho trẻ con, túi thơm, nhìn chung hàng hóa đa dạng hơn mọi ngày.
Dù dân núi còn nghèo khó, nhưng rất coi trọng các dịp lễ này, là những lúc hiếm hoi có được không khí nhộn nhịp.
Lâm Tướng Sơn đi nộp ba văn tiền phí thuê chỗ cho người quản lý chợ rồi trở về: “Nghe nói buổi trưa ở sông Mẫn có đua thuyền rồng bắt vịt đấy.”
Diệp Khê đang bày hàng, nói: “Chúng ta chắc không kịp về xem rồi, để năm sau đi chơi. Mình có biết bơi không?”
Lâm Tướng Sơn gật đầu: “Biết chứ, hồi nhỏ thường ra bờ sông bơi.”
Diệp Khê cười: “Vậy năm sau mình cũng đi bắt vịt về hầm canh nhé.”
Hai người vừa nói chuyện vui vẻ thì có người phụ nữ trong trấn đi tới: “Phu lang ơi, bánh ú giá bao nhiêu vậy?”
Diệp Khê nhanh nhẹn ra chào hỏi: “Bánh ngọt năm văn một cái, bánh mặn sáu văn, đều là nếp mới gói hôm qua.”
Thấy người phụ nữ còn do dự, Diệp Khê nhanh tay bóc một cái bánh ngọt và một cái bánh trứng muối cho bà thử.
“Bánh của cậu ngon thật đấy, chẳng thua gì hàng tiệm đâu. Thôi được rồi, ta lấy bốn cái bánh ngọt cho bọn trẻ ăn, rồi lấy thêm sáu cái bánh mặn nữa.”
Diệp Khê vội rút một sợi rơm xâu mười cái bánh ú lại, đưa cho người phụ nữ kia. Bà lấy tiền ra đếm, vừa hay lại ngửi thấy mùi thơm béo ngậy của sữa, bèn hỏi: “Là bánh ngọt nhào sữa dê đấy à?”
Dù gì cũng là phụ nữ trong trấn, từng ra vào tiệm điểm tâm với tửu lâu, nên cũng sành miệng chút đỉnh.
“Là sữa dê nhà nấu đó, nương tử nếm thử xem.” Diệp Khê dùng lá tre gói một miếng nhỏ đưa cho bà ta.
Người phụ nữ nhẹ nhàng cắn một miếng, rồi gật gù: “Trong tiệm toàn là vị ngọt của mật ong, chỗ cậu còn pha thêm gì đó nữa, hình như là trà… ngon lắm, lấy hai miếng đi, nay là lễ mà, mang về cho con nít nó vui.”
“Là bánh trà sữa mật ong, toàn dùng đồ ngon làm đấy, bốn văn một miếng.” Diệp Khê dùng lá tre gói hai miếng bánh cho bà, nhận về tám văn tiền.
Người phụ nữ đi rồi, Lâm Tướng Sơn đang bán củi bên cạnh cười nói: “Phu lang khéo tay, hai miếng bánh ngọt đủ mua một bó củi to của anh rồi đấy.”
Diệp Khê cười: “Cũng nhờ dịp lễ bán được món lạ thôi, chứ cái này chẳng phải nghề làm ăn lâu dài.”
Người đi chợ ngày càng đông. Tết Đoan Ngọ là dịp lễ lớn, ai ai cũng phải sắm sửa chút gì. Ngay cả thịt heo bán ngoài chợ cũng tăng lên hai đồng.
Bánh ú của Diệp Khê bán rất chạy, người mua bánh ú thấy bánh trà sữa mật ong thơm cũng mua ăn thử, mà ai đã ghé mua bánh ngọt rồi thì cũng tiện tay xách thêm vài cái bánh ú mang về.
Củi khô Lâm Tướng Sơn mang đến cũng được người ta để ý, mặc cả một hồi, hắn bớt cho người mua mấy văn, rồi vác bó củi đến tận nhà giao cho họ.
Khi trở về, quầy của Diệp Khê đang đông khách lắm, mùi bánh thơm hơn cả trong tiệm, giá lại chỉ bằng một nửa. Nhiều người định đãi khách hay đi thăm bà con ngày lễ liền chọn mua bánh Diệp Khê làm, về lấy giấy dầu hoặc rổ tre gói lại, nhìn vào chẳng khác gì trong tiệm cả, mà lại tiết kiệm được một nửa số tiền.
Lâm Tướng Sơn vội đến giúp phu lang mình tiếp khách.
Khi mặt trời lên tới đỉnh đầu, chợ cũng bắt đầu vãn bớt, nhiều người tranh thủ rời đi sớm để còn kịp tới xem đua thuyền rồng.
Diệp Khê và Lâm Tướng Sơn dọn dẹp quầy xong, hai người ghé vào một quán mì, gọi hai tô mì nóng ăn trưa. Hôm nay buôn bán tốt, chắc chắn có lời.
Diệp Khê hào sảng nói: “Hôm nay ăn mì thịt đi! Em gọi hai tô mì mỡ heo, thịt kho miếng to to!”
Lâm Tướng Sơn thấy phu lang vui vẻ như thế, cũng gật đầu theo: “Được, phu lang mời khách, anh xin không khách sáo!”
Tô mì bưng ra còn bốc khói, rắc hành lá và ngò rí thơm lừng, hai miếng thịt kho đỏ au nằm trên mặt mì. Hai người làm lụng cả buổi sáng, không chần chừ, cúi đầu ăn liền.
Trên đường về, lại gặp vài người cùng thôn muốn ngồi nhờ xe trâu, hai người liền nhận thêm ít tiền, cho họ đi cùng một chuyến.
Về tới nhà, Diệp Khê đem mấy cái bánh ú còn lại về nhà họ Diệp. Trong nhà lúc này chỉ có chị dâu đang ở cữ, gần ngày sinh nên không thể ra ngoài chen chúc xem náo nhiệt.
Cha và anh cả thì đã kéo nhau tới sông Mẫn bắt vịt rồi, Lý Nhiên thì nói thèm ăn rau rừng, nên Lưu Tú Phượng đã xách rổ lên núi hái rau cho con gái.
Diệp Khê ngồi trò chuyện với chị dâu một lát, còn đưa cho nàng một sợi dây ngũ sắc mua ở chợ, xem như là cho đứa bé trong bụng một món quà nho nhỏ. Đợi Lưu Tú Phượng quay về có người bầu bạn rồi, Diệp Khê mới tính đi về.
Lưu Tú Phượng giữ lại dùng bữa tối: “Ăn xong hãy về.”
Diệp Khê nghĩ còn bao nhiêu gia cầm gia súc chưa chăm, liền nói: “Sáng sớm con đã ra chợ, mấy con vật trong nhà chắc đói lắm rồi, phải mau nấu cám cho chúng ăn, cái này không lười được.”
Lưu Tú Phượng nghe vậy cũng không giữ nữa, lại hỏi: “Trứng vịt muối nhà con chắc ăn được rồi ha? Hôm nay nhất định phải có trứng vịt muối đấy.”
Diệp Khê đáp: “Ăn được rồi ạ, lát nữa bảo chồng con đi cắt ít lá ngải với lá xương bồ treo trước cửa, cả chu sa cũng phải rắc một ít.”
Lưu Tú Phượng lại dặn thêm mấy câu, rồi mới để cậu về.
Về tới nhà, Diệp Khê nấu cám heo, cho gà vịt ăn, bận rộn một hồi mới xong xuôi việc trong nhà.
Lại nhớ ra muốn quét lá rụng, dọn mớ cỏ khô ở góc sân, không ngờ vừa dọn xong một đống thì phát hiện ra có một con rắn nằm cuộn mình trùng màu với lá khô, Diệp Khê bị dọa đến mặt trắng bệch, vứt luôn chổi chạy ra xa.
Lâm Tướng Sơn vừa xách lá ngải về liền thấy phu lang mình mặt mày tái mét, hỏi ra mới biết là có rắn bò vào sân.
Thế là anh cầm kẹp sắt, ra góc sân đập chết con rắn, gắp ra ngoài vứt đi. Thịt rắn thật ra ăn được, người quê mà bắt được rắn thì thường lột da nấu canh tẩm bổ, vừa ngon lại mát. Nếu là rắn độc, mật rắn còn đem ra hiệu thuốc bán lấy tiền, nhưng Diệp Khê thì sợ rắn lắm, cứ nhìn thấy là mặt tái đi ngay.
Lâm Tướng Sơn tất nhiên chẳng nỡ giữ lại, xử lý xong xuôi, quay lại thì thấy Diệp Khê vẫn còn ngồi dưới mái hiên chưa hoàn hồn, liền vội lấy thùng chu sa mới mua, rắc quanh khắp các khe cửa, góc tường trong nhà, rồi lại ra chuồng củi xem kỹ, chắc chắn không còn gì lạ mới khóa cửa lại.
Phu lang bị dọa một trận như vậy, Lâm Tướng Sơn cũng thấy xót ruột, quyết định: “Mai đi xuống thôn xin một con mèo về nuôi thôi, mèo bắt được rắn, anh cũng yên tâm hơn.”
Diệp Khê gật đầu: “Nhà Ly ca nhi mấy bữa trước cũng mới xin một con mèo, nghe bảo bắt chuột giỏi, giữ kho gạo tốt, nhà mình cũng nên nuôi một con rồi.”
Lâm Tướng Sơn nghĩ ngợi: “Hay là nhân tiện xin luôn một con chó về, trong nhà không có chó giữ cửa cũng không ổn, giờ gà vịt đầy đàn, còn có trâu có dê, cũng phải có con trông coi.”
“Được, mai em đi hỏi thử, xin mèo thì phải mang theo một cân muối, còn xin chó thì nhất định phải tặng bao lì xì đỏ.”
Mèo chó trong thôn đều là vật quý, ai muốn xin về nuôi thì đều phải mang lễ đến. Mèo bắt chuột giữ kho gạo là việc sống còn, còn chó thì canh nhà, cùng lắm cũng có người tới hỏi mua về nấu nồi thịt ăn, nhưng Diệp Khê là người không chịu nổi chuyện người ta ăn thịt chó.
Có khi mùa đông tuyết rơi, còn có kẻ lén lút vào thôn trộm chó nữa. Gần Tết, nhà nào nhà nấy đều phải buộc chặt chó trong sân, không cho nó chạy lung tung.
Nhà Ly ca nhi trước đây từng nuôi một con chó đen to, suýt nữa đã bị trộm, may mà có người phát hiện kịp, cả thôn ùa đến vây bắt, tên trộm chó đành chạy té khói, cuối cùng nhảy xuống sông mà mất tin tức.
Chó nhà nuôi thông minh, lại phải tốn lúa gạo cho nó ăn, nên người trong vòng mười dặm ai cũng căm ghét bọn trộm chó.
Lấy lại bình tĩnh, Diệp Khê vào bếp chuẩn bị cơm, còn Lâm Tướng Sơn mang ngải cứu và lá xương bồ treo trước cửa.
“Hai ngày nữa là phải thu hoạch lúa mì vụ đông, lát nữa anh sẽ mài lại cái liềm cho thật sắc.”
Diệp Khê ừ một tiếng, rồi lấy ra bốn quả trứng vịt muối, hấp thêm bốn cái bánh ú thì hôm nay không cần nấu cơm nữa.
Hôm nay ở chợ, Diệp Khê gặp Ly ca nhi và phu quân của cậu ta là Lý Tập đang bày sạp bán thịt heo, miếng thịt ba chỉ này là Diệp Khê cố ý dặn Ly ca nhi giữ lại cho mình, hôm nay là ngày lễ, nhất định phải ăn thịt.
Thịt ba chỉ được cắt thành lát mỏng, Diệp Khê chần qua chỗ rau dại rồi thái khúc, xào chung với ớt khô và lát tỏi.
Buổi tối, hai người thắp đèn ngồi ăn cơm trong sân, trứng vịt muối bóc vỏ, đầu đũa chạm nhẹ liền trào ra lớp dầu, lòng đỏ mịn như cát, do ngâm chưa lâu nên không quá mặn, dùng để nhắm rượu cũng rất hợp.
Ăn xong bánh ú, đến lúc phải uống rượu hùng hoàng rồi.
Diệp Khê vốn uống rượu không giỏi, nhưng vì phong tục Tết Đoan Ngọ, nên cũng sẽ uống một chén. Không bao lâu sau mặt liền đỏ ửng, mắt cũng mờ mịt.
Lâm Tướng Sơn nói chuyện với cậu, Diệp Khê chỉ chống cằm ngây ngô cười khúc khích.
Chưa từng thấy phu lang mình ngốc nghếch thế này, Lâm Tướng Sơn kiềm lòng không đặng, bế người vào phòng, động tác có hơi mạnh tay, đến nửa đêm còn nghe thấy tiếng thút thít khe khẽ.
Hết chương 81.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.