tác giả: Hành Trì
dịch: hyeyangs
—
Đến khi Quý Kính rời khỏi cục Cảnh sát một lần nữa, trời đã tối đen.
Tiết trời đang độ đông giá, nhiệt độ xuống thấp, một cơn gió xoáy thổi đến cuốn theo hơi lạnh rét buốt.
Phụ huynh Hứa Nguyện đứng chung với Quý Kính, đang không ngừng quở trách Hứa Nguyện tại sao không nói cho họ biết, suốt ngày cứ lầm lì, im như thóc.
Trong màn đêm, Quý Kính ngoảnh lại, cô nhìn thấy trong đôi mắt Hứa Nguyện là sự mệt mỏi giống như mình hồi đó.
“Mẹ Hứa Nguyện…”
Quý Kính ngẩn ngơ, một lát sau không nhịn được mà cất lời. “Tôi tin rằng không ai trong chúng ta mong muốn xảy ra việc này.”
“Nhưng chuyện cũng đã rồi, việc chúng ta cần làm là giải quyết nó chứ không phải liên tục quở trách con trẻ. Huống chi Hứa Nguyện cũng là nạn nhân, đúng không chị?”
Mẹ Hứa Nguyện nghe Quý Kính nói vậy, cũng nhận ra, việc này không phải do Hứa Nguyện chủ động khơi mào.
Chị ấy xấu hổ, mặt mũi đỏ bừng. Lúc này chị ấy cũng nhận ra con gái mình không làm gì nên tội mà bản thân lại luôn trách móc con bé. Mặt mẹ Hứa đỏ như gấc, không biết là đau lòng hay áy náy.
Bố Hứa thấy vậy, cũng thở dài. Con gái gặp chuyện, anh cũng rất đau lòng. Dù rằng muốn giữ mặt mũi cho vợ trước mặt con cái, nhưng lúc này anh cũng không thể thuyết phục bản thân đứng về phía vợ, trách móc con gái. Anh nói. “Cô Quý nói phải.”
Anh nhìn vợ mình, tiếp tục nói. “Nguyện Nhi là nạn nhân trong chuyện này, không phải là kẻ bạo lực. Chúng ta không nên trách Nguyện Nhi.”
Mẹ Hứa Nguyện cũng rớm nước mắt, quay đi không nói gì nữa. Bàn tay chị thi thoảng lại vỗ nhẹ Hứa Nguyện.
Chị thương Hứa Nguyện.
Bố Hứa thở dài, ông nhìn đôi mắt đỏ ửng của Hứa Nguyện, rồi lại quan sát thái độ của mẹ Hứa đối với Hứa Nguyệt, lập tức cảm thấy vô cùng bất lực.
Rốt cuộc là tại sao?
Tại sao Hứa Nguyện thà để bản thân chịu đựng bao tủi nhục cũng không muốn nói với gia đình. Người làm bố như anh đã thất bại đến nước con gái gặp chuyện gì đều tự gánh vác sao?
Anh ôm mặt giữa khoảng lặng, không cho nước mắt rơi xuống.
Hiển nhiên người bố này đã nhận ra cách giáo dục áp đặt trong quá khứ đã mang đến gì cho Hứa Nguyện. Anh thấy hối hận, nhưng mọi chuyện đã xảy ra rồi, không còn cơ hội nào để cứu vãn nữa.
Trời ngày càng tốt, mặt trăng cũng đã treo cao trên không trung, soi sáng những người mang nỗi niềm riêng.
“Cô Quý, cũng đã muộn rồi, chúng tôi đưa Hứa Nguyện về nhà trước vậy.” Mẹ Hứa tạm biệt cô, lúc này chị ấy đã bình tĩnh rồi.
“Chào chị.” Quý Kính trả lời.
Họ lịch sự từ biệt tại cổng cục Cảnh sát. Trước khi đi, Hứa Nguyện ngoái đầu nhìn cô.
Quý Kính mỉm cười với cô bé. Cô giơ tay lên làm động tác gọi điện thoại, lắc lắc bên tai, mỉm cười mấp máy môi. “Có chuyện gì cứ gọi cho cô!”
Hứa Nguyện trả lời cô bằng động tác OK.
Quý Kính dõi theo gia đình họ ra về rồi quay đầu nhìn cục Cảnh sát.
Cô đứng lặng tại cổng cục Cảnh sát rất lâu.
Đèn đóm lờ mờ, cơn gió lạnh lẽo và cả tấm biển treo ngoài cục Cảnh sát, trên biển viết bảy chữ bắt mắt: Cục Cảnh sát Thành phố Lạc Thủy.
Khung cảnh này quá quen thuộc, quen thuộc đến nỗi cô đột nhiên cảm thấy lạnh, giống như đã quay trở về mùa đông năm ấy.
Không, còn lạnh hơn cả mùa đông.
Hình như trong cuộc đời cô cũng chỉ có một năm như vậy. Cô đi ra từ cục Cảnh sát, ngẩng đầu liền nhìn thấy người đó dựa vào tường.
Anh cúi đầu, chống một chân lên mặt đất, không biết đang nghĩ gì.
Ánh đèn lờ mờ tiêm thêm cho anh một chút dịu dàng, nhưng vẫn không che lấp được sự lạnh lùng trên người anh.
Nhưng khi anh ngẩng đầu nhìn về phía cô, sự sắc bén chợt tiêu tan, nét lạnh lẽo hoàn toàn biến mất.
Rực rỡ thu cúc, xanh tươi xuân tùng,
Phảng phất như mây che bóng nguyệt, phiêu diêu tựa gió bay làn tuyết. (1)
(1) Trích từ Lạc Xuân Phú của tác giả Tào Thực. Bản dịch của Như Quy.
Không biết bắt đầu từ khi nào đôi mắt Quý Kính đã ươn ướt. Cô ngẩng đầu nhìn bức tường ngoài cổng cục Cảnh sát trong ánh trăng mờ, nơi đó chẳng có ai đang đứng chờ.
Mà nơi đây cũng không phải Bắc Thành.
Quý Kính chìm trong hồi ức. Cô mở điện thoại ra, nhìn năm 2027 trên màn hình, kéo bản thân ra khỏi hồi ức, không một chút lưu luyến.
Quý Kính nhìn ngày tháng hiển thị trên điện thoại, bần thần hồi lâu.
Một phen hồi tưởng khiến tâm trí cô hao tổn rất nhiều, ngỡ như đã mấy kiếp người trôi.
Cô cúi đầu nhìn phố sá náo nhiệt trước mặt, trong lòng giống như đã quyết định. Quý Kính mở danh bạ điện thoại, tìm cái tên đó rồi gọi đi luôn.
Tút!
Tút!
Tút!
Điện thoại đổ chuông hồi lâu, người bên kia mới nghe máy. “Quý Kính.”
Anh lạnh nhạt nói, chỉ gọi tên cô.
“Em đây.” Quý Kính trả lời, cô đi thẳng vào vấn đề, nói rõ mục đích mình gọi cú điện thoại này.
“Văn Viễn, cuối tuần em đến.”
“Được.” Người ở bên kia hình như đã đoán ra cô muốn nói gì, trả lời rất tốc độ.
“Dạo này có uống thuốc đúng giờ không?” Xuất phát từ thói quen nghề nghiệp của bác sĩ tâm lý, Văn Viễn vô thức hỏi cô.
“Uống rồi, anh yên tâm.”
“Buổi tối giấc ngủ thế nào? Vẫn ngon chứ?”
“Tàm tạm…”
Quý Kính nhìn phố sá đằng trước, thản nhiên nói dối Văn Viễn. Dạo này chất lượng giấc ngủ của cô vẫn rất kém, một buổi tối có thể tỉnh lại tận mấy lần.
“Thời gian thẫn thờ thì sao?” Văn Viễn lại truy hỏi tiếp.
“Ít đi rồi.”
“Tốt lắm, bốn giờ chiều cuối tuần, anh vẫn đợi em ở chỗ cũ.” Sau khi xác nhận tình hình cơ bản, trái tim lo lắng của Văn Viễn đã đỡ hơn phần nào. Anh hẹn thời gian địa điểm với cô, chuẩn bị kỹ càng nội dung lần này.
“Vâng.” Quý Kính trả lời nhẹ nhàng.
“Không gặp không về.” Anh sợ Quý Kính đổi ý, nói nhanh như chớp.
“Anh yên tâm.”
Tút!
Văn Viễn cúp điện thoại mất rồi.
Quý Kính: “…”
Quý Kính phì cười, khẽ lắc đầu, không nói gì. Cô đã quen với việc Văn Viễn cúp điện thoại cô như thế rồi.
Chỗ cũ mà họ hẹn chính là phòng khám tâm lý của Văn Viễn.
Văn Viễn là bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp, tốt nghiệp tại Đại học Bắc Thành, là bạn cùng trường với Quý Kính. Sau khi tốt nghiệp, anh đã lựa chọn trở lại Lạc Thủy, hơn nữa còn mở phòng làm việc của riêng mình, vỏn vẹn một năm đã nổi tiếng khắp Lạc Thủy. Thậm chí tiếng lành đồn xa đến cả Bắc Thành, từng là một trong những phòng khám tâm lý tốt nhất Trung Quốc.
Thường ngày rất khó đặt lịch hẹn.
Nhưng đồng thời, anh cũng là bạn của Thịnh Uyển.
Mùa đông năm Quý Kính trở về Lạc Thủy, Thịnh Uyển bay từ Bắc Thành đến Lạc Thủy thăm cô. Lạc Thủy khi đó vẫn luôn có tuyết rơi nhưng ngày Thịnh Uyển đến lại là một ngày nắng đổ lửa hiếm gặp.
Thịnh Uyển xuống máy bay, việc đầu tiên khi nhìn thấy Quý Kính chính là bật khóc ôm chầm lấy cô.
Sau đó, cô ấy đưa Quý Kính đến phòng khám của Văn Viễn. Họ đã bàn bạc xong xuôi mọi thứ trong lúc cô hoàn toàn không hay biết.
“Cậu không thể sống mãi trong hồi ức.” Lúc đó, Thịnh Uyển mắt đỏ hoen mi, nói với cô.
Quý Kính còn nhớ rất rõ.
Bởi vì câu đầu tiên Thịnh Uyển giới thiệu Văn Viễn với cô chính là: “Quý Kính, đây là Văn Viễn, một người bạn của tớ. Đồng thời…anh ấy cũng là bác sĩ tâm lý tớ tìm cho cậu.”
Ngoại trừ cái tên, Quý Kính không nghe lọt tai những thứ khác.
Văn Viễn.
Dao, Viễn cũng thế (2).
(2) Chữ Dao trong tên của Triệu Dao và chữ Viễn trong tên Văn Viễn đều có nghĩa là xa xôi. Lý do Quý Kính chấp nhận điều trị tâm lý cũng vì tên của Văn Viễn.
Vì vậy nên Quý Kính không bài xích sự tồn tại của Văn Viễn, cô đến phòng khám Văn Viễn “điểm danh” như một công thức đối phó. Nói chuyện với anh đúng hẹn, uống thuốc đúng giờ, nhưng mỗi khi nhắc đến quá khứ, Quý Kính đều giữ im lặng.
Dần dà, đến cả Thịnh Uyển cũng phát hiện Quý Kính không phối hợp.
Nhưng Quý Kính vẫn đến phòng khám Văn Viễn đúng hẹn, dù rằng cô mãi mãi không tiết lộ suy nghĩ thật sự của bản thân.
Ngoan ngoãn, lặng im, ngồi ở phòng khám suốt cả buổi chiều, nhìn mặt trời treo cao, rực rỡ chói chang, trời lặn vàng nung, đèn hoa chăng kết.
Dù cô không nói gì, nhưng Văn Viễn vẫn cảm thấy vui mừng vì cô đã đến.
Chí ít cô có thể đến. Chỉ cần Quý Kính đến điều trị, thì sẽ có khả năng khỏe lên. Dù tỉ lệ phần trăm cực nhỏ nhưng vẫn có xác suất khỏe lên.
Lòng anh biết nguyên nhân cô có thể đến đây, anh thật sự cảm ơn bố mẹ đã đặt cái tên này cho anh.
Dù là nguyên do tại sao, chỉ cần Quý Kính có thể đến tái khám đúng hẹn thì đều không sao cả.
Văn Viễn từng điều trị cho đủ loại bệnh nhân, nhưng Quý Kính là một trường hợp ngoại lệ.
Thịnh Uyển nói rằng trước khi cô tìm đến Văn Viễn để điều trị, đã trải qua tám lần sốc điện(3).
(3) Liệu pháp sốc điện (electroconvulsive therapy – ECT) là một phương pháp điều trị trong trầm cảm nặng, rối loạn lưỡng cực và các bệnh lý tâm thần khác.
Tám lần sốc điện không chữa khỏi cho Quý Kính. Cô không hề được tái sinh mà trái lại trí nhớ của cô ngày càng kém, khiến cô bắt đầu quên mất rất nhiều chuyện.
Sau khi Thịnh Uyển gặp Văn Viễn và kể lại tình trạng của Quý Kính, Văn Viễn đã do dự rất lâu. Tám lần sốc điện khiến anh không khỏi hãi hùng, có thể hình dung được mức độ khó khăn trong đó.
Nhưng cuối cùng anh vẫn cắn răng, quyết định điều trị cho cô.
Đối với Văn Viễn, cô không chỉ là một bệnh nhân, mà còn là một người bạn của anh. Đúng vậy, sau khoảng thời gian dài tiếp xúc, họ đã trở thành bạn bè từ lâu, dù rằng cả hai bên đều không nói.
Vậy nên lần này nhận được cuộc gọi của Quý Kính, Văn Viễn thật sự không thể tin nói. Họ tiếp xúc với nhau lâu như vậy, nhưng đây là lần đầu tiên Quý Kính chủ động ngỏ lời muốn tái khám.
Nói không vui là giả.
Nhưng nhớ đến tình trạng của Quý Kính, anh không khỏi bóp trán.
Văn Viễn từng chứng kiến quá nhiều nỗi đau, gần như đã miễn nhiễm với chúng. Anh đã trở thành một kẻ lạnh lùng.
Hành nghề y suốt bao năm nay, Văn Viễn từ lâu đã có thể dửng dưng trước tình trạng của bệnh nhân, có thể đứng từ góc độ của một bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp để đưa ra phương án điều trị tốt nhất. Nhưng Quý Kính…
Lần nào cô cũng có thể khiến anh cảm nhận được vị đắng của tách cà phê trong tay anh.
Văn Viễn không muốn tiếp tục nghĩ ngợi những điều này nữa. Là một bác sĩ tâm lý, anh không thể chữa khỏi cho Quý Kính, đây vốn dĩ chính là thất bại lớn nhất trong sự nghiệp hành y của anh.
Anh chấp nhận thất bại này, anh tin chắc thất bại chỉ là tạm thời. Cuộc đời cô còn dài như vậy, sau này nhất định sẽ khỏe lên.
Lần này Quý Kính không thất hứa, cô đến phòng khám tâm lý của Văn Viễn đúng giờ, quen cửa quen nẻo ngồi xuống ngồi xuống gần cửa sổ nhìn xe cộ qua lại như mắc cửi, tiếng người ồn ã.
Văn Viễn bưng một ly nước trắng cho cô giống như mọi lần, sau đó ngồi xuống đối diện Quý Kính.
Anh nhìn trạng thái bần thần của Quý Kính, muốn suy đoán thử suy nghĩ chân thật nhất sâu trong nội tâm cô rốt cuộc là gì?
Sau khi hoàn hồn, Quý Kính thấy Văn Viễn đang trầm ngâm nhìn mình, cô nở nụ cười, nói với anh một cách thoải mái và tự nhiên. “Hoàn hồn rồi.”
Văn Viễn quay sang, cầm tách Americano trên bàn lên nhấp một ngụm.
“Nói đi…cứ nói đại gì đó đi.” Anh đặt tách xuống, hai tay đan vào nhau, để trên bàn, nhìn Quý Kính bằng nét mặt bình tĩnh.
Quý Kính và anh nhìn nhau, nhìn thấy cả người anh toát lên hơi thở bình tĩnh và bình yên. Sự nhã nhặn này đã quá quen thuộc, là khí chất thường xuất hiện trên người Văn Viễn.
Quý Kính mở miệng, song lại không biết nên bắt đầu từ đâu. Cô nhớ lại quá khứ, chỉ cầm thấy cổ họng khô rát.
Cô không nhìn Văn Viễn nữa, bưng ly nước lọc trước mặt lên uống ừng ực. Uống hết ly nước, cô để ly nước đang siết chặt trong tay xuống, cụp mắt nói khẽ.
“Gần đây em luôn cảm giác rất lạnh.”
“Lạnh y như mùa đông.”
“Thường có gió lạnh xuất hiện.
“Rõ ràng trong nhà có thảm nhiệt, nhưng em vẫn có thể cảm nhận được cái lạnh của thảm nhiệt.”
Cô hít sâu một hơi, tiếp tục nói một cách chậm rãi.
“Đôi khi em sẽ nhìn thấy tuyết.”
“Dạo này khi ăn cơm, em lại vô thức nấu mì trộn tương.”
“Em…”
Quý Kính nói một tràng, song cuối cùng, câu nói cô thật sự muốn nói thì kẹt lại ở cổ họng rất lâu.
“Dạo này, em thường xuyên nhớ đến anh ấy.”
Đôi mắt cụp xuống của Quý Kính chưa hề ngước lên, Văn Viễn không nhìn rõ cảm xúc trong đôi mắt cô. Có điều khi cô nói ra câu này, đôi mắt Văn Viễn đã bất giác cay cay.
Văn Viễn ngồi đó lắng nghe cô nói tiếp.
“Nhiều khi về nhà, em lại bất giác đến tủ lạnh, mở ra nhìn. Bên trong không có lấy một hộp sữa chua, em lại đứng thẫn thờ rất lâu trước tủ lạnh, cho tới khi bị chuông báo của tủ lạnh đánh thức mới vội vã đóng cửa tủ.”
Đôi khi đun nước trong bếp, đi ngang qua cửa sổ bếp, em có thể nhìn thấy một ngọn đèn đường. Chạng vạng tối, em thường ngẩn ngơ nhìn ngọn đèn đó, cứ cảm giác như mình đã nhìn thấy tuyết rơi trên ngọn đèn đường ấy. Ánh đèn lạnh lẽo, tuyết rơi trắng xóa.”
“Em nấu cơm rõ ràng là muốn nấu mì Dương Xuân, nhưng lần nào cũng nấu thành mì sốt tương, phần hai người. Em ăn không hết, cất vào tủ lạnh rồi lại quên ăn, cuối cùng lần nào cũng phải đổ đi.
“Cổng trường có một bác bán vịt quay, nghe nói vịt quay bác ấy làm rất chuẩn vị. Em mua về song cứ vô thức cất đi. Khi em nhớ ra, muốn nếm thử thì phát hiện nó đã hư từ lâu rồi.”
“Mấy hôm trước đi làm, tình cờ nhìn thấy một cụ già bán hồ lô. Em nhìn thấy sạp của cụ đông nghịt người mua, buôn bán rất tốt, đột nhiên nhớ đến cây kẹo hồ lô mà mình không thể đợi được.”
“Hôm đến cục Cảnh sát, em luôn cảm thấy mình đã trở lại Bắc Thành. Nhưng…”
Giọng cô ngày càng thấp. “Bên bờ tường không có người đợi, hiện tại cũng không phải năm ấy, ở đây là Lạc Thủy.”
“Không phải Bắc Thành.”
Giọng nói của cô chất chứa rất nhiều sự bất lực. Khuôn mặt lạnh lùng viết đầy hai chữ bi thương và đau đớn, gần như muốn nhấn chìm người đối diện vào trong đó.
Tất cả những điều này được chôn giấu trong lòng Quý Kính đã rất nhiều rất nhiều năm. Cô thật sự đã quá đau đớn.
Văn Viễn im lặng lắng nghe cô nói. Khi Quý Kính không thể nói tiếp, anh cũng không thúc giục cô, chỉ bưng tách Americano lên uống.
Văn Viễn từ lâu đã quen uống Americano. Nhưng mỗi lần Quý Kính đến phòng khám, anh đều cảm thấy Americano đắng ngắt.
Đắng ngắt tột độ, giống như cuộc đời cô.
Anh đã đổi rất nhiều thương hiệu, nhưng lần nào cũng đắng như vậy. Anh không ngắt lời Quý Kính, vẫn im lặng lắng nghe cô nói tiếp.
“Hai hôm trước vì một số chuyện ở trường, em buộc phải đến cục Cảnh sát.”
“Năm đó khi em từ cục Cảnh sát ra, vừa nhìn đã thấy anh ấy.”
“Trước đây em cũng vì một số nguyên nhân mà vào cục Cảnh sát. Nhưng khi người đàn bà đó dẫn em ra ngoài, em luôn phải ăn một bạt tai.”
Quý Kính không muốn gọi người đàn bà đó là mẹ.
“Dù là tình huống gì, dù người sai có phải là em hay không, em đều không thoát được cái bạt tai đó.”
“Em rất bài xích.”
“Nhưng hôm đó, anh ấy nói…”
“Cũng may em không sao.” Trong ký ức, cô một lần nữa nhìn thấy Triệu Dao.
Đôi mắt anh ẩn chứa nụ cười nhạt, như mang đến cho cô niềm vui sau khi thoát khỏi cơn nạn. Giống như là ảo giác.
Quý Kính nhìn anh xoay người bước đến bên cạnh cô trong gió rét mùa đông năm đó, bất giác xoay chuỗi tràng hạt trên cổ tay, sau đó đúi hai tay vào túi, nói với cô. “Để tôi đưa em về nhà.”
Đèn đóm xung quanh lay động, sáng rực.
Quý Kính nhìn hai bóng hình kia dần xa, cô siết chặt ly nước của mình, móng tay sắp bợt.
Văn Viễn duỗi tay lấy chiếc ly trong tay cô, kết thúc sự dày vò hành hạ của cô đối với bản thân mình. Anh rót cho cô một ly nước, đẩy chiếc ly về phía cô, cố gắng xoa dịu cảm xúc của cô bằng ly nước này. Nhưng lòng anh cũng biết rõ là không thể nào.
Vết thương một khi đã bị xé toạc thì sẽ chảy máu một lần nữa, hoặc là kết thành vết sẹo mới, hoặc là nghiêm trọng hơn, dẫn đến nhiễm trùng.
Quý Kính nhận ly nước, uống cạn nước trong ly. “Dạo này em không qua được đèn giao thông.”
Cô hít sâu một hơi. “Em luôn có thể nghĩ đến em hôm ấy đã ngẩn ngơ bên cột đèn giao thông đến tối mịt, vừa ngẩng đầu đã nhìn thấy anh ấy đang đứng ở phía đối diện. Anh ấy nhìn em mãi, giống như chủ động đợi em ngẩng đầu.”
“Em không biết anh ấy đã đứng đó bao lâu, em vừa ngẩng đầu liền nhìn thấy anh ấy. Lúc đó đèn đỏ, một người điềm tĩnh, tự chủ và tuân thủ quy tắc như anh ấy lại băng qua đèn đỏ, lao thẳng đến ôm chầm lấy em.”
“Tụi em cùng nhau đợi đèn đỏ chuyển sang đèn xanh rồi nắm tay cùng nhau về nhà.”
“Văn Viễn.” Quý Kính ngẩng đầu nhìn anh.
Văn Viễn nhìn thấy rất rõ giọt lệ nơi khóe mắt Quý Kính, anh bối rối. Mấy năm nay Quý Kính chưa từng để lộ cảm xúc giống thế này.
“Gần đây em luôn nhớ về quá khứ.”
Văn Viễn lắng nghe Quý Kính nghẹn ngào nhớ lại, cô nói rất nhiều, rất nhiều. Đây là những chuyện cô chưa từng nhắc đến.
Cô không dám nhắc đến, cũng không thể nhắc đến.
Bởi vì đây là chuyện cũ, chuyện cũ xa vời vợi.
Chuyện cũ, xa tựa trời. (4)
(4) Trích từ “Bốc toán tử – Đáp thi” của Lạc Uyển.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.