Cạnh bệ giếng xây hai bức tường thấp bằng gạch để làm bệ, cô xách cái thớt qua đặt lên, vừa xinh, như thể nó được làm ra để đặt cái này vậy.
Lúc này giao thông còn chưa phát triển, phân phối hàng hóa còn bất tiện, rau bán ở chợ nông sản đều là tự sản tự tiêu, hình thức không đẹp bằng sau này nhưng rất tươi ngon. Lấy rau đã rửa sạch ra khỏi chậu, cô đặt lên thớt trực tiếp thái ra.
Số thịt mua về hôm nay được cắt lấy một phần ba.
Sau khi bưng đồ ăn vào bếp, cô lại gặp phải một chuyện còn bất tiện hơn… bếp đất trong nhà bếp đun bằng củi.
Ngoài lương thực và các nhu yếu phẩm hàng ngày, đãi ngộ của quân đội còn bao gồm “nhiên liệu” nữa, củi và than được phân phát hàng tháng theo tỷ lệ.
Do có trí nhớ nên trên lý thuyết thì Kiều Vi biết cách làm, nhưng thực tế khi bắt tay vào làm thì lại không quen.
Phải mất rất nhiều công sức cô mới nhóm được bếp.
Nghiêm Tương rất ngạc nhiên, sao hôm nay mẹ mình nhóm lửa lại tốn sức như vậy. Tới khi lửa bùng lên, không cần Kiều Vi nói gì cậu bé đã đi tới kéo ống bễ lên.
Nhóc con chỉ cao hơn cái ống thổi một tí. Người lớn chỉ cần duỗi tay ra là kéo được ống bễ, Nghiêm Tương lại phải giữ bằng hai tay, dùng sức nặng của cơ thể để đẩy vào kéo ra.
“Hây a”, “hây a”.
Dễ thương chết đi được.
Không phải nói chứ ống bễ này dùng tốt thật đấy, nhóc con bé tí thổi mấy cái mà cũng thổi bùng được lửa.
Lần đầu tiên Kiều Vi dùng loại bếp lò nồi sắt này nên không quen tay lắm nhưng vẫn nấu được một mâm đồ ăn.
Đặt nó lên bàn bếp, dùng gạc che lại rồi mới thấy rửa nồi thật là phiền phức.
Thứ nhất là nồi kia quá to, thứ hai đây là loại nồi có hai tai chứ không có cán dài như Kiều Vi thường dùng.
Tiếp theo nữa là ở đây không có vòi hay bồn rửa của thời hiện đại.
Kiều Vi cúi đầu nhìn cái xô có nắp đậy ở cạnh bếp. Mở nắp ra, bên trong có nước sạch, có cả gáo múc nước nữa.
Phải dùng gáo múc nước vào nồi. Bức tường cạnh bếp lò có đóng đinh, trên đó treo một chiếc chổi ngắn đầu tròn dày, đây là bàn chải để cọ nồi.
Kiều Vi dùng giẻ lót vào tay, cầm một bên tai nồi, dựng nồi sắt lên rồi dùng bàn chải nhanh chóng chà sạch.
Đặt thêm hai mảnh vải lên trên, cô nhấc nồi lên đổ nước sang một chiếc xô khác. Cho nên nhà có nhiều xô chậu như thế cũng có lý do cả, xô nước sạch xô nước bẩn, không thiếu cái gì.
Kiều Vi múc hai gáo nước đổ vào nồi, đợi nước sôi, cô đập một quả trứng vào, đánh tan thành canh trứng.
Chỉ có trứng thôi nên canh rất nhạt. Thực ra nếu có rau cải muối thì tốt, Kiều Vi thường thích cho cải muối vào món canh trứng, sau đó không cần thêm muối luôn, chỉ một lát là đã có ngay món canh trứng đơn giản.
Khi mẹ cô qua đời có dặn cô là phải ăn uống đầy đủ. Ban đầu, Kiều Vi thường gọi đồ ăn ngoài, nhưng sau khi sống một mình cô không còn gọi đồ ăn ngoài nữa mà hay tự nấu ăn.
Đời người trôi qua quá nhanh, vẫn nên có chút khói bếp thì hơn.
Không có rau cải muối nhưng trong lọ lại có dưa muối, Kiều Vi bèn gắp mấy đũa bỏ vào nồi thay thế.
Thoáng chốc, một nồi canh đơn giản đã ra lò.
Ở thế giới kia, chỉ lúc nào bận quá cô mới làm món canh nấu nhanh này, khi có thời gian cô sẽ nghiêm túc hầm canh. Nhưng với điều kiện vật chất trước mắt, canh trứng đã là món canh nghiêm túc lắm rồi. Dẫu sao trứng cũng phải có phiếu mới được phát mà.
Vì tốn thời gian nhóm bếp đất hơi lâu, lại quên mất thời đại này không dùng nồi cơm điện nấu được nên cơm được bê ra khỏi bếp hơi muộn. Ăn hơi khô nhưng vẫn xem như thành công.
Kiều Vi cũng đã thích ứng với nhà bếp của thời đại này.
Trên mạng luôn có một số cư dân mạng tuổi trung niên nói đồ ăn ngày nay không ngon bằng đồ ăn ngày xưa, bị nhiều người nghi ngờ họ mang filter hồi ức. Nhưng Kiều Vi lúc này có thể chứng minh rằng đó thực sự không phải là filter hồi ức.
Ở thời đại không ô nhiễm này, rau quả đúng là có “vị đồ ăn” hơn sau này.
Nghiêm Tương ăn mấy miếng, lớn tiếng khen ngợi: “Ngon quá!”
Kiều Vi cười hỏi: “Trước kia ăn không ngon à?”
Cô nhớ là nguyên chủ có yêu cầu với ăn uống rất cao nên hẳn là kỹ năng nấu nướng của cô ấy cũng ổn chứ.
“Ngon ạ.” Nghiêm Tương nói: “Nhưng hôm nay thơm lắm luôn.”
Cậu bé nói thêm: “Ngon hơn dì Dương với chị Lâm nấu.”
Nói đến đây, Kiều Vi lại nhớ tới bữa tối hôm qua, không biết tại sao mùi vị của nó thật sự…
Cô cúi đầu ăn thêm mấy miếng nữa, rồi chợt nhận ra!
“Là do dầu.” Cô nói: “Mẹ cho thêm dầu vào.”
Hơn nguyên chủ, hơn chị Dương, hơn cả Lâm Tịch Tịch nữa.
Chẳng trách.
Mặc dù Lâm Tịch Tịch là nữ chính sống lại, nhưng nếu tính thời gian, có lẽ cô ta quay lại từ khoảng đầu những năm chín mươi.
Một người phụ nữ trung niên nghèo phải vay mượn tiền của người thân để sống qua ngày vì cả gia đình bị cho nghỉ việc chắc chắn không nỡ bỏ dầu ăn vào nấu.
Nghĩ như vậy, chuyện sau khi sống lại Lâm Tịch Tịch muốn bám lấy Nghiêm Lỗi là bởi vì cô ta đã biết trước được tương lai của Nghiêm Lỗi cũng không có gì khó hiểu.
Nhưng Nghiêm Lỗi chỉ có một, lại bị Kiều Vi bám mất rồi.
Sao cô có thể chắp tay nhường cho người khác được?
Bếp đất rất dễ nhóm nhưng khó dập.
Nếu bỏ củi nhiều quá thì có thể dập bằng cách đổ nước lên. Nếu không nhiều thì cứ để nó cháy, trong nồi thì đun nước. Lúc nào ăn cơm xong thì lửa tắt là vừa, nước cũng được đun nóng, đúng lúc dùng để rửa bát.
Dùng nước nóng hòa tan dầu mỡ, sau đó dùng xơ mướp cọ lại, tuy không có chất tẩy rửa nhưng Kiều Vi nhìn kỹ thì thấy cũng khá sạch.
Nghiêm Tương vẫn chăm chỉ như vậy.
Người bé nên một lúc cậu bé không thể xách quá nhiều đồ nhưng vẫn sẽ chạy qua chạy lại mang hết bát đũa đã rửa sạch ra cái bàn dưới hiên cho khô.
Mặt trời đã lên cao, sau khi dọn dẹp nhà bếp và lau tay, Kiều Vi nhìn trên trán Nghiêm Tương lấm tấm mồ hôi.
“Con đi thay quần áo đi.” Cô gọi Nghiêm Tương.
Đi đến phòng Nghiêm Tương lục tìm, cô tìm được một cái áo ba lỗ đưa cho cậu bé: “Mặc cái này nè.”
Mùa hè mà cho trẻ con mặc áo sơ mi có tay có cổ thì khó chịu lắm. Quân Quân nhà đoàn trưởng Triệu còn mặc một cái áo ba lỗ nát bươm, tuy hơi bẩn nhưng nhìn rất mát mẻ và thoải mái.
Nghiêm Tương vui lắm.
Không cần Kiều Vi giúp, tự cậu bé cũng có thể cởi hết các nút áo ra.
Tạ ơn trời đất, Kiều Vi nghĩ thầm, cô biết việc nuôi dạy trẻ con rất mệt. Trong ký ức nguyên chủ vẫn còn cảm giác bực mình và mệt mỏi khi nuôi con, nhưng may mà lúc cô tiếp quản cơ thể này đã qua giai đoạn mệt mỏi nhất.
Nhìn xem, Nghiêm Tương có thể tự ăn cơm, đi tiểu, kéo quần, tự mặc quần áo, còn có thể giúp đỡ việc nhà, đỡ lo biết mấy.
Nghiêm Tương nhanh chóng thay áo ba lỗ, tâm trạng rất tốt, hai bàn tay nhỏ nhắn múp míp vỗ vỗ bụng mình nói: “Thoải mái ghê!”
Kiều Vi không khỏi buồn cười hỏi: “Tương Tương thích mặc áo ba lỗ à?”
“Dạ thích!”
“Vậy sao con không mặc?”
Không phải buổi sáng Nghiêm Tương tự mặc quần áo à?
Nghiêm Tương ngước đôi mắt đen láy lên, ngây thơ nói: “Mẹ không thích mà.”
“Mẹ không thích con mặc áo ba lỗ.”
“Mẹ không thích con chơi với đám Quân Quân.”
Kiều Vi dừng lại.
Trí nhớ được kích hoạt, lúc cô nhớ lại thì đúng là thế thật.
Haiz.
Kiều Vi day trán, thả tay xuống: “Sau này Tương Tương muốn mặc gì thì mặc, chỉ cần con cảm thấy thoải mái là mặc được hết.”
Nghiêm Tương rất vui: “Vâng ạ!”
Tất nhiên, trẻ con sẽ thích quần áo thoải mái hơn những loại quần áo trông cao cấp hay đẹp đẽ.
Kiều Vi đứng dậy, chống nạnh nhìn xung quanh.
Quần áo đã giặt, bát đĩa đã rửa, phòng ốc đã dọn. Con đã lớn, có thể tự mình chơi một mình.
Dường như không có gì có thể làm nữa.
Kiều Vi trở lại phòng sách, giá sách nhỏ chất đầy sách, không còn một chỗ trống nào cả. Cô quét dọn qua, phát hiện những cuốn sách mình từng đọc hoặc chưa đọc nhưng chỉ cần xem qua là biết tên có thể đếm được trên đầu ngón tay. Những quyển khác thì cơ bản là chưa đọc hoặc thậm chí còn chưa nghe đến tên bao giờ.
Nhưng chỉ nhìn tựa đề của những cuốn sách này là biết, dù chúng được coi là loại sách phổ biến trong thời đại này thì bất kỳ cuốn nào trong số chúng cũng sẽ được coi là văn học nghệ thuật ở các thế hệ sau.
Có vẻ nguyên chủ đã dành rất nhiều thời gian để đọc những cuốn sách này.
Trong thời đại không có internet thậm chí không có cả ti vi, Kiều Vi không còn cách nào khác là rút bừa một cuốn sách, ngồi dưới mái hiên, chậm rãi đọc.
Thỉnh thoảng cô ngước mắt nhìn lên, thấy Nghiêm Tương ăn mặc thoải mái mát mẻ, vui vẻ chơi đùa dưới bóng cây trong sân.
Thế hệ sau này hiếm có người trẻ tuổi nào có thể bình tâm ngồi đọc các tác phẩm văn học của thời đại này. Đừng nói là đọc sách, thậm chí người của thế hệ sau còn tua nhanh khi xem phim, hoặc chỉ xem đoạn cut cũng được coi là đã xem phim rồi.
Nhưng Kiều Vi đã trải qua bệnh tật và cái chết, tính tình của cô đã bị nỗi đau mà ngay cả morphine y tế cũng không thể làm tê liệt nổi tra tấn và mài mòn từ lâu.
Cô là một người có thể bình tâm lại.
Ve sầu kêu mãi không ngừng.
Nghiêm Tương buồn ngủ rồi mới về nhà ngủ trưa.
Lúc tỉnh lại, cậu bé đứng dậy đi tiểu, uống nước rồi tiếp tục chơi.
Thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn mẹ ngồi đọc sách dưới mái hiên.
Kiều Vi cứ đọc mãi cho đến khi một cái bóng bao trùm lên cô.
Trước mắt chợt tối sầm lại, cô rất tự nhiên ngẩng đầu lên, đập vào mắt là khuôn mặt của Nghiêm Lỗi.
“Làm gì đấy?” Anh hỏi, từ trên cao nhìn xuống.
Vốn anh đã cao rồi, còn đứng nữa, mà Kiều Vi thì đang ngồi.
Nếu Kiều Vi chỉ cầm một cuốn sách trong tay, Nghiêm Lỗi cũng sẽ không hỏi một câu vô nghĩa như vậy. Nhưng anh liếc mắt nhìn cái bàn bên cạnh có một chồng sách dày cộm.
Tất cả đều là sách trên kệ sách của cô. Mặc dù cô cũng sẽ đọc đi đọc lại nhưng trước đây một cuốn sách cô thường đọc mấy ngày mới hết, sao đột nhiên cô lại lấy nhiều sách ra đây làm gì?
Mắt Kiều Vi cay sè, cô đứng dậy dụi mắt: “Không có gì, chỉ là thu dọn ít sách thôi. Mấy giờ rồi? Sao anh về sớm thế?”
“Hôm nay nhà tắm mở cửa đấy, em quên à?” Nghiêm Lỗi đặt cái túi lưới lên bàn, cứng ngắc nói: “Người ta nói ăn đào bổ lắm.”
Nói xong anh xoay người đi vào nhà.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.