“Tống An Nhiên, đồ bất hiếu! Nếu hôm nay mày không về nhà với tao, thì đừng bao giờ vác mặt về nhà họ Tống nữa!” Cha tôi gầm lên.
Vừa nghe ông nói vậy, anh cả lại lập tức hiểu ý mà ngậm miệng, giữ đúng cái kiểu im lặng đáng ghét quen thuộc.
Đúng lúc đó, tên tổ trưởng đẩy đám đông ra, mặt mày khó chịu, chen vào trong.
“Tống An Nhiên, cô còn ở đây làm gì? Mau dọn đồ rồi cút xéo, đã bị đuổi rồi còn ở lỳ ở đây làm gì nữa?!”
Tôi tức đến mức không nhịn nổi, xách ngay đồ đạc ra khỏi ký túc xá. Nhưng vừa bước ra ngoài chưa được bao lâu, tôi đã hối hận.
Trời rét thế này, chẳng lẽ thật sự phải ngủ bụi ngủ đường?
Tôi vác theo chăn chiếu, lang thang một mình ngoài phố. Trong tay còn ôm củ khoai nướng Chu Doanh dúi cho lúc chia tay. Khoai mới lôi ra khỏi lò, vẫn còn nóng hổi, từng luồng hơi ấm truyền qua lòng bàn tay, cho tôi chút cảm giác ấm áp giữa cái lạnh căm căm.
Tôi đặt chăn chiếu xuống vệ đường, ngồi phệt xuống lề, há mồm cắn miếng khoai thật to. Tuyết bay trắng trời, rơi lên mặt khoai, tan ra tức thì, để lại những vệt nước nhỏ li ti.
Bên kia đường là ngân hàng. Tôi đưa tay sờ túi, nhớ ra số tiền còn chưa kịp mang đi gửi.
Tôi nhét nốt miếng khoai cuối cùng vào miệng, vác đồ lên vai, bước về phía ngân hàng.
7
Ai mà ngờ được, tôi lại gặp Đậu Tiêu ngay trong ngân hàng.
Lúc đó, tôi đang đứng lúng túng trước quầy giao dịch, cẩn thận từng chút một nhờ nhân viên ngân hàng chỉ tôi cách điền đơn.
Cô ta mặt mày cau có, giọng đầy bực bội: “Đây này, chỗ này viết tên! Đã nói bao nhiêu lần rồi, không hiểu à?”
Ở ngân hàng, người ta cũng nhìn mặt mà đối xử cả thôi.
Tôi cúi gằm mặt, mặt đỏ bừng bừng. Khoảnh khắc đó, tôi thực sự thấy tự ti. Tôi rón rén đưa tờ đơn vừa điền xong cho cô ta xem.
“Đã nói là không được tẩy xóa rồi mà, sao còn sửa?!” Cô ta bực bội lườm tôi một cái, rồi giật phăng tờ đơn, xé toạc, ném cho tôi tờ mới một cách cộc lốc.
Ngay lúc tôi đang xấu hổ đến mức chỉ muốn độn thổ, thì giọng của Đậu Tiêu vang lên sau lưng:
“Tống An Nhiên, không phải cô rất giỏi sao? Giờ lại nhát thế?”
Tôi quay phắt lại, thấy anh ta đang đứng một bên, tay đút túi, vẻ mặt hả hê như đang xem kịch vui.
Tôi mím môi, rủa thầm một tiếng: Đúng là oan gia ngõ hẹp.
Anh ta thong thả bước lại gần, nói nhỏ gì đó với nhân viên ngân hàng, ngay lập tức người đó thay đổi thái độ, lịch sự hẳn lên, rồi tránh sang một bên. Trước khi đi, cô ta còn liếc nhìn tôi từ đầu đến chân đầy dò xét.
“Đây là khoản tiền lấy từ nhà họ Đậu bọn tôi đấy, đúng không?” Đậu Tiêu nhìn tôi, giọng nửa đùa nửa thật.
“Từ cái gì mà ‘bọn tôi’? Nhà mấy người không phải đã đến nhà tôi đòi lại rồi à? Giờ số tiền này là của tôi.” Tôi đáp lại, chẳng buồn khách khí.
“Cô nắm tin tức nhanh đấy.” Anh ta mỉm cười, dưới ánh nắng, gương mặt ấy lại trở nên khá là… dễ nhìn.
Chỉ đăng truyện Cơm Chiên Cá Mặn, Cá Mặn Rất Mặn và MonkeyD
Anh ta không còn cái vẻ ủ rũ như cái hôm ở nhà họ Đậu nữa, trông như biến thành một người khác vậy. Dù vậy, vẫn là cái kiểu làm người ta chướng mắt.
Mà nói gì thì nói, nếu không có anh ta giúp đỡ, tôi thật sự chẳng biết liệu có thể gửi tiền thành công hay không.
Tôi cầm tờ sổ tiết kiệm mỏng tang trong tay, giơ lên ánh nắng nhìn tới nhìn lui, cứ như sợ nó biến mất vậy.
Anh ta bật cười trước hành động của tôi, hỏi:
“Cô gửi hết tiền rồi, vậy tối nay tính ngủ ở đâu?”
Tôi vác theo đống hành lý to gần bằng người, đứng trước mặt anh ta, cau mày đáp trả:
“Liên quan gì đến anh?”
Anh ta cũng không nổi giận, trái lại còn nhẹ nhàng hỏi tiếp:
“Chưa từng nghĩ đến chuyện quay lại đi học à?”
“Lúc nãy tôi vừa nói với cô nhân viên kia là cô định gửi tiền để ôn thi đại học đấy.”
Bảo sao lúc rời đi, cô ta còn cố liếc nhìn tôi lần nữa, chắc trong lòng cũng chẳng tin nổi.
Đi học ư? Chỉ hai chữ ấy thôi đã khiến những ký ức bị chôn vùi bấy lâu bỗng ùa về như sóng triều.
Nhớ hồi tôi mới học lớp 7, mẹ tôi cứ dăm bữa nửa tháng lại chạy lên trường, viện đủ mọi lý do để gọi tôi về nhà giúp việc, nào là đi kiếm công điểm, nào là ra đồng nhặt cỏ… Bà luôn nghĩ ra cách để kéo tôi khỏi sách vở.
Lúc đó, tôi không hiểu vì sao mẹ lại làm như vậy. Về sau, những đêm trằn trọc không ngủ được, tôi cứ nằm suy nghĩ mãi, lâu dần cũng hiểu ra.
Hóa ra, bà không muốn làm người xấu, chỉ là đang đợi tôi tự mở miệng nói rằng mình không muốn đi học nữa.
Nhưng lúc ấy, tôi đâu có hiểu được tâm tư của bà. Mẹ tôi càng tỏ ra như vậy, tôi lại càng cứng đầu, càng muốn học.
Tối nào tôi cũng học dưới ánh đèn dầu leo lét, cứ thế cắn răng chịu đựng mà học hết cấp hai, còn thi được hạng nhất toàn khối.
Mỗi lần người trong làng gặp cha mẹ tôi đều nói: “Nhà ông bà Tống sắp có đứa con đỗ đại học rồi đó!”
Nghe đến đó, tuy cha mẹ tôi cũng cố gắng nặn ra một nụ cười, nhưng cái cười ấy lại chẳng thể nào chạm tới đáy mắt.
Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.