Sáng tinh mơ mùng 5 tháng 8, trên bầu trời vẫn còn treo một vầng trăng khuyết, xung quanh lấp lánh những vì sao. Gà trống trong hậu viện nhà họ Thẩm vẫn đang say ngủ, còn Lâm Việt đã đẩy cửa phòng bước ra ngoài.
Trong bếp tối đen như mực, Lâm Việt gần như không nhìn thấy gì, chỉ dựa vào cảm giác mà lần mò đến bên bếp lò, tìm được ít cành thông khô và củi nhỏ, nhóm lửa đun nước, chuẩn bị bữa sáng.
Nếu mọi chuyện suôn sẻ, thì hôm nay sẽ là lần cuối cùng Thẩm Hoài Chi đến tư thục. Tuy rằng Cao Tú Tài rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ học trò, nhưng ông cụ không hà khắc. Lâm Việt biết Thẩm Hoài Chi vô cùng biết ơn đối phương, nên vào ngày cuối cùng này, cậu dự định tự tay làm một ít điểm tâm để Thẩm Hoài Chi mang đi, bày tỏ lòng cảm kích.
Người lớn tuổi ăn đồ nếp dễ khó tiêu, vì vậy, hôm nay Lâm Việt chọn làm bánh kiều mạch và bánh xốp bí đỏ, những món đơn giản mà dễ tiêu hóa. Ngoài ra, cậu còn làm thêm bánh Định Thắng với ý nghĩa cầu may.
Cách làm bánh Định Thắng cũng không quá khó. Bột nếp, bột gạo tẻ và đường trắng được trộn đều, sau đó từ từ thêm nước, khuấy đều nhiều lần để bột đạt độ tơi xốp. Tiếp theo, cậu đổ bột vào khuôn, cho thêm nhân đậu đỏ đã sên sẵn, rồi phủ thêm một lớp bột nữa. Sau đó, chỉ cần lật khuôn, gõ nhẹ để bánh rời ra, rồi xếp bánh vào lồng hấp chín là xong.
Bánh Định Thắng làm từ bột nếp và bột gạo tẻ thường có màu trắng. Để bánh trông đẹp hơn, hôm qua Lâm Việt còn ra bờ sông đào ít rễ cây thiên thảo. Nước nấu từ rễ cây này có màu đỏ, dùng để trộn bột sẽ cho ra những chiếc bánh có sắc hồng nhạt.
Điều duy nhất khó khăn khi làm bánh Định Thắng chính là chuẩn bị khuôn. Hình dáng của bánh này hơi giống thỏi bạc cổ, hơn nữa ở giữa còn có khắc hai chữ "Định Thắng". Ban đầu, Lâm Việt định tự làm khuôn, nhưng nghĩ lại thì thời gian để làm khuôn cũng đủ để cậu hấp xong vài mẻ bánh rồi. Vì vậy, cậu quyết định đến nhờ thợ mộc trong thôn giúp đỡ.
Lâm Việt có lòng chuẩn bị một bất ngờ nhỏ cho Thẩm Hoài Chi, vì vậy hai chữ "Định Thắng" trên bánh cũng do chính tay cậu viết. Cậu đã lén luyện tập hồi lâu, mãi mới có thể viết ngay ngắn chỉnh tề được hai chữ này. Ngoài tên của mình và Thẩm Hoài Chi, đây có lẽ là hai chữ mà Lâm Việt viết đẹp nhất.
Sau khi hấp xong một mẻ, trời bên ngoài cũng vừa hửng sáng. Trong sân bắt đầu có tiếng động, là Thẩm Hoài Chi đã rửa mặt xong và đi tới.
Vừa bước vào bếp, Thẩm Hoài Chi liền nhìn thấy Lâm Việt đang bận rộn bên bệ bếp, y hơi khó hiểu, liền hỏi: "Hôm nay có chuyện gì gấp sao? Hay hôm qua có khách đặt điểm tâm nên phải làm sớm vậy?"
Lâm Việt lắc đầu: "Ta làm cho huynh đó, để huynh mang đến biếu Cao Tú Tài, xem như một món quà cảm tạ lão sư."
Thẩm Hoài Chi sững sờ một lúc lâu, sau đó mới khẽ nói lời cảm ơn với Lâm Việt: "Vậy để ta làm cùng em, tạ ơn lão sư sao có thể để một mình em vất vả được?"
Nói đến đây, y chợt ngừng lại một chút, rồi đề nghị: "Hay là làm thêm một ít, ta mang về biếu cha nương chúng ta và đệ đệ. Mấy hôm nay không về nhà, chắc bọn họ cũng nhớ em lắm."
Lâm Việt nghe vậy thì vô cùng hài lòng. Trước đây, mỗi khi cậu làm điểm tâm ở nhà, Lâm Dương luôn chạy theo làm trợ thủ, miệng thì nịnh nọt, lời nói nghe rất ngọt. Vì thế, bây giờ thấy Thẩm Hoài Chi chủ động muốn giúp đỡ, cậu cũng cảm thấy đó là điều hiển nhiên.
Hơn nữa, khi Thẩm Hoài Chi gọi cha nương mình là "Cha nương chúng ta", Lâm Việt lại càng cảm thấy vui vẻ hơn.
"Vậy làm nhiều thêm chút. Giờ huynh cứ ngồi bên bếp nhóm lửa trước, lát nữa ta gọi thì lại qua bê lồng hấp."
"Được, nghe em hết."
Thẩm Hoài Chi xắn tay áo, ngồi xuống bên bếp lò, thêm hai thanh củi vào lửa. Đống củi này vẫn là y mới bổ tối qua.
Vì hôm nay bánh được làm để biếu Cao Tú Tài và mang về nhà chứ không phải để bán, nên Lâm Việt cũng không làm quá nhiều. Cậu chuẩn bị tám chiếc bánh Định Thắng, mỗi loại bánh xốp mười sáu chiếc, rồi chia thành hai phần.
Lượng bánh không quá lớn, chỉ cần hấp hai nồi là xong. Sau đó, Lâm Việt bắt đầu chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà.
Hôm nay dù dậy sớm, nhưng buổi sáng vẫn luôn bận rộn, Lâm Việt cũng không kịp nấu cháo, chỉ nấu một nồi canh mì đơn giản, trên bàn còn đặt thêm ít đường và dưa muối để ăn kèm
Sau khi ăn xong, Lâm Việt lấy giấy dầu gói bánh thành hai phần, một phần là bánh xốp, phần còn lại là bánh Định Thắng. Cậu vừa đưa vừa dặn dò: "Đây là bánh Định Thắng, lát nữa đến tư thục, huynh có thể chia cho các đồng học cùng ăn, lấy chút may mắn."
Thẩm Hoài Chi cảm thấy trong lòng nặng trĩu. Y muốn nói lời cảm ơn, nhưng lại thấy như vậy quá đơn giản. Y cũng muốn hứa sẽ đỗ Tú Tài, nhưng lỡ như không thành, chẳng phải lại khiến Lâm Việt thất vọng sao? Cuối cùng, y chỉ có thể gật đầu thật mạnh hai cái.
"Ta hiểu rồi, làm em phải tốn công rồi."
Lâm Việt lườm y một cái, trách móc: "Chúng ta là phu phu, sao còn phải khách sáo như vậy?"
Sau khi tiễn Thẩm Hoài Chi ra khỏi cửa, phu thê Thẩm Chính Sơ cũng vác cuốc ra ruộng. Lâm Việt và Thẩm Lăng Chi tranh thủ về phòng ngủ thêm nửa canh giờ, rồi lại như thường ngày, lo liệu việc nhà, làm điểm tâm, chuẩn bị bày quán
Cao gia — thôn Du Thuỷ.
Vì Cao Tú Tài đã dặn trước, hôm nay nhất định phải đến đầy đủ, nên Thượng Văn Thành—người đã lâu không xuất hiện ở tư thục, hôm nay cũng có mặt. Vừa thấy Thẩm Hoài Chi bước vào, gã liền trợn mắt lườm một cái.
Chuyện là trước đây, gã từng có ý định kết thân với công tử nhà họ Dương trên trấn, nhưng không thành. Sau đó, gã lại đi dò hỏi về Lâm Việt, muốn nối lại "Duyên xưa", thì mới biết Lâm Việt đã thành thân, mà người cậu gả lại chính là bạn cùng tư thục với gã.
Biết tin này, Thượng Văn Thành tức giận vô cùng. Vốn dĩ, trong tư thục, Thẩm Hoài Chi là người nhỏ tuổi nhất, lại còn được Cao lão sư yêu thích hơn cả gã, thế nên gã luôn luôn nhìn Thẩm Hoài Chi không vừa mắt.
Huống hồ, gia cảnh nhà gã khá giả hơn nhà họ Thẩm rất nhiều. Gã thường mặc trường bào, tay phe phẩy quạt xếp, ra vẻ phong lưu như một văn nhân thực thụ. Còn Thẩm Hoài Chi thì thường mặc áo vải ngắn, trông chẳng khác gì nông dân vác cuốc ra ruộng. Gã đã chướng mắt y từ lâu, vậy mà người như Thẩm Hoài Chi, lại có thể cưới được phu lang mà gã nhắm tới, gã sao có thể nuốt nổi cục tức này?
Kể từ ngày quay lại tư thục, ngày nào Thượng Văn Thành cũng phải châm chọc Thẩm Hoài Chi vài câu mới thấy dễ chịu. Tính tình Thẩm Hoài Chi tuy tốt, nhưng cũng không phải kẻ hiền lành đến mức, ai muốn chọc sao cũng được. Nhịn được hai ngày, đến ngày thứ ba, vừa nghe Thượng Văn Thành tiếp tục giọng điệu mỉa mai chua ngoa, y lập tức tặng cho gã một cú đấm thẳng mặt.
Sau đó, Thẩm Hoài Chi chẳng buồn để ý đến gã nữa, chỉ ung dung nhặt sách lên, như không có chuyện gì mà đọc tiếp.
Đây cũng là lời dặn dò của Cao Tú Tài, đọc sách trăm lần, tự nhiên hiểu nghĩa. Mỗi ngày đến tư thục, việc đầu tiên chính là đọc diễn cảm mười lần bài học hôm qua.
Thượng Văn Thành còn đang tức tối vì bị đấm, đến lúc hoàn hồn lại thì thấy Thẩm Hoài Chi đã bắt đầu đọc sách. Ngay lúc đó, Cao Tú Tài cũng chống gậy bước vào, thấy gã đứng ngẩn ra, liền trừng mắt nhìn một cái.
Thượng Văn Thành: "......"
Gã hận không thể lao lên đánh cho Thẩm Hoài Chi một trận, nhưng khoảng cách sức lực giữa hai người quá lớn. Nhìn thân hình cường tráng cùng rắn rỏi của Thẩm Hoài Chi, gã đành phải nén giận, căn bản không dám động thủ.
Từ ngày hôm đó, dù vẫn không ưa nổi Thẩm Hoài Chi, nhưng Thượng Văn Thành cũng chỉ dám lườm nguýt hoặc trợn trắng mắt, trong lòng tức tối bao nhiêu cũng chỉ biết nuốt xuống.
Thẩm Hoài Chi hoàn toàn không để tâm, thậm chí còn coi gã như không khí.
Hôm nay Lâm Việt có làm điểm tâm, y cũng không có ý định chia phần cho Thượng Văn Thành. Đến giữa trưa ăn cơm, y mới lấy điểm tâm ra biếu Cao Tú Tài, còn bánh Định Thắng thì chia cho ba người bạn cùng tư thục, tất nhiên là trừ Thượng Văn Thành ra.
Triệu Nguyên Minh là người hợp tính với Thẩm Hoài Chi nhất, hai người còn có mối buôn bán chung, vừa cầm miếng bánh lên ăn, hắn tađã cười trêu ghẹo: "Hiếm có, hiếm có! Hôm nay lại được ăn điểm tâm của đệ phu, thật là vinh hạnh quá đi mà!"
Thẩm Hoài Chi không lên tiếng, nhưng khi quay sang thấy một người bạn đồng môn khác, chính là tôn tử của Cao Tú Tài — Cao Thừa Vọng cũng mang vẻ mặt háo hức muốn thử, liền chắp tay nói: "Phu lang của ta biết chúng ta sắp đi thi, nên đã làm bánh Định Thắng Cao này. Hoài Chi cũng ở đây chúc các vị huynh trưởng khai bút đắc thắng, thi cử thuận lợi."
Nhắc đến kỳ thi, ai nấy đều trở nên nghiêm túc hơn, Triệu Nguyên Minh cũng chắp tay đáp: "Xin nhận lời chúc lành của hiền đệ. Mong rằng huynh đệ chúng ta đều có thể đỗ đạt, tiền đồ rộng mở."
Cuối cùng là Cao Kinh Nghiệp, tuy ông là cha của Cao Thừa Vọng, nhưng vẫn ngang hàng bối phận với hai người kia. Thấy mọi người lần lượt đứng dậy, ông cũng làm theo, nói: "Chỉ tiếc là ta tài hèn học kém, thi mãi không đỗ. Hôm nay xin gửi lời chúc các sư đệ lên đường suôn sẻ, lần sau trở về đã có danh phận trong tay."
Hôm nay Cao Kinh Nghiệp đến tư thục là do Cao Tú Tài dặn dò. Dù ông không đỗ Tú Tài, nhưng từng lên Phủ thành vài lần, hiểu rõ nơi đó hơn bất kỳ ai ở đây. Vì vậy, ông đến để giới thiệu về Phủ thành cho các sư đệ. Đến chiều, Cao Kinh Nghiệp là người đầu tiên bước vào lớp học.
Muốn thi Tú Tài, trước tiên phải vượt qua thi Huyện và thi Phủ. Thi Huyện tổ chức tại Huyện thành, còn thi Phủ và thi Viện đều diễn ra tại Phủ thành. Vì thế, khi giới thiệu về Phủ thành, Cao Kinh Nghiệp không nhắc đến lộ trình đi, mà bắt đầu luôn từ lúc vào cổng thành.
"Cổng thành Phủ có quan binh canh gác, nhưng ngày thường ra vào không cần giấy thông hành, nên các đệ không phải lo lắng. Nếu đúng ngày cần giấy thông hành, chỉ cần xuất trình bảo cử thư dành cho thi Viện là được."
"Sau khi vào thành, cứ đi thẳng về hướng Bắc, qua cầu rồi rẽ trái ở con hẻm thứ hai. Đi hết hẻm đó, rẽ phải, tiếp tục đi thẳng là sẽ thấy trường thi của Học chính. Thi Viện được tổ chức ở đó, nhưng nơi ấy cũng có quan binh canh giữ, đến sáng mùng 8, khi kỳ thi bắt đầu, các đệ mới có thể vào trong."
"Xung quanh trường thi của Học chính có khá nhiều quán trọ, ngoài ra còn có người dân địa phương cho thuê phòng đơn cho thí sinh. Nói chung, chỗ ở không phải là vấn đề đáng lo, nhưng nếu muốn ở tốt, ở gần, thì vẫn nên thu xếp trước."
"Ngoài ra, cuối con phố đối diện trường thi có một tiệm sách, có thể sẽ bán những tài liệu liên quan đến kỳ thi. Nếu các đệ cần, có thể đến xem thử."
...
Cao Kinh Nghiệp giới thiệu xong về Phủ thành, lại kiên nhẫn giải đáp từng câu hỏi. Đến khi ngẩng lên, đã hơn nửa canh giờ trôi qua. Ông không muốn kéo dài thêm, liền căn dặn một câu rồi rời đi.
"Những gì ta biết đều đã nói hết với các sư đệ. Giờ các đệ cứ ôn bài trước, ta sẽ đi mời phu tử đến giảng bài."
Bốn người ngồi dưới đồng thanh đáp: "Đa tạ sư huynh, huynh đi thong thả."
Hôm nay Cao Tú Tài hiếm khi nói nhiều như vậy. Sau khi giảng xong bài, ông cụ lại tiếp tục căn dặn học trò, từng lời từng chữ đều chứa đầy sự quan tâm và lo lắng.
"Từ ngày cầm sách vở, ai cũng mong đời này ít nhất phải đỗ Tú Tài. Nhưng trong trường thi, biết bao người tóc đã bạc vẫn chỉ là Đồng Sinh. Các trò ngồi đây, dù lớn tuổi nhất cũng mới ngoài 30, đã thi đỗ Đồng sinh, chẳng phải dễ dàng gì. Lần này đi thi Viện, vi sư mong các trò có thể đỗ đạt. Nếu dạy ra được một Tú Tài, sau bao năm mở tư thục, ta cũng mãn nguyện rồi."
"Nhưng người có thể thi đỗ công danh, quả thực hiếm như lông phượng sừng lân. Biết bao kẻ tài danh lạc lõng, tên chẳng có trên bảng vàng. Chỉ tính riêng vài thôn quanh trấn Tứ Phương ta, số Tú Tài cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lần này vào trường thi, các trò nhất định phải giữ tâm trí bình tĩnh, đừng hoang mang. Nhiều năm khổ học, ắt sẽ không uổng phí."
...
Cuối cùng, khi buổi học kết thúc, trời đã về chiều, Cao Tú Tài được con cháu dìu đỡ, tiễn từng học trò một ra cổng. Ông cụ đứng nguyên tại chỗ, dõi theo bóng họ xa dần, cho đến khi không còn nhìn thấy nữa.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.