Năm lớp 11 học kỳ đầu dần đi đến hồi kết, càng gần đến kỳ thi cuối kỳ, việc học càng thêm căng thẳng, bài tập càng lúc càng nhiều, đến cả tuổi thọ của cây bút cũng ngày càng ngắn.
Buổi trưa ăn cơm xong, Cơ Phi Nghênh ra tiệm văn phòng phẩm gần trường mua bút. Mua xong bút và tạp chí, cô vừa thong thả đi bộ men theo vỉa hè về cổng trường vừa nhìn đông ngó tây. Không để ý dưới chân, cô đá phải một viên đá nhô lên, may mà phản ứng kịp thời, nhanh tay vịn vào tường rồi cúi xuống định nhặt đồ rơi.
Bất ngờ, một cái bóng dài xuất hiện trên mặt đất. Có người còn nhanh tay hơn cô, cúi xuống nhặt giúp cuốn tạp chí phần mềm và cây bút rơi tán loạn dưới đất.
Mặt trời mùa đông luôn mờ nhạt, bóng người con trai trông mơ hồ, đường nét cũng vì thế mà mềm mại hơn hẳn thường ngày.
Không ngờ lại là cái người “thần long thấy đầu không thấy đuôi” ấy.
Cơ Phi Nghênh lấy làm lạ:
“Ơ, sao cậu lại ở đây?”
“Tớ sống gần đây,” Trình Thích vừa nói vừa đưa tạp chí và bút cho cô.
“Cảm ơn nha!”
Cơ Phi Nghênh nhận lấy đồ, vẫn còn đầy thắc mắc:
“Ơ? Tớ tưởng cậu là học sinh nội trú mà?”
Cô vẫn luôn nghĩ cậu ấy ở ký túc xá, trưa nghỉ trong phòng, nên mới chẳng bao giờ thấy cậu ấy trong lớp vào buổi trưa.
“Không phải. Trưa tớ nghỉ ở ngoài trường.”
Nói cách khác, cậu ấy trưa về nhà gần trường nghỉ — hèn gì buổi chiều toàn thấy cậu ấy một mình quay lại lớp.
Kỳ thi cuối kỳ diễn ra trong tiết trời ẩm ướt và giá rét của mùa đông.
Kết thúc môn thi cuối cùng, học sinh trở về lớp nhận bài tập nghỉ đông và nghe giáo viên chủ nhiệm dặn dò một số việc cần chú ý trong kỳ nghỉ. Sau khi mọi thứ kết thúc, Cơ Phi Nghênh đi cùng Chu Vân Kỳ ra ngoài trường đến một tiệm mắt kính để cắt kính mới.
Chu Vân Kỳ lựa suốt mười mấy phút, cuối cùng chọn được một chiếc gọng kính nhựa màu tím nhạt. Cơ Phi Nghênh ngồi trên ghế vừa nói chuyện với cô bạn, vừa chờ nhân viên lắp tròng kính.
Ngoài phố người qua kẻ lại, khi ánh mắt Cơ Phi Nghênh lướt qua ô cửa kính, cô bất ngờ nhận ra vài bóng dáng quen thuộc.
Là Ủy viên hội học sinh Vu Chi Nguyệt, cùng với Nguyễn Thừa Hạo và ba học sinh khác — hai nam một nữ. Trong số đó, một nam sinh cô từng thấy trong văn phòng, dường như là học sinh lớp 8.
Chu Vân Kỳ mắt tinh, lập tức tháo cặp kính nửa gọng thử ra, kéo tay Cơ Phi Nghênh:
“Nè, cái cô gái đi giữa lúc nãy có phải là Vu Chi Nguyệt không?”
Ngoài Trình Thích ra, Chu Vân Kỳ không biết rõ lắm về học sinh lớp chọn. Nhưng do Diêu Gia Tuấn và Vu Chi Nguyệt thường xuyên xuất hiện cùng nhau trong các hoạt động hội học sinh, cô từng gặp vài lần, nên nhận ra được.
“Phải rồi.”
“Còn mấy người kia là bạn cùng lớp cậu à?”
Cơ Phi Nghênh lại liếc ra ngoài lần nữa:
“Người bên trái là, ngồi ngay sau tớ. Mấy người còn lại chắc là học sinh lớp 8.”
“Lớp 8 à…” Chu Vân Kỳ lặp lại vô thức, vừa lúc thấy nhân viên mang kính tới, liền thu hồi sự chú ý.
Tuần *****ên của kỳ nghỉ đông, các học sinh nhóm chuyên tin học của khối phải đến trường mỗi ngày để huấn luyện, làm quen với các dạng đề thi và luyện tập thực hành.
Buổi huấn luyện cuối cùng kết thúc lúc hơn năm giờ chiều. Khi bước ra khỏi phòng máy, trời đã bắt đầu tối, cái lạnh mùa đông thấm đẫm cả khuôn viên trường. Cơ Phi Nghênh đeo cặp đứng trên bậc thềm, phóng mắt nhìn quanh.
Diêu Gia Tuấn rất ít khi thấy cô lộ vẻ thất thần như vậy, không kìm được hỏi:
“Cậu đang nhìn gì vậy?”
Bây giờ đang là kỳ nghỉ đông, trường học vắng vẻ, chỉ có vài học sinh tham gia huấn luyện.
“Tớ đang nghĩ… thi học sinh giỏi đôi lúc thật tàn nhẫn. Rất nhiều người bỏ ra rất nhiều công sức, nhưng đâu phải ai cũng đạt được điều mình mong muốn.”
Lúc học lớp 10, thời gian rảnh còn nhiều, số học sinh tham gia huấn luyện tin học cũng đông. Đến lớp 11, việc học trở nên nặng nề, phần lớn đều rút lui, chỉ còn lại vài người thật sự có đam mê vẫn tiếp tục theo đuổi.
“Chính những lúc như vậy mới tạo nên sự khác biệt. Nếu ai cũng có thể đoạt giải, thì cuộc thi này còn giá trị gì nữa.”
Diêu Gia Tuấn cũng từng nghĩ đến vấn đề này.
Cơ Phi Nghênh khẽ “ừm” một tiếng, rồi cùng cậu ấy sóng bước xuống cầu thang.
“Phải nói là, lớp cậu có nhiều người tham gia thi chọn nhất đấy.”
Diêu Gia Tuấn cười, nói thêm:
“Mà còn có một người gần như càn quét tất cả các giải thưởng có thể đạt được.”
Cậu thực sự rất khâm phục điều đó.
Cơ Phi Nghênh biết cậu đang nói đến ai, mỉm cười:
“Ừ, đúng là vậy.”
Về đến nhà, Cơ Phi Nghênh vừa mở cửa đã thấy bóng người bận rộn trong phòng khách.
Cô vội thay dép:
“Mẹ! Con còn tưởng mấy hôm nữa mẹ mới về cơ. Năm nay sao mẹ nghỉ Tết sớm vậy?”
“Nhìn cái kiểu con nói kìa. Mẹ là mẹ con đấy, còn phải bay đêm về để ăn Tết cùng con, vậy mà bị con trách ngược à?”
Mẹ gõ nhẹ lên đầu cô.
“Con đâu dám~”
Cơ Phi Nghênh đặt cặp lên ghế sofa, vui vẻ khoác tay mẹ.
“Mẹ bảo dì Trương về rồi. Con mau dọn đồ đi, lát nữa mẹ con mình ra ngoài ăn cơm. Lâu rồi mẹ chưa được ăn với con bữa nào cả.”
Mẹ vừa nói vừa đẩy cô vào phòng tắm.
Hai mẹ con chọn ngồi ở một góc yên tĩnh trong nhà hàng.
Sau khi gọi món xong, mẹ nhấp một ngụm trà, đột nhiên hỏi:
“A Nghênh, con có muốn đi du học không?”
“Muốn chứ! Đợi con học xong đại học, nếu có cơ hội đi du học, con nhất định sẽ đi. Ba cũng nói con nên ra nước ngoài mở mang tầm mắt.”
Cơ Phi Nghênh vừa ăn món khai vị vừa nói.
“Thật không?”
Mẹ có vẻ rất vui, thử hỏi tiếp:
“Vậy… nếu bây giờ học xong cấp ba là có thể đi, con có muốn không?”
Cơ Phi Nghênh khựng lại, ngừng động tác, nghiêng đầu nhìn mẹ xác nhận:
“Ra nước ngoài học thẳng đại học luôn? Không học đại học trong nước à?”
Mẹ gật đầu:
“Đúng. Học dự bị trước, rồi vào đại học. Sao? Thấy thế nào?”
Cơ Phi Nghênh cười, không tin nổi:
“Mẹ ơi, chuyện đó đâu dễ vậy. Học phí đắt như thế, còn cả sinh hoạt phí nữa…”
Nói đến đây cô lắc đầu, không nói tiếp.
“Vấn đề chi phí con khỏi lo. Mà ba con nếu biết con muốn đi chắc chắn sẽ ủng hộ *****ên. Bây giờ con chỉ cần nói với mẹ là có muốn đi không.”
Mẹ dường như rất quan tâm đến chuyện này.
Cơ Phi Nghênh trầm ngâm hồi lâu, cuối cùng vẫn lắc đầu:
“Nghe thì hay thật, ai mà chẳng thích. Nhưng con vẫn muốn học xong đại học trong nước rồi mới đi.”
Mẹ mỉm cười, nhẹ nhàng vỗ tay cô mà không nói thêm, nhưng trong lòng lại thở dài.
Dù mẹ là người giám hộ hợp pháp, nhưng mấy năm qua vì công việc mà ít khi ở cạnh con. Khi có chuyện liên quan đến học hành của con gái, bà thường hỏi ý kiến chồng cũ. Trước khi ly hôn, chồng bà vì mải nghiên cứu nên ít để ý đến con gái, sau khi ly hôn lại càng ít có thời gian bên con, nhưng ông vẫn luôn xem con gái là niềm tự hào và quan tâm sâu sắc đến việc học của cô. Việc này… e là không dễ xử lý.
Đúng lúc đó nhân viên mang thức ăn lên, câu chuyện dừng lại.
Chờ nhân viên đi rồi, Cơ Phi Nghênh hỏi:
“Mẹ, mẹ đang có chuyện gì sao?”
“Chuyện gì đâu, mẹ chỉ hỏi vậy thôi. Ăn đi nào.”
Mẹ cầm đũa lên, khéo léo chuyển chủ đề:
“Dạo này ở trường sao rồi? Thi xong rồi có muốn đi đâu chơi không?”
Câu hỏi này cũng ngầm báo hiệu chủ đề trước đã chấm dứt.
Kỳ nghỉ đông, Cơ Phi Nghênh vừa làm bài tập vừa xem giải Úc mở rộng, hơn hai mươi ngày nghỉ trôi qua lúc nào không hay.
Sau khi học kỳ mới bắt đầu được một tháng, Cơ Phi Nghênh xin nghỉ hai ngày, cùng mẹ — người từ Hy Lạp đặc biệt về nước — về quê dự tang lễ ông nội.
Nhà họ Cơ ở quê khá có tiếng tăm, Cơ Phi Nghênh sau khi sinh không lâu đã được ông bà nội đón về quê nuôi. Ngay cả cái tên của cô cũng là do ông nội đặt. Đến tuổi đi học, cô mới được bố mẹ đón về sống cùng, nghỉ đông thì thỉnh thoảng về quê thăm ông nội và bác cả. Nhưng từ sau khi bố mẹ ly hôn, cô rất hiếm khi về lại quê.
Tối hôm trước ngày diễn ra tang lễ, Cơ Phi Nghênh và chị họ Cơ Phi Tố ngồi nói chuyện trên ban công lớn của ngôi nhà cổ.
Ánh trăng mờ nhạt phủ lên ngôi nhà cũ của nhà họ Cơ một màu sữa bạc. Trên bầu trời yên ắng, những vì sao lấp lánh phát ra ánh sáng lạnh lẽo.
Sau một hồi nói chuyện linh tinh, Cơ Phi Tố chuyển chủ đề:
“Gặp em một lần cũng không dễ, chị thấy em hai năm rồi chưa về.”
Cơ Phi Nghênh im lặng một lúc mới nói:
“Chị xem tình hình của em bây giờ, muốn về một chuyến đâu có dễ.”
Trước khi học tiểu học, mẹ cô làm việc ở thành phố Z, bố thì ở viện nghiên cứu máy tính thành phố Y. Nhiều năm sống xa nhau cuối cùng dẫn đến hôn nhân tan vỡ. Năm cô học lớp 4, bố mẹ chính thức ly hôn, cả hai đều đồng ý để cô sống với mẹ. Vài năm sau, mẹ được điều đi công tác ở Hy Lạp, phần lớn thời gian trong năm đều sống ở châu Âu.
Cơ Phi Tố cũng đồng tình:
“Cũng đúng.”
“Chỉ là không ngờ… sau từng ấy năm không về, lần này trở lại lại là để dự tang lễ… Không kịp gặp ông lần cuối…”
Cơ Phi Nghênh nhìn trời đêm sâu thẳm, thở dài một hơi.
Cơ Phi Tố nghĩ một lát rồi nói:
“Ông cũng rất tiếc. Vài ngày trước khi mất, ông còn nói muốn gặp em một lần.”
Cơ Phi Nghênh ngây người nhìn chị họ, giọng như sợi tơ nhẹ trôi trong gió, chỉ một làn cũng có thể tan biến:
“Thật hả chị?”
“Thật. Ai cũng biết ông rất muốn gặp em.”
Dù sao thì hai ông cháu cũng từng sống chung vài năm.
Đúng là tháng Ba cuối xuân, trời vẫn còn lạnh, màn đêm buông xuống mang theo hơi sương giá buốt.
Gió đêm thổi lững lờ, không quá mạnh nhưng lành lạnh phả vào da thịt khiến người ta rùng mình.
Cơ Phi Nghênh khẽ xoay người, nhìn ra màn đêm bên ngoài ban công, bất chợt cảm thấy sống mũi cay xè, hơi nóng dâng đầy nơi khóe mắt.
Bóng đêm trải dài đến tận chân trời, mờ mịt không nhìn thấy điểm dừng.
Giữa đêm tối yên tĩnh, dường như cô nghe thấy tiếng ông nội đầy trìu mến vang vọng bên tai. Khi ấy cô còn rất nhỏ, ông thường đưa cô ra ban công hóng mát, kể chuyện, dạy cô học toán, thổi sáo ngang cho cô nghe.
Nước mắt âm thầm lăn dài trên gò má, không một tiếng nấc.
Đúng lúc đó, Cơ Phi Tố nghe thấy mẹ gọi lớn:
“Phi Tố!”
Chị vội “dạ” một tiếng, thấy em họ đang ngồi quay lưng về phía mình, dường như đang chìm trong suy nghĩ, bèn đứng dậy nói:
“Em cứ ngồi đây một lát, chị qua xem mẹ gọi gì.”
Màn đêm như tấm lưới vô hình bao phủ cả đất trời. Trên ban công của ngôi nhà lớn nhà họ Cơ, một cô gái khoác chiếc áo mỏng, ngồi lặng lẽ, ánh mắt không rời khỏi khoảng không vô định phía xa.
Ánh trăng trong trẻo trải dài như dòng sữa bạc, phủ một lớp sương trắng trên nền gạch ban công, rọi xuống người cô, làm nổi bật hai hàng nước mắt lấp lánh trên gò má.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.