Nhưng chắc không phải vì mặt cắt quần áo đơn giản đâu, chắc là vì…
Kiều Vi xem xét cửa hàng một hồi, gian phòng này không lớn lắm. Kiều Vi nói: “Cửa hàng của ông ít mối làm ăn nhỉ.”
Ông thợ may bưng tách trà lên, mở nắp ra, hớp một ngụm trà nồng: “Nhiều khi cả năm cũng không làm được mấy bộ quần áo.”
Xưởng may vốn đang phát triển, nghề may truyền thống bị ảnh hưởng. Vật tư thì thiếu thốn, người bình thường đều mặc đi mặc lại một bộ quần áo vá đến mấy năm.
Các gia đình trong quân khu đúng là dư dả hơn thật, nhưng họ lại thích đến các cửa hàng trong thành phố để thuê thợ may.
“Nhưng cũng ổn, không làm việc vẫn có lương, vẫn ổn.” Ông lão xua tay.
Những người thạo nghề như bọn họ đã được quốc gia nhận vào biên chế, có lương mỗi tháng. Lương này không liên quan đến hiệu suất làm việc. Có làm ăn được hay không thì tháng nào cũng được lãnh lương.
Kiều Vi an ủi ông: “Công việc này ổn định, phù hợp để dưỡng lão.”
Ông lão nhớ lại thời anh hùng ngày xưa: “Hồi đó tôi từng làm váy cưới cho người ta, vạt váy kéo dài tận ba mét.”
“Váy xếp li, nên tôi may mất ba ngày mới xong.”
“Nhưng khách hàng rất hài lòng, còn thưởng cho tôi nữa…”
“Khụ!” Kiều Vi lớn giọng ho một tiếng, ngắt lời ông.
Ông lão bừng tỉnh, đổ mồ hôi: “À à, khụ, chúng ta nói đến đâu rồi nhỉ?”
“Thứ tư.” Kiều Vi làm như chưa có chuyện gì xảy ra: “Sáng thứ tư cháu quay lại nhé.”
“Được, cô đi thong thả nhé.”
“Hẹn thứ tư gặp ạ. Tương Tương, chào ông đi.”
“Chào ông ạ.”
“Cháu ngoan, cháu ngoan.”
Thấy cô gái trẻ tuổi dẫn đứa nhỏ đáng yêu lễ phép đi rồi, ông lão lại lắc lắc chiếc quạt hương bồ hai lần.
Thật là, sao mình lại không giữ mồm giữ miệng thế nhỉ, không thể hoài niệm quá khứ mãi.
“Có câu… vợ hiền đức thì chồng ít họa.” Ông lão hát hí khang một câu.
Vừa hát dứt câu, Kiều Vi lại thò vào, ngại ngùng nói: “À, cho cháu hỏi mua vải tái chế ở đâu ạ?”
Ông lão: “…”
Thì ra hợp tác xã cung tiêu có bán vải bố.
Hợp tác xã cung tiêu bán hầu hết mọi thứ, ngay cả chợ nông sản cũng là một chi nhánh của hợp tác xã cung tiêu.
Kiều Vi dẫn Nghiêm Tương đến hợp tác xã cung tiêu, vừa mới vào cửa đã thấy người bán hàng họ Từ ở trong quầy, anh ta ngồi trên ghế gỗ vuông, ôm ngực tựa lưng vào kệ hàng, ngoẹo đầu ngủ say sưa.
Đến mức chảy cả nước miếng.
Đây chính là cuộc sống ở trấn nhỏ. Ngoài chợ nông sản họp vào sáng sớm thì chỗ nào cũng thư thả, không hề bận rộn.
Anh ta ngủ say quá, Kiều Vi không tiện đánh thức, định bỏ đi rồi hôm nào quay lại.
Người bán hàng họ Từ này đột nhiên tỉnh dậy.
Anh ta vốn ở đây để trông coi cửa hàng, vì chỉ cần thiếu một cây kim thì họ cũng phải bỏ tiền túi ra bù, nếu không anh ta đã chạy ra sau ngủ từ lâu rồi. Cho nên anh ta ngủ rất tỉnh, tiếng bước chân Kiều Vi vừa vang lên anh ta đã dậy rồi.
Vừa tỉnh dậy nên tất nhiên sẽ hơi cáu gắt, anh ta xoa mắt tức giận nói: “Làm gì thế, không thấy… À là cô sao?”
Anh ta nhận ra cô gái người nhà quân nhân này. Mấy ngày trước cô đã cho anh ta một phiếu công nghiệp để mua thêm mấy bình.
Anh Từ lập tức mỉm cười: “Tới đấy à, hôm nay cô muốn mua gì?”
Kiều Vi hỏi: “Có vải tái chế không? Tôi muốn mua ít vải bố.”
Anh Từ thấy lạ hỏi cô: “Cô mua thứ đó làm gì?”
Vải tái chế rẻ, không cần phiếu vải, nhưng kéo một cái là rách ngay. Là vật thay thế mà một vài hộ gia đình kinh tế không tốt bất đắc dĩ mới phải mua.
Kiều Vi là người vừa vung tay đã đi ngay một phiếu công nghiệp, không thể mặc vải tái chế được.
Kiều Vi lấy một cái gối dựa kiểu cũ cho anh ta xem, nói nhu cầu của mình: “Tôi cũng không biết phải mua bao nhiêu, anh xem thử giúp tôi.”
Anh Từ nói: “Cô đợi tôi một lát, tôi gọi người xem thử ở sau còn bao nhiêu.”
Anh ta mở một cánh cửa, hét lớn: “Tiểu Lưu! Tiểu Lưu! Đừng ngủ nữa!”
Đằng sau có người lười biếng đáp lời.
Anh Từ nói: “Ôm vải tái chế lên đây cho anh.”
Anh ta quay đầu: “Đợi một lát nhé.”
Kiều Vi xua tay cười: “Không gấp đâu.”
Cô lại hỏi: “Còn đồ đóng hộp không?”
Anh Từ xì một tiếng: “Từ trước đến nay thứ gì tốt mà bày ra thì không tồn tại quá một ngày.”
“Nhưng có một thứ tốt khác, cô muốn mua không?” Anh ta nói: “Hai ngày nay cô không đến, đã để cho người khác mua rồi. Nhưng vẫn giữ lại vài món, tôi nghĩ hôm nào đó cô sẽ qua.”
Hai mắt Kiều Vi sáng ngời: “Cảm ơn anh nhé, thứ gì thế?”
Anh Từ ngồi xổm xuống mở tủ, móc ra một cái bình hình vuông: “Bánh quy bơ. Hàng cao cấp đấy.”
Đúng là cao cấp, trên mặt bình còn in mấy chữ “Bánh quy cao cấp”.
Nghiêm Tương: “Oa!”
Nghe tiếng thôi cũng biết đứa trẻ này muốn ăn thế nào. Kiều Vi cười híp mắt: “Tôi mua nhé. Anh Từ, cảm ơn anh nhiều.”
Ân tình anh Từ để dành cho cô nhất định phải nhận. Nếu không lần sau có đồ gì tốt người ta sẽ không chừa cho mình.
Không thèm hỏi giá cả, đúng là gia đình cán bộ.
Anh Từ hâm mộ, nhưng vẫn khách sáo nói: “Không có gì, sau này có đồ tốt, tôi sẽ để dành cho. Chỉ cần thỉnh thoảng ghé qua xem một chút là được.”
Kiều Vi cười híp mắt: “Vâng!”
Lúc này, có một cô nhân viên ôm bó vải xám ném lên quầy.
Anh Từ hỏi: “Còn nữa không?”
“Hết rồi.” Tiểu Lưu nói: “Có từng đây thôi, mang hết lên rồi.”
Kiều Vi sờ vải.
Vải tái chế chính là thứ vải dệt lại lần nữa từ những sợi vải đã bị rách, chất lượng của nó rất kém, rất dễ rách, còn ưu điểm là rẻ, không cần phiếu vải.
Nhưng khi cô sờ lên, thấy độ co giãn cũng không tốt lắm.
Anh Từ hỏi cô: “Cô thấy đủ chưa?”
Kiều Vi lấy gối dựa kiểu cũ ra ước lượng thử: “Cũng hòm hòm rồi…”
Cô nhớ đến đề nghị của ông lão thợ may: “Tôi thêm chút cỏ khô nữa là được.”
“Biện pháp quái đản gì thế này.” Anh Từ tấm tắc.
Kiều Vi vui vẻ: “Cuộc sống của mình mà, tự mình phải biến tấu biện pháp chứ.”
Nhưng Kiều Vi còn mang theo giỏ, một bó vải tái chế rất to và bình bánh quy mới mua. Bình bánh quy không nhỏ, trong giỏ còn có bộ gối dựa nên không thể nhét vào được.
Kiều Vi rầu rĩ: “Tôi cầm kiểu gì đây?”
“Ái chà.” Anh Từ chậc lưỡi xem thường.
Thời đại này người bán hàng cũng có chút kỹ thuật. Anh ta lấy một bó dây nhựa, quấn trên tay vài vòng, sau đó đặt bình bánh quy lên. Tay anh ta rất nhanh, vòng trái vòng phải một hồi rồi thắt nút, cắt dây.
Những sợi dây nhựa đã biến thành một chiếc túi lưới bọc bình bánh quy lại, như ảo thuật vậy.
Anh ta còn thắt nút sao cho dư ra hai lỗ hổng để dùng tay xách mang theo, đúng là thần kỳ.
Nghiêm Tương: “Ồ!”
Anh Từ cầm bó vải tái chế hỏi: “Cô muốn xé vụn ra phải không?”
Sau khi xác nhận, anh ta lấy kéo cắt mấy cái lên tấm vải, sau đó dùng tay không xé xoạt xoạt mấy đường. Anh ta xé thành những mảnh vải thật dài, sợ không đủ chắc chắn, còn xếp chồng lên nhau để gia cố.
Anh ta bảo Kiều Vi quay người lại rồi khom lưng, Tiểu Lưu hỗ trợ đỡ đằng sau, đặt đống vải tái chế ấy lên lưng Kiều Vi.
Sau đó dùng một sợi vải dài, quấn chéo trên người Kiều Vi rồi thắt nút.
Kiều Vi đứng dậy, trông rất giống những bà mẹ trong trấn địu con trên lưng.
Nhưng mà cách này đúng là rất tốt. Một tay Kiều Vi mang giỏ, một tay cầm bình bánh quy cao cấp, trên lưng là bó vải tái chế, rất gọn.
Sau khi cô vui vẻ dẫn Nghiêm Tương đi khỏi đó, Tiểu Lưu lẩm bẩm: “Người này đang làm gì nhỉ?”
Nếu nói cô nghèo, cô lại mua bánh quy cao cấp. Nhưng nếu bảo cô giàu, thì cô lại mua vải tái chế.
Chẳng hiểu nữa.
Tiểu Lưu muốn ra sau ngủ tiếp, anh Từ lại bảo: “Em ngồi đằng trước một lúc đi.”
Còn anh ta ra sau nghỉ ngơi.
Chậc.
Kiều Vi cõng đống vải tái chế về nhà như cõng một đứa trẻ.
Về đến nhà hai mẹ con uống một chén chè đậu xanh lạnh trước. Nghiêm Tương chùi miệng, sau đó cầm chiếc xẻng nhỏ tiếp tục đào hố cát.
Kiều Vi cầm kéo cắt một loạt vết nhỏ dọc theo mép tấm vải tái chế, sau đó bắt đầu xé.
Vải tái chế sợi ngắn, dễ rách hơn vải bình thường nhiều, rất dễ xé. Kiều Vi xé đến quên cả trời đất.
Sau khi xé xong, cô dùng kéo cắt bớt những đoạn vải dài quá, rồi nhồi chúng vào gối.
Chẳng mấy chốc đã nhét hết vào ba chiếc gối dựa lớn.
Giường trúc để dựa vào tường dưới mái hiên. Kiều Vi kéo giường trúc ra ngoài khoảng mấy centimet rồi để ba chiếc gối dựa vào tường.
Cô quay người ngồi lên, ngả người ra sau.
Tuy rằng chưa hoàn toàn hài lòng, nhưng ở nơi điều kiện có hạn này, tạm coi nó thay thế sofa cũng được.
Khi trời trở lạnh thì dời vào trong nhà, trải một cái nệm nhỏ lên giường trúc cho ấm áp.
“Tương Tương, qua đây!” Kiều Vi gọi Nghiêm Tương.
Nghiêm Tương bỏ xẻng và thùng xuống, chạy đi rửa tay sạch sẽ rồi bò lên trên giường trúc dưới mái hiên, cậu bé tựa về phía sau: “Oa!”
“Có thoải mái không?”
“Thoải mái ạ.”
“Sau này chúng ta sẽ ngồi ở đây đọc sách kể chuyện nhé.”
“Vâng!”
Kiều Vi đứng dậy đi ra giữa sân, quay người chống nạnh nhìn.
Vách tường thô sơ, trên ghế nằm cạnh cửa sổ có một cái mũ rơm, dưới mũ rơm là một đôi giày cỏ.
Nghiêm Lỗi mãi không hiểu “đồ trang trí” mang tên mũ rơm và giày cỏ này, nhưng cũng không cản trở Kiều Vi tạo nên bầu không khí đồng quê.
Bây giờ trên giường trúc có ba cái gối dựa, hai cái màu cơ bản, một cái màu lam.
Kiều Vi lấy cái màu lam đặt ra ngoài cùng bên trái, còn hai cái màu cơ bản đặt bên phải, tạo nên vẻ đẹp bất đối xứng tự nhiên.
Cô nhắm một mắt, đưa ngón cái và ngón trỏ ra làm động tác chụp ảnh. Trong khung ảnh của cô có tường đá, cửa sổ ô vuông kiểu cũ, mũ rơm, giày cỏ và ghế trúc.
Thêm vào ba chiếc gối dựa vải thô mộc mạc trên giường trúc, hình ảnh nông thôn được nâng cấp thành điền viên.
Đó chính là thứ Kiều Vi muốn.
Thứ hai vừa về nhà, Nghiêm Lỗi thấy mấy cái gối dựa trên giường trúc dưới mái hiên.
“Ồ! Làm nhanh thế.”
Anh cởi mũ treo trên tường, đặt mông ngồi xuống ngả ra sau, dừng lại một chút rồi vặn vẹo cơ thể.
“A…”
“Bố ơi, bố có thấy thoải mái không ạ?” Nghiêm Tương đứng cạnh hỏi.
Nghiêm Lỗi cảm thán: “Thoải mái.”
Trừ những lúc nằm trên giường tựa vào chăn, thì anh chưa từng thấy thư giãn như vậy.
Trong trí nhớ, dù là trong nhà hay trong doanh trại, gần như chẳng có thứ gì mềm mại, toàn là ghế gỗ, giường gạch cứng ngắc.
Không có thứ gì mềm đến mức khiến người ta muốn tựa vào như vậy.
“Trong này có cái gì nhỉ?” Anh tò mò mở nút thắt định thò tay vào.
Kiều Vi vừa ra khỏi nhà vệ sinh, thấy anh móc ra một nắm vải tái chế: “Anh làm gì thế, đừng có móc ra, nhét vào đi.”
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.