Khi Lâm Tướng Sơn trở về, Diệp Khê đang trông lửa trong bếp để hấp bánh bao, hương lúa mì thơm nức tỏa khắp gian bếp.
“Tối nay ăn bánh bao à?”
Diệp Khê nghe thấy tiếng Lâm Tướng Sơn mới hoàn hồn lại, cười nói: “Bánh bao nhồi từ bột mì mới xay, lại còn xào một đĩa dương xỉ với thịt muối, ăn là no bụng luôn.”
Lâm Tướng Sơn gật đầu, thay đôi dép cỏ lấm đầy bùn đất ra rồi đặt dưới hiên: “Đang nghĩ gì mà ngẩn ra thế?”
Diệp Khê đứng dậy mở nắp nồi, bên trong là những chiếc bánh bao trắng mềm còn đang bốc hơi. Cậu nhúng tay vào nước lạnh rồi bóp thử, thấy đã chín rồi.
“Giá lương thực ở trấn đã tăng không ít, e là thật sự sắp mất mùa rồi.”
Lâm Tướng Sơn cũng sớm đoán được chuyện đó, liền nói: “Nhà mình với nhà mẹ đều còn lương thực ăn cho mùa đông, đừng lo, không đến nỗi đói đâu. Trong kho còn cả đống khoai lang với khoai tây nữa mà.”
Diệp Khê gật đầu: “Mạ ngoài ruộng thế nào rồi anh?”
Lâm Tướng Sơn xé một cái bánh bao, kẹp ít dưa muối vào rồi trét thêm chút ớt, vừa ăn vừa nói: “Ngoài đồng hạn quá, lòng sông cũng cạn rồi, muốn dẫn nước vào ruộng cũng không có nước mà dùng. Mấy hôm nay người trong thôn đều lên núi gánh nước, nhưng đường xa, đến nơi thì nước đã vơi quá nửa, tốn sức mà chẳng được mấy giọt.”
Diệp Khê hỏi: “Thế ao cá của anh chị thì sao?”
Hiện giờ chỗ có nhiều nước nhất chính là ao cá nhà Diệp Sơn, trong tình hình này sợ người trong thôn sẽ lén đi trộm nước.
Lâm Tướng Sơn và Diệp Sơn đương nhiên đã nghĩ tới chuyện đó, Lâm Tướng Sơn nói với Diệp Khê: “Chiều nay bọn anh đã đến tìm trưởng thôn bàn bạc một phen. Bọn anh đồng ý tháo ao, bán n.ước cho dân làng, giá cũng không cao, chỉ cần bù được thiệt hại do phải bán cá sớm là được rồi.”
Trong tình hình này, chỉ dựa vào một nhà họ thì không thể trông giữ nổi ao cá, chi bằng sớm thương lượng với dân làng, vừa tránh được phiền phức, lại còn kiếm được ít bạc mang về.
Trong nhà có những người đàn ông biết lo nghĩ chu toàn, Diệp Khê cũng yên tâm.
Lâm Tướng Sơn ăn xong một cái bánh bao rồi nói: “Lương thực trong nhà chỉ vừa đủ ăn đến vụ hè năm sau, anh tính đem một nửa khoai lang với khoai tây trong kho bán đi, giờ giá cao, có thể tích góp được một khoản lớn, sang năm là có tiền mua đất rồi.”
Diệp Khê đương nhiên đồng ý, nếu cứ để đó không ăn kịp, mọc mầm thì lại uổng phí lương thực.
“Cái nhà này là nhờ mình gầy dựng lên. Hồi đó chính là mình quyết định đem toàn bộ đất mới đi trồng khoai lang với khoai tây, dù là lương thực thô nhưng cho sản lượng cao, lại còn không cho bán lúa mì vụ đông, nên nhà mình mới còn được từng đó lương thực. Giờ không chỉ không lo đói, còn có thể bán ra một nửa nữa.”
Lâm Tướng Sơn bật cười: “Lúc cưới mình anh từng nói rồi, nhất định sẽ không để phu lang theo anh chịu đói khổ, lời đã nói sao có thể thất hứa được.”
Diệp Khê vừa nhai chiếc bánh bao mềm, trong lòng thấy vô cùng mãn nguyện.
Nhà có lương thực, lòng mới vững.
x
Bàn bạc với trưởng thôn xong, nhà họ Diệp đồng ý tháo ao sớm hai tháng, nước trong ao dùng để tưới ruộng, giờ cứu được mạ mới là chuyện lớn.
Nhưng cũng không thể để nhà họ Diệp chịu thiệt, mỗi nhà có nhu cầu tưới ruộng đều phải nộp ba mươi văn tiền, xem như phụ vào tổn thất ao cá của nhà họ.
Có nước tưới ruộng đương nhiên là chuyện tốt, dù ao nhà họ Diệp lớn, nước tích sâu nhưng chia đều ra thì mỗi nhà cũng chỉ đủ tưới một lần.
Cũng đủ cầm cự một thời gian, biết đâu sau đó trời sẽ đổ mưa.
Lúc trời gần tối, trưởng thôn tới báo có khoảng hai đến ba mươi hộ trong thôn đã nộp tiền, bằng lòng mua nước tưới ruộng.
Diệp Sơn nhận lấy túi tiền, gật đầu nói: “Được, nghe trưởng thôn sắp xếp, chọn ngày nào con tháo nước ao.”
Trưởng thôn Chu Đại lại dặn thêm vài câu. Dạo này ông cũng nóng ruột lắm, ruộng có chết khô thì vẫn phải nộp thuế cho triều đình. Nếu dân làng không có lương thực, nha môn sẽ cử người xuống thu bạc, đến lúc đó còn bị phạt thêm, ông làm trưởng thôn cũng bị gọi lên tra hỏi.
Số tiền nước cũng được hơn một lượng bạc, tuy không bù nổi tiền bán cá, nhưng giờ không phải lúc so đo chuyện đó nữa. Xem như làm việc tốt cho dân làng, trong lòng mọi người ắt sẽ ghi nhớ ân tình này.
Chọn ngày xong, ao cá nhà họ Diệp bắt đầu tháo nước tưới ruộng.
Diệp Sơn và Lâm Tướng Sơn nhìn nước trong ao chảy ra ngoài kênh từ miệng cống, còn dùng nan tre chắn lối thoát để phòng cá theo nước trôi đi.
“Cá này to lắm đấy, nãy ta còn thấy mấy con nhảy lên, đuôi bự lắm.” Lâm Tướng Sơn vừa cầm cào sắt vừa nói.
Diệp Sơn cười: “Cá này ta nuôi béo lắm, ngày nào cũng cắt cỏ cho ăn chưa nói, còn cho ăn cám lúa mì với hạt ngô nữa, dù tháo ao sớm hai tháng, nhưng giờ cá chắc cũng đủ lớn rồi.”
Lâm Tướng Sơn: “Giờ vì hạn hán, giá mọi thứ đều lên, giá cá cũng cao hơn trước bốn năm văn, cái ao này của anh chắc chắn không lỗ nổi đâu.”
Diệp Sơn tất nhiên biết rõ năm nay có lẽ kiếm được một khoản bạc rồi. Vốn lần đầu mở ao cá cũng chỉ nghĩ nuôi cho khéo không lỗ là được, nào ngờ gặp phải hạn hán, không chừng năm đầu đã kiếm được chút bạc mang về.
“Phải rồi, đợi bán hết cá, ta liền đi làm cho con trai cái khóa bạc, rồi mua cho vợ đôi hoa tai nữa!” Trong lòng anh toàn là nghĩ tới vợ và con nhỏ.
Lâm Tướng Sơn cười cười: “Sau này em bán bớt khoai lang với khoai tây trong hầm cũng phải mua cho ca nhi nhà em một cây trâm bạc mới được, em ấy cài lên nhìn đẹp lắm.”
Hai người đàn ông đều yêu thương người nhà, đứng bên bờ ao mà cười đến lộ cả hàm răng trắng bóng.
Nước trong ao cá phải hai ngày mới xả hết, để lộ bùn dưới đáy và đám cá mắc cạn, con nào con nấy béo múp, lại còn sống khỏe, nhảy nhót không ngừng.
Lần đầu tiên nhà họ Diệp mở ao, cả thôn đều xách chậu tới mua cá về ăn, trên bờ đứng kín người, nhìn mấy người đàn ông cởi trầ/n dưới ao, kéo lên từng mẻ đầy cá.
Lưu Tú Phượng bế Tiểu Lôi Tử đứng cạnh ao xem cân cá, cha Diệp giúp người ta chọn cá, còn Diệp Khê thì phụ trách thu tiền ghi sổ.
“Anh Diệp, cho tôi ba con, cá nhà anh béo tốt thật, tôi đem về ướp làm cá khô ăn dần.” Một thím đưa chậu tới, chỉ vào ba con cá to nhất trong lưới.
Cha Diệp nhanh tay bóp mang bắt cá, lựa ngay ba con to khỏe nhất đưa cho người ta: “Cá còn sống khỏe, đem về thả ba hôm cũng chưa chết được đâu.”
“Ấy chà, cá nhà anh ngon thật đấy, vảy còn bóng loáng nữa kìa, vẫn là con trai nhà anh biết nuôi cá, có bản lĩnh!”
“Đây, đây là tiền cá của tôi, hai xâu tiền đây.” Có người đưa tiền tới.
Diệp Khê liền nhận tiền, rồi vẽ ký hiệu vào sổ ghi chép.
Ao cá nhà họ Diệp là ao duy nhất trong thôn Sơn Tú, ngày thường dân làng ít ăn cá, có muốn ăn thì phải xuống trấn mua. Năm nay lại gặp hạn, cá dưới trấn tăng giá không ít, ai cũng tiếc chẳng muốn đi xa mua, hôm nay nhà họ Diệp mở ao, cá không những tươi sống, lại còn rẻ hơn trên trấn một văn tiền, chẳng phải nên tranh thủ mua vài con đem về sao? Thành ra người đến mua cá nối đuôi không dứt.
Cả người ở thôn bên cạnh cũng kéo tới, một con cá nặng bảy tám cân thôi là đã rẻ hơn mấy văn rồi.
Cảnh tượng này thậm chí còn náo nhiệt hơn cả phiên chợ ngày Tết.
Ai cũng bưng chậu xách giỏ, gặp người quen là liền chào hỏi.
“Ồ, chị cũng tới mua cá à?”
“Phải rồi, mấy tháng nay nhà tôi chưa được ăn tí cá nào, giá thịt heo thì tăng hai ba văn nữa, tiếc chẳng dám mua. Thà mua vài con cá về ướp ăn dần, không những để được nửa năm, còn có thể xào, nấu canh, ướp muối thì ăn cơm cũng ngon hơn hẳn.”
“Tôi mua tới năm con đấy, chị nhìn xem, còn đang nhảy kìa, mỡ bụng cá cũng nhiều, ông nhà tôi thích ăn kiểu béo thế này lắm.”
“Nghe nói rẻ hơn dưới trấn à? Tôi mới vội vàng chạy tới, năm nay khó khăn quá, một văn tiền cũng phải tính toán kỹ, ai biết nửa cuối năm sẽ ra sao, tiết kiệm được chút nào hay chút đó.”
“Bảy văn một cân, tuy là đắt hơn đầu năm hai văn, nhưng bây giờ cái gì cũng đắt, dưới trấn cá lên tới tám văn rồi, rẻ hơn được một văn cũng tốt, trời hanh khô như vậy, giờ không mua chút cá đem về, sợ là sau này cá cũng chết khô hết, lấy đâu mà ăn.”
“Ây dà, chẳng phải thế sao, giá nhà họ đưa ra cũng hợp lý, tụi tôi bớt được ít tiền, mà họ cũng đỡ công kéo cá xuống trấn bán, hai bên đều tiện cả.”
“Thôi không nói nữa, tôi đi mua cá đây, nhà tôi cần cá rô, con dâu tôi muốn nấu canh cá rô đậu phụ để gọi sữa.”
Người đến mua cá cứ nối tiếp không ngừng, ai nấy chọn xong cá là trả tiền rồi xách về.
Cả nhà họ Diệp tất bật từ sáng tới tối mịt, đến khi trời tối hẳn mới dọn dẹp xong.
Một ngày bận rộn luôn tay, lúc quay về ai nấy đều đi không vững, nhưng trong lòng lại thấy hăng hái vô cùng.
Bữa tối chẳng còn sức nấu nướng gì, Diệp Khê bèn vào bếp hấp mấy củ khoai lang rồi nướng thêm mấy cái bánh nếp, cứ thế chấm ớt ăn qua bữa.
Cả nhà quây quần trong nhà chính, đổ hết số bạc thu được hôm nay lên bàn, lấy sổ sách ra kiểm lại từng món.
Đống tiền đồng chất cao như núi nhỏ, khiến cha Diệp và Lưu Tú Phượng cười tít cả mắt, mỏi vai mỏi cổ cũng chẳng thấy mệt nữa.
Lý Nhiên cầm một xâu tiền lắc lắc trên tay, đùa giỡn với đứa nhỏ trong lòng.
Diệp Khê cẩn thận xem lại sổ ghi chép trong ngày: “Hôm nay bắt được hơn một ngàn năm trăm con cá, cá chết khoảng ba trăm con, bán theo giá bốn văn một cân. Cá sống bán bảy văn. Tổng cộng thu được bảy lượng tám trăm văn tiền.”
Diệp Sơn vừa nghe vậy liền mừng rỡ: “Ta đoán chắc được khoảng sáu lượng, không ngờ lại gần tám lượng, thế là kiếm nhiều hơn mong đợi rồi!”
Lâm Tướng Sơn cười nói: “Anh cả nuôi cá cực khổ, tất nhiên phải bán được rồi.”
Lưu Tú Phượng và cha Diệp cũng vui mừng. Trước đây cả năm cực nhọc cày cuốc mà cũng chỉ kiếm được chừng hai lượng bạc, giờ thì không chỉ mua được ao mà còn thu được từng ấy tiền, bắt đầu dành dụm được gia sản rồi.
Lưu Tú Phượng cười nói: “Năm nay nhà mình không tính tới cái ao cá hơn năm mẫu, chỉ riêng nhà Khê ca nhi đã mua được ruộng, sắm được trâu, giờ còn thu thêm bảy tám lượng bạc, sang năm còn có thể mua thêm mảnh ruộng nước nữa đấy!”
Diệp Khê cũng mừng thay cho anh mình: “Cũng nhờ anh chị siêng năng lại biết tính toán, cực khổ dành dụm mới mua được ao cá, nên nhà mình mới ngày một khá lên vậy đó.”
Diệp Sơn đếm ra hai lượng bạc, nhét vào tay Lâm Tướng Sơn: “Hồi đó tiền mua cá giống là em rể và Khê ca nhi cho anh mượn, giờ anh bán cá xong, trừ tiền nước đi thì cũng còn được hơn hai lượng bạc, đủ để trả các em rồi. Cả nhà mình sống tốt hơn cũng là nhờ biết giúp đỡ lẫn nhau.”
Lâm Tướng Sơn cũng không khách sáo, nhận lại số bạc từng cho mượn, cười nói: “Cũng nhờ anh cả cưới được chị dâu tốt, hiền lành tháo vát, giờ hai người đã chống đỡ cả nhà, không chỉ thêm người mà năm sau còn có thể mua thêm ruộng nữa. Nói chung là nhà mình sắp sửa phất lên rồi.”
Lý Nhiên ôm con trong lòng, má đỏ bừng, khóe môi lộ ra nụ cười: “Miệng em rể ngọt quá đi, khéo khen chị dâu lắm, nhưng Khê ca nhi cũng chẳng kém gì chị, việc nhà việc cửa đâu ra đó, cuối năm nay cũng sắp cho em rể một đứa rồi đó thôi!”
Lâm Tướng Sơn quay đầu nhìn phu lang nhà mình, người kia dịu dàng như ngọc, đôi mắt lấp lánh như ánh sao, trong bụng còn đang mang cốt nhục của hắn. Giờ đây đã có nhà, có ruộng, có lúa gạo ăn không hết!
Ánh đèn dầu chập chờn nhưng ấm áp, cả nhà quây quần trong nhà chính, cùng nhau tận hưởng niềm vui thu hoạch.
Hết chương 89.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.